Trong quan hệ sở hữu giữa vợ và chồng

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận và thực tiễn điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng theo luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 77 - 91)

Bình thường, khi quan hệ tình cảm giữa vợ chồng chung sống hòa thuận, hạnh phúc thì quan hệ sở hữu tài sản giữa vợ chồng không phải là vấn đề quá

phức tạp, có chăng chỉ là những vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật về hình thức. Nhưng khi mâu thuẫn xảy ra hoặc khi ly hôn, tranh chấp về quyền sở hữu tài sản là một vấn đề nóng bỏng. Việc xác định đâu là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng là một việc làm then chốt, có tính quyết định để tạo cơ sở giải quyết các tranh chấp này. Nhưng, không phải lúc nào các văn bản pháp luật cũng có thể đáp ứng được những khó khăn trong thực tiễn với những quan hệ phức tạp nảy sinh.

3.1.2.1. Khó khăn trong xác định tài sản của vợ chồng

- Khoản 3 Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: “Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung”. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này gặp một số khó khăn, trở ngại.

Nếu theo quy định của khoản 3 Điều 27 Luật HN&GĐ thì nguyên tắc suy đoán tài sản chung được đặt ra như một trở ngại không những đối với vợ, chồng trong việc chứng minh tài sản là của riêng, mà còn là trở ngại đối với người thứ ba, cụ thể là các chủ nợ riêng của vợ, chồng (các chủ nợ chỉ được đảm bảo thanh toán bằng tài sản riêng) trong việc yêu cầu kê biên tài sản riêng. Các chủ nợ riêng này muốn kê biên tài sản riêng của vợ, chồng mắc nợ, buộc phải chứng minh tài sản mà họ yêu cầu kê biên là tài sản riêng của người mắc nợ. Trong trường hợp này, quy định của pháp luật đã gián tiếp gây bất lợi cho người thứ ba khi tham gia giao dịch chỉ với vợ hoặc chồng.

- Nếu tài sản gốc là tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh trong trường hợp này là tài sản riêng của người đó hay thuộc khối tài sản chung của cả hai vợ chồng? Ví dụ một người mua xổ số trước ngày kết hôn, sau khi kết hôn thì có kết quả và trúng số độc đắc, số tiền thưởng sẽ là tài sản chung của vợ chồng hay chỉ là tài sản riêng của người vợ hoặc người chồng đã mua sổ xố?

- Trong trường hợp tài sản riêng của vợ, chồng được đem trộn lẫn, sáp nhập, chế biến trong thời kỳ hôn nhân thì tài sản mới tạo ra thuộc khối tài sản chung của vợ chồng hay vẫn là tài sản riêng của vợ, chồng được tính theo phần hoặc theo giá trị?

- Trong trường hợp tài sản chung hoặc tài sản riêng của vợ chồng được đem sáp nhập trộn lẫn chế biến với tài sản của người khác để tạo thành tài sản mới thì phần quyền sở hữu với tài sản mới thuộc sở hữu chung của vợ chồng hay vẫn thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng phụ thuộc vào nguồn gốc tài sản?

- Tài sản có được do xác lập quyền sở hữu theo các điều từ Điều 239 đến Điều 244 và Điều 246, Điều 247 BLDS thì sẽ được coi là tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng của người thực hiện hành vi để xác lập quyền sở hữu này. Các trường hợp này bao gồm các tài sản có được do nhặt được vật do người khác đánh rơi, bỏ quên, nhặt được vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu, đào được vật bị chôn giấu, tìm thấy vật bị chìm đắm, bắt được gia súc, gia cầm bị thất lạc, các trường hợp được xác lập quyền sở hữu với vật nuôi dưới nước, tài sản có được do xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu, tài sản có được do phán quyết của các cơ quan có thẩm quyền.

Ví dụ: Một người bắt được một con bò bị lạc, sau khi đã báo cho ủy ban nhân dân xã nơi cư trú để thông báo rộng rãi cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Ba tháng sau người đó kết hôn, ba tháng sau nữa là hết thời hạn sáu tháng không có ai đến nhận bò, con bò là tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng của người bắt được con bò bị lạc?

Ví dụ: Một người mua một bức tượng bằng vàng chiếm hữu công khai, liên tục, nhưng không biết đó là đồ ăn trộm, 9 năm sau người đó kết hôn, một năm sau khi kết hôn, bức tượng bằng vàng sẽ thuộc sở hữu chung của vợ chồng hay là tài sản riêng của vợ, chồng?

3.1.2.2. Một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong quá trình sử dụng tài sản của vợ chồng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

- Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh quy định khá cụ thể và chặt chẽ, tuy nhiên, trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh không bắt buộc phải có văn bản thỏa thuận về việc sử dụng tài sản chung của vợ chồng để sản xuất, kinh doanh (nếu người đứng tên xin thành lập doanh nghiệp đang có vợ hoặc chồng và dùng tài sản chung để đầu tư sản xuất, kinh doanh). Mặt khác, việc xác định thỏa thuận của vợ chồng trong việc định đoạt phần vốn góp vào doanh nghiệp là không thực hiện được. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật HN&GĐ thì khi định đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc dùng tài sản để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng thỏa thuận theo một hình thức nhất định là văn bản; nếu chồng hoặc vợ định đoạt tài sản có giá trị lớn không có sự đồng ý của bên vợ hoặc chồng kia thì bên đó có quyền yêu cầu TA tuyên bố giao địch đó là vô hiệu (Điều 4 Luật HN&GĐ năm 2000, Điều 4 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP). Thực tế, vợ chồng thường sử dụng hình thức thỏa thuận miệng hoặc biết nhưng im lặng.

- Trong trường hợp tài sản của vợ chồng hoặc của vợ, chồng sử dụng để thành lập doanh nghiệp tư nhân, với trách nhiệm vô hạn, khi doanh nghiệp phá sản thì việc xử lý tài sản, xử lý nợ… như thế nào để đảm bảo quyền lợi của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là con cái? Hoặc trong trường hợp vợ hoặc chồng dùng tài sản riêng của mình góp vốn vào doanh nghiệp thì theo Điều 27 Luật HN&GĐ hiện hành, lợi tức thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh là tài sản chung vì đó cũng là khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hôn nhân (trừ trường hợp tài sản đã được chia trong thời kỳ hôn nhân), nhưng khi doanh nghiệp bị phá sản thỉ trách nhiệm pháp lý được đặt ra chỉ đối với bản thân người trực tiếp góp vốn bằng tài sản của

mình vào doanh nghiệp hay trách nhiệm pháp lý là chung cho cả vợ và chồng?

- Trong hoạt động của thị trường chứng khoán hiện nay, mọi cá nhân đều có quyền tự do đầu tư chứng khoán. Theo Luật chứng khoán thì trung tâm lưu ký chứng khoán và thành viên lưu ký chứng khoán có trách nhiệm bảo mật các thông tin liên quan đến sở hữu chứng khoán của khách hàng, từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tài sản của khách hàng mà không có sự đồng ý của khách hàng. Nhưng nếu vợ chồng tham gia vào thị trường chứng khóan như mua, bán chứng khoán thì quy định trên khó khả thi, rất khó kiểm soát, giao dịch mà vợ chồng thực hiện là giao dịch chung hay là giao dịch của một bên vợ chồng. Việc xác định quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng trong trường hợp này là rất khó.

- Việc vợ, chồng gửi tiền, rút tiền tại ngân hàng chỉ do một bên vợ hoặc chồng thực hiện. Trong những trường hợp này, sổ tiết kiệm hay tiền rút từ ngân hàng của vợ, chồng là tài sản chung hay tài sản riêng?

Hoặc việc xác định tiền vay và tài sản hình thành từ tiền vay là tài sản thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng của vợ, chồng. Trên thực tế, việc vận dụng các quy định của pháp luật về vấn đề này rất khác nhau. Có những ngân hàng đồng ý cho vợ, chồng có thể thế chấp sổ tiết kiệm ở ngân hàng để vay vốn mà không cần sự thể hiện ý chí của người vợ, người chồng còn lại. Điều này dẫn tới tình trạng vợ chồng có thể tùy tiện thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ chế quản lý cũng như xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng là rất phức tạp.

- Hoặc trong quan hệ bảo hiểm: Luật kinh doanh bảo hiểm quy định một số hợp đồng bảo hiểm như hợp đồng bảo hiểm con người, tài sản… Nếu vợ chồng với tư cách là người mua bảo hiểm cho nhau hoặc được người khác mua bảo hiểm cho mình thì số tiền mà vợ, chồng được thụ hưởng được xác

định là tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng? Hoặc vợ, chồng vừa là người được bảo hiểm vừa là người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm thì số tiền bảo hiểm sẽ được xác định là tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng của một bên vợ, chồng? Những nội dung này chỉ có thể được giải quyết khi xác định đúng chủ thể tham gia với tư cách người mua bảo hiểm là ai, mục đích mua bảo hiểm cho ai và đặc biệt là phải xác định rõ phí đóng bảo hiểm được lấy từ đâu (tài sản chung hay tài sản riêng). Và như vậy, vấn đề lại quay ngược trở lại nội dung của Luật HN&GĐ, đó là vấn đề xác định rõ đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng của vợ, chồng.

- Về việc đại diện cho nhau giữa vợ và chồng (Điều 24 Luật HN&GĐ): Trong thực tế đối với những tài sản nào được xem là có giá trị lớn để buộc phải có sự đồng ý của cả vợ và chồng khi tham gia giao dịch thì chưa có quy định cụ thể, nhất là đối với những loại hợp đồng pháp luật quy định về hình thức có thể thoả thuận bằng miệng hoặc bằng văn bản, việc xác định sự đồng ý thoả thuận gặp nhiều khó khăn (chẳng hạn: vay tài sản trị giá 500 triệu đồng các bên có thể thoả thuận dưới hình thức miệng hoặc bằng văn bản, nhưng mua bán nhà có trị giá 450 triệu thì bắt buộc phải bằng văn bản có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, trước bạ, sang tên...).

Mặc dù Luật HN&GĐ không thể quy định cụ thể những vấn đề mang tính chuyên sâu của các ngành luật khác, nhưng việc đặt ra những nguyên tắc xử sự cũng như quy định rõ để xác định rõ nguồn gốc tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong quan hệ tài sản là điều cần phải có trong Luật HN&GĐ.

3.1.2.3. Vướng mắc trong các quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Luật HN&GĐ thì vợ, chồng có thể yêu cầu Toà án giải quyết việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nếu không có hoặc không thoả thuận được. Tuy nhiên, Luật HN&GĐ và các văn bản hướng dẫn có liên quan chưa quy định cụ thể nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân khi việc chia tài sản chung đó thuộc thẩm quyền của Toà án. Do đó, trong thực tiễn áp dụng, Toà án sẽ gặp khó khăn khi vận dụng căn cứ pháp lý để giải quyết các tranh chấp phát sinh.

- Về xác định căn cứ chia là chính đáng:

Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có thể được thực hiện theo hai hình thức là theo thỏa thuận của vợ chồng hoặc do TA quyết định khi vợ chồng không thỏa thuận được và có yêu cầu TA giải quyết. Hình thức thứ nhất thường được nhiều người lựa chọn vì nó vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa tạo tâm lý thoải mái, không làm rạn nứt quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, Luận HN&GĐ hiện hành quy định việc chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân đang tồn tại chỉ được thực hiện ở một trong ba trường hợp: một trong hai bên vợ chồng muốn đầu tư kinh doanh riêng; thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng; hoặc có lý do chính đáng khác. Nhưng, khi vợ chồng có thể tự thỏa thuận việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và lập thành văn bản có công chứng thì cơ quan công chứng không có nghĩa vụ kiểm tra xem việc chia này có xuất phát từ các căn cứ chia theo Luật định không, và pháp luật lại chưa có cơ chế để kiểm tra một cách chặt chẽ các căn cứ chia trong trường hợp này. Hơn nữa, những quy định của pháp luật hiện hành cũng không thể xác định rõ như thế nào là “có lý do chính đáng” để xem xét căn cứ chia tài sản chung của vợ chồng có đúng hay không.

- Về quyền khởi kiện của người thứ ba đối với việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân:

Theo quy định của Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000 thì việc yêu cầu TA chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân chỉ có thể là vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng, người thứ ba trong trường hợp này không có quyền khởi kiện. Việc pháp luật không thừa nhận quyền khởi kiện của người thứ ba trong trường hợp này về nguyên tắc là phù hợp vì thỏa thuận chia tài sản chung và yêu cầu TA chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là quyền gắn liền với nhân thân của vợ chồng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc khi áp dụng quy định này. Theo luật hiện hành, khi vợ, chồng có nghĩa vụ tài sản riêng thì nghĩa vụ tài sản đó được thực hiện bằng tài sản riêng của họ, tài sản chung của vợ chồng không sử dụng cho việc thanh toán các khoản nợ này trừ khi vợ chồng có thoả thuận (Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2000). Vấn đề đặt ra là, rất có thể vợ hoặc chồng có nghĩa vụ tài sản không có hoặc không đủ tài sản riêng để thanh toán các khoản nợ và vợ chồng đã không có thỏa thuận hoặc yêu cầu TA chia tài sản chung để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản. Vì vậy, nếu không thừa nhận quyền yêu cầu của người có quyền (chủ nợ) về chia tài sản chung của vợ chồng để lấy phần tài sản của người có nghĩa vụ thanh toán nợ, thì quyền lợi của người thứ ba được đảm bảo như thế nào?

- Về trách nhiệm của vợ chồng đối với gia đình sau khi chia tài sản chung:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong thời kỳ hôn nhận, nếu có lý do chính đáng vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung bằng văn bản mà không quy định trách nhiệm của họ đối với gia đình sau khi chia tài sản chung. Giả sử, ngay sau khi kết hôn với lý do kinh doanh riêng, vợ chồng có thoả thuận toàn bộ tài sản chung được chia, tài sản của ai làm ra thuộc về người đó, thì khi đó lợi ích gia đình được đặt ở vị trí nào? Mặc dù có quy định về việc chịu trách nhiệm liên đới trong giao dịch vì nhu cầu thiết yếu của gia

đình nên việc chia tài sản chung này không phải là phủ nhận hoàn toàn những lợi ích chung của gia đình. Nhưng nếu thoả thuận chia toàn bộ tài sản chung được thực hiện thì quan hệ hôn nhân chỉ còn tồn tại về mặt nhân thân, còn quan hệ tài sản giữa vợ chồng đã được dân sự hóa, bản chất của hôn nhân XHCN vì thế không được đảm bảo thực hiện.

- Về thời điểm có hiệu lực của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận và thực tiễn điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng theo luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 77 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)