6. Giới thiệu cấu trúc đề tài
2.1.3.1. Thuận lợi
Với vị trí địa lý nằm trên vùng giáp ranh giữa các tỉnh Yên Bái, Hoà Bình, Sơn La, đồng thời có 2 tuyến quốc lộ 32A, 32B, Tân Sơn có thế mạnh phát triển thương mại trao đổi hàng hoá với các huyện trong tỉnh, cũng như với các huyện thuộc tỉnh giáp ranh.
Lượng mưa hàng năm khá lớn, khí hậu ôn hoà, thuận lợi cho phát triển nhiều tiểu vùng sản xuất nông nghiệp đặc thù với nhiều loại cây trồng vật nuôi có thế mạnh.
Nguồn tài nguyên đất khá lớn, nhất là đất nông nghiệp và đất chưa sử dụng, đây là nguồn tài nguyên quan trọng cho việc mở rộng các hoạt động kinh tế, xây dựng các công trình văn hoá, giáo dục, y tế phục vụ nhu cầu người dân trong huyện.
Hệ thống sông, ngòi phong phú, nguồn nước dồi dào thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Nguồn tài nguyên rừng khá lớn với hệ thống động thực vật phong phú, thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ, bột giấy. Đây là nguồn lực để tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân lao động ở địa phương và góp phần phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp hoá.
Nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, có một số loại khoáng sản có trữ lượng khá như sắt, barit.. tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành công nghiệp khai khoáng.
Tân Sơn có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch, đặc biệt với Vườn Quốc gia Xuân Sơn có nhiều giá trị văn hoá phi vật thể của nhiều dân tộc sinh sống trên địa bàn. Đây thực sự là một lợi thế quan trọng cho việc phát triển ngành du lịch của huyện trong những năm tới.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của xã hội, kinh tế huyện Tân Sơn đã có những bước phát triển tích cực. Kinh tế của huyện đã có sự phát triển khá cao, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội thuộc các ngành, lĩnh vực có xu hướng tăng lên qua các năm. Cơ cấu kinh tế của huyện bước đầu đã có sự dịch chuyển theo xu thế tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ tăng lên, tỷ trọng ngành nông nghiệp có xu thế giảm xuống.
Với diện tích đất rộng và chưa được quy hoạch chi tiết, địa hình đa dạng có điều kiện kết nối với nhiều khu vực triển vọng phát triển về du lịch - dịch vụ.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư, xây dựng, đặc biệt là về hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường được mở rộng, nâng cấp, làm mới. Mạng lưới thuỷ lợi được quy hoạch lại, một số công trình được kiên cố hoá và xây dựng mới. Các công trình văn hoá, thể thao, y tế, giáo dục, mạng lưới điện và các công trình khác đã được quan tâm, đầu tư về vốn và quỹ đất. Trụ sở làm việc cấp huyện và các ban, ngành cấp huyện hiện tại đang được đầu tư xây dựng và hoàn thiện.
Huyện bước đầu xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển các khu, cụm công nghiệp, sản xuất kinh doanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huyện thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Nguồn lực lượng lao động dồi dào, người dân cần cù lao động cho phép huyện Tân Sơn có thể sử dụng vào các hoạt động phát triển kinh tế để thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá trong những năm tới.
Trên địa bàn huyện có cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống, với nhiều bản sắc văn hoá đặc trưng, trong những năm qua đời sống tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, an ninh quốc phòng được củng cố vững chắc.