Thời kỳ đất nước chưa thống nhất (1954-1975)

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận và thực tiễn điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng theo luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 28)

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai nhiệm vụ cách mạng: Miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ, đấu tranh thống nhất đất nước.

1.4.4.1. Ở miền Bắc

Những thành tựu của cuộc cải cách ruộng đất đã tạo điều kiện vật chất cần thiết cho sự hình thành các quan hệ sản xuất mới và cho sự hình thành cơ sở kinh tế của chế độ XHCN. Dưới tác động của chế độ kinh tế mới, quan hệ tài sản của vợ chồng đã có những thay đổi nhanh chóng.

Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được Quốc hội Khoá I Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 31-12-1959. Điều 24 Hiến pháp quy định “ Phụ nữ

nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội và gia đình.

Các giải pháp chi tiết của vấn đề hoàn thiện chế độ HN&GĐ đã được xây dựng và ghi nhận tại Luật HN&GĐ năm 1959- Luật HN&GĐ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được Quốc hội thông qua ngày 29-12-1959. Trong đó, những nội dung về quan hệ giữa vợ chồng được Luật quy định, như: quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, vợ chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau, vợ chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau... Do hầu hết các tư liệu sản

xuất đều thuộc sở hữu Nhà nước hoặc được tập thể hoá, sở hữu tư nhân chỉ bao gồm các tư liệu tiêu dùng, vợ chồng hầu như chỉ có các tài sản phục vụ sinh hoạt. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người vợ trong quan hệ gia đình về tài sản, trong bối cảnh của cuộc đấu tranh xoá bỏ tàn dư của chế độ PK, Luật HN&GĐ năm 1959 quy định vợ chồng có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới (Điều 15). Vì điều kiện hoàn cảnh lịch sử lúc đó, nên chưa có điều kiện để thừa nhận quyền có tài sản riêng của vợ chồng, quyền chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại.

Có thể nói, việc ban hành Luật HN&GĐ năm 1959 là một bước phát triển để hoàn thiện dần hệ thống pháp luật HN&GĐ, là cơ sở để từng bước xây dựng ngành luật HN&GĐ trong toàn bộ hệ thống pháp luật XHCN của Nhà nước Việt Nam.

1.4.4.2. Ở miền Nam

Thời kỳ 1954-1975, đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân Pháp nhảy vào tiếp tục chính sách xâm lược của chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Trong gia đoạn này, đế quốc Mỹ và chế độ ngụy quyền Sài Gòn đã ban hành một số văn bản pháp luật áp dụng trong các quan hệ HN&GĐ. Đó là:

- Luật Gia đình ngày 2/1/1959 dưới chế độ Ngô Đình Diệm (Luật số 1- 59).

- Sắc luật số 15/64 ngày 23/7/1964 về giá thú, tử hệ và tài sản cộng đồng. - Bộ dân luật ngày 20/12/1972 của chính quyền ngụy Sài Gòn.

Nội dung Luật gia đình đã đề ra nhiều quy định xa lạ với phong tục tập quán dân tộc, quy định nhiều điều cấm đoán, xử phạt khắt khe đối với việc vi phạm nghĩa vụ vợ chồng, đặc biệt Luật Gia đình cấm vợ chồng không được ly hôn (Điều 55)… Nhiều vấn đề quan trọng khác trong lĩnh vực gia đình đã bị

bỏ trống trong Luật này như vấn đề thừa kế tài sản giữa vợ và chồng. Quyền có tài sản riêng của vợ, chồng không được thừa nhận (khoản 1 Điều 47).

Khác với Luật gia đình năm 1959, Sắc luật số 15/64 và Bộ dân luật năm 1972 quy định, bên cạnh khối tài sản chung, vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tuy nhiên, người chồng xuất phát từ tư cách là người gia trưởng trong gia đình đã được pháp luật dưới chế độ Sài Gòn cũ trao quyền quản lý tài sản trong gia đình bao gồm cả tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng (Điều 153 Bộ dân luật năm 1972).

Nhìn chung, cả ba văn bản pháp luật này tuy đã bãi bỏ chế độ đa thê song vẫn thừa nhận nguyên tắc bất bình đẳng giữa vợ và chồng, quyền gia trưởng của người chồng tiếp tục được duy trì, tuy không còn mang tính tuyệt đối như trong cổ luật. Các văn bản này chính là công cụ của chính quyền phản động, đi ngược lại với ích lợi của nhân dân lao động.

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận và thực tiễn điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng theo luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 28)