Về phía xã hội

Một phần của tài liệu Vấn đề giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên các trường Cao đẳng nghề tỉnh Yên Bái hiện nay (Trang 77)

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, thì quá trình quốc tế hoá sản xuất và phân công lao động cũng diễn ra ngày càng phức tạp, vừa hợp tác vừa cạnh tranh quyết liệt. Việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các nền kinh tế, nếu muốn hội nhập vào thế giới. Trước những thời cơ và thách thức mới, muốn vươn lên tiến cùng thời đại thì yếu tố con người có tri thức hiện đại là nhân tố quyết định hàng đầu. Những con người đó phải

có năng lực trí tuệ sáng tạo, kỹ năng thực hành giỏi và ý chí quyết tâm đưa nước ta phát triển nhanh chóng; những con người có niềm khát vọng Việt Nam sớm xoá đi nỗi khổ nghèo nàn lạc hậu, rút ngắn khoảng cách so với những nước phát triển. Trước những yêu cầu trên, nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ tác động khuyến khích đến hầu hết các đối tượng học nghề được miễn, giảm học phí. Hộ nghèo, nông dân thuộc diện thu hồi đất chuyển đổi mục đích sản xuất, bộ đội xuất ngũ, lao động thuộc chương trình 30a của Chính phủ được học nghề hoặc học ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động… Gần đây là chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn. Chính sách tiền lương, tiền công đối với người tốt nghiệp các trường nghề cũng được xếp ngang mức tiền lương đối với người tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp cùng trình độ. Nếu trước kia lương học sinh tốt nghiệp các trường nghề được xếp theo hệ công nhân (từ bậc 1 đến bậc 7), thì nay lương của người tốt nghiệp các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề được xếp như người tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (10 bậc). Chính phủ cũng đã quy định tách riêng hệ thống lương tối thiểu của khu vực sản xuất, kinh doanh ra khỏi khu vực hành chính, sự nghiệp. Nhờ tháo gỡ được những rào cản trên nên hệ thống dạy nghề đã có bước phát triển nhanh, vững chắc.

Hệ thống đào tạo dạy nghề ở các trường cao đẳng Yên Bái phát triển chưa ngang tầm đòi hỏi của thực tiễn. Do sự ưu ái của xã hội đối với giáo dục đại học, mà ở giáo dục đại học lại quan tâm chủ yếu tới các chuyên ngành kinh tế xã hội đã dẫn tới thực trạng thiếu hụt đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật lành nghề ở cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng.

Các chính sách sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao cũng còn nhiều bất cập trong chính sách tiền lương, điều kiện làm việc và cơ hội học tập, phát triển... Hiện tượng “chảy máu chất xám” ở khu vực nhà nước là một trong những hậu quả của những bất cập đó.

Mặt trái của cơ chế thị trường đang làm suy đồi nhiều giá trị đạo đức trong xã hội, sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, nhiều người lao động mất việc làm, đời sống khó khăn đã gây ra không ít những biểu hiện tiêu cực. Bên cạnh đó tình trạng tham nhũng, cửa quyền và tiêu cực trong vấn đề xin việc ở nước ta hiện nay đang là một vấn nạn làm cho người lao động mất niền tin vào Đảng, vào chính quyền địa phương. Một nghịch lý thật trớ trêu và đau lòng đang xảy ra đó là người lao động nào thật thà, trung thực trong công việc, dám đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong cơ quan, đơn vị mình sẽ bị cho là hâm, gàn dở, rỗi hơi…Những vấn đề này thực sự cho thấy giáo trị đạo đức nghề nghiệp đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nó đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức của sinh viên hiện nay. Đối với sinh viên những tác động từ mặt trái của xã hội càng trở nên ồ ạt hơn khi sức “đề kháng” của sinh viên rất mong manh. Dường như, cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu thì giới trẻ càng dễ hư hỏng bấy nhiêu. Khi cuộc sống càng hiện đại thì giới trẻ chạy theo bằng mọi giá và chính họ tự trở thành nô lệ của xu hướng đó. Trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường, giới trẻ khó đứng vững được trước những thay đổi chóng mặt của nó. Họ phải chạy theo giá trị vật chất, những thứ đảm bảo cho một cuộc sống thoải mái hơn về tiện nghi. Với xu thế đó, họ không có thời gian để thưởng thức những giá trị tinh thần cao đẹp như những liều thuốc an thần. Thay vào đó, họ cứ lao đầu vào dòng đời ngược xuôi tốc độ, cạnh tranh. Trong thời đại này, ai bình chân người đó sẽ chết đói, có người cho rằng “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm”; nếu cứ sống một cách lương thiện thì áo chẳng có mà mặc, cơm chẳng có mà ăn, nói chi là “ăn no mặc ấm, ăn

sung măc sướng”. Cùng với đó, hội nhập văn hóa làm cho một bộ phận sinh

viên sống “tây hóa” không còn biết đến nền tảng đạo đức của con người. Nếu không thích nghi với cuộc sống xã hội đang ngày càng thay đổi một cách chóng mặt thì con người sẽ tự bị xã hội đào thải nhưng nếu thích ứng một

cách không có chọn lọc thì những cái xấu sẽ lan nhanh hơn cái văn minh mà ta hướng tới.

Một phần của tài liệu Vấn đề giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên các trường Cao đẳng nghề tỉnh Yên Bái hiện nay (Trang 77)