B. NỘI DUNG
2.1.2. Biện pháp "Chuyển lợi nhuận thành thuế"
Biện pháp "Chuyển lợi nhuận thành thuế bước 1" được thực hiện từ tháng 4 năm 1983 sau khi Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành văn bản "Biện pháp về thực hiện thí điểm chuyển lợi nhuận thành thuế của các DNNN". Nội dung chủ yếu của biện pháp cải cách này bao gồm:
(1). Tất cả các DNNN lớn và vừa làm ăn có lãi phải căn cứ vào lợi nhuận thực tế để nộp thuế thu nhập cho nhà nước, với mức thuế bằng 55% tổng lợi nhuận thực tế. Số lợi nhuận còn lại sau khi nộp thuế của doanh nghiệp vẫn phải nộp cho nhà nước, doanh nghiệp chỉ được giữ lại một phần theo quy định.
(2). Đối với các doanh nghiệp nhỏ làm ăn có lãi thì căn cứ vào lợi nhuận thực tế để nộp thuế lên trên theo thuế luỹ tiến vượt mức 8 cấp.
(3). Các doanh nghiệp dịch vụ như khách sạn, nhà hàng ăn uống phải nộp 15% thuế thu nhập.
(4). Các hợp tác xã thương mại cấp huyện trở lên nộp thuế lên trên theo thuế luỹ tiến vượt mức 8 cấp.
(5). Nhà nước chỉ thực hiện bù lỗ theo định mức cho các doanh nghiệp nằm trong diện chính sách đã quy định, không bù lỗ vượt mức.
(6). Phần lợi nhuận được giữ lại sau khi nộp thuế được dùng để lập các loại quỹ của doanh nghiệp.
Mục đích của biện pháp cải cách này là từng bước chuyển đổi hình thức nộp lợi nhuận lên trên của doanh nghiệp. Nếu trước đây, trong chế độ thống nhất thu chi, DNNN nhận vốn từ ngân hàng và phải nộp toàn bộ lợi nhuận cho các cơ quan tài chính của nhà nước thì bằng biện pháp cải cách này, doanh nghiệp sẽ nộp lợi nhuận dưới dạng thuế. Ý nghĩa của việc DNNN nộp thuế một lần nữa chứng tỏ mong muốn thừa nhận vai trò độc lập của các doanh nghiệp (dù khi đó tính độc lập mới chỉ là tương đối), hạn chế tiến tới loại bỏ dần sự quản lí trực tiếp của các cơ quan hành chính đối với doanh nghiệp, hạn chế việc bao bọc coi DNNN như một bộ phận làm kinh tế của các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời bằng việc buộc các DNNN phải nộp thuế, chính phủ Trung Quốc cũng thể hiện mong muốn tạo ra sự bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế khác nhau (khi mà các doanh nghiệp đều phải nộp thuế). Mặc dù chứa đựng nhiều ý nghĩa tích cực như vậy song biện pháp "Chuyển lợi nhuận thành thuế bước 1" vẫn tồn nhiều điểm bất hợp lí, ảnh hưởng đến hiệu quả cải cách mà nổi cập nhất vẫn là việc định ra một mức thuế thu thống nhất cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh ực khác nhau, thuế thu nhập nhưng không tính tới chủng loại hàng hoá và mức chênh lệch về lãi giữa các doanh nghiệp.
Do đó, để có những điều chỉnh cho phù hợp hơn, ngày 15 tháng 5 năm 1984, Quốc vụ viện Trung Quốc ra quyết định từ quý IV năm 1984 sẽ thực hiện biện pháp "Chuyển lợi nhuận thành thuế bước 2" mà điểm khác biệt căn bản so với bước 1 là DNNN sẽ chỉ phải nộp thuế, ngoài ra không phải nộp thêm phần lợi nhuận nào khác
cho nhà nước. Đến đây, hình thức nộp thuế đã chính thức thay thế hoàn toàn cho hình
thức "cống nạp" toàn bộ lợi nhuận như trước đây. Nó đồng nghĩa với việc các DNNN ngày càng được coi là một thực thể kinh tế độc lập. Nội dung của "Chuyển lợi nhuận thành thuế bước 2" bao gồm:
(1). Dựa vào đối tượng nộp thuế để phân thuế công thương thành: thuế sản phẩm, thuế giá trị gia tăng, thuế muối và thuế doanh nghiệp; tăng thuế tài nguyên, thuế nhà đất, thuế sử dụng ruộng đất.
(2). Khi định thuế suất điều tiết lấy lợi nhuận thực tế năm 1983 của doanh nghiệp làm cơ số và coi đó là lợi nhuận cơ bản để tính sau khi điều chỉnh.
(3). DNNN nhỏ làm ăn có lãi sau khi nộp thuế thu nhập theo mức luỹ tiến vượt mức 8 cấp sẽ phải tự chịu lỗ lãi, nhà nước không tiếp tục bù lỗ.
Bằng những quy định nêu trên, những khiếm khuyết trong biện pháp cải cách bước 1 đã được điều chỉnh và sửa đổi. Quan trọng hơn, biện pháp cải cách "Chuyển lợi nhuận thành thuế" đã pháp lệnh hoá mối quan hệ về phân phối lợi nhuận giữa nhà nước và doanh nghiệp. Điều này không chỉ góp phần làm minh bạch và quy phạm hoá quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà nước mà đồng thời còn duy trì được các khoản thu cho ngân sách. Đối với bản thân doanh nghiệp, biện pháp này cho phép doanh nghiệp có thêm nhiều lợi ích trong phân phối lợi nhuận, do đó đã góp phần nâng cao tính năng động, tích cực của doanh nghiệp. Tuy vậy, hạn chế của biện pháp cải cách này, (cũng như cải cách về mở rộng quyền nhượng lợi trước đó), là các cải cách mới chỉ dừng lại ở phạm vi tài chính doanh nghiệp, chưa thực sự chạm tới những vấn đề cốt
lõi của vấn đề, chưa bắt được đúng mạch của căn bệnh.