Nguyên nhân

Một phần của tài liệu tăng cường quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các công ty cổ phần chứng khoán ở việt nam (Trang 107 - 113)

6. Kết cấu luận án

2.3.3. Nguyên nhân

2.3.3.1. Nhóm nguyên nhân bên ngoài công ty

Một là, các cơ quan quản lý như UBCKNN, SGDCK chưa có những quy

định cụ thể để giúp công ty chứng khoán hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, toàn diện quy trình quản lý rủi ro. Hiện nay quy định về QLRR đối với CTCK chủ yếu dựa trên Thông tư 226 về Tỷ lệ an toàn tài chính. Trong đó nhấn mạnh đến quy định về an toàn vốn, nhưng chưa đưa ra được những quy định cụ thể về đo lường và xử lý rủi

ro như hệ thống các NHTM đang làm, chẳng hạn như Basel I, II, III. Hơn nữa, các chế tài về xử lý rủi ro chưa sát với thực tế, còn nhẹ và mang nặng tính tượng trưng, do đó dù đã có những quy định về việc QLRR ở các CTCK như thông tư 226 nhưng thực tế vẫn có rất nhiều sai phạm xảy ra và các CTCK vẫn tiếp tục mắc phải.

Hai là, TTCK Việt Nam còn khá mới mẻ, chưa cung cấp nhiều các công cụ, sản phẩm đa dạng, phong phú, đặc biệt thiếu hẳn thị trường chứng khoán phái sinh - nơi cung cấp và giao dịch các công cụ phòng hộ rủi ro như các hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn, hoán đổi... Điều này dẫn đến các chủ thể tham gia TTCK, bao gồm cả các CTCK thường gặp khó khăn trong vấn đề tìm kiếm các công cụ phòng hộ và xử lý rủi ro. Chủ yếu các biện pháp xử lý rủi ro là hạn chế các rủi ro xảy ra bằng các nghiệp vụ kiểm soát nội bộ, kiểm tra đối chiếu... Các công ty không có nhiều cơ hội để chủ động phòng ngừa rủi ro dẫn đến việc chấp nhận song hành cùng các rủi ro trong hoạt động kinh doanh để kiếm được lợi nhuận cao hơn.

Ba là, những quy định, hành lang pháp lý đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán đang tạo ra môi trường kinh doanh quá thận trọng. Chẳng hạn như các quy định cho vay chứng khoán: mua ký quỹ, bán khống vẫn còn khá dè dặt và mang tính cấm đoán, phải tách biệt giữa hoạt động NHTM và kinh doanh chứng khoán, do đó đã phần nào hạn chế các nghiệp vụ, hoạt động kinh doanh của công ty dẫn đến việc các công ty muốn phát triển buộc phải “xé rào” thực hiện các nghiệp vụ bán khống, liên kết với NHTM để cho vay, mặc dù biết rằng điều này là rất rủi ro.

Bốn là, các chương trình giảng dạy ở Việt Nam chưa đề cập sâu và riêng biệt đối với lĩnh vực quản trị rủi ro nên ít người có chuyên môn về lĩnh vực này. Đây là vấn đề liên quan đến nhân lực của việc QLRR. Muốn QLRR tốt không chỉ cần mô hình tổ chức hợp lý, quy trình cụ thể logic mà còn cần chất lượng của những người thực hiện việc QLRR. Do đây là vấn đề mới trên thị trường nên ở các trường đại học ở Việt Nam chưa có những chương trình giảng dạy, các môn học chuyên sâu về lĩnh vực này. Các sinh viên không được tiếp cần với vấn đề nên không nhận thức rõ được sự quan trọng hay các hậu quả của viêc không quản lý tốt các rủi ro trên thị

trường. Do đó các CTCK thiếu nguồn nhân lực được đào tạo trong lĩnh vực QLRR khiến cho việc QLRR ở hiện tại và tương lai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

2.3.3.2. Nhóm nguyên nhân bên trong công ty

Mô hình tổ chức, hoạt động của CTCK còn nhiều bất ổn, chưa xác định được một mô hình tối ưu, phù hợp với TTCK Việt Nam nên chưa có điều kiện để áp dụng hiệu quả mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại trong quản lý, điều hành CTCK. Hơn nữa, cơ cấu tổ chức hoạt động của CTCK Việt Nam khác với mô hình Ngân hàng đầu tư tại các nước trên thế giới, do đó chưa triển khai được hệ thống QLRR như các NHĐT đã làm. Trên thực tế, NHĐT thực chất là một Công ty chứng khoán nhưng ở mức độ phát triển cao hơn với các loại nghiệp vụ đa dạng và phức tạp hơn. Ở một số nước, xu hướng chuyển sang mô hình NHĐT khá rõ ràng và được quy định cụ thể trong luật. Chẳng hạn, theo pháp luật Cộng hòa Pháp, ban đầu CTCK được hiểu là công ty thực hiện môi giới CK trong khuôn khổ độc quyền chi phối của pháp luật. Hiện nay, theo Bộ luật tài chính tiền tệ, CTCK được chuyển đổi thành công ty dịch vụ đầu tư là những pháp nhân cung cấp dịch vụ đầu tư chứng khoán nhưng không có tư cách là tổ chức tín dụng. Đó không chỉ là CTCK như trước đây mà còn thực hiện các dịch vụ tương tự như các NHĐT: quản lý DMĐT, bảo lãnh phát hành, quản lý các công ty đầu tư, đại lý thị trường liên ngân hàng và cung cấp các dịch vụ tài chính khác. Mô hình tổ chức hoạt động của các NHĐT rất chặt chẽ trong đó mô hình QLRR thường quy định cụ thể và rõ ràng như đã đề cập trong phần kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Nguồn nhân lực. Lực lượng lao động hành nghề trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán có sự phát triển nhanh cùng với sự phát triển của thị trường, đặc biệt trong giai đoạn bùng nổ TTCK 2006-2008. Số liệu thống kê cho thấy tổng số nhân viên làm việc trong ngành chứng khoán cuối năm 2008 là 5,046 người, tăng 3,66 lần so với năm 2006. Con số này tiếp tục tăng lên 9% trong năm 2009 và 20% trong năm 2010. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là đi kèm với tốc độ gia tăng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực lại chưa được đảm bảo.

- Tỷ trọng nhân viên CTCK có giấy phép hành nghề mới chỉ chiếm khoảng 55% tổng số nhân viên. Như vậy, gần một nửa số nhân viên hiện đang làm việc trong ngành chứng khoán chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn hành nghề.

Nguồn: Báo cáp thường niên UBCKNN & CTCK

Biểu đồ 2.11 Tình hình cấp giấy phép hành nghề KDCK qua các năm

- Đội ngũ nhân sự có chuyên môn về tài chính doanh nghiệp và luật pháp để có thể thực hiện tư vấn và thực hiện các nghiệp vụ trong bảo lănh phát hành, tư vấn tái cấu trúc tổ chức doanh nghiệp, tư vấn phát hành, niêm yết lại rất mỏng. Nhân sự cao cấp, cán bộ điều hành quản lý ở các công ty luôn thiếu hụt hoặc có chất lượng thấp do số lượng công ty tăng nhanh, kéo theo sự cạnh tranh về nguồn nhân lực. Việc tuân thủ đạo đức hành nghề còn hạn chế và cá biệt đã có một số trường hợp người hành nghề vi phạm pháp luật bị xử lý như tại CTCK SME, Bảo hiểm dầu khí trong năm 2012 …

- Kiến thức về QLRR của các nhân viên còn yếu. Phần lớn các nhân viên trong phòng quản lý rủi ro là những người không có chuyên môn sâu về lĩnh vực mà họ đang làm việc. Khi không có kinh nghiệm và những hiểu biết về việc QLRR sẽ làm cho việc QLRR không hiệu quả. Họ không nhận biết được các rủi ro, không có những biện pháp để tránh các rủi ro, không ước lượng được các ảnh hưởng về tài

chính mà các rủi ro có thể mang lại từ đó không có những dự phòng cần thiết để bù đắp các khoản lỗ đó.

- Chế độ đãi ngộ dành cho các nhân viên trong phòng quản lý rủi ro chưa cao, thường thấp hơn các nhân viêc của các bộ phận khác trong CTCK. Do đó các nhân viên trong phòng QLRR thường không có động lực trong công việc, không làm việc với tinh thần cao nhất. Việc không có chế độ lương thưởng cho phòng QLRR như các phòng kinh doanh khác của công ty khiến tâm lý người lao động cũng bị ảnh hưởng theo tâm lý của công ty về vấn đề QLRR, tức là không coi trọng vấn đề QLRR.

- Công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ QLRR cho nhân viên trong các CTCK chưa được chú trọng, hoặc nếu có chỉ mang tính thời điểm và cá biệt. Chưa tạo ra được môi trường đào tạo thường xuyên, liên tục và mang tính hệ thống trên phạm vi toàn công ty.

Công nghệ thông tin. Kỹ thuật, công nghệ được xem là một trong nhưng công cụ giúp CTCK gia tăng sức mạnh cạnh tranh trên TTCK. Đây là chìa khóa giúp CTCK có thể cung ứng các dịch vụ cho khách hàng một cách nhanh và tiện ích nhất. Trong những năm qua các CTCK Việt Nam không ngừng đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh như đầu tư hệ thống thiết bị giao dịch, hệ thống giao dịch từ xa để kết nối giao dịch trực tuyến với các Sở GDCK. Tuy nhiên, theo đánh giá cuối năm 2012, mới chỉ có hơn 60% trong tổng số các CTCK đang hoạt động tại Việt Nam đạt chuẩn về chất lượng công nghệ trong giao dịch. Hơn nữa, để đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng công nghệ, các CTCK phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để đầu tư hệ thống giao dịch. Song điều này không dễ dàng gì đối với các CTCK có quy mô nhỏ, nhất là trong bối cảnh thị trường ảm đạm trong những năm gần đây. Kết quả phân tích cho thấy, trung bình toàn ngành mức độ đầu tư TSCĐ trong các CTCK thường chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng một xu hướng đáng quan tâm là tỷ trọng giá trị TSCĐ/NVCSH của các công ty thời gian qua có xu hướng ngày một giảm và mức độ đầu tư ngược chiều với quy mô tài sản của công ty, năm 2011 tỷ trọng này chỉ là 3,47%, trong khi năm 2010 là 3,94%; năm 2009 là 4,44 % và năm 2008 là 4,81%.

Năng lực quản lý điều hành. Tại các Công ty cổ phần chứng khoán Việt Nam do nhiều lý do như tuổi đời non trẻ, tiềm lực hạn chế, trình độ cổ đông và ban lãnh đạo doanh nghiệp hạn chế nên quản trị doanh nghiệp nói chung, nhất là quản trị doanh nghiệp hiện đại chưa được quan tâm đúng mức. Trước áp lực cạnh tranh với nhau và với các doanh nghiệp nước ngoài già dặn trong kinh doanh, các CTCK Việt Nam đang bộc lộ những hạn chế về quản trị, đây là điểm yếu mà không thể khắc phục được trong một thời gian ngắn.

Với các công ty cổ phần kể cả những công ty đang niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và SGDCK Tp HCM, dù đã là công ty cổ phần đại chúng niêm yết song nhiều công ty hiện vẫn mang tư tưởng kinh doanh dựa trên quan hệ quen biết, không coi trọng lợi ích của các cổ đông nhỏ, chưa giải quyết hài hòa các mối quan hệ của công ty, chiến lược kinh doanh không rõ ràng, kinh doanh manh mún, bị động, chạy theo biến động thị trường, QLRR còn mang nặng tính hình thức.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Trên cơ sở lý luận chương 1, nội dung chương 2 tập trung đánh giá thực trạng quản lý rủi ro tại các công ty cổ phần chứng khoán Việt Nam dựa trên kết quả khảo sát 77 công ty. Trước khi phân tích kết quả khảo sát, luận án đánh giá khái quát đặc điểm hoạt động kinh doanh của nhóm công ty được khảo sát trên các mặt tổ chức hoạt động, nghiệp vụ kinh doanh, hiệu quả hoạt động và an toàn tài chính. Từ đó, luận án nhận diện một số loại rủi ro chính trong hoạt động kinh doanh của các công ty cổ phần chứng khoán Việt Nam.

Chương 2 cũng làm rõ Khung pháp lý về quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các công ty cổ phần chứng khoán Việt Nam, hệ thống các quy định về an toàn hoạt động cũng như quản lý rủi ro nói riêng đối với các CTCK.

Từ đó, luận án đã đánh giá sâu sắc, toàn diện thực trạng QLRR trong hoạt động kinh doanh của các CTCK trên thị trường Việt Nam thời gian qua dựa trên nhóm các chỉ tiêu cơ bản: tính độc lập của bộ phận QLRR, chính sách QLRR, hệ

thống cảnh báo sớm, hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ, an toàn tài chính. Những đánh giá này là cơ sở quan trọng để khái quát hóa những mặt đạt được, những mặt còn tồn tại, từ đó xây dựng hệ thống các giải pháp tăng cường QLRR nhằm khắc phục những nhược điểm và phát huy hiệu quả hơn nữa công tác QLRR tại CTCK.

CHƯƠNG 3

GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ RỦI RO TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN Ở VIỆT

NAM

Một phần của tài liệu tăng cường quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các công ty cổ phần chứng khoán ở việt nam (Trang 107 - 113)