Theo học thuyết hệ thống hai yếu tố đã trình bày ở chương 1, có thể thấy tiền lương là một yếu tố thuộc môi trường tổ chức, nếu mang tính chất tích cực thì sẽ có tác dụng ngăn ngừa sự không thoả mãn trong công việc. Áp dụng với thực tế, công ty áp dụng chế độ trả lương cho thời gian đối với lao động trực tiếp ở bộ phận sản xuất, chỉ cần đi làm với số giờ như nhau, những công nhân có trình độ tương đồng có thể nhận mức lương như nhau, điều này có thể gây sự mất công bằng. Như vậy, cải tiến quản lý đảm bảo tính công bằng trong tiền lương sẽ có tác dụng lớn trong việc kích thích lao động.
Chế độ trả lương theo thời gian không có tác dụng lớn trong việc tạo động lực cho người lao động, tuy nhiên nhược điểm này còn khắc phục được nhờ chế độ thưởng. Chính vì vậy, thay vì trả công theo thời gian đơn giản như hiện tại (Theo số giờ làm việc thực tế và mức tiền công giờ của lao động) Công ty nên xem xét trả công theo thời gian có thưởng, tiền thưởng gồm tiền công theo thời gian đơn giản cộng với tiền thưởng. Như vậy, các giải pháp đảm bảo tính công bằng của tiền công đối với lao động trực tiếp được đưa ra là: Trả lương theo thời gian có thưởng hoặc trả công theo sản phẩm tập thể.
Chế độ trả công theo thời gian có thưởng nên áp dụng với lao động sản xuất trực tiếp, căn cứ xác định tiền thưởng đó là: Số sản phẩm vượt mức, hay mực độ thực hiện công việc xuất sắc, số sản phẩm hỏng giảm, mức độ khéo léo của công nhân…
Công ty hiện hiện có những thuận lợi nhất định do đặc điểm quá trình sản xuất sản phẩm, đó là dây truyền sản xuất được bố trí ngang.
Do đặc điểm của quy trình sản xuất của nhà máy là dây chuyền theo mô hình sản xuất đã được đề cập đến ở chương 2, theo đó lao động được bố trí theo chiều ngang, việc thực hiện công việc của nhân viên này có ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện công việc của nhân viên khác. Sản phẩm được tạo ra là kết quả của cả dây chuyền lao động.
Hơn nữa, tuy đang thực hiện chế độ trả lương theo thời gian nhưng việc thống kê số lượng sản phẩm sản xuất vẫn được thực hiện.
Chế độ trả lương theo sản phẩm là tương đối phù hợp do công ty có những điều kiện cơ bản là:
Thứ nhất, xếp bậc công việc chính xác, do công việc chủ yếu là lắp ráp nên có thể dựa vào số năm kinh nghiệm và tình hình thực hiện công việc để đánh giá xếp bậc công nhân. Hiện nay, công nhân sản xuất được chia làm 4 bậc cơ bản với những mô tả như sau:
Bậc 4: Khéo léo Bậc 3: Kinh nghiệm Bậc 2: Tập huấn Bậc 1: Cơ bản
Thứ hai, kiểm tra chính xác số lượng và chất lượng sản phẩm hoàn thành. Do có phòng kiểm định chất lượng nên các sản phẩm sản xuất ra đều được qua kiểm định trước khi nhập vào kho. Hơn nữa, sản phẩm bình nóng lạnh được chứa đựng trong thùng xốp tương đối lớn nên việc kiểm đếm cũng dễ dàng thực hiện. Công việc này cần giao cho kiểm soát nội bộ ở khu vực nhà máy phối hợp với bộ phận kho để tiến hành kiểm đếm sản phẩm. Mặc dù hiện tại công ty đang thực hiện chế độ trả lương theo thời gian nhưng việc kiểm đếm sản phẩm cũng được diễn ra hàng ngày, nhằm biết được tình hình sản xuất sản phẩm theo đúng kế hoạch, đây cũng là điểm thuận lợi cho việc thay đổi sang chế độ trả lương theo sản phẩm.
Thứ ba, tổ chức phục vụ nơi làm việc. Nguyên vật liệu được bố trí thuận tiện cho công nhân. Dây truyền sản xuất bố trí ghế ngồi cũng như bàn chuyền với độ cao phù hợp khiến công nhân có thể thoải mái khi tham gia lao động.
Việc ban lãnh đạo cần quan tâm chú ý đến trình độ lành nghề của công nhân, những công nhân lành nghề có thể sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, ít hỏng hóc gây lãng phí cho tổ chức, để đảm bảo chế độ trả lương cho sản phẩm là hiệu quả nhất.
Theo chế độ tiền lương theo sản phẩm tập thể, tiền lương phụ thuộc vào số lượng sản phẩm hoàn thành đảm bảo chất lượng. Công thức tính như sau:
TLsp= ĐGtt* Σ SPtt Trong đó:
TLsp là tiền lương sản phẩm của cả dây chuyền
∑SPtt là tổng sản phẩm thực tế sản xuất ra đảm bảo chất lượng
ĐGtt là đơn giá tiền lương tập thể (đồng/sản phẩm), được xác định như sau: ĐGtt=Σ MLcvi*Mtgtt
Σ MLcvi là tổng mức lương của toàn bộ công nhân sản xuất,có thể tính bằng (đồng/giờ)…
Mtgtt là mức thời gian của cả tập thể, chính là thời gian cần thiết để sản xuất ra một sản phẩm. Ví dụ, bình quân trong 0,9 giờ tập thể công nhân sản xuất ra 1 sản phẩm bình nóng lạnh hoàn chỉnh đảm bảo chất lượng.
Tiếp theo, dựa vào cấp bậc công nhân đã được xác định, quy đổi số giờ làm việc thực tế của công nhân theo giờ của một cấp bậc công việc. Thực tế, có thể lấy số giờ làm việc của công nhân bậc 1 ra làm số giờ tiêu chuẩn. Theo cách tính đó, ví dụ công nhân bậc 1 làm 7,9h/ ngày thì theo quy đổi công nhân bậc 2 sẽ có số giờ quy đổi là 15,8 h. Từ đó có tổng số giờ công quy đổi theo giờ của công nhân bậc 1, Từ đó, tính tiền công cho tổng số giờ bậc 1 đã quy đổi, bằng cách lấy tổng mức lương của toàn bộ công nhân sản xuất (Σ MLcvi) chia cho tổng số giờ quy đổi
Tiền lương thực lĩnh của người lao động sẽ được tính bằng tiền công cho tổng số giờ bậc 1 đã quy đổi nhân với số giờ làm việc thực tế đã quy đổi ra giờ bậc 0.
Đối với chế độ trả lương này, các công đoạn tính lương sẽ phức tạp hơn một chút, đòi hỏi việc chia lương phải chính xác, xong lại đem lại tính công bằng trong chi trả lương giữa những người lao động.
Công ty cần tăng cường bồi dưỡng trình độ chuyên môn của chuyên viên tiền lương để phù hợp với sự phát triển của Công ty cũng như sự thay đổi quy chế trả lương cho bộ phận sản xuất.
Bước đầu, công ty có thể áp dụng thử hình thức trả lương theo sản phẩm tập thể, sau này có thể tiến tới áp dụng mức trả lương cho sản phẩm có thưởng. Khi đó, đối với những sản phẩm vượt kế hoach đảm bảo chất lượng, toàn bộ công nhân sẽ
được hưởng khuyến khích thông qua chế độ tiền lương này.