Thực trạng quá trình đưa pháp luật về giáo dục đại học vào trong cuộc sống

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.PDF (Trang 60)

trong cuộc sống

Luật Giáo dục năm 1998 được ban hành đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đưa pháp luật vào trong cuộc sống. Căn cứ vào những quy định của pháp luật, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và những chủ thể có liên quan đã tích cực hiện thực hoá nội dung của pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Những quy định của pháp luật về nội dung QLNN đối với lĩnh vực giáo dục, về thẩm quyền thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia tách, giải thể nhà trường (Điều 47), quyền và nghĩa vụ học tập của công dân (Điều 9) đã được triển khai vào đời sống thực tiễn và thu được những kết quả nhất định.

Hệ thống các trường đại học trong toàn quốc được củng cố, kiện toàn và phát triển mạnh mẽ. Nhiều trường đại học thuộc các loại hình đào tạo khác nhau được thành lập mới theo nhiều hình thức khác nhau như các trường đại học công lập, dân lập được thành lập mới hoàn toàn, các trường cao đẳng được nâng cấp lên thành trường đại học (như trường Cao đẳng Ngân hàng trở thành Học viện Ngân hàng), một số khoa của Đại học quốc gia trước đây trực thuộc trường đại học thành viên thì nay phát triển thành Khoa trực thuộc Đại học Quốc gia, có vị thế ngang hàng với các trường đại học thành viên khác (như Khoa Luật, Khoa Kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội,...). Bên cạnh đó, một số trường đại học trước đây được sắp xếp lại theo hướng sáp nhập vào Đại học quốc gia, đại học vùng, hoặc đổi tên trường đại học thành học viện (như Đại học Tài chính thành Học viện Tài chính).

Riêng trong năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập 8 trường đại học, 1 học viện, đổi tên 1 trường đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định thành lập 16 trường cao đẳng.

Tính đến tháng 2 năm 2005, cả nước đã có 230 cơ sở giáo dục đại học (không kể các trường thuộc khối An ninh, Quốc phòng), trong đó có 2 đại học quốc gia, 3 đại học vùng, 7 học viện, 82 trường đại học và 137 trường cao đẳng (bao gồm: 130 trường công lập, 3 trường bán công, 3 trường dân lập và 1 trường tư thục). Bên cạnh đó còn có 4 trường dự bị đại học, 1 trường đại học quốc tế và 3 trường thuộc loại hình khác.

Hệ thống các cơ sở giáo dục đại học phát triển mạnh mẽ đã thúc đẩy nhu cầu học tập bậc cao của xã hội, thu hút ngày càng nhiều người tham gia hưởng thụ giáo dục đại học ở nước ta. Điều đó được thể hiện trong số liệu ngày càng tăng về số lượng sinh viên theo học các trường cao đẳng, đại học trong những năm gần đây. Năm học 2001-2002 có 974.119 sinh viên, năm 2002-2203 là 1.020.667 sinh viên, năm 2003-2004 là 1.131.030 sinh viên và đến năm học 2004-2005, con số này đã là 1.319.754 sinh viên (tăng hơn 35% so với năm học 2001-2002), tức là chỉ sau 4 năm đầu của thế kỷ XXI, số lượng sinh viên Việt Nam đã tăng thêm gần 350.000 người [10, tr. 181].

Riêng năm học 2004-2005, số lượng sinh viên được tuyển mới vào các trường cao đẳng, đại học là 401.245 người; số lượng học viên cao học và nghiên cứu sinh được tuyển mới đào tạo sau đại học là 12.581 người; số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học là 195.633 người [10. tr. 196].

Hiện nay, tổng số sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học (ngoại trừ các trường thuộc khối An ninh, Quốc phòng) là 1.319.754 người, trong đó hệ chính quy là 689.704 người (chiếm 52,26%), hệ không chính quy là 401.456

người (chiếm 30, 41%), hệ cử tuyển là 3690 người, liên kết đào tạo hệ chính quy là 35.994 người, các hệ khác là 188.910 người (chiếm 14,31%).

Tuy nhiên, những số liệu nói trên về số lượng người theo học giáo dục đại học mới chỉ cho thấy phần nào khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội của giáo dục đại học ở nước ta, chứ chưa thể hiện được chất lượng thực sự của việc giảng dạy cũng như học tập trong lĩnh vực này.

Để thực hiện thống nhất nội dung đào tạo giáo dục đại học trong toàn quốc, trên cơ sở những quy định của Luật Giáo dục về nội dung, phương pháp đào tạo đại học, Bộ Giáo dục cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về chương trình đào tạo khung cho từng nhóm ngành riêng biệt, làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đào tạo áp dụng phù hợp với điều kiện của từng nơi.

Về phía các cơ sở giáo dục đại học cũng có những nỗ lực riêng, hỗ trợ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc quản lý nhà nước về giáo dục đại học trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Căn cứ Điều 65 của Luật Giáo dục năm 1998, các trường đại học, cao đẳng đã phát huy tính tự chủ và trách nhiệm xã hội trên 3 phương diện: đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Các trường đại học, cao đẳng cũng có quyền quyết định rộng hơn trước về các vấn đề nhân sự, tuyển sinh, tổ chức thi cử, v.v..

Ngày 16/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp, trong đó có các trường cao đẳng, đại học công lập. Văn bản này đã thể hiện bước chuyển biến về tư duy quản lý. Mặc dù hoạt động sự nghiệp có đặc thù khác với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, nhưng trước khi có Nghị định 10/2002/NĐ-CP, cơ chế quản lý đối với đơn vị sự nghiệp được quy định gần giống như cơ chế quản lý đối với cơ quan hành chính nhà nước, từ đó hạn

chế kết quả và hiệu quả hoạt động của các đơn vị này. Khi Nghị định 10/2002/NĐ-CP ra đời, mối quan hệ giữa đơn vị sự nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước đã có sự thay đổi theo hướng trao quyền tự chủ về quản lý biên chế, lao động, hoạt động chuyên môn, quản lý tài chính cho đơn vị sự nghiệp; cơ quan hành chính không làm thay và không can thiệp sâu vào hoạt động nội bộ của đơn vị sự nghiệp; đã có sự phân biệt rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính và chức năng cung cấp dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp. Trong những thay đổi trên, việc trao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu là điểm quan trọng nhất. Các đơn vị sự nghiệp có thu được chủ động bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ, được ổn định kinh phí hoạt động thường xuyên do ngân sách nhà nước cấp đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí theo định kỳ 3 năm và hàng năm được tăng thêm theo tỷ lệ do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Thực hiện Nghị định 10/2002/NĐ-CP, các cơ sở giáo dục đại học- những đơn vị sự nghiệp có thu- đã chủ động linh hoạt tổ chức hoạt động dịch vụ để thu hút ngày càng nhiều người tham gia học tập, hưởng thụ giáo dục đại học với chất lượng cao và chi phí hợp lý. Các trường đại học, cao đẳng, học viện đã sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thực hiện chế độ hợp đồng lao động nhằm làm giảm áp lực về biên chế, tháo gỡ khó khăn do đơn vị có nhu cầu lớn về lực lượng lao động nhưng chỉ tiêu biên chế được giao lại thấp. Các trường cao đẳng, đại học và học viện khi chuyển sang thực hiện Nghị định 10/2002/NĐ-CP được khoán phần kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, đồng thời tích cực khai thác các nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp và được chủ động sử dụng kinh phí tuỳ theo yêu cầu của đơn vị, bảo đảm chi tiêu hiệu quả, tiết kiệm trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ do đơn vị xây dựng. Việc trao quyền tự chủ tài chính cho các trường cao

phát triển hoạt động sự nghiệp của mình cả về quy mô và chất lượng. Các cơ sở giáo dục đại học đã triển khai nhiều loại hình đào tạo như chính quy tập trung, chính quy không tập trung, không chính quy, đào tạo từ xa, v.v. thu hút ngày càng nhiều số người theo học, ngày càng tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho người dân. Một số trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, ... đã tổ chức liên kết đào tạo với nước ngoài, mời chuyên gia nước ngoài đến mở trường lớp đào tạo, thực hiện chế độ du học tại chỗ hoặc gửi đi đào tạo tại nước ngoài,v.v.. Việc nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng, thực hiện các hợp đồng nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài nước cũng được đẩy mạnh trong các trường đại học. Có thể nói, việc ban hành Nghị định này là một bước đổi mới về phương thức quản lý, nới lỏng hơn cơ chế quản lý của nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học, nhờ đó đã góp phần mang lại những kết quả đáng ghi nhận như trên.

Bên cạnh đó, căn cứ vào những quy định của Luật Giáo dục về quản lý văn bằng, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các trường cao đẳng, đại học trong cả nước đã thành lập các ban chỉ đạo với nhiệm vụ rà soát văn bằng, chứng chỉ đối với các thí sinh tham dự các kỳ thi tuyển sinh và đại học, cao đẳng và sau đại học. Nhờ công tác rà soát văn bằng, chứng chỉ này, các cơ quan QLNN về giáo dục đại học đã hỗ trợ cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phát hiện và triệt phá các đường dây thi hộ, làm và bán văn bằng, chứng chỉ giả, đồng thời có hình thức xử lý kịp thời với những đối tượng có hành vi sử dụng văn bằng giả mạo.

Luật Giáo dục năm 2005 được ban hành về cơ bản vẫn kế thừa những quy định cơ bản của Luật Giáo dục 1998. Việc tổ chức thực hiện Luật Giáo dục năm 2005 nhìn chung vẫn là sự tiếp nối và đẩy mạnh quá trình tổ chức

thực hiện Luật Giáo dục 1998, ngoại trừ việc thực hiện những điểm mới được sửa đổi, bổ sung.

Từ thực tiễn đưa pháp luật giáo dục đại học vào cuộc sống cũng nổi lên một số vấn đề bất cập cần phải được nghiên cứu và sớm tìm ra phương hướng giải quyết. Có thể nêu ra một số vấn đề đáng quan tâm như:

- Vấn đề du học nước ngoài: hiện nay, du học sinh Việt Nam sang nước ngoài học đại học theo diện được hưởng ngân sách Nhà nước hoặc đi du học tự túc. Việc du học tự túc ở bậc đại học chủ yếu được thực hiện thông qua việc ký kết hợp đồng với các công ty du học của Việt Nam. Để một học sinh có thể sang học tại nước ngoài, vấn đề quan trọng nhất là gia đình học sinh đó phải chứng minh được khả năng tài chính, khả năng đảm bảo mọi chi phí cho việc sinh hoạt, học tập của học sinh đó ở nước ngoài. Sự ràng buộc giữa gia đình có học sinh du học nước ngoài và các công ty chưa thực sự chặt chẽ. Thực tế, có những trường hợp, sinh viên bị buộc phải về nước vì nhiều lý do (bị đuổi học do vi phạm pháp luật tại nước ngoài, năng lực học tập quá kém, không đáp ứng được yêu cầu của trường đại học nước ngoài hoặc khả năng tài chính cạn kiệt), sinh viên du học thường là bên chịu thiệt thòi nhất, còn các công ty lại tỏ thái độ thờ ơ, coi như không có trách nhiệm gì, mọi thiệt hại về vật chất đều do gia đình sinh viên phải gánh chịu. Hiện nay, pháp luật vẫn chưa có quy định về vấn đề này, vẫn còn bỏ ngỏ, tạo kẽ hỡ cho các công ty thu lợi nhưng lại không đảm bảo quyền lợi cho các du học sinh Việt Nam.

- Vấn đề liên kết đào tạo với nước ngoài: vấn đề hợp tác đầu tư với nước ngoài, việc cấp văn bằng, chứng chỉ đối với loại hình đào tạo này đến nay mặc dù đã được điều chỉnh bằng hai Nghị định của Chính phủ là Nghị định số 18/2001/NĐ-CP quy định việc thành lập và hoạt động của các cơ sở văn hoá giáo dục nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 06/2000/NĐ-CP.

Đây là các văn bản dưới luật nên khi thực hiện lại phải tuân thủ các quy định của các luật chuyên ngành khác như Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp,v.v.. Vì vậy, các nội dung trên đòi hỏi phải được bổ sung bằng một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn. Mặt khác, việc thực hiện hai Nghị định trên còn gặp nhiều khó khăn do các quy định chưa thống nhất, nhiều quy định mang tính chất định tính, chưa được định lượng nên việc thực hiện các thủ tục cấp phép cho các hoạt động này trên thực tế hiện nay còn chồng chéo, chưa phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của các Bộ, ngành có liên quan.

Xét từ một phương diện khác, có thể thấy, những văn bản pháp luật của Chính phủ về khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đại học đã được ban hành, song việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành vẫn chưa kịp thời và hiệu quả. Hiện tại, cả nước mới chỉ có 1 trường đại học quốc tế, 100% vốn đầu tư nước ngoài là trường đại học RMIT (của Australia). Để thu hút được nguồn lực tài chính và trí tuệ của nước ngoài nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam đòi hỏi phải đẩy mạnh và thực thi mạnh mẽ hơn nữa những chính sách, quy định của pháp luật về khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, quy định của Luật Giáo dục về “chống thương mại hoá giáo dục đại học” cần được cụ thể hơn để không trái với các quy định về khuyến khích, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đại học. Mặt khác, cũng cần có quy định cụ thể, hướng dẫn rõ đối với một số vấn đề cần được thống nhất với các luật khác như Luật Doanh nghiệp (về các vấn đề sở hữu và tài chính trong các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập,...), tránh những khó khăn, lúng túng khi thực hiện cũng như khi xử lý vi phạm

- Một số quy định của Luật Giáo dục liên quan đến giáo dục đại học còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa đủ điều kiện khả thi, ví dụ như quy định về nghĩa vụ của người học tại các trường cao đẳng, đại học công lập,....

- Ngoài ra công tác tổ chức thực hiện pháp luật về giáo dục đại học vẫn còn một số bất cập khác, chưa tạo điều kiện thuận lợi để các trường ngoài công lập phát triển, chưa ngăn chặn kịp thời tình trạng lợi dụng chính sách xã hội hoá giáo dục để thu lợi bất chính.

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.PDF (Trang 60)