Đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả TTSP

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động thực tập sư phạm của trường trung cấp sư phạm mẫu giáo-nhà trẻ Hà Nội (Trang 87)

a. Mục đích:

- Kiểm tra, đánh giá là một trong bốn chức năng của quản lý, nó có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh, ra chính sách, quyết định để duy trì nề nếp thực tập. Hoạt động thực tập sư phạm cần phải có sự kiểm tra, đánh giá kết quả với mục đích tìm ra những ưu nhược điểm để động viên, khuyến khích, khen thưởng, phê bình, nhằm đưa hoạt động thực tập vào nề nếp, giúp cho các em sinh viên phát huy những mặt tích cực và sửa chữa, điều chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình thực tập, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động thực tập;

- Tăng cường kiểm tra đánh giá kết quả thực tập sư phạm giúp cho giảng viên sư phạm và giáo viên mầm non hướng dẫn thực tập điều chỉnh

cách tổ chức, hướng dẫn giáo sinh trong quá trình thực tập sư phạm. Đồng thời khi đánh giá kết quả thực tập sư phạm của giáo sinh còn giúp cho giảng viên sư phạm rút ra kinh nghiệm trong quá trình rèn kỹ năng nghề cho giáo sinh ngay từ khi các em còn đang học ở trường TCSP cũng như khi đi thực hành, thực tập.

- Đối với cán bộ quản lý chỉ đạo thực tập sư phạm: Việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực tập sư phạm cung cấp cho họ thông tin quan trọng về hoạt động thực tập sư phạm của sinh viên, việc hướng dẫn của giảng viên TCSP, của giáo viên mầm non để có sự chỉ đạo hợp lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thực tập sư phạm cũng như quá trình đào tạo giáo viên của nhà trường.

Kiểm tra, đánh giá kết quả thực tập sư phạm là so sánh đối chiếu tri thức, kỹ năng, phẩm chất nghề thực tế đã được hình thành ở người học sau một quá trình dạy học với yêu cầu xác định của mục tiêu giáo dục - đào tạo đề ra. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực tập của sinh viên có ý nghĩa về nhiều mặt. Giai đoạn thực tập sư phạm tốt nghiệp là giai đoạn học tập cuối cùng của chương trình đào tạo, đây là giai đoạn giáo sinh vận dụng phần lý thuyết vào thực tiễn giáo dục trẻ, cùng một lúc lại được sự tham gia kiểm tra, đánh giá của nhiều chủ thể quản lý thực tập sư phạm nên sản phẩm đào tạo được bộc lộ và đánh giá rất rõ. Do vậy, việc kiểm tra, đánh giá ở khâu thực tập tốt nghiệp là hết sức quan trọng, nó cung cấp thông tin phản hồi cho toàn bộ quá trình đào tạo. Nhờ đó mà trường sư phạm có cơ hội nhìn được những mặt ưu điểm và nhược điểm trong quá trình đào tạo, từ đó có những điều chỉnh, sửa sai để ngày càng nâng cao được chất lượng đào tạo của nhà trường.

b. Cách thực hiện

Để quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả thực tập sư phạm cho giáo sinh được đúng với yêu cầu, chức năng của nó thì cần phải:

- Hoàn thiện quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả thực tập của giáo sinh, quy trình này gồm các bước:

+ Xây dựng các tiêu chí đánh giá:

Tiêu chí đánh giá là dấu hiệu, tính chất được chọn làm căn cứ, làm chuẩn để so sánh, đối chiếu xác định mức độ kết quả đạt được. Tiêu chí đánh giá là công cụ quan trọng để xác định chất lượng nói chung và chất lượng Giáo dục - Đào tạo nói riêng. Thực tập sư phạm là hoạt động thực hành nên tiêu chí đánh gía cụ thể các yêu cầu cơ bản của các hoạt động trong đợt thực tập.

Tiêu chí đánh giá kết quả thực tập của giáo sinh gồm các nội dung: Tiêu chí đánh giá các hoạt động giáo dục trẻ mầm non, dựa trên các yêu cầu rèn luyện và thực hiện các kỹ năng giáo dục trẻ như: Kỹ năng soạn giáo án, kỹ năng chuẩn bị lên lớp, kỹ năng lên lớp (kỹ năng diễn đạt, trình bày, sử dụng các phương tiện, thiết bị dạy học, kỹ năng vận dụng phối hợp các phương pháp dạy học để phát huy tính tích cực của trẻ, kỹ năng dự giờ, kỹ năng rút kinh nghiệm bài dạy…

Tiêu chí đánh giá các tổ chức quản lý lớp mầm non: kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng tổ chức và quản lý trẻ trên lớp và các hoạt động ở mọi lúc, mọi nơi, kỹ năng giao tiếp với trẻ…

Tiêu chí đánh giá tinh thần thái độ, ý thức chấp hành nội quy, quy chế thực tập sư phạm.

Ngoài ra còn có những tiêu chí đánh giá hoạt động tuyên truyền phối hợp với gia đình trong việc giáo dục trẻ và chấm bài tập tìm hiểu tâm lý trẻ.

+ Phổ biến các tiêu chí, phương pháp kiểm tra, đánh giá:

Các đoàn thực tập sư phạm cần phải có sự bàn bạc thống nhất trong việc đánh giá kết quả thực tập cho giáo sinh. Giáo sinh cũng cần hiểu những tiêu chí, yêu cầu và cả cách kiểm tra, đánh giá thực tập sư phạm. Có như vậy sinh viên mới thực sự chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ thực tập để có được kết quả tốt nhất;

+ Kiểm tra, đánh giá mẫu và rút kinh nghiệm để thống nhất đánh giá trong toàn đoàn thực tập:

Trên thực tế cho thấy giữa các giáo viên hướng dẫn thực tập có những đánh giá kết quả thực tập rất khác nhau, không đồng đều nên các giáo viên hướng dẫn thực tập cần dự giờ đánh giá chung, rút kinh nghiệm đánh giá thống nhất. Trên cơ sở đó mà ban chỉ đạo của trường TCSP có những điều chỉnh cần thiết giữa các đoàn thực tập. Dạy bình điểm mẫu: 3 ngày ở lớp mẫu giáo, 3 ngày ở nhóm nhà trẻ.

+ Hàng ngày giáo viên mầm non dự giờ và tổ chức cho các em học sinh trong nhóm cùng rút kinh nghiệm các hoạt động giáo dục của bạn mình trong nhóm.

+ Trong quá trình thực tập, giảng viên hướng dẫn thực tập, trực tiếp làm trưởng đoàn, thường xuyên đi dự giờ và rút kinh nghiệm cùng với nhóm thực tập. Trưởng đoàn thực tập có cơ hội giúp cho nhóm thực tập được chuẩn hoá kỹ năng nghề và đánh giá kết quả thực tập.

- Kiểm tra, giám sát quá trình thực tập:

+ Ban chỉ đạo thực tập cấp cơ sở có thể điều chỉnh kết quả thực tập cho phù hợp với chuẩn đánh giá nếu thấy có kết quả thực tập bất thường, không sát với thực tiễn và chuẩn đánh giá;

+ Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Thành phố theo dõi kiểm tra kết hợp với báo cáo kết quả thực tập hàng tuần của trưởng đoàn thực tập, có thể chỉ đạo điều chỉnh nếu có sự chênh lệch trong kết quả đánh giá giữa các đoàn thực tập;

+ Ban chỉ đạo thực tập của các cấp, đặc biệt trực tiếp các tổ chuyên môn của khoa thường xuyên xuống thăm các đoàn thực tập, dự giờ, rút kinh nghiệm cho các em học sinh;

+ Ban chỉ đạo các cấp làm tốt công tác thi đua khen thưởng trong đoàn thực tập và giữa các đoàn thực tập để kích thích động viên các đoàn thực tập, thông qua những lần đi thăm đoàn và dự giờ, tổ chức hội thi giáo sinh thực tập giỏi, mỗi đoàn 2 giáo sinh tổ chức 2 tiết dạy.

c. Điều kiện thực hiện

Cần phải có văn bản hướng dẫn kiểm tra, đánh giá kết quả TTSP một cách cụ thể, rõ ràng. Phải có những quy định cụ thể cho việc quản lý công tác kiểm tra, đánh giá kết quả TTSP của giáo sinh.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động thực tập sư phạm của trường trung cấp sư phạm mẫu giáo-nhà trẻ Hà Nội (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)