Thực hiện chế độ trách nhiệm khoán kinh doanh

Một phần của tài liệu Thực tiễn và đột phá trong cải cách doanh nghiệp Nhà nước ở Trung Quốc (Trang 56)

B. NỘI DUNG

2.1.3.Thực hiện chế độ trách nhiệm khoán kinh doanh

Trong quá trình thực hiện biện pháp "Chuyển lợi nhuận thành thuế bước 2", Trung Quốc đã đồng thời thí điểm một giải pháp mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DNNN, đó là "Chế độ trách nhiệm khoán kinh doanh". Nội dung của biện pháp này không phải tập trung vào lĩnh vực tài chính doanh nghiệp hay tái phân phối lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà nước như 2 biện pháp trước mà chuyển sang tìm tòi cách thức để tách quyền sở hữu và quyền kinh doanh (tách hai quyền). Sự ra đời của biện pháp cải cách này xuất phát từ nhận thức về tình trạng "nhiễu chức năng" (chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lí kinh tế - xã hội) của nhà nước, về căn bệnh nhà nước bao biện và ôm đồm quá nhiều.

Ngày 5 tháng 12 năm 1986, trong "Một số quy định về việc đi sâu cải cách DNNN tăng cường sức sống cho doanh nghiệp" do Quốc vụ viện ban hành, những người làm công tác chỉ đạo cải cách DNNN đã nêu rõ: "Căn cứ theo nguyên tắc tách quyền sở hữu và quyền kinh doanh, đem lại cho người kinh doanh quyền tự chủ kinh doanh đầy đủ là nội dung quan trọng của việc đi sâu cải cách và tăng cường sức sống cho các DNNN. Các doanh nghiệp loại nhỏ thuộc chế độ sở hữu toàn dân có thể tích

cực thí điểm cho thuê kinh doanh và khoán kinh doanh. Chọn lựa một số doanh nghiệp loại vừa lỗ vốn hoặc lãi ít để tiến hành thí điểm cho thuê kinh doanh và khoán kinh doanh... Các doanh nghiệp lớn thuộc chế độ sở hữu toàn dân cần thực hiện chế độ trách nhiệm kinh doanh dưới nhiều hình thức đa dạng" [119, 204]. "Đặt trọng tâm của cải cách vào việc hoàn thiện cơ chế kinh doanh của doanh nghiệp... nghiêm túc thực hiện chế độ trách nhiệm khoán kinh doanh dưới nhiều hình thức, làm cho doanh nghiệp thực sự trở thành thực thể kinh tế tương đối độc lập, tự chủ kinh doanh và tự chịu lỗ lãi" [18, 76].

Dưới sự chỉ đạo của tư tưởng cải cách này, chế độ trách nhiệm khoán kinh doanh đã được thí điểm rộng rãi. Đến cuối năm 1988, 93% số doanh nghiệp công nghiệp nhà nước nằm trong ngân sách đã thực hiện biện pháp cải cách mới, trong đó các doanh nghiệp lớn và vừa chiếm 95%. Năm 1990, khoảng 90% số doanh nghiệp thực hiện khoán đợt I đã kết thúc hợp đồng khoán và chuyển sang thực hiện khoán đợt II. Biện pháp cải cách trách nhiệm khoán kinh doanh đã tạo ra những tín hiệu chuyển mình tích cực về hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 1987, tỷ lệ lợi nhuận đạt được và mức thuế nộp lên trên tăng 8% so với năm trước, năm 1988, con số này lại tăng 18,2% [60, 52].

Với mong muốn "tách hai quyền" nhằm minh bạch hơn nữa quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp, tạo cơ sở để các doanh nghiệp tự chủ trong việc lựa chọn hình thức kinh doanh, các nhà cải cách đã mong muốn thổi một luồng gió mới vào triều sóng cải cách DNNN. Mặc dù vậy, quá trình thực thi lại làm nảy sinh thêm nhiều khó khăn mới, ít nhiều làm thay đổi sự lạc quan và niềm tin cải cách ban đầu. Khó khăn

đầu tiên là chỉ tiêu khoán ở mỗi nơi mỗi khác, đồng thời xuất hiện xu hướng hạ thấp

chỉ tiêu khoán (để lấy thành tích). Hai là, do bản thân người nhận khoán không phải là chủ sở hữu nên thường xuất hiện tình trạng "chỉ hưởng lãi không chịu lỗ". Ba là, người nhận khoán chỉ nhận thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh theo hợp đồng trong một khoảng thời gian ngắn nhất định (3 - 5 năm) nên thường xuất hiện tình trạng "đoản hoá hành vi doanh nghiệp" - tức là không đầu tư cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp sau này. Cuối cùng, một trở ngại nằm ngoài dự kiến của những nhà cải cách là những thử nghiệm về "tách hai quyền" đã dẫn tới khó khăn trong việc giải quyết quan hệ giữa người sở hữu với người đại diện cho người sở hữu để thực hiện

chức năng kinh doanh. Khó khăn là điều mà bất kỳ biện pháp cải cách nào cũng phải đối diện, và dù có tồn tại những khó khăn như nêu trên thì chúng ta cũng không thể phủ nhận những đóng góp và ý nghĩa quan trọng mà chế độ trách nhiệm khoán kinh doanh đã tạo được trong dòng chảy chung của cải cách DNNN. Ý nghĩa tích cực nhất của biện pháp này là chính thức mở đường cho tư tưởng cải cách "tách hai quyền" và cũng là lần đầu tiên cải cách doanh nghiệp được gắn với một cải cách khác không kém phần quan trọng là cải cách hành chính - cải cách chức năng của chính phủ. Bởi Đặng Tiểu Bình cũng từng khẳng định: "Giao quyền cho xí nghiệp, tách chính quyền và xí

nghiệp là cải cách thể chế kinh tế, cũng là cải cách thể chế chính trị" [34, 208]. Cải

cách DNNN đã chuyển từ tập trung tăng cường quyền tự chủ đơn thuần sang các cải cách nhằm vào việc chuyển đổi phương thức kinh doanh của doanh nghiệp. Về hiệu quả thực tế, năm 1988, lợi nhuận và thuế thực tế của các doanh nghiệp công nghiệp nhà nước tăng 17,4% so với năm 1987, trong đó 9024 doanh nghiệp lớn và vừa thực hiện khoán có mức tăng lợi nhuận 20,8% so với năm trước [18, 78].

Một phần của tài liệu Thực tiễn và đột phá trong cải cách doanh nghiệp Nhà nước ở Trung Quốc (Trang 56)