Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.PDF (Trang 102 - 108)

Trước hết, phải thể chế hoá thành pháp luật những nội dung cơ bản của chính sách cải cách giáo dục đại học. Việc luật hoá những chính sách cải cách này tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cải cách trên thực tế, đồng thời bảo đảm thực hiện chúng bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.

Trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học, rất cần phân tích tác động kinh tế, xã hội để xem xét các điều khoản quy định sẽ có tác động như thế nào đối với các nhóm đối tượng để xem xét các điều khoản quy định sẽ có tác động như thế nào đối với các nhóm đối tượng chịu điều tiết bởi văn bản, phân tích rõ đối tượng nào được hưởng lợi, đối tượng nào có thể bị thiệt thòi, điều nào hợp lý, điều nào chưa hợp lý,.... Thu hút sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học và của người dân trong

việc xây dựng pháp luật về giáo dục đại học, bảo đảm pháp luật phù hợp với thực tiễn, xuất phát từ chính những nhu cầu thực tế.

Quản lý là để phát triển [55, tr.12]. Nói cách khác, quản lý là tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển. Do đó, năng lực của các cơ quan lập pháp, lập quy phải đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của cuộc sống, chứ không phải cuộc sống phải đi theo năng lực của các cơ quan này. Năng lực của các cơ quan ban hành hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật phải được nâng cao để có thể giải phóng sức sáng tạo, nếu không sẽ trở thành lực cản kìm hãm sự phát triển của xã hội. Để các văn bản pháp luật được ban hành sớm đi vào cuộc sống đòi hỏi các điều khoản cụ thể trong các văn bản đó phải mang tính hợp lý cao nhất, phù hợp nhất với điều kiện thực tế của cuộc sống. Muốn được như vậy, phải làm tốt việc lấy ý kiến của người dân, của sinh viên, giảng viên và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục đại học trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Quá trình “trưng cầu dân ý” này phải được tiến hành thực chất, tránh hình thức, gây lãng phí về thời gian, tài lực và vật lực của xã hội.

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học cũng đòi hỏi phải thay đổi tư duy “tăng thêm quyền lợi cho các cơ quan nhà nước vì lợi ích cục bộ của ngành, đẩy khó khăn về phía người dân”. Điều đó có nghĩa là tránh gây ra phản ứng xã hội trước những văn bản pháp luật được ban hành mà không phù hợp với cuộc sống, người dân ít có hoặc không có khả năng thực hiện. Cách thức tư duy quản lý theo kiểu bề trên như vậy không thích ứng với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền mà ở đó mối quan hệ giữa nhà nước và công dân mang tính bình đẳng và trách nhiệm mang tính hai chiều.

Tính minh bạch của pháp luật về giáo dục đại học, đặc biệt là trong điều kiện nhà nước pháp quyền, càng phải được đề cao hơn bao giờ hết.

Trong quá trình hoàn thiện pháp luật về giáo dục đại học, phải bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Việc tham gia xây dựng pháp luật phải thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phản ánh đúng tình hình phát triển giáo dục cũng như các điều kiện liên quan đến giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện nghiêm quy định về việc chuẩn bị các văn bản quy định chi tiết thi hành luật chuyên ngành khi văn bản chính có hiệu lực để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Vụ Pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tích cực tham gia chủ trì cùng các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật dài hạn và hàng năm phù hợp với điều kiện của Bộ, đồng thời hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản toàn ngành giáo dục, trong đó có khu vực giáo dục đại học, để từng bước hoàn thiện khung pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực giáo dục. Trong hoạt động của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Tổ chức Cán bộ cùng Vụ Pháp chế đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật để có kế hoạch bổ sung về số lượng, bồi dưỡng về nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, Vụ Kế hoạch-Tài chính cần cân đối kế hoạch kinh phí, ưu tiên bố trí khoản kinh phí hàng năm cho công tác xây dựng pháp luật, phối hợp với Vụ Pháp chế phân bổ và theo dõi việc sử dụng kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục và đào tạo. Việc soạn thảo văn bản của các đơn vị có liên quan phải đảm bảo đúng tiến độ và đạt chất lượng theo yêu cầu, đồng thời những văn bản pháp luật về giáo dục phải phản ánh đúng tình hình thực tế của xã hội và phù hợp với quy định của pháp luật thực định.

Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cả về số lượng và chất lượng; xây dựng cơ chế huy động sự tham gia tích cực của các chuyên gia, các nhà khoa học vào công tác xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục đổi mới cách thức phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan tham gia; đối với những luật, pháp lệnh qua thực tế áp dụng có những nội dung cần giải thích thì các cơ quan phải có văn bản đề nghị cụ thể và phải chuẩn bị dự thảo văn bản giải thích trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; chuẩn bị kịp thời, có chất lượng các dự án luật, pháp lệnh đã được phân công.

Khắc phục hạn chế của văn bản luật cũng là một yêu cầu cần thực hiện trong quá trình hoàn thiện pháp luật về giáo dục đại học ở nước ta hiện nay. Thời gian qua, việc chưa xác định rõ những nội dung cụ thể cần hướng dẫn thi hành cũng như chưa chỉ rõ số lượng văn bản, cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo, thời hạn ban hành nên đã gây khó khăn cho cơ quan được giao nhiệm vụ ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Khuyết điểm này cần được lưu ý và xử lý dứt điểm. Bộ Giáo dục cần có sự phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thẩm định văn bản luật cả về nội dung và hình thức.

Cơ quan trình dự án cần chỉ đạo Ban soạn thảo bảo đảm tiến độ chuẩn bị dự án; nghiên cứu, soạn thảo các dự thảo luật, pháp lệnh quy định cụ thể để khi được ban hành có thể thi hành được ngay, hạn chế tối đa việc phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn; thực hiện đúng quy định khi trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết phải kèm theo đầy đủ các dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành. Quy định rõ ngay trong luật, pháp lệnh những điều khoản, điểm cần ban hành văn bản

hướng dẫn, cơ quan ban hành, hình thức văn bản và thời hạn ban hành theo đúng quy định tại Điều 7 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong thời gian tới, cần khẩn trương ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục năm 2005. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng bổ sung những văn bản pháp luật mới, tạo điều kiện cho việc tổ chức thực hiện pháp luật đạt hiệu quả cao nhất, chẳng hạn như sớm xây dựng nghị định của Chính phủ về việc phân công, phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục đại học để các trường đại học, cao đẳng tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm, năng động và sáng tạo trong quá trình phát triển của mình.

Việc ban hành Luật về Giáo dục đại học phải được đặt ra và nghiên cứu một cách thấu đáo. Giáo dục đại học có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân, hơn thế nữa những vấn đề đặt ra trong hoạt động quản lý giáo dục đại học ngày càng phong phú, đa dạng và phức tạp. Chính vì vậy, việc ban hành một văn bản luật về giáo dục đại học là cần thiết trong điều kiện hiện nay. Trong Luật Giáo dục năm 2005, giáo dục đại học được quy định trong một mục riêng, nhưng còn có những quy định khác liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đại học nằm rải rác trong các điều khoản ở các chương khác. Vì giáo dục đại học nằm trong các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân nên về mặt kỹ thuật lập pháp, việc quy định về giáo dục đại học theo cách thức kết hợp các quy định riêng với các quy định chung là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, xét về tính chỉnh thể, những quy định xen kẽ như vậy có phần “cơ học”, tản mát, không tập trung. Một văn bản luật độc lập về giáo dục đại học sẽ tạo cơ sở cho sự thống nhất các quy định pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học, qua đó thống nhất tư duy quản lý của các nhà quản lý, thống nhất cách thức tổ chức thi hành văn bản pháp luật, đưa văn bản pháp luật dễ dàng đi vào cuộc sống, góp phần

nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực này.

Việc ban hành Luật Giáo dục đại học cũng phải nhằm khắc phục những khiếm khuyết của pháp luật thực định hiện nay. Về nội dung của pháp luật, cần lấp những chỗ trống về những vấn đề còn bỏ ngỏ. Ví dụ, vấn đề mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục đại học là vấn đề thời sự và cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động đó chưa đầy đủ và đủ mạnh để quản lý, kiểm tra các hoạt động giáo dục như liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài, quản lý du học tự túc thông qua các công ty tư vấn du học,v.v.. Do đó, Luật về giáo dục đại học nếu được ban hành phải có quy định cụ thể để điều chỉnh vấn đề này.

Luật Giáo dục đại học mới phải góp phần đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục đại học theo hướng hiện đại và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, song song với việc đổi mới cơ chế quản lý giáo dục đại học.

Ngoài ra, cần bảo đảm sao cho pháp luật về giáo dục đại học phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Việc hoàn thiện pháp luật về giáo dục đại học phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành khác, đặc biệt là các luật mới được ban hành trong những năm gần đây như Bộ luật dân sự, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, v.v..

Hàng năm cần có kế hoạch rà soát các văn bản, quy định về giáo dục đại học, điều chỉnh và quyết định bãi bỏ, thay thế, bổ sung các văn bản không còn hiệu lực thi hành hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển giáo dục đại học, với chủ trương, đường lối và các quy định khác có liên quan.

Nâng cao năng lực, kỹ thuật soạn thảo, thẩm định, rà soát, kiểm tra, giám sát

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.PDF (Trang 102 - 108)