Giai đoạn khởi tố

Một phần của tài liệu Nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (Trang 68)

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 không quy định thế nào là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

2.2.1. Giai đoạn khởi tố

Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng. Trong giai đoạn này các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra một trong những quyết định: quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự nhằm làm cơ sở pháp lý cho phép các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo của quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Quá trình khởi tố vụ án hình sự được tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Tiếp nhận các nguồn tin về tội phạm

Theo quy định chung thì nguồn tin về tội phạm bao gồm tố giác và tin báo về tội phạm do công dân, cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội cung cấp cho cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết, do các phương tiện thông tin đại chúng nêu lên hoặc do người phạm tội tự thú. Khi tiếp nhận tin báo bằng đơn (văn bản), bằng miệng, bằng điện thoại, tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, tạp chí, đài phát thanh, đài truyền hình hoặc người phạm tội tự thú trước cơ quan tiến hành tố tụng... thì cán bộ tiếp nhận phải lập thành biên bản. Đối với những tin báo liên quan đến các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản...

của công dân như tội cướp tài sản, giết người, trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản... thì người tiếp nhận tin báo phải ghi rõ mức độ thiệt hại mà người cung cấp nguồn tin đưa ra. Ví dụ: Chị A đến đồn công an báo tin mất chiếc xe đạp, cán bộ tiếp nhận tin báo phải yêu cầu chị A nêu rõ mất xe đạp loại gì, trị giá bao nhiêu tiền...

Bước 2: Kiểm tra, xác minh, bổ sung tin báo về tội phạm

Sau khi tiếp nhận được tố giác và tin báo về tội phạm, cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát phải tiến hành kiểm tra, xác minh ngay xem có hay không có dấu hiệu tội phạm... Đối với những nguồn tin liên quan đến các tội xâm phạm tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tham nhũng... (tức là những vụ án sẽ phải giải quyết vấn đề dân sự) mà vấn đề dân sự đó có liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát cũng phải làm rõ về mức độ thiệt hại xảy ra. Ví dụ: Chị A đến đồn công an khai báo mất xe đạp trị giá 600.000đồng. Cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh xem có đúng chị A mất xe không? trị giá chiếc xe khoảng bao nhiêu tiền?

Bước 3: Quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự

Sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh, bổ sung những nguồn tin về tội phạm nếu phát hiện thấy có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền khởi tố phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Quyết định khởi tố phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc điều tra. Khi một vụ án hình sự có liên quan đến vấn đề dân sự bị khởi tố thì vấn đề dân sự trong vụ án đó đương nhiên được xem xét và giải quyết mà không cần phải khởi kiện riêng bằng một thủ tục khác nữa. Như vậy, việc khởi tố vụ án hình sự cũng đồng thời đặt ra việc xem xét vấn đề dân sự trong vụ án đó.

Nếu xác định không có dấu hiệu tội phạm và có một trong các căn cứ được quy định trong Điều 89 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì cơ quan có thẩm quyền khởi tố ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Như vậy, trong quá trình tố tụng, giai đoạn khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên nhưng chiếm vị trí rất quan trọng. Thực tế đã chỉ ra rằng quyết định khởi tố vụ án với tội danh nhất định có ý nghĩa trong việc xác định những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra có thẩm quyền áp dụng các biện pháp điều tra theo luật định để thu thập chứng cứ.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)