hiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, nguyên tắc trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự (Điều 12, 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự)
Một trong những nhiệm vụ của luật tố tụng hình sự là phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm và làm oan người vô tội. Để thực hiện được nhiệm vụ này luật tố tụng hình sự quy định nguyên tắc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự.
Theo Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự, trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự được quy định như sau:
Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội. Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật này quy định [4].
Điều 12 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng:
Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy
định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự [4].
Nguyên tắc khởi tố và xử lý vụ án hình sự, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có mối quan hệ mật thiết với nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn mở đầu của tố tụng hình sự. Quyết định khởi tố vụ án hình sự là cơ sở pháp lý đầu tiên để tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo như điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Như vậy, chỉ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng mới có cơ sở để giải quyết vấn đề dân sự và áp dụng nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
Trong giai đoạn điều tra và truy tố, bên cạnh việc điều tra về vấn đề trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng còn phải có trách nhiệm điều tra, thu thập chứng cứ liên quan đến vấn đề trách nhiệm dân sự trong vụ án như làm rõ về vấn đề thiệt hại đã xảy ra; triệu tập những người có liên quan đến vấn đề dân sự; lấy lời khai của họ về vấn đề bồi thường thiệt hại; xác định xem họ có yêu cầu gì, có tự thỏa thuận được với nhau về mức, hình thức, phương thức bồi thường không; thu thập các tài liệu liên quan khác nếu có. Việc điều tra, thu thập chứng cứ này sẽ làm cơ sở để Tòa án xem xét và đưa ra phán quyết sau cùng.
Tuy nhiên, trên thực tế ở giai đoạn điều tra và truy tố, các cơ quan tiến hành tố tụng thường chỉ tập trung vào việc xác minh, thập chứng cứ chứng minh cho phần trách nhiệm hình sự mà không quan tâm điều tra hoặc điều tra không đầy đủ về vấn đề dân sự dẫn đến việc Tòa án không thể giải quyết vụ án được. Thậm chí khi Tòa án trả hồ sơ để yêu cầu Cơ quan điều tra làm rõ về vấn đề trách nhiệm dân sự như vấn đề thiệt hại xảy ra, những người thừa kế
theo luật của người bị hại đã chết... thì Viện kiểm sát còn cho rằng trách nhiệm giải quyết phần dân sự thuộc về Tòa án nên khi xét xử Tòa án triệu tập họ tham gia phiên tòa để giải quyết luôn. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả Trần Thị Hồng Việt cho rằng, để giải quyết vấn đề dân sự trong cùng một vụ án hình sự thì khi truy tố người có hành vi phạm tội, hồ sơ phải làm rõ vấn đề thiệt hại và xác định tư cách của những người tham gia tố tụng trong vụ án từ giai đoạn điều tra; họ phải được nghe giải thích về tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự, về nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự là bồi thường toàn bộ; các thiệt hại được xem xét là thiệt hại do tài sản bị xâm hại; thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm hại để có thể đặt ra yêu cầu hoặc thỏa thuận về mức, hình thức, phương thức bồi thường. Trường hợp cơ quan điều tra không triệu tập đầy đủ những người tham gia tố tụng thì Tòa án sẽ không thể giải quyết vụ án được. Bởi lẽ, Tòa án không có thẩm quyền điều tra trước khi tiến hành phiên tòa xét xử vụ án hình sự mà việc xây dựng hồ sơ thuộc về trách nhiệm của cơ quan điều tra, truy tố [55].
Như vậy, thực hiện đúng nguyên tắc khởi tố và xử lý vụ án hình sự, nguyên tắc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là cơ sở để nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện.