6. Kết cấu luận án
1.1.3. Nguyên nhân rủi ro trong hoạt động kinh doanh Công ty Chứng khoán
1.1.3.1. Nhóm nguyên nhân khách quan
Môi trường chính trị, xã hội. Hoạt động kinh doanh của CTCK không thể tách rời môi trường chính trị, xã hội bởi đây vừa là tiền đề cho sự phát triển, nhưng đôi khi lại là nhân tố tác động làm gia tăng nguy cơ rủi ro trong kinh doanh. Các yếu tố của môi trường chính trị, xã hội có sự gắn bó chặt chẽ và tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh chứng khoán bao gồm: thể chế chính trị, vấn đề an ninh, trật tự an toàn xã hội, quan điểm trong quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế của chính phủ với các quốc gia khác trong tiến trình toàn cầu hóa, trong xu thế chính trị mới, ý thức của công chúng trong tiết kiệm và đầu tư. Môi trường chính trị - xã hội bất ổn là nguyên nhân gây ra nhiều rủi ro không lường trước và thường rất khó phòng tránh bởi nó thường là những rủi ro bất khả kháng. Hậu quả của rủi ro chính trị thường nghiêm trọng bởi đây cũng là nguyên nhân của nhiều rủi ro khác.
Môi trường kinh tế: hoạt động kinh doanh của CTCK luôn diễn ra trong bối cảnh kinh tế cụ thể như mức độ tăng trưởng hay suy thoái, mức độ ổn định của tỷ giá, lãi suất, lạm phát. Mỗi sự thay đổi của các yếu tố trên đều làm tăng mức độ rủi ro trong kinh doanh và ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của công ty.
Môi trường pháp lý: các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động TTCK có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các CTCK. Sự thay đổi thường xuyên của các quy phạm, quy định văn bản pháp lý hoặc có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật nói chung và TTCK nói riêng là nguyên nhân làm tăng tính bất ổn, rủi ro trong kinh doanh, tác động tiêu cực đến hoạt động của công ty.
Môi trường khoa học – kỹ thuật: phần lớn các sản phẩm, dịch vụ được CTCK cung cấp cho khách hàng dựa trên trình độ khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật một mặt góp phần thúc đẩy sự phát triển của công ty nhưng mặt khác cũng tạo ra những loại rủi ro mới trong kinh doanh. Công nghệ, kỹ thuật mới ra đời và nhanh chóng được áp dụng sẽ là nguy cơ rủi ro trong đầu tư cho công ty đang áp dụng công nghệ, kỹ thuật cũ, làm cho sản phẩm làm ra nhanh chóng bị loại bỏ.
Sự phát triển của thị trường chứng khoán đóng một vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả hoạt động kinh doanh của các CTCK. Một TTCK phát triển bền vững, được vận hành trong một môi trường pháp lý thống nhất, điều chỉnh các hoạt động của mọi chủ thế tham gia thị trường hiệu quả, có nhiều hàng hoá là các cổ phiếu, trái phiếu đa dạng, có chất lượng, có khối lượng giao dịch lớn sẽ là tiền đề cho CTCK phát triển. Tuy nhiên, những biến động thường xuyên của TTCK cũng gây ra những rủi ro kinh doanh đáng kể cho CTCK.
1.1.3.2. Nhóm nguyên nhân chủ quan từ phía công ty chứng khoán
Rủi ro trong hoạt động kinh doanh của CTCK còn xuất phát từ chính những nguyên nhân bên trong của công ty, bao gồm:
Thứ nhất, thái độ của CTCK đối với rủi ro. Đây là một nhân tố quan trọng làm tăng hoặc giảm rủi ro trong kinh doanh. Nếu CTCK chủ quan, không quan tâm, mất cảnh giác, rủi ro sẽ xảy ra thường xuyên hơn và hậu quả cũng nặng nề hơn. Ngược lại, nếu CTCK luôn quan tâm, cảnh giác thì rủi ro sẽ ít xảy ra hơn.
Thứ hai, những sai lầm của cá nhân, CTCK về việc lựa chọn chiến lược kinh doanh, từ đó gây ra những hậu quả nặng nề, kéo dài. Những sai lầm trong việc lựa
chọn chính sách, mô hình, cơ chế quản lý của CTCK có thể dẫn đến kinh doanh không hiệu quả. Những sai lầm trong lựa chọn phương thức, phương án, sản phẩm, dịch vụ, thị trường, đối tác, kinh doanh cũng dẫn đến thất bại trong kinh doanh.
Thứ ba, sự yếu kém về năng lực quản trị kinh doanh. Năng lực quản trị kinh doanh luôn được coi là một yếu tố đặc biệt quan trọng tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của chủ thể kinh doanh chứng khoán. Trong điều kiện hiện nay, dưới sức ép và tác động từ nhiều phía của môi trường kinh doanh, những yêu cầu sản phẩm dịch vụ cung cấp ngày càng đòi hỏi phải đáp ứng được các tiêu chuẩn hết sức khắt khe. Do vậy, nếu tổ chức kinh doanh chứng khoán không có một bộ máy quản lý kinh doanh đủ mạnh, sẽ không khai thác và sử dụng một cách tốt nhất các nguồn lực trong kinh doanh, không tận dụng mọi tiềm năng và cơ hội kinh doanh để ứng phó một cách linh hoạt với những biến động của môi trường, từ đó tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Thứ tư, sự yếu kém về năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Kinh doanh chứng khoán là một lĩnh vực đặc thù có sự chi phối lớn của năng lực chủ thể kinh doanh. Trong kinh doanh chứng khoán, quan hệ với khách hàng có tầm quan trọng số một. Sản phẩm càng trìu tượng thì nhân tố năng lực của chủ thể kinh doanh càng quan trọng. Để hoạt động kinh doanh chứng khoán đạt hiệu quả đòi hỏi bản thân chủ thể tham gia kinh doanh phải là người có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng phân tích tốt, hiểu biết lĩnh vực kinh doanh chứng khoán và TTCK mà mình hành nghề. Trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên không đáp ứng yêu cầu kinh doanh sẽ là những nguyên nhân gây ra rủi ro và sự thất bại của các CTCK.
Thứ năm, thiếu tinh thần trách nhiệm, đạo đức kinh doanh. Tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh chứng khoán là yếu tố quan trọng quyết định đến sự tin tưởng của khách hàng đối với những người làm nghề kinh doanh chứng khoán. Các tổ chức thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán là các tổ chức cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Để thu hút khách hàng thì yếu tố hàng đầu là phải tạo được sự tin tưởng. Bởi yếu tố đầu tiên đo lường chất lượng sản phẩm dịch vụ là uy tín của đơn vị cung ứng dịch vụ. Trên phương diện
này, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp còn quyết định đến sự tồn tại và phát triển của ngành kinh doanh chứng khoán. Tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của mọi thành viên trong tổ chức không theo chuẩn mực chung sẽ đe dọa đến mọi hoạt động của CTCK. Thiếu tinh thần trách nhiệm thường không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, gây trở ngại đến công việc chung, làm mất uy tín của công ty. Không có đạo đức dẫn đến biển thủ, lừa đảo, chiếm dụng, gây ra những xung đột lợi ích trong và ngoài công ty.
Thứ sáu, các mâu thuẫn trong nội bộ CTCK. Trong thực tế, các khối kinh doanh của CTCK cùng phục vụ nhu cầu cho một khách hàng. Một doanh nghiệp có thể thuê CTCK vừa làm tư vấn bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn mua bán sáp nhập doanh nghiệp, vừa làm môi giới đầu tư, quản lý tài sản, và vừa nằm trong danh sách phân tích của các nhân viên nghiên cứu. Điều này thường dẫn đến xung đột lợi ích giữa các khối như [12]:
- Khối nghiên cứu và khối bảo lãnh phát hành: khối nghiên cứu hoạt động theo nguyên tắc độc lập, khách quan nhằm đưa ra các đánh giá và khuyến nghị trung thực cho khách hàng. Khối bảo lãnh phát hành thường cố gắng tạo sự hấp dẫn cho các chứng khoán mà họ bảo lãnh để nhằm đảo bảo việc phát hành thành công. Các báo cáo đánh giá tiêu cực của khối nghiên cứu có thể làm giá chứng khoán sụt giảm sau khi phát hành và tạo ra sự sứt mẻ mối quan hệ của khối bảo lãnh phát hành với khách hàng và khả năng mất các hợp đồng trong tương lai.
- Khối nghiên cứu và khối tự doanh: các báo cáo nghiên cứu độc lập phát hành ra thị trường có thể tạo ra sự biến động giá liên quan đến các chứng khoán mà khối tự doanh nắm giữ đi ngược lại với kỳ vọng của nhân viên đầu tư tạo ra các khoản lỗ cho CTCK.
- Ngoài ra, các mẫu thuẫn trong nội bộ CTCK còn xuất phát từ động cơ làm việc của người lao động; cách tổ chức, quản lý và văn hóa doanh nghiệp, chế độ lương thưởng không hợp lý, lỗi lầm của người lao động, mối quan hệ, bầu không khí trong công ty …
1.1.3.3. Nhóm nguyên nhân thuộc về phía khách hàng
Đây là nguyên nhân rủi ro đến từ các đối tác của CTCK. Họ có thể là các nhà đầu tư, góp vốn liên doanh, liên kết, là bạn hàng của công ty. Đạo đức, kỹ năng, kinh nghiệm, tài chính, pháp luật, quản trị doanh nghiệp của các đối tác này sẽ ảnh hưởng quan trọng đến mối quan hệ giữa khách hàng và công ty. Việc ký kết, thực hiện hợp đồng với khách hàng cũng bao hàm cả những rủi ro mà CTCK phải tính đến như: mâu thuẫn trong các điều khoản, chọn luật, thanh toán và thuế, chuyển quyền sở hữu và rủi ro, các biện pháp khắc phục và xử lý vi phạm, giới hạn trách nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và giải quyết tranh chấp hợp đồng...
Trong hoạt động kinh doanh, bên cạnh vai trò trung gian môi giới, tư vấn bảo lãnh phát hành, CTCK còn hoạt động với nhiều nét của một tổ chức tín dụng, tức là có huy động vốn và cho vay. Chính từ mối quan hệ này đã phát sinh các nhân tố có thể gây ra rủi ro, tổn thất cho công ty như: Khách hàng đầu tư thua lỗ liên tục; Quản lý vốn không hợp lý dẫn đến thiếu khả năng thanh khoán; Không thẩm định chất lượng tín dụng chặt chẽ ....