B. NỘI DUNG
2.4.1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật kinh tế
Phải mất một thời gian dài hàng chục năm, phải trả giá bằng một bức tranh kinh tế ảm đạm (vừa mất cân đối vừa không thực sự hiệu quả) và người dân từ thành thị đến nông thôn thì phải sống trong một điều kiện ngày càng khó khăn, Trung Quốc mới
ngộ ra rằng việc duy trì thể chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung quá lâu (sau khi đã kết thúc chiến tranh) chính là trở lực đẩy lùi sự phát triển của Trung Quốc hàng chục năm. Một nền kinh tế vận hành theo các mệnh lệnh, kế hoạch và pháp lệnh có thể đảm bảo cung cấp đủ cho người dân những hàng hoá thiết yếu nhưng không thể đảm bảo có dư thừa hàng hoá để phân phối rộng khắp. Cùng với việc nhận thức và định vị lại mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường, giữa các mệnh lệnh hành chính với các quy luật kinh tế người Trung Quốc đã nhận thức được rằng các doanh nghiệp thuộc về nhân tố cấu thành thị trường chứ không phải thuộc về nhân tố cấu thành chính trị. Doanh nghiệp (dù thuộc bất kỳ thành phần kinh tế nào) tự bản thân nó là một đơn vị kinh tế chứ không phải và không thể là một đơn vị hành chính, phục vụ cho các mục tiêu chính trị đơn thuần. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp phải bắt nguồn từ việc doanh nghiệp đó bắt được những tín hiệu của thị trường chứ không phải xoay quanh các tín hiệu hành chính. Trả doanh nghiệp về với thị trường, để doanh nghiệp vận hành theo các quy luật kinh tế cơ bản là cách đi đúng đắn và hợp quy luật. Tuy nhiên, để đảm bảo nền kinh tế không rơi vào tình trạng bị lũng đoạn do tình trạng cạnh tranh không hoàn hảo, để đảm bảo tất cả các doanh nghiệp đều có một môi trường kinh doanh bình đẳng, thì điều quan trọng là phải xây dựng được một môi trường pháp lý kiện toàn.
Cải cách DNNN là "khâu trung tâm của cải cách kinh tế ở Trung Quốc", do vậy vấn đề xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống các văn bản pháp quy có liên quan đến sự vận hành của doanh nghiệp cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Lần lượt "Luật phá sản doanh nghiệp" (thí điểm), "Luật doanh nghiệp công nghiệp thuộc chế độ sở hữu toàn dân", "Điều lệ chuyển đổi cơ chế kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp thuộc chế độ sở hữu toàn dân", "Các nguyên tắc tài chính doanh nghiệp", "Các chuẩn tắc kế toán doanh nghiệp", "Điều lệ tạm thời về quản lí phát hành và giao dịch cổ phiếu", "Luật lao động", "Luật công ty", "Điều lệ quản lí đăng kí công ty", "Luật ngân hàng nhân dân Trung Quốc", "Luật ngân hàng thương nghiệp", "Luật xí nghiệp hương trấn" v.v... đã được ban hành và thực thi. Trong đó, hai văn bản có tầm quan trọng đặc biệt đến cải cách DNNN là "Luật doanh nghiệp" và "Luật công ty".
"Luật doanh nghiệp công nghiệp thuộc chế độ sở hữu toàn dân" được thông qua ngày 13 tháng 4 năm 1988 đã quy định cụ thể về các quyền lợi của DNNN như: cho phép doanh nghiệp tự sản xuất một số hàng hoá theo yêu cầu của thị trường; doanh nghiệp có quyền điều chỉnh vật tư được cung ứng theo kế hoạch; có quyền từ chối các nhiệm vụ sản xuất ngoài kế hoạch của các ban ngành; doanh nghiệp có quyền tự tiêu thụ sản phẩm làm ra; có quyền lựa chọn đơn vị mua hàng v.v... Có thể thấy, ra đời và thực thi trong bối cảnh những năm tháng đầu tiên của cải cách DNNN nên những nội dung tập trung và những ý nghĩa lớn lao nhất của "Luật doanh nghiệp" là đem lại cho các DNNN nhiều quyền tự chủ hơn trong sản xuất, kinh doanh, góp phần tháo gỡ các ràng buộc về mặt hành chính để trả doanh nghiệp về đúng với vòng quay của thị trường. Để cụ thể hoá "Luật doanh nghiệp", ngày 23 tháng 7 năm 1992, Trung Quốc ban hành "Điều lệ chuyển đổi cơ chế kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp thuộc chế độ sở hữu toàn dân" gồm 6 chương 54 điều. Nội dung của "Điều lệ" bên cạnh việc tiếp tục nâng cao quyền tự chủ cho các DNNN còn phản ánh một xu thế mới trong cải cách đó là chuyển đổi cơ chế kinh doanh.
Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện cổ phần hoá, cùng với việc đề xuất xây dựng chế độ DNHĐ, vấn đề chuyển đổi cơ chế kinh doanh của DNNN đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm. Để pháp chế hoá nhiệm vụ này, ngày 29 tháng 12 năm 1993, Uỷ ban thường vụ Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông qua "Luật công ty của nước CHND
Trung Hoa" và quyết định đưa "Luật công ty" vào thực hiện từ ngày 01 tháng 07 năm 1994. Sự chuyển biến từ "Luật doanh nghiệp" sang "Luật công ty" không chỉ đánh dấu sự hoàn thiện dần về mặt pháp lý của hệ thống luật doanh nghiệp, không chỉ chứng minh sự phát triển mới của bản thân hệ thống DNNN mà ở một tầng sâu hơn sự chuyển biến này còn phản ánh sự chuyển mình của nền kinh tế Trung Quốc từ quỹ đạo kế hoạch truyền thống sang quỹ đạo của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Bởi lẽ làm nên sự khác biệt lớn nhất giữa "công ty" và "doanh nghiệp" không phải là cơ cấu tổ chức mà là mục đích hoạt động và sự định vị. Về mục đích hoạt động, công ty là một tổ chức kinh tế nhằm mục đích sinh lợi, mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu và là mục tiêu sống còn. Trái lại, đối với các DNNN vẫn đang nhận được sự bảo hộ của nhà nước, mục tiêu sinh lợi không phải là mục tiêu cấp thiết. Về sự định vị, nếu trong thể chế kinh tế kế hoạch, DNNN là một bộ phận mang tính lệ thuộc của các cơ quan hành chính, DNNN không có khả năng chịu các trách nhiệm dân sự, không phải là một đơn vị kinh tế độc lập thì các công ty trái lại đã phải tự mình đảm nhận một trách nhiệm dân sự ngay từ khi đăng kí thành lập. Sự độc lập đã được thể chế hoá bằng pháp luật với các cơ quan hành chính là đặc điểm nổi bật nhất của mỗi công ty.