Tăng cường QLNN bằng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học phải bảo đảm nâng cao vị trí, vai trò của các cơ sở giáo dục đại học

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.PDF (Trang 85)

học phải bảo đảm nâng cao vị trí, vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân, đưa giáo dục đại học phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò trọng yếu trong việc cung ứng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của sự phát triển xã hội, bổ sung cho lực lượng lao động xã hội một bộ phận lao động chất lượng cao, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các cơ sở giáo dục đại học không chỉ là môi trường nghiên cứu khoa học và thực hiện chức năng đào tạo, mà còn là nơi bồi dưỡng nhân cách con người. Giáo dục đại học là sự tiếp nối của giáo dục phổ thông và là tinh hoa của nền giáo dục quốc dân. Quy mô và chất lượng của giáo dục đại học càng được nâng cao thì nền giáo dục quốc dân càng phát triển.

Về mặt pháp lý, các trường cao đẳng, đại học phải luôn được xác định là những tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động không vì mục đích kinh doanh giống như các doanh nghiệp. Pháp luật phải tạo ra cơ chế để những cơ sở giáo dục đại học được thành lập, tồn tại và phát triển một cách ổn định, tránh xảy ra những xáo trộn về hoạt động đào tạo, đặc biệt là hạn chế tối đa việc giải thể nhà trường, gây ảnh hưởng lớn đến xã hội.

Pháp luật phải xác định được cơ cấu hợp lý của giáo dục đại học trong tổng thể các cấp đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, bảo đảm cơ cấu ngành nghề đào tạo, tăng số lượng người học, đa dạng hoá các loại hình đào tạo, thúc đẩy sự phát triển của phương thức giáo dục thường xuyên, kết hợp với phương thức giáo dục chính quy, nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sự tham gia của toàn xã hội vào việc đầu tư cho giáo dục đại học, đồng thời giám sát hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Những quy định của pháp luật cần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển song song các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập nhằm hình thành mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trong toàn quốc. Nhà nước cần có quy hoạch để tạo ra sự phân bố đồng đều các cơ sở giáo dục đại học giữa các vùng, miền; kết hợp chính sách đào tạo với chính sách việc làm của từng địa phương, từng khu vực và trong cả nước; có kế hoạch đầu tư xây dựng trường trọng điểm của khu vực và quốc gia, hướng tới mục tiêu xây dựng trường đại học ngang tầm khu vực, tiến tới đạt trình độ tiên tiến của thế giới.

QLNN đối với giáo dục đại học cũng cần có những chuyển biến mới để góp phần nâng cao vị thế của giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Do tầm quan trọng của công tác quản lý và từ thực trạng quản lý giáo dục đại học, phải đề ra được những giải pháp hữu hiệu để thực hiện quan điểm “quản lý giáo dục là khâu đột phá” và để đổi mới về cơ bản tư duy cũng như phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu lực và

hiệu quả quản lý giáo dục. Trong đó, việc tăng cường quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học phải được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, tách bạch chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đại học với chức năng sự nghiệp của các cơ sở đào tạo đại học, đề cao vai trò chủ động của các trường đại học, cao đẳng trong các hoạt động đào tạo của mình, nhưng đồng thời phải nâng cao trách nhiệm xã hội, phải chịu sự giám sát không chỉ của Nhà nước mà còn của toàn xã hội. Việc mở rộng và tăng quyền hạn cho các cơ sở giáo dục đại học phải gắn liền với việc bảo đảm cơ chế thực hiện trách nhiệm của các cơ sở đào tạo này, đảm bảo mọi hoạt động của chúng phải dựa trên cơ sở pháp luật.

Trong nền kinh tế đang chuyển đổi ở nước ta hiện nay, cơ chế thị trường cùng với sự tác động của các quy luật thị trường có những tác động trái ngược nhau tới sự phát triển của giáo dục đại học. Vì lẽ đó, pháp luật về giáo dục đại học có nhiệm vụ hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó đề cao tính nhân văn trong chính sách giáo dục đại học, bảo đảm giáo dục đại học không vận động chệch hướng mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã lựa chọn. Nhà nước phải ban hành những văn bản pháp luật nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục đại học thuộc các loại hình khác nhau, không phân biệt đối xử đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập, bởi vì sự phân biệt đó chỉ không những gây thua thiệt cho các trường ngoài công lập, mà còn làm giảm sức cạnh tranh của chính các trường công lập. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên dành cho hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập, khuyến khích phát triển thành phần này, nhưng đồng thời cũng phải tạo ra cơ chế bảo đảm quyền và lợi ích của người học, tránh tình trạng độc quyền trong việc cung ứng dịch vụ giáo dục đại học cho người dân.

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.PDF (Trang 85)