Trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20, tình hình thời tiết biến động thất thường ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam. Sự tàn phá thiên nhiên của con người đã bị trả giá bằng sự nóng lên của trái đất, bằng bão lũ, ngập úng, hạn hán, cháy rừng, động đất, núi lửa... Các hiện tượng thiên nhiên bất thường xảy ra ngày càng nhiều, mức độ thiệt hại ngày càng lớn.
Chắc hẳn, người ta vẫn chưa quên những trận động đất khủng khiếp ở Sanfrancisco (Mỹ) năm 1989 đã gây ra tổn thất được bảo hiểm là 1,1 tỷ USD, ở Northridge (Mỹ) năm 1994 với tổn thất 6,9 tỷ USD, ở Kobe (Nhật) năm 1994 làm hàng nghìn người thiệt mạng và thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ USD, ở Hà Bắc (Trung Quốc) năm 1998 làm nhiều nhà cửa sụp đổ 50 người chết và hơn 10.000 người bị thương. Gần đây nhất là những trận động đất làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ gây thảm họa tự nhiên lớn nhất trong lịch sử nước này làm 15.600 người chết, 20.000 người bị thương và số tiền khắc phục tổn thất lên tới 23 tỉ USD.
Năm 1997, 1998 một hiện tượng thiên nhiên bất thường mới xuất hiện, đó là El Nino. El Nino xảy ra gây hạn hán, úng lụt, bão lũ đã tàn phá nặng nề các nước vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp. Thiệt hại cho nền kinh tế thế giới do El Nino 1997-1998 gây nên ước tính khoảng 34 tỷ USD, 24.000 người chết và 6 triệu người mất chỗ ở. El Nino tác động nhiều tới nguồn hàng XK của các nước có nền kinh tế nông nghiệp. Đợt El Nino 1997-1998 đã làm giảm đánh bắt cá của Peru, nước chiếm khoảng 60% XK bột cá toàn thế giới, giảm 7% sản lượng gạo của Philippin. Tại Indonexia, mưa bất thường làm giảm diện tích trồng lúa 380.000 ha (3,4%) so với mùa mưa trước. Sản xuất thóc gạo giảm cùng với cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Châu Á, khiến giá gạo tăng 300% và Indonexia buộc phải NK trên 5 triệu tấn gạo. Tháng 11/2001, con bão Ling Linh xảy ra ở Trung Quốc gây úng lụt nặng nề cho ngành trồng lúa gạo và ước tính năm 2002 Trung Quốc sẽ phải nhập 4 triệu tấn gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước. (Thời báo kinh tế Sài Gòn, 15/12/2001).
Việt Nam nằm trong vành đai bão lũ của thế giới nên hơn ai hết, nước ta thường xuyên gặp phải thiên tai gây hậu quả trầm trọng. Cơn bão số 5 miền Tây Nam Bộ qua đi, để lại nhiều tàn tích chưa kịp khắc phục thì năm 98 - 99 mưa to, úng lụt ở miền Trung lại tới, ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất nông nghiệp lúa gạo và hoa
màu, làm việc thu mua các mặt hàng nông sản để XK gặp nhiều khó khăn. Tháng 7 năm 2000, tình hình thời tiết biến động rõ rệt, hạn hán kéo dài ở miền Bắc; trong khi đó ở lưu vực sông Mê Kông lại xảy ra trận lũ lịch sử. Sự biến động đột ngột của thời tiết làm cho nông nghiệp, ngành phụ thuộc nhiều nhất vào điều kiện tự nhiên, trở nên hoàn toàn bị động. Nhiều hợp đồng XK đã ký, do đó, không được thực hiện hoặc thực hiện chậm vì doanh nghiệp không tìm được chân hàng.
Năm 2002, diễn biến thời tiết hết sức phức tạp. Hạn hán xảy ra ở nhiều nơi đã làm 17.000 ha lúa, 17.500 ha màu, cây công nghiệp khu vực Nam Bộ bị mất trắng, hàng trăm ngàn ha bị giảm năng suất (Thời báo kinh tế Việt Nam 5/8/2002, tr. 3). Tính đến tháng 8, trong mùa khô năm nay, hạn hán, nắng nóng kéo dài đã gây ra 102 vụ cháy rừng, thiêu cháy 10.087 ha rừng các loại. Đáng buồn nhất là vụ cháy rừng hoàn toàn vườn quốc gia U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang). Cháy rừng trong những năm qua, không chỉ gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng mà còn gây ô nhiễm môi trường, lũ lụt, xói mòn, sạt lở núi, bồi lấp sông hồ làm mất nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt...
Với tác động biến đổi khí hậu toàn cầu, có nhiều dấu hiệu cho thấy hiện tượng El Nino có khả năng xuất hiện lại vào những năm tiếp theo và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngành sản xuất lúa gạo của ta. Điều đó có nghĩa là việc thực hiện các hợp đồng xuất gạo, mặt hàng XK chủ lực của ta có thể gặp nhiều rủi ro do nguồn hàng trong nước khan hiếm. Thực hiện các hợp đồng NK phân bón cũng có thể gặp khó khăn do diện tích lúa và hoa màu bị thu hẹp vì thiên tai nên cầu trong nước về phân bón sẽ giảm mạnh.
Khoảng cách địa lýcũng là một trong các yếu tố có tính chất tự nhiên phát sinh rủi ro. Trong quá trình thực hiện hợp đồng XNK, hàng hóa thường được di chuyển qua biên giới quốc gia. Khoảng cách địa lý càng lớn, nguy cơ rủi ro càng cao và ngược lại. Chuyên chở hàng hóa giữa các quốc gia chủ yếu được thực hiện bằng đường biển (chiếm khoảng 80%). Trong quá trình chuyên chở bằng đường biển muôn vàn rủi ro rình rập, đe dọa người kinh doanh XNK và sẵn sàng giáng những tai họa lên đầu họ. Các trận bão, lũ, sóng thần, lốc có thể bất ngờ ập đến gây tổn thất cho hàng và tàu. Trong quá trình lênh đênh trên biển, sương muối, hiện tượng hấp hơi, lây bẩn, lây hại... có thể xảy ra làm hư hỏng, mất mát, thiếu hụt hàng hóa.
Trong quá trình điều khiển và quản trị tàu, thuyền trưởng, thuyền viên có thể sơ suất, bất cẩn, gây ra lỗi thương mại và lỗi hàng vận làm tổn hại đến hàng hóa được chuyên chở trên tàu. Ngoài ra, hàng và tầu còn có thể bị xâm phạm bởi nạn cướp biển, trộm cắp. Đây thực sự là một lo ngại lớn của chủ hàng và chủ tàu mỗi khi có hàng và tàu đi qua những vùng biển có hải tặc hoành hành.