Tăng cường công tác pháp chế trong lĩnh vực giáo dục đại học

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.PDF (Trang 112 - 120)

Về phía các cơ quan QLNN, trước hết Vụ Pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có kế hoạch tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với các tổ chức pháp chế, các cán bộ làm công tác pháp chế trong các trường đại học. Bên cạnh đó, phải tích cực củng cố tổ chức và nâng cao năng lực của tổ chức pháp chế ngành. Tăng cường công tác pháp chế, có kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và có chế độ đãi ngộ thoả đáng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật liên quan đến giáo dục đại học. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về giáo dục đại học tại các cơ sở giáo dục đại học, phát hiện các quy định bất cập, không khả thi, các quy định chồng chéo để có kế hoạch chỉnh sửa, bổ sung văn bản kịp thời, góp phần ổn định hoạt động giáo dục đại học.

Các trường đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng cần nghiên cứu thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí cán bộ làm công tác pháp chế phù hợp với điều kiện của đơn vị mình. Cán bộ làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật hoặc cử nhân chuyên ngành có kiến thức pháp lý, bảo đảm thực hiện tốt việc tham mưu, tư vấn về pháp luật cho thủ trưởng đơn vị. Tổ chức pháp chế và cán bộ làm công tác pháp chế ở các trường có nhiệm vụ giúp hội đồng nhà trường, hiệu trưởng, giám đốc các trường thực hiện nhiệm vụ như quy định tại Điều 6 Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ.

Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí cán bộ làm công tác

pháp chế, đồng thời phối hợp với các vụ liên quan để có kế hoạch thường xuyên bổ sung, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy pháp luật và giáo dục công dân đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng.

Để thực hiện tốt công tác pháp chế, cần tăng cường công tác kiểm tra, từ việc kiểm tra nội dung các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó, uốn nắn các sai sót nếu phát hiện cho đến việc xử lý trách nhiệm của cơ quan hoặc cá nhân đã gây ra sai sót trong việc ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. Trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, chế độ thủ trưởng lãnh đạo cũng đòi hỏi phải đề cao trách nhiệm cá nhân để phát huy hiệu quả của công tác quản lý. Vì thế, trách nhiệm của người ký văn bản quy phạm pháp luật phải được đặt ra trong trường hợp văn bản đó có tác động xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của số đông người trong xã hội, của hàng triệu sinh viên, giảng viên cũng như cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục đại học. Không chỉ dừng ở việc quy kết trách nhiệm và xử lý kỷ luật hành chính, mà có thể áp dụng các hình thức kỷ luật nghiêm khắc hơn. Thực hiện tốt công tác pháp chế không những sẽ đưa luật pháp sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến sự phát triển của giáo dục đại học, mà còn góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người dân và hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước.

Cùng với hoạt động trên, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là trong điều kiện tăng quyền tự chủ cho các trường cao đẳng, đại học, hướng tới mục tiêu xoá bỏ cơ chế bộ chủ quản. Các trường được giao quyền tự chủ đòi hỏi phải nâng cao trách nhiệm. Đồng thời, cần có những quy định pháp luật xác định trách nhiệm cụ thể và tăng thêm quyền hạn của thanh tra giáo dục trong việc xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra. Bổ sung biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra viên giáo dục, đồng thời xây dựng

chương trình đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên để chuyên môn hoá đội ngũ này.

Phát huy dân chủ ở cơ sở cũng là một biện pháp hiệu quả để tăng cường công tác pháp chế: đội ngũ giảng viên, cán bộ công nhân viên cùng tham gia vào công tác quản lý, tiếng nói của số đông sẽ có sức mạnh, phải được những người lãnh đạo lắng nghe, quan tâm và giải quyết. Dân chủ trong nhà trường được phát huy sẽ là động lực để phát triển các trường đại học. Song song với nó, cần phải quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học trong việc bảo đảm quy trình và chất lượng đào tạo cũng như trong việc cấp phát văn bằng tương ứng với trình độ của người học, đặc biệt là ở các hệ đào tạo không chính quy. Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thanh tra, kiểm tra và xử lý những tổ chức, cá nhân mua bán, viết thuê luận văn, luận án. Đề cao vai trò của các cơ quan báo chí trong việc phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học... Thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ về thi cử, cấp phát văn bằng, chứng chỉ đào tạo đại học.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục cũng là một hướng đi mới trong việc tăng cường pháp chế. Việc kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua mạng Internet- một kênh tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiệu quả- cần được chú trọng hơn nữa. Cụ thể là, đưa các các văn bản pháp luật lên mạng Internet, thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới, kết nối mạng giữa các trường đại học với Bộ Giáo dục và đào tạo, thực hiện việc quản lý thông qua mạng Internet, giúp truyền tải sự chỉ đạo của Bộ tới các trường đại học,..., đảm bảo thông suốt quá trình quản lý theo 2 chiều: chỉ đạo từ Bộ tới các trường đại học và sự phản hồi của các trường đến cơ quan QLNN.

Hiện nay, nhiều trường đại học đã xây dựng Website riêng, nhưng hầu như vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức đến việc phổ biến các văn bản pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học. Đây là sự lãng phí lớn về tài chính, không những thế nó còn cho thấy các trường đại học chưa biết cách tận dụng Website như một phương tiện phổ biến pháp luật liên quan đến giáo dục đại học tới sinh viên, giảng viên cũng như đội ngũ cán bộ quản lý. Hầu hết các Website chỉ hướng tới mục đích truyền bá tên tuổi của trường đại học và chỉ là được xem như một “tấm danh thiệp điện tử” của trường, mà đáng lẽ ra đó cũng phải được sử dụng như một phương tiện hữu hiệu cho việc quản lý, tuyên truyền và giáo dục pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan đến hoạt động giáo dục đại học, ít nhất là trong phạm vi trường đại học đó.

Ngoài ra, cần có sự phối kết hợp hoạt động của ngành giáo dục, của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cũng như các cơ sở giáo dục đại học, với các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội, các đoàn thể quần chúng trong công tác QLNN bằng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học. Đặc biệt, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp tham gia kiểm tra giám sát, các cơ quan báo chí,.... trong việc cùng với các cơ quan nhà nước chuyên ngành thực hiện tốt công tác quản lý trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Cuối cùng, vấn đề then chốt đối với việc tăng cường pháp chế XHCN trong lĩnh vực giáo dục đại học là phải xây dựng được những biện pháp xử phạt nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm quy chế thi cử vào các cơ sở giáo dục đại học ở các trình độ đào tạo khác nhau, giả mạo về bằng cấp, chứng chỉ giáo dục đại học (như bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,....), không chỉ dừng lại ở việc thu hồi bằng giả đã cấp, mà phải có hình thức xử lý hành chính và thậm chí bằng những chế tài nghiêm khắc hơn đối với những người

sâu xa, đó chính là tâm lý đề cao bằng cấp và cơ chế bổ nhiệm cán bộ trên cơ sở bằng cấp được đào tạo. Chính vì thế, nếu không khuyến khích cơ chế bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo theo tiêu chí bằng cấp thì sẽ có cơ hội hạn chế các hiện tượng tiêu cực liên quan đến việc “chạy đua” về bằng cấp và sử dụng bằng cấp giả mạo. Đồng thời, cơ quan QLNN về giáo dục đại học cần thắt chặt hơn nữa việc cấp bằng, chứng chỉ giáo dục đại học, sao cho tất cả các bằng cấp, chứng chỉ giáo dục đại học phải đạt yêu cầu về chất lượng, phản ánh đúng thực chất trình độ, năng lực chuyên môn của người học.

KẾT LUẬN

Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân ở nước ta hiện nay, việc tăng cường QLNN đối với mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục đại học, là một yêu cầu và nhiệm vụ bức thiết. Hơn lúc nào hết, khi quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, khi nhu cầu phát triển kinh tế nhanh chóng hơn nữa đang được đặt ra hết sức cấp bách thì vai trò của giáo dục đại học ngày càng trở nên quan trọng và có tính chất quyết định, bởi trường đại học là cái nôi cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có khả năng thích nghi nhanh nhất với sự phát triển của khoa học công nghệ, sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi phức tạp của công việc trong hầu hết các ngành, nghề phục vụ trực tiếp cho quá trình hội nhập và phát triển kinh tế. Điều này cho thấy Nhà nước phải thực sự quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đại học, coi phát triển nền giáo dục đại học như một chiến lược lâu dài, cần có những kế hoạch và mục tiêu cụ thể cũng như phải có phương pháp quản lý phù hợp và hữu dụng.

Trên thực tế, nhận thức của xã hội nói chung, của từng người dân nói riêng về giáo dục đại học vẫn còn mơ hồ, trường đại học vẫn chỉ thuần tuý được coi là nơi đào tạo những cử nhân, việc hưởng thụ giáo dục đại học chỉ nhằm mục đích lấy cho được tấm bằng cử nhân bằng mọi giá, mà không tính đến chất lượng đào tạo và yêu cầu thích ứng với công tác chuyên môn sau này. Bởi vậy mới kéo theo nhiều hiện tượng tiêu cực phát sinh trong lĩnh vực giáo dục đại học một khi tấm bằng đại học “lên ngôi”. Trong khi đó, Nhà nước lại có phần buông lỏng việc quản lý hoạt động giáo dục đại học, hệ thống pháp luật về giáo dục đại học vẫn còn những kẽ hở khiến người ta có thể lợi dụng để mưu cầu lợi ích cá nhân, tác động xấu đến chất lượng của nền

dục, có nguy cơ đẩy lùi sự nghiệp chấn hưng nền giáo dục nước nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đào tạo nguồn nhân lực bậc cao, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tình hình đó đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ đối với Nhà nước trên các phương diện hoạt động của mình trong lĩnh vực giáo dục đại học, đặc biệt là nâng cao từng bước hiệu quả của công tác ban hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật đó trong cuộc sống, tức là Nhà nước phải tăng cường hơn nữa việc quản lý bằng pháp luật trong lĩnh vực này.

Tăng cường QLNN bằng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học cũng đồng nghĩa với việc nâng cao vai trò của nhà nước đối với việc quản lý đời sống xã hội. Quản lý là để phát triển. Tuy nhiên, nhà nước không can thiệp trực tiếp và ngày càng sâu vào lĩnh vực giáo dục đại học, vào hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, mà vai trò quản lý của nhà nước đối với lĩnh vực này phải được tăng cường theo hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý an toàn cho các cơ quan nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức xã hội cũng như mọi công dân khi tham gia vào các quan hệ xã hội về giáo dục đại học. Pháp luật của nhà nước không chỉ nhằm chấn chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học, đưa mọi hoạt động đó vận hành theo quy củ, theo một trật tự nhất định để ổn định xã hội, mà hơn thế nữa nó còn góp phần tôn vinh các giá trị truyền thống, các chuẩn mực của giáo dục nói chung và của giáo dục đại học nói riêng.

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc và toàn diện nền giáo dục đại học theo Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2206-2020, hoạt động QLNN bằng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học cũng cần được đổi mới, tăng cường trên tất cả các mặt, từ việc xây dựng hệ thống pháp luật về giáo dục đại học đến việc cải cách tổ chức bộ máy QLNN và đội ngũ công chức

nhà nước nhằm tổ chức thực hiện một cách hiệu quả nhất hệ thống pháp luật đó trong cuộc sống, cũng như tiến hành các biện pháp thanh tra, giám sát, xử lý những vấn đề pháp lý nảy sinh từ thực tiễn QLNN trong lĩnh vực này. Hoạt động tăng cường QLNN bằng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học chỉ có thể thành công khi và chỉ khi có sự cải cách toàn diện, đồng bộ nền giáo dục đại học cả về quy mô và chất lượng, đồng thời nhận thức của toàn xã hội và của từng người dân về vai trò của pháp luật trong việc QLNN đối với giáo dục đại học ngày càng được nâng cao, từ đó góp phần đắc lực vào hiệu quả quản lý của Nhà nước./.

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.PDF (Trang 112 - 120)