6. Kết cấu luận án
3.2.8. Nâng cao năng lực tài chính
Để có thể thực hiện được các giải pháp nêu trên, vấn đề có ý nghĩa là CTCK cần có một nguồn lực tài chính vững mạnh. Các CTCK có một số phương thức nhất định có thể giúp tăng vốn:
Một là, gia tăng các nhà đầu tư chiến lược là các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài hoặc các định chế tài chính lớn trong nước để tạo sức bật về nâng cao tiềm lực tài chính cho công ty. Tỷ lệ cổ phiếu dành cho nhà đầu tư chiến lược phải phù hợp với các quy định của pháp luật về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh chứng khoán trên thị trường Việt nam, vừa khuyến khích được các nhà đầu tư chiến lược nhất là các đối tác nước ngoài tham gia góp vốn kinh doanh chứng khoán với đối tác trong nước.
Tuy nhiên, các CTCK cần phải nhận thấy rằng, thị trường dịch vụ chứng khoán Việt nam là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng với một quy mô thị trường ngày một mở rộng trong điều kiện nền kinh tế vẫn đang duy trì một tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, các khách hàng tiềm năng của CTCK như các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vẫn đang gia tăng mạnh mẽ. Đó là những tiềm năng mà các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài, các định chế tài chính trong nước không hề đánh giá thấp. Vì vậy, việc lựa chọn đối tác chiến lược cần đặt trong một mối quan hệ hài hòa giữa các bên với tư tưởng cần quán triệt là các CTCK trên thị trường được quyền và sẽ phải lựa chọn những đối tác mạnh để hợp tác kinh doanh.
Hai là, bên cạnh công cụ cổ phiếu phổ thông, trong điều kiện nền kinh tế, TTCK Việt nam còn nhiều khó khăn hiện nay nhưng triển vọng phát triển vẫn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tin tưởng, các CTCK đảm bảo năng lực tài chính lành mạnh, hiệu quả kinh doanh được duy trì ổn định trong những năm qua có thể sử dụng công cụ trái phiếu công ty nhất là công cụ trái phiếu có thể chuyển đổi với thời hạn thích hợp, để gia tăng tiềm lực tài chính trước hết là nguồn vốn vay nợ nhưng sau đó có thể chuyển đổi thành nguồn vốn chủ sở hữu. Thời hạn của trái phiếu có thể chuyển đổi nên từ 1-2 năm, lãi suất trái phiếu nên tiếp cận mức lãi suất huy động tiết kiệm của NHTM. Với những đặc tính đó sẽ có sức thu hút đáng kể với các nhà đầu tư dài hạn trên thị trường, có niềm tin vào triển vọng phát triển tốt trong tương lai của nền kinh tế nói chung và TTCK Việt nam nói riêng.
Ba là, tăng vốn thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Với các CTCK, có thể khuyến khích thực hiện qua phương thức này vì đây là phương thức có nhiều lợi ích như đã nói trên, ngoài ra cũng có thể phục vụ nhiều mục đích. Thông qua mua bán, sáp nhập giữa các CTCK với nhau, số lượng các CTCK cũng có thể giảm đi cho phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Các CTCK mới được hình thành cũng có năng lực tài chính cao hơn và có nhiều điều kiện thuận lợi do có lượng vốn lớn hơn, cơ sở khách hàng nhiều hơn, sử dụng hệ thống và nguồn lực tốt hơn… giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, từ đó tăng năng lực tài chính cho CTCK.
Bốn là, CTCK có thể thực hiện một số các giao dịch giúp huy động vốn thông qua nghiệp vụ chứng khoán hóa. Hoạt động này đã từng được coi là một nguồn vốn “vô tận” đối với các định chế trung gian tài chính vì hầu hết dòng tiền hay khoản phải thu nào cũng đều có thể được chứng khoán hóa để tạo ra nguồn vốn. Tuy nhiên, khi thực hiện các giao dịch này, các CTCK cần hiểu rõ cơ chế hoạt động, những rủi ro có thể gặp phải và có biện pháp quản trị rủi ro thích hợp để có thể vừa đáp ứng được nhu cầu huy động vốn vừa đảm bảo được an toàn tài chính cho bản thân mình, tránh một sự đỗ vỡ hệ thống như cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vừa qua.
Năm là, để dự phòng cho các trường hợp rủi ro, CTCK cũng có thể sử dụng các nguồn vốn bất thường như bảo hiểm hay các công cụ phái sinh có bản chất bảo hiểm (Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng – CDS, với điều kiện thị trường công cụ phái sinh đã được thiết lập trong tương lai tại Việt Nam). Các hợp đồng bảo hiểm và các công cụ này có thể giúp cung ứng vốn cho CTCK khi có thiệt hại xảy ra hoặc có nghĩa vụ phải thanh toán đối với khách hàng phát sinh từ rủi ro hoạt động.