B. NỘI DUNG
1.3.1. Một số biện pháp cải cách trong giai đoạn những năm 50
Ý thức được những sai lầm của căn bệnh can thiệp hành chính vào hoạt động kinh tế, các biện pháp cải cách DNNN giai đoạn những năm 50 đã hướng đến việc tăng dần sức sống cho doanh nghiệp. Hai xu thế cải cách chính được thực thi trong giai đoạn
1
này là: (1). Giao bớt các DNNN xuống cho chính quyền địa phương; (2) Tăng cường quyền hạn cho doanh nghiệp.
Lần lượt trong tháng 4 và tháng 6 năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã ra những quy định về việc giảm bớt số DNNN do trung ương trực tiếp quản lí. Theo quy định này, trừ một số doanh nghiệp đặc biệt quan trọng hoặc những doanh nghiệp mang tính thử nghiệm, còn lại các DNNN khác trong ngành công nghiệp và một số DNNN thuộc ngành thương mại, dịch vụ đều được chuyển cho chính quyền hành chính cấp thấp hơn quản lí. Kết quả của đợt cải cách này là số DNNN do chính quyền trung ương quản lí đã giảm từ hơn 9300 doanh nghiệp (năm 1957) xuống còn 1200 doanh nghiệp (năm 1958) [50, 43]. Tuy vậy, biện pháp cải cách này chỉ mới bước đầu thay đổi chủ thể quản lí doanh nghiệp, tức giảm dần tình trạng doanh nghiệp bị quá nhiều cấp hành chính quản lí, chứ chưa thay đổi được tình trạng doanh nghiệp quản lí quá chặt. Do đó, song song với cải cách này, Trung Quốc đã triển khai đợt cải cách hướng đến việc tăng quyền hạn cho doanh nghiệp. Mà vấn đề đầu tiên được chú ý tới là tăng quyền tự quyết về tài chính.
Tháng 5 năm 1958, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành: "Một số quy định về việc thực hiện chế độ giữ lại lợi nhuận của doanh nghiệp" với 4 nội dung chủ yếu là: (1). Yêu cầu giảm bớt các can thiệp hành chính mang tính mệnh lệnh. (2). Thực hiện chế độ phân chia lợi nhuận giữa nhà nước và doanh nghiệp. (3). Trừ giám đốc, phó giám đốc, xưởng trưởng, những nhân viên kỹ thuật chủ yếu, tất cả số công nhân viên còn lại trong doanh nghiệp sẽ do doanh nghiệp tự quản lí. (4) Chi phí sự nghiệp của doanh nghiệp có thể do doanh nghiệp tự điều tiết sử dụng, doanh nghiệp bước đầu cũng có quyền quyết định với tài sản cố định của mình.
Tăng cường quyền tự chủ cho doanh nghiệp là một yêu cầu tất yếu và khách quan nhưng trong đợt cải cách này, tư tưởng "quá tả" - mà biểu hiện của nó là thực hiện cải cách một cách quá gấp gáp - khiến cải cách không đạt được những kết quả như mong đợi. Quy định nêu trên được ban hành ngày 2 tháng 6 năm 1958 nhưng yêu cầu đến trước 15 tháng 6 phải hoàn tất thủ tục để chuyển hơn 880 đơn vị sự nghiệp trong các doanh nghiệp xuống dưới. Chính sự chủ quan, tâm lý nóng vội, việc phân định số doanh nghiệp cần chuyển giao xuống dưới thiếu sự tính toán cẩn thận v.v... đã đẩy cải cách vào tình trạng hỗn loạn.