Mối quan hệ với nguyên tắc xác định sự thật của vụ án

Một phần của tài liệu Nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (Trang 27)

Việc xác định sự thật của vụ án có ảnh hưởng lớn đến việc xác định đúng đắn vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự. Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định nguyên tắc xác định sự thật của vụ án như sau:

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh

tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội [4].

Nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có mối liên hệ chặt chẽ với nguyên tắc xác định sự thật của vụ án. áp dụng đúng đắn, đầy đủ nguyên tắc xác định sự thật của vụ án là cơ sở để thực hiện tốt nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Khi thực hiện tốt nguyên tắc xác định sự thật của vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng đồng thời làm rõ được vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Bởi vì vấn đề dân sự là một phần không thể tách rời khỏi vụ án, nó phát sinh trên cơ sở có hành vi phạm tội của bị can, bị cáo. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, để xác định sự thật khách quan của vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ một cách toàn diện về tất cả các vấn đề của vụ án một cách khách quan trên cơ sở pháp lý để rút ra kết luận về việc giải quyết vụ án. Sự thật của vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định đó là toàn bộ diễn biến của sự việc phạm tội đã xảy ra bao gồm các vấn đề về hình sự như: có hành vi phạm tội xảy ra hay không; ai là người thực hiện hành vi phạm tội; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo; tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; mức độ lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội như thế nào; nhân thân của bị can, bị cáo... và cả những vấn đề về dân sự như: ai là người gây ra thiệt hại; mức độ tham gia gây thiệt hại của từng người như thế nào (vì nhiều trường hợp không chỉ có bị can, bị cáo là người gây thiệt hại mà còn cả những người khác nữa cũng tham gia gây thiệt hại nhưng không bị khởi tố); mức độ lỗi của những người gây thiệt hại; người bị hại có lỗi trong việc để xảy ra thiệt hại hay không... Việc làm rõ những nội dung trên là cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định về vấn đề bồi thường như: ai phải có trách nhiệm bồi thường, mức bồi thường như thế nào... Do vậy, với tư cách là một phần của vụ án hình sự, khi xác định sự thật của vụ án thì các cơ quan tiến

hành tố tụng cũng đồng thời phải làm rõ được vấn đề dân sự trong vụ án đó (nếu có).

Một phần của tài liệu Nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)