Giai đoạn trước năm

Một phần của tài liệu Nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (Trang 34)

Nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự chưa được quy định một cách rõ ràng nhưng đã thực sự manh nha trong pháp luật dưới các triều đại phong kiến Việt Nam. Nghiên cứu pháp luật dưới các triều đại phong kiến của Việt Nam mà điển hình là hai bộ luật: Quốc triều hình luật dưới thời Lê và Hoàng Việt luật lệ dưới triều Nguyễn chúng ta có thể nhận thấy pháp luật thời kỳ này chưa có sự phân định rõ ràng giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, hai bộ luật này đều xác định việc giải quyết vấn đề dân sự được tiến hành đồng thời với việc giải quyết vấn đề hình sự [5]. Nói cách khác, tại nhiều điều luật trong hai bộ luật này đều quy định người phạm tội vừa phải chịu hình phạt, vừa phải bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Ví dụ: Điều 463 Quốc triều Hình luật quy định: "Người bị thiệt hại dẫn chứng được sự thiệt hại của mình và hành vi chiếm đoạt đồ vật của bọn gian phi, xảo trá thì bọn này ngoài việc xét xử về hình sự, còn phải bồi thường thiệt hại xảy ra" [16]. Điều 581 Quốc triều Hình luật quy định: "Người thả trâu, ngựa cho giày xéo, ăn lúa, dâu của người ta, thì xử phạt 80 trượng và đền sự thiệt hại. Nếu cố ý cho giày xéo, phá hại của người ta, thì xử biếm một tư và đền gấp đôi sự thiệt hại. Nếu vì trâu ngựa chạy lồng lên, không kìm hãm được thì miễn tội trượng" [16]. Điều 494 Quốc triều Hình luật quy định: "Người trông nom công dịch mà đánh người phục dịch đến chết, thì xử tội đồ, và phải phạt một mửa số tiền đền mạng; nếu ngộ sát, thì chỉ phải đền tiền mai

táng 20 quan. Nếu vì oán thù riêng mà mượn cớ việc công để đánh chết người, thì xử theo tội đánh giết người" [16]. Điều 261 Hoàng Việt luật lệ dự liệu rằng trong trường hợp vô ý giết người (thất sát) phạm nhân bị phạt tội giảo nhưng được chuộc tội bằng tiền và phải chịu tiền mai táng [5, tr. 145].

Pháp luật phong kiến đã xác định việc bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra bao gồm việc bồi thường thiệt hại về vật chất và bồi thường thiệt hại về tinh thần.

Bồi thường thiệt hại về vật chất là việc bồi thường những tổn thất vật chất thực tế xảy ra khi có hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản. Ví dụ: Điều 29 Quốc triều Hình luật quy định tiền đền mạng theo phẩm trật:

Tiền đền mạng - nhất phẩm, tòng nhất phẩm được đền 15.000 quan; nhị phẩm, tòng nhị phẩm 9.000 quan; tam phẩm, tòng tam phẩm 7.000 quan; tứ phẩm, tòng tứ phẩm 5.000 quan; ngũ phẩm, tòng ngũ phẩm 2.000 quan; lục phẩm, tòng lục phẩm 1.000 quan; thất phẩm, tòng thất phẩm 500 quan; bát phẩm đến cửu phẩm 300 quan; thứ nhân trở xuống 150 quan [5, tr. 149].

Như vậy, khi người phạm tội xâm phạm đến tính mạng của người khác thì ngoài việc phải chịu hình phạt còn phải chịu một khoản tiền bồi thường thiệt hại tùy theo phẩm cấp của mình. Khoản tiền đền mạng này chính là khoản tiền bồi thường thiệt hại về vật chất cho người bị hại. Điều 28 Quốc triều Hình luật quy định về tiền bồi thường tang vật như sau:

Tiền bồi thường tang vật chia làm 2 bậc: bồi thường hai lần (về tang vật của công) bồi thường 1 lần (về những tang vật các tội lặt vặt). Tội nặng thì bồi thường thêm 5 lần, 9 lần (nếu cố ý tái phạm) cộng với nguyên tang vật tịch thu vào nhau mà cùng phải tội, hay không có chủ, thì tịch thu vào Nhà nước, còn thì trả lại người chủ. Phần bồi thường trả lại người chủ chia làm 10 phần, trả chủ 8 phần,

cho quan ty 2 phần, 2 phần này lại chia làm 10 phần, hình quan được 6 phần, ngục quan được 3 phần, nha lại lính trang được 1 phần [16]. Bồi thường thiệt hại về tinh thần là việc bồi thường những tổn thất về tinh thần do sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Trong các quy định của Quốc triều Hình luật và Hoàng Việt luật lệ không đề cập đến thuật ngữ thiệt hại về tinh thần nhưng chúng ta có thể hiểu được đó là bồi thường thiệt hại về tinh thần. Ví dụ: tại Điều 472 trong Quốc triều Hình luật quy định trường hợp đánh các quan chức bị thương, thì ngoài tiền bồi thường thương tích người gây thiệt hại còn phải đền tiền tạ:

Đánh quan nhị phẩm, kẻ đánh nếu là ngang phẩm hàm thì xử biếm hai tư; kém một bậc thì xử biếm ba tư; kém hai bậc thì xử biếm bốn tư; kém 3 bậc thì xử đồ làm khao đinh; không có quan chức thì xử tội lưu; đánh bị thương thì xử tội nặng thêm một bậc, và phải đền tiền thương tổn và tiền tạ như luật định... [16].

Như vậy, khoản tiền tạ này có thể hiểu là khoản tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần cho các quan lại phong kiến. Điều 473 quy định về các trường hợp lăng mạ quan chức và Điều 474 quy định đánh người trong hoàng tộc cũng phải đền một khoản tiền tạ ngoài việc phải chịu một khoản tiền phạt [5, tr. 149-150]. Qua những ví dụ trên, chúng ta có thể thấy pháp luật phong kiến đã đề cập đến vấn đề thiệt hại về tinh thần và những thiệt hại về tinh thần này được hiểu là những tổn thất về tinh thần do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Bên cạnh đó, đối với trường hợp đánh người bị thương, Điều 468 Quốc triều Hình luật đã quy định sự nuôi dưỡng và điều trị thuốc thang cho người bị thiệt hại (nuôi bảo cô):

Thời hạn nuôi người bị thương: đánh bị thương bằng chân tay, thì phải nuôi 10 ngày, bằng vật gì khác, thì phải nuôi 20 ngày; bằng thứ có mũi nhọn và nước sôi, lửa, thì phải nuôi 40 ngày; đánh gãy xương thì phải nuôi 80 ngày. Còn trong thời hạn nuôi mà người

bị thương chết, xử nhẹ hơn tội đánh chết người 1 bậc. Nếu đã hết hạn nuôi hay là còn trong thời hạn nuôi, nhưng vì cớ khác mà chết, thì xử như tội đánh người bị thương [16].

Quốc triều Hình luật ghi nhận phương thức bồi thường thiệt hại là bồi thường thiệt hại có thể được thực hiện bằng hiện vật, bằng tiền hoặc bằng tài sản khác nhằm bù đắp những tổn thất mà mình đã gây ra cho người bị thiệt hại [20, tr. 378].

Pháp luật phong kiến Việt Nam chưa tách bạch giữa tố tụng hình sự và tố tụng dân sự mà chỉ có một loại thủ tục chung giải quyết cho mọi vụ án. Các trường hợp vi phạm pháp luật thường được xử lý bằng vụ án hình sự mà ít có trường hợp tranh chấp dân sự thuần túy. Khi giải quyết một vụ án hình sự thì đồng thời giải quyết luôn cả phần dân sự trong vụ án đó.

Như vậy, tuy còn rất sơ khai, đơn giản nhưng pháp luật phong kiến Việt Nam đã phần nào thể hiện được nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)