B. NỘI DUNG
2.1.6. Xây dựng tập đoàn doanh nghiệp
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và xuyên suốt của cải cách DNNN là làm cho các DNNN có sức sống. Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế không chỉ đòi hỏi các DNNN phải trở thành trụ cột ở trong nước mà còn đặt ra yêu cầu "quốc tế hoá" hoạt động của DNNN. Ở các nước tư bản chủ nghĩa, các tập đoàn công ty thường do một số cá nhân nắm giữ, nhưng tại Trung Quốc nhiệm vụ "quốc tế hoá" lại được đặt lên vai các DNNN (những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao nhờ có nguồn vốn lớn, có khả năng thực hiện các hợp đồng lớn và có sự hậu thuẫn của chính phủ). Hiện tại, sức mạnh của các nền kinh tế phần lớn được thể hiện thông qua sức mạnh và khả năng khống chế của các tập đoàn, đây mới thực sự là sức mạnh của nền kinh tế thế giới trong thế kỷ mới.
Tháng 6 năm 1995, trong một bài phát biểu, Giang Trạch Dân đã nhấn mạnh quan điểm: "Cần tập trung lực lượng nắm chắc một số doanh nghiệp lớn. Sự phát triển của một quốc gia, việc thực hiện công nghiệp hoá, việc nâng cao tố chất chung của nền
kinh tế chủ yếu phải dựa vào các doanh nghiệp lớn, vào các tập đoàn doanh nghiệp"
[2, 225]. Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng khẳng định: "Lấy tiền vốn làm sợi dây ràng buộc, thông qua thị trường hình thành nên các tập đoàn doanh nghiệp có sức cạnh tranh vượt quá phạm vi của khu vực (trong nước), ngành, chế độ sở hữu và
quốc gia" [2, 225]. Tuy nhiên, quá trình hình thành của các tập đoàn doanh nghiệp ở
Trung Quốc đã có từ trước đó rất lâu. Về cơ bản, sự phát triển của các tập đoàn doanh nghiệp ở Trung Quốc đã trải qua 5 giai đoạn, bao gồm: (1). Giai đoạn phôi thai: từ năm 1978 đến năm 1985. (2). Giai đoạn xuất hiện một số tập đoàn doanh nghiệp (từ tháng 2 năm 1986). (3). Giai đoạn hình thành các tập đoàn doanh nghiệp (từ tháng 12 năm 1987), trong đó nổi bật là việc chính phủ Trung Quốc cho ban hành "Đề xuất thành lập và phát triển các tập đoàn doanh nghiệp", đến cuối năm 1989, Trung Quốc đã có 1630 tập đoàn đăng kí thành lập [38, 152]. (4). Giai đoạn chính thức hoá các tập đoàn doanh nghiệp được đánh dấu bằng "Đề án thí điểm tập đoàn doanh nghiệp" do Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban cải cách cơ cấu Nhà nước cùng đệ trình. Mục tiêu của Đề án là xác định mô hình hiệu quả cho tập đoàn doanh nghiệp, cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách để đưa ra các chính sách thuận lợi cho tập đoàn
doanh nghiệp. Năm 1997, có 63 tập đoàn tiếp tục được lựa chọn để thí điểm. (5). Giai đoạn nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của các tập đoàn.
Kết quả, sau nhiều năm chú trọng xây dựng và phát triển, đến nay Trung Quốc đã bước đầu hình thành một hệ thống tập đoàn doanh nghiệp có quy mô và có tốc độ tăng trưởng nhanh (xem bảng 9).
Bảng 9. Các chỉ số về tập đoàn doanh nghiệp ở Trung Quốc
1997 1998 1999 2000 2001
Số lượng các tập đoàn doanh nghiệp 2369 2472 2757 2655 2710
Tổng giá trị tài sản (trăm triệu NDT) 50346,72 66993,98 87322,59 106983,8 128045,1 Doanh thu hoạt động (trăm triệu NDT) 28205,22 35076,75 43766,37 53259,87 65622,78 Xuất khẩu (trăm triệu NDT) 2579,79 2685,08 3585,15 4578,73 5404,01 Tổng lợi nhuận (trăm triệu NDT) 1222,75 1090,71 1723,06 2903,08 3209,94 Chi cho nghiên cứu phát triển (trăm
triệu NDT)
155,43 214,46 354,78 480,2 669,13
Số lao động (nghìn người) 18504,3 20904,2 23421,2 22817,1 25244,3
Nguồn:Viện Nghiên cứu Quản lí kinh tế trung ương: Chính sách phát triển kinh tế - Kinh nghiệm và bài học của Trung Quốc, tập 2, Nxb Giao thông vận tải, Hà Nội, 2004, tr. 155.