Tranh chấp về quyền thừa kế giữa vợ và chồng ngày càng trở nên phức tạp, nhất là khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển như hiện nay. Tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định rõ là cơ sở cho việc định đoạt tài sản thừa kế của vợ hoặc chồng. Điều này sẽ tránh được trường hợp tài sản riêng của người còn sống cũng bị đưa vào di sản. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc ngay trong nội dung quy định về quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ và chồng.
Khoản 3 Điều 31 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định việc hạn chế phân chia di sản được thực hiện trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình. Tuy nhiên, điều luật này lại chưa quy định khoảng thời gian tối đa cho việc hạn chế phân chia di sản. Điểm 4b Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP quy định: Khi thuộc trường hợp này thì người có yêu cầu chia di sản thừa kế mới chỉ có quyền yêu cầu xác định phần di sản mà họ được hưởng và họ chỉ có quyền yêu cầu chia di sản sau một thời hạn nhất định, cụ thể là ba năm, nếu trong thời hạn này bên còn sống là vợ hoặc chồng của người đã chết chưa kết hôn với người khác. Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy định: Thời hạn chưa cho chia di sản thừa kế theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật HN&GĐ năm 2000 là không quá 3 năm.
Theo quy định tại Điều 686 BLDS năm 2005 thì thời hạn này là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Nhưng cả hai luật này cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đều không quy định bất kỳ căn cứ nào làm cơ sở để xác định thời hạn hạn chế phân chia di sản là dài hay ngắn trong khoảng thời gian 3 năm mà đã đặt cho TA toàn quyền quyết định. Dường như pháp luật đặt cho TA một quyền quá lớn trong việc quyết định thời gian cho việc hạn chế phân chia di sản và quyết định xem việc hạn chế phân chia này chấm dứt trong trường hợp nào (trừ trường hợp bên còn sống đã kết hôn với người khác) mà không cần phải dựa trên quy định nào của pháp luật.