Về phía sinh viên

Một phần của tài liệu Vấn đề giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên các trường Cao đẳng nghề tỉnh Yên Bái hiện nay (Trang 84)

Nhiều sinh viên có ý thức vươn lên trong học tập, ý thức rèn luyện tu

dưỡng đạo đức, xác định được mục đích sống, có lý tưởng phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội. Sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường, xã hội. Ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, luôn xác định mục tiêu lập thân lập nghiệp, ngoài thái độ học nghiêm túc, ham học hỏi sinh viên còn rèn cho mình những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cần có của người lao động tương lai. Nắm bắt nhanh những diễn biến và xu hướng của thời đại. Theo Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Yên Bái khóa XII: “Dự báo trong thời gian tới, tình hình đoàn viên thanh niên cũng sẽ có những biến đổi. Sự chuyển dịch lao động trẻ, cơ cấu xã hội, nghề nghiệp của thanh niên sẽ tiếp tục có sự thay đổi lớn; tiếp tục có sự phân hóa mạnh về trình độ học vấn, về thu nhập, địa vị kinh tế, điều kiện hưởng thụ văn hóa, vui chơi giải trí, định hướng giá trị tinh thần trong thanh niên. Cùng với đó, tinh thần tình nguyện, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống sẽ trở thành xu hướng lớn trong tuổi trẻ thành phố. Ý thức chính trị, đòi hỏi về công bằng, dân chủ của đoàn viên thanh niên sẽ cao hơn. Tuy nhiên, những vấn đề tiêu cực mới cũng sẽ xuất hiện và diễn biến phức tạp như lối sống thực dụng, tình trạng bạo

lực, sự thờ ơ với chính trị, sự tác động của các thế lực thù địch đối với thanh niên” [59, tr.25].

Như đã đề cập tới một số tác động ở trên đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc rèn luyện đạo đức và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp của sinh viên hiện nay đó là: Mặt trái của cơ chế thị trường, tiêu cực trên thị trường lao động, sự xuống cấp đáng báo động của một bộ phận người lao động về đạo đức nghề nghiệp và lối sống hưởng thụ, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân của một bộ phận giới trẻ hiện nay đã tác động không nhỏ tới vấn đề này. Hội nghị lần thứ V của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã nhận định: “Nhiều biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo làm cho xã hội lo lắng cho sự suy thoái đạo lý trong quan hệ thầy trò, bè bạn, môi trường sư phạm xuống cấp; lối sống thiếu lý tưởng hoài bão, ăn chơi, nghiện hút... ở một bộ phận học sinh, sinh viên; việc coi nhẹ giáo dục đạo đức, thẩm mỹ và các bộ môn chính trị, khoa học xã hội và nhân văn” [13, tr.47].

Phần lớn sinh viên xác định động cơ chỉ là đi học để có kiến thức ra trường có việc làm, có thu nhập để sống, để lo cho bản thân, đỡ đần gánh nặng cho gia đình, chưa thể nghĩ sâu hơn, rộng hơn về sứ mệnh, về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước. Hầu như sinh viên sống xa nhà, từ những vùng nông thôn, hẻo lánh về học tại các trường chuyên nghiệp đóng trên địa bàn thành phố, các em thường bị choáng ngợp bởi cuộc sống đô thị, kinh nghiệm sống ít, không có cha mẹ quản lý. Lứa tuổi này các em đang phát triển mạnh mẽ về thể chất, tinh thần và tình cảm. Tâm lý muốn khám phá năng lực bản thân, được khẳng định bản thân và thể hiện mình trước bạn bè, gia đình và xã hội nên có nhu cầu giao tiếp rất lớn đặc biệt là sự giao tiếp với bạn bè và hình thành các nhóm bạn có cùng nhu cầu và sở thích. Nếu không có lập trường và không được giáo dục hướng dẫn kịp thời sẽ dễ dàng bị lôi kéo và sai lệch trong hành vi. Sinh viên hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn: việc lựa chọn những hành vi ứng xử vừa phù hợp với giá trị đạo đức

truyền thống vừa phải theo kịp sự phát triển của xã hội hiện đại. Mặt trái của sự hội nhập là sự xáo trộn, mất ổn định trong tâm lí, đạo đức của rất nhiều người trong xã hội. Sinh viên là lứa tuổi nhạy cảm với cái mới, hay bắt chước nên dễ làm cho họ có những hành vi bột phát, hành vi lệch chuẩn ứng xử trong các mối quan hệ. Những hành vi lệch chuẩn đều gây ra những hậu quả xấu cho cá nhân và xã hội. Tâm lý của số đông sinh viên là muốn được đi học tại các thành phố lớn như Hà Nội và phải là các trường đại học để hoàn toàn sống tự do đúng chất sinh viên. Dẫn tới một thực tế là không ít số lượng sinh viên vào học tạm, không đúng ngành nghề và bỏ học lớn gây lãng phí tiền của và công sức xã hội.

Thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ sinh viên xem thường giá trị cuộc sống, thiếu ước mơ khát vọng, ít quan tâm đến định hướng lý tưởng cao đẹp và ý chí rèn luyện bản lĩnh phấn đấu vươn lên, không tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội, thiếu trách nhiệm rèn luyện đạo đức nghề. Một số bộ phận sinh viên chưa xác định đúng đắn động cơ học tập, coi việc đi học tập trung tại trường chuyên nghiệp là một cách để tìm môi trường mới, ở đó có những mối quan hệ đa dạng, đa chiều hơn quan hệ gia đình. Việc rời trường phổ thông bước vào những năm học ở trường chuyên nghiệp đồng nghĩa với việc sinh viên xa rời sự quản lý thường xuyên của gia đình, nếu không được định hướng tư tưởng, giáo dục, rèn luyện tốt ở các trường chuyên nghiệp các em rất dễ bị chệch hướng, bị lệch lạc thậm chí sai lầm về nhiều mặt và dễ rơi vào tâm lý, cách sống dễ dãi, buông thả và dễ vi phạm pháp luật.

Phần lớn sinh viên được khảo sát cho rằng những nguyên nhân có ảnh hưởng tiêu cực tới hứng thú học tập trong sinh viên là: trong quá trình giảng dạy, giảng viên không đưa ra các tình huống để kích thích sinh viên tư duy, không cập nhật thông tin về đời sống xã hội, phần lớn thời gian trong giờ học giảng viên chỉ đọc cho sinh viên chép những kiến thức sẵn có trong giáo trình rồi giải thích qua loa, không tạo được bầu không khí thân thiện trong lớp...

Nhưng ngoài ra “Sự áp đặt của giảng viên cũng khiến sinh viên sợ sai!”. Đa phần sinh viên rất ngại phát biểu, trừ khi gặp những vấn đề khúc mắc không tự tìm hiểu được thì mới cần phải hỏi trực tiếp giảng viên. Ở một số môn học, đặc biệt là các môn đại cương, có thể nói giảng viên chỉ truyền đạt lại cho sinh viên theo cách đọc - chép nên không tạo được bầu không khí học tập sôi động. Một số giáo viên có nêu câu hỏi rồi chỉ định hoặc để sinh viên tự giơ tay trả lời, nhưng phần đông sinh viên không hưởng ứng lắm. Những nguyên nhân chính khiến sinh viên ngại phát biểu là cảm giác sợ sai. Sự áp đặt của giáo viên cũng "đóng góp" vào tâm lý sợ sai của sinh viên.

Đối với các môn khoa học giáo dục về lý tưởng, đạo đức cách mạng như: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng, nhiều sinh viên chưa thật hào hứng, say mê khi học. sinh viên thấy như bị bắt buộc phải học nên có tình trạng học qua loa chiếu lệ, đối phó. Thực tế sinh viên coi nhẹ các môn lý luận chính trị mà chỉ chú ý tới học văn hoá và chuyên môn. Nhiều bạn sinh viên học giỏi, năng động, sáng tạo nhưng lại chỉ quan tâm nhiều đến lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật mà chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề xã hội, đạo đức…

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những tấm gương sáng của thanh niên, sinh viên luôn có ý thức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vượt khó, vượt khổ vươn lên tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực, vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Một bộ phận trong giới trẻ đặc biệt là trong sinh viên lại chạy theo lối sống cá nhân thực dụng, sống thiếu lý tưởng, xa rời đạo đức truyền thống, tiếp thu thiếu chọn lọc lối sống từ bên ngoài; đua đòi, học hành sa sút, sa vào tệ nạn xã hội, có nhiều sinh viên phải từ bỏ dở dang con đường sự nghiệp của mình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến truyền thống tốt đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam...

Vấn đề giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên nhằm bồi dưỡng thế hệ trẻ vừa tài vừa đức, để các em trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của sự nghiệp giáo dục nói riêng và của cả sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung.

Một phần của tài liệu Vấn đề giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên các trường Cao đẳng nghề tỉnh Yên Bái hiện nay (Trang 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)