Sự khác biệt giữa các hệ thống luật pháp của các nước là một trong những nguyên nhân gây ra rủi ro trong việc thực hiện hợp đồng mua bán ngoại thương. Nguồn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán ngoại thương rất nhiều, bao gồm: điều ước quốc tế về ngoại thương, luật quốc gia, tập quán quốc tế về thương mại, án lệ và hợp đồng mẫu. Việc lựa chọn nguồn luật nào được áp dụng cho quan hệ hợp đồng là do các bên hoàn toàn tự do thỏa thuận. Tuy nhiên, trên thực tế, bất kỳ thương nhân nào cũng muốn áp dụng nguồn luật nước sở tại do họ cho rằng nguồn luật đó bảo vệ tốt nhất quyền lợi của họ. Do đó, trong trường hợp không có điều ước quốc tế, các bên thường tranh chấp trong thỏa thuận luật áp dụng. Nếu không bên nào chịu nhượng bộ, họ có thể lựa chọn luật của nước thứ ba. Đây chính là nguồn gốc có thể đem lại rủi ro do không phải bao giờ các bên cũng hiểu biết cặn kẽ luật pháp của nước thứ ba đó. Hơn nữa, cách giải thích, áp dụng nguồn luật đó cũng khác nhau ở các nước khác nhau.
Ngoài việc tuân thủ luật áp dụng đã được lựa chọn trong hợp đồng, mỗi bên trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng còn phải tôn trọng luật quốc gia. Hệ thống pháp luật của các quốc gia thường có những khác biệt vì ba lý do: thứ nhất, luôn tồn tại các quốc gia có chế độ chính trị khác nhau; thứ hai, có sự khác biệt về trình độ phát triển về các mặt đặc biệt là về kinh tế giữa các quốc gia; thứ ba, có sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, tập quán của các dân tộc và cộng đồng người.
Các quy định pháp luật khác nhau là trở ngại rất lớn tới quá trình thực hiện hợp đồng XNK bởi vì sự khác biệt trong hệ thống luật pháp có nghĩa là tồn tại các quy định khác nhau về thuế quan, thủ tục XNK, về địa vị pháp lý của các bên tham gia, về hình thức và nội dung của hợp đồng. Nếu các bên không nắm vững những quy định khác biệt này trong pháp luật của nước đối tác thì khả năng xảy ra những sự cố bất lợi là rất lớn. Do đó, để hạn chế rủi ro có thể xảy ra các bên trong quan hệ hợp đồng cần am hiểu luật pháp nước mình, luật pháp đối tác và các điều ước quốc tế có liên quan để vận dụng chúng trong quá trình thực hiện hợp đồng sao cho có lợi nhất
cho mình.
Chủ thể của hợp đồng cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng XNK.
Thông thường, trong hợp đồng mua bán quốc tế, các bên có quốc tịch khác nhau hoặc trụ sở giao dịch ở các nước khác nhau. Điều này dẫn tới địa vị pháp lý của các cá nhân và tổ chức tham gia quan hệ hợp đồng cũng khác nhau. Ví dụ, một công dân Việt Nam đủ 18 tuổi và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có thể trở thành thương nhân nếu đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, là một công dân Mỹ, nữ phải đủ 19 tuổi, nam đủ 21 tuổi thì mới có điều kiện để trở thành thương nhân. Các thương nhân mang quốc tịch Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp thì mới được ký kết hợp đồng XNK, còn ở Châu Âu các cá nhân, tổ chức chỉ cần có đăng ký kinh doanh là đủ. Như vậy, chủ thể của hợp đồng XNK có thể hợp pháp theo luật của nước này nhưng lại không hợp pháp theo luật của nước khác. Trong trường hợp hợp đồng được ký kết thì hợp đồng sẽ vô hiệu và nếu hai bên không nắm vững điều này thì rủi ro có thể phát sinh vì hợp đồng một khi đã vô hiệu thì khi có tranh chấp xảy ra, thiệt hại cho bên nào, bên đó phải tự gánh chịu.
Ngoài ra, do chủ thể của hợp đồng thường bất đồng về ngôn ngữ và có tập quán, văn hóa khác nhau. Điều này gây ra không ít khó khăn cản trở cho quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng và kết quả là khi thực hiện hợp đồng, có thể sự hiểu lầm sẽ xảy ra, đem lại rủi ro cho người kinh doanh XNK. Thực tiễn cho thấy, đã có không ít doanh nghiệp Việt Nam do không thạo tiếng Anh nên đã thỏa thuận nhiều điều khoản bất lợi cho mình và chỉ trong quá trình thực hiện hợp đồng mới phát hiện ra rằng mình đã lâm vào thế yếu. Đến lúc đó tìm cách thoái thác, từ chối thực hiện hợp đồng thì đã quá muộn.
Hơn nữa, các bên trong quan hệ hợp đồng thường có năng lực tài chính, có trình độ hiểu biết, trình độ chuyên môn và ý thức tôn trọng luật pháp khác nhau. Sự chênh lệch này thể hiện rất rõ giữa các đối tác ở các nước lớn, những người luôn muốn giữ chữ tín và quan hệ bạn hàng với các đối tác ở các nước nhỏ, rất nhiều người trong số họ chỉ chuyên lừa đảo, chụp giật. Do đó, trước khi ký kết hợp đồng cần quan tâm kiểm tra năng lực tài chính, tư cách pháp lý và phạm vi trách nhiệm vật chất của đối tác để phòng tránh rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện hợp đồng.