Bộ luật Tố tụng Hình sự của Cộng hòa liên bang Đức có thể nói là một Bộ luật đồ sộ, công phu gồm 6 phần với khoảng gần 470 điều quy định cụ thể từng hoạt động, thủ tục trong trình tự tố tụng giải quyết vụ án hình sự của Công hòa Liên bang Đức. Bộ luật không quy định các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự. Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được đề cập tại Điều 154d về quyết định một vấn đề liên quan đến luật dân sự hoặc luật hành chính như sau:
Nếu quyết định truy tố đối với một tội ít nghiêm trọng phụ thuộc vào việc đánh giá một vấn đề phải được quyết định theo luật dân sự hoặc luật hành chính, Cơ quan Công tố có thể đặt ra thời hạn cho việc quyết định vấn đề đó theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc tố tụng hành chính tại Tòa án. Người đã tố giác tội phạm sẽ được thông báo việc đó. Sau khi thời hạn này đó hết mà không có kết quả nào thì Cơ quan Công tố có thể đình chỉ vụ án [50].
Bên cạnh đó, Điều 262 cũng quy định các vấn đề liên quan đến luật dân sự như sau:
(1) Nếu trách nhiệm hình sự đối với một hành vi phạm tội phụ thuộc vào việc đánh giá mối liên hệ tư pháp theo luật dân sự thì Tòa án hình sự cũng sẽ đưa ra quyết định ngay sau đó theo các quy định có thể áp dụng đối với thủ tục tố tụng và chứng cứ trong vụ án hình sự. (2) Tuy nhiên Tòa án có quyền tạm đình chỉ việc điều tra và ấn định một thời hiệu để một trong số những người tham gia tố tụng khởi kiện dân sự hoặc để đợi bản án của Tòa án dân sự [50]. Như vậy, việc giải quyết vấn đề dân sự có thể được thực hiện và giải quyết ngay trong vụ án hình sự, cũng có thể được giải quyết trước bằng một vụ án dân sự tại Tòa án Dân sự.
Bộ luật còn dành hẳn Chương III để quy định về việc bồi thường cho người bị hại, trong đó quy định cụ thể về điều kiện, yêu cầu của người bị hại, việc quyết định, hủy bỏ quyết định về các yêu cầu của người bị hại và quyền kháng cáo. Theo đó, trong quá trình tố tụng người bị hại hoặc người thừa kế của người bị hại có thể khiếu nại về mặt tài sản đối với bị cáo đã phạm tội hình sự. Người bị hại hoặc người thừa kế của người bị hại được thông báo về quá trình tố tụng và họ có quyền đưa ra khiếu nại của mình trong các thủ tục tố tụng hình sự. Việc đưa ra yêu cầu của người bị hại sẽ có hiệu lực tương tự như đưa một hành vi ra khởi kiện dân sự. Bộ luật cũng quy định người bị hại có thể tham gia vào hoạt động truy tố nhà nước với tư cách là người cùng tiến hành buộc tội cùng với tư tố viên nếu có lý do đặc biệt, đặc biệt là do những hậu quả nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật gây ra. Sự xuất hiện này nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của người bị hại. Bộ luật còn quy định các quyền khác của người bị hại tại Chương IV - Các quyền khác của người bị hại. như quyền được thông báo, quyền được thẩm tra hồ sơ vụ án, quyền được hỗ trợ và đại diện, quyền được trợ giúp, quyền được thông tin về các quyền.
Như vậy, Bộ luật Tố tụng Hình sự của nước Cộng hòa Liên bang Đức cũng không quy định giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là một nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cũng đã được đề cập trong Bộ luật thông qua việc quy định về việc quyết định các vấn đề liên quan đến dân sự, về việc bồi thường cho người bị hại và các quyền của người bị hại...