Luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thông qua tại kỳ họp thứ hai Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 5 ngày 1/7/1979 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/1980. Luật gồm 164 điều với 4 phần, 17 chương. Đến năm 1996, Luật được sửa đổi theo Quyết định sửa đổi Luật tố tụng Hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và được thông qua tại kỳ họp thứ tư Đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 8 ngày 17/3/1996 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/1997 cho đến nay.
Luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định mục đích và những nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự tại chương đầu tiên nhưng không có điều luật nào quy định về nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, luật tố tụng hình sự dành một chương riêng quy định về việc kiện dân sự (Chương VII trong phần những quy định chung). Cụ thể, Điều 77 quy định:
Nếu người bị hại chịu thiệt hại vật chất do hành vi phạm tội của bị cáo thì có quyền nộp đơn kiện dân sự trong quá trình tố tụng hình sự. Nếu gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, tập thể thì khi khởi tố, Viện kiểm sát nhân dân có thể khởi tố vụ kiện dân sự. Khi cần, Tòa án nhân dân có thể niêm phong hoặc tịch biên tài sản của bị cáo [52].
Điều 78: "Việc kiện dân sự phải tiến hành xét xử đồng thời với vụ án hình sự. Chỉ vì mục đích ngăn chặn việc quá hạn tạm hoãn trong khi xét xử án
hình sự thì tổ chức tư pháp tương đương sau khi hoàn tất việc xét xử án hình sự, tiếp tục xét xử vụ án dân sự" [52]. Như vậy, có thể thấy vấn đề dân sự phát sinh trên cơ sở có hành vi phạm tội sẽ được giải quyết đồng thời với việc giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, nếu vì việc xét xử dân sự mà vụ án có nguy cơ bị quá hạn tạm hoãn thì có thể tách vấn đề dân sự ra để giải quyết sau.
Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự còn được quy định thông qua việc quy định về người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Luật tố tụng hình sự Trung Quốc quy định chủ thể tham gia tố tụng theo các nhóm chính, bao gồm: các bên đương sự (người bị hại, tư tố viên, nghi can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự), người đại diện theo pháp luật, đại diện theo ủy quyền, người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch. Khoản (2) và khoản (4) Điều 82 quy định về các bên đương sự, người tham gia tố tụng. Điều 155 quy định:
Sau khi Kiểm sát viên đọc cáo trạng tại phiên tòa, bị cáo và người bị hại có thể trình bày lập luận của mình về tội phạm bị cáo buộc trong cáo trạng, và kiểm sát viên có thể thẩm vấn bị cáo. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án có thể, với sự cho phép của thẩm phán chủ tọa, đặt câu hỏi đối với bị cáo [52].
Điều 180, 184 còn quy định về quyền kháng cáo của bị cáo, tư tố viên, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện hợp pháp của họ.
Bằng những quy định phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy luật tố tụng hình sự Trung Quốc tuy không quy định giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là một nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự nhưng đã có những quy định về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự tương tự như luật tố tụng hình sự Việt Nam.