- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 không quy định thế nào là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
2.2.2. Giai đoạn điều tra và truy tố
Giai đoạn điều tra được bắt đầu từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc khi Cơ quan điều tra hoàn thành bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố người phạm tội trước Toà án hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án.
ở giai đoạn điều tra, việc điều tra phần dân sự trong vụ án hình sự do cơ quan điều tra tiến hành. Việc điều tra phần dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành đồng thời với việc điều tra phần hình sự. Trong giai đoạn này cơ quan điều tra không buộc phải hòa giải giữa các đương sự mà nếu họ thỏa thuận được với nhau thì chỉ ghi nhận sự thỏa thuận đó mà thôi.
Quá trình điều tra được tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Khởi tố bị can và hỏi cung bị can
Khi có đủ căn cứ chứng minh một người có hành vi phạm tội thì cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can.
Sau khi có quyết định khởi tố bị can, Điều tra viên tiến hành hỏi cung bị can. Việc hỏi cung bị can phải được lập thành biên bản. Khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải hỏi các vấn đề liên quan đến nội dung vụ án nói chung và các vấn đề liên quan đến vấn đề dân sự trong vụ án nói riêng. Ví dụ: A bị
khởi tố về tội trộm cắp tài sản, khi hỏi cung A, Điều tra viên phải hỏi xem A đã lấy trộm cái gì, của ai, trị giá bao nhiêu tiền…
Bước 2: Tiến hành điều tra nhằm thu thập chứng cứ
Trong quá trình điều tra nhằm thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra phải tiến hành các biện pháp như lấy lời khai của những người tham gia tố tụng như người làm chứng, người bị hại, những người liên quan đến vụ án. Nếu lời khai của những người này có mâu thuẫn với nhau thì phải tiến hành đối chất nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Người bị hại phải trình bày trước cơ quan điều tra về những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho họ hoặc những tình tiết khác của vụ án mà họ biết được. Khi cần thiết, cơ quan điều tra tiến hành nhận dạng để thẩm tra, xác minh những tài liệu đã thu thập được, xác định tung tích, lai lịch của nạn nhân, của tài sản bị chiếm đoạt. Việc nhận dạng phải được lập thành biên bản trong đó ghi rõ nhân thân của người nhận dạng, những đặc điểm của vật, ảnh đưa ra nhận dạng, các lời khai báo, trình bày của người nhận dạng. Trường hợp cần xác định nguyên nhân dẫn đến chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động… thì Cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định. Việc trưng cầu
giám định này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở cho việc xác định mức độ bồi thường thiệt hại sau này. Để đảm bảo cho việc thi hành bản án liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do người phạm tội gây ra, Cơ quan điều tra phải tiến hành biện pháp kê biên tài sản đối với bị can, bị cáo phạm các tội mà Bộ luật Hình sự quy định có thể bị tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Khi kê biên tài sản, chỉ được kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Việc kê biên tài sản cũng phải được lập thành biên bản, ghi rõ tên và tình trạng của từng loại tài sản bị kê biên.
Bước 3: Đề nghị truy tố hoặc đình chỉ điều tra
Sau khi đã thu thập đủ chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội thì Cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can trước Tòa án. Bản kết luận điều tra phải nêu rõ hành vi phạm tội cùng những chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội đồng thời cũng phải nêu rõ các nguyên nhân, điều kiện phạm tội và các kiến nghị khắc phục. Kèm theo bản kết luận điều tra phải có bản kê về thời hạn điều tra, biện pháp ngăn chặn đã được áp dụng có ghi rõ thời hạn tạm giữ, tạm giam, vật chứng, việc kiện dân sự, biện pháp để đảm bảo việc phạt tiền, bồi thường và tịch thu tài sản nếu có.
Sau khi điều tra nếu có một trong các căn cứ theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra.
Bước 4. Truy tố bị can trước Tòa án bằng một bản cáo trạng
Sau khi nhận được hồ sơ vụ án cùng bản kết luận điều tra của cơ quan Điều tra, nếu thấy có đủ chứng cứ chứng minh tội phạm và hành vi phạm tội của bị can thì Viện kiểm sát truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng. Trong bản cáo trạng phải nêu rõ cả vấn đề dân sự cần phải giải quyết.