Về phía nhà trường: Nhà trường đã thấy được vai trò của hoạt động
dạy nghề có tầm quan trọng đặc biệt vừa có tính nhân văn, vừa có tính xã hội rất cao. Có vai trò quan trọng đối với phát triển vốn con người, nguồn nhân lực, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động dạy nghề tại các trường cao đẳng nghề đều xuất phát từ yêu cầu của thị trường lao động trong tỉnh cũng như toàn quốc. Quá trình đào tạo nghề luôn hướng tới mục tiêu đáp ứng cả về chất số lượng và chất lượng nguồn lao động. Chính vì thế trong quá trình học tập sinh viên được chú trọng giáo dục cả “đức” và “tài”, trong đó giáo dục đạo đức nghề nghiệp cũng đã được quan tâm và đã đạt hiệu quả nhất định.
Song một thực tế đáng buồn vẫn đang diễn ra, ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề giáo dục mà đặc biệt là giáo dục đạo đức nghề nghiệp tại các trường cao đẳng nghề như sau. Hiện nay các cấp lãnh đạo và nhà trường thường coi trọng kết quả học tập chuyên môn nhiều hơn là chất lượng đạo đức, chỉ tiêu được thực hiện hơn là chất lượng đầu vào và đầu ra. Các trường chuyên nghiệp được mở ra ồ ạt và nhiều trung tâm khác cũng được cấp phép tuyển sinh, thuê thầy và mở lớp, việc cạnh tranh trong tuyển sinh diễn ra gay gắt, để có đủ chỉ tiêu tuyển sinh các nhà trường phải dùng mọi biện pháp để thu hút được sinh viên, do đó họ chỉ quan tâm tới số lượng đầu vào hơn là tới chất lượng đầu vào. Trong quá trình giảng dạy nhà trường không dám xiết chặt quy chế vì sinh viên sẽ bỏ học nhiều. Tâm lý của các em thường thích đăng ký vào trường nào có quy chế “thông thoáng”, không đi học mà vẫn được thi,
không học mà thi vẫn đỗ. Bên cạnh đó các nhà trường không được hoàn toàn chủ động tuyển dụng chất lượng đầu vào của giáo viên.
Đồng thời công tác cải cách quản lý nhà nước về giáo dục còn nhiều hạn chế. Hiện chúng ta thiên về kiểm soát số lượng giảng viên, sinh viên mà chưa có hệ thống các tiêu chuẩn để kiểm soát chất lượng giáo dục và đào tạo. Các cơ sở đào tạo ít được tự chủ, vẫn bị can thiệp hành chính. Cơ sở vật chất các nhà trường cơ bản đáp ứng và từng bước được đầu tư song so với yêu cầu đào tạo thì còn quá thiếu thốn; cơ sở vật chất của một số trường đã xuống cấp, một số trang thiết bị đã lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu của thực tế đào tạo.
Hiện nay, giữa các trường cao đẳng và doanh nghiệp luôn khó khăn khi tìm tiếng nói chung. Các doanh nghiệp khi tiếp nhận sinh viên thì than phiền không đủ năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp phải đào tạo lại. Một bộ phận sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn khó tìm việc vì trình độ, kỹ năng nghề yếu, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp hạn chế không sát với yêu cầu doanh nghiệp. Điều đó có nguyên nhân từ nội dung, chương trình nặng nề, dàn trải; cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ cho giảng dạy, học tập còn lạc hậu; phương pháp dạy và học chuyển biến chậm, thời gian thực hành ít…Sinh viên ra trường không xin được việc làm còn doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nhân lực cả về mặt số lượng và chất lượng: thiếu công nhân, kỹ thuật viên lành nghề, kiến thức và kỹ năng nghề của sinh viên còn khoảng cách khá xa giữa đào tạo và yêu cầu thực tế của sản xuất.
Về phía giáo viên: Giáo viên dạy nghề chưa đáp ứng được tốc độ phát
triển của giáo dục nghề nghiệp trong điều kiện mới. Mặc dù rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy nhưng nhiều giáo viên còn thiếu hụt về chuyên môn nghề nghiệp, yếu về nghiệp vụ sư phạm, đặc biệt là về kỹ năng giảng dạy, phương pháp giáo dục học sinh. Đây là một nguyên nhân dẫn tới chất lượng đào tạo dạy nghề chưa thuyết phục được các nhà sử dụng lao động. Đây cũng
là thực trạng chung của đội ngũ giáo viên dạy nghề tỉnh Yên Bái. Bên cạnh đó còn bộc lộ một số vấn đề sau: Cơ cấu ngành nghề đào tạo giáo viên chưa hợp lý, một số nghề chưa có giáo viên được đào tạo cơ bản, kỹ năng nghề còn hạn chế, tỷ lệ giáo viên dạy tích hợp còn thấp so với yêu cầu của chương trình đào tạo. Trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên dạy nghề còn yếu, hạn chế khả năng cập nhật công nghệ mới, ứng dụng tin học và các phương pháp sư phạm hiện đại. Khả năng phát triển chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy nghề còn hạn chế. Hiện nay, giáo viên dạy nghề chưa có ngạch lương riêng mà hưởng theo ngạch giáo viên trung học nên rất khó “hút” giáo viên vào trường, nhất là giáo viên có trình độ trên đại học. Chính sách đối với giáo viên dạy nghề vẫn còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích, thu hút những người có năng lực, chưa tạo ra sự gắn bó, tâm huyết với nghề nghiệp. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được những người có trình độ, có tay nghề giỏi, có kinh nghiệm trong sản xuất chuyển về làm giáo viên. Ngược lại, nhiều giáo viên có trình độ tay nghề giỏi lại muốn chuyển ra sản xuất tại các doanh nghiệp để có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, chưa có những chính sách khuyến khích động viên đối với giáo viên tự phấn đấu nâng cao trình độ, chưa có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề tạo điều kiện cho giáo viên được đi thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hàng năm.
Trong thực tế cũng còn tồn tại một bộ phận giáo viên tha hóa về đạo đức nghề nghiệp, dẫn tới những tiêu cực trong nghề nghiệp, sinh viên mất lòng tin vào môi trường giáo dục, mất lòng tin về cả những giá trị đích thực của nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi.
Còn tồn tại một số quan điểm của cán bộ, giáo viên trong trường nhận thức chưa đúng tầm quan trọng của vấn đề giáo dục đạo đức nghề nghiệp. Họ cho rằng chỉ cần tập trung vào giảng cái mà sinh viên cần, đó là kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, nhiều sinh viên đi trễ, tự ý bỏ giờ, tự ý bỏ học vẫn
chưa bị xử lý thích đáng nên vẫn tiếp tục vi phạm. Tất cả những điều đó cho thấy việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong nhà trường cần phải được nhận thức lại một cách đúng đắn về vai trò và vị trí của nó trong việc đào tạo người lao động có chất lượng trong tương lai.