4 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.1 Khái lược người kể chuyện
4.1.1 Người kể chuyện:
Người kể chuyện hay có thể gọi là người trần thuật, người tự sự (narrateur) là một thủ pháp nghệ thuật của nhà văn và đóng vai trò rất quan trọng trong tác phẩm tự sự. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: người trần thuật là một nhân vật hư cấu hoặc có thật, mà văn bản tự sự là do hành vi ngôn ngữ của anh ta tạo . Theo Pospelov, “người
trần thuật là loại người môi giới giữa các hiện tượng được miêu tả và người nghe, là người chứng kiến và cắt nghĩa các sự việc xảy ra”. Còn tác giả Timofiev trong giáo
trình Nguyên lý lý luận văn học (1962) khẳng định: “Người kể chuyện là người kể cho
ta nghe về những nhân vật và biến cố”.
Theo Trần Đình Sử, “người kể chuyện là yếu tố tích cực trong việc kiến tạo thế
giới tưởng tượng…không thể có trần thuật thiếu người kể chuyện” <Trần Đình Sử (chủ
biên)- Tự sự học- Một số vấn đề lý luận và lịch sử- NXb ĐHSP, 2004>.
“Người kể chuyện là nhân tố chủ động trong việc kiến tạo thế giới hư cấu” <Phạm Xuân Thạch dịch>; là người kể lại, diễn lại, trần thuật lại câu chuyện trong tác phẩm tự sự, người kể chuyện là “hình tượng ước lệ” do tác giả sáng tạo nên và góp phần làm nên nét độc đáo trong cá tính sáng tạo của nhà văn, “nhà kể chuyện, thuật
truyện phải làm cho người đọc hứng thú, phải kể, phải thuật thế nào cho độc giả có thể tưởng tượng được người, được việc” <Trần Đình Sử- Một số vấn đề thi pháp học hiện đại- Hà Nội-1993>. Trong tác phẩm tự sự, người kể chuyện thay mặt tác giả trình bày quan niệm, cách đánh giá về nhân vật và biến cố, thể hiện cái nhìn về con người và đời sống.
Người kể chỉ có vai trò trong truyện mình kể, có thể tham gia vào các nhân vật trong truyện với tư cách nhân chứng hoặc người thuyết minh, tạo một khoảng cách giữa người kể và chuyện. Trong truyện kể dân gian, khoảng cách giữa người kể và
chuyện rất lớn, còn trong truyện hiện đại khoảng cách ấy được người kể thu hẹp qua xử lí thời gian.
Thường bắt gặp trong tự sự là người kể chuyện ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, hiếm khi có ngôi thứ hai. Trong các tác phẩm tự sự truyền thống ngôi kể thứ ba thường chiếm ưu thế. Nếu kể chuyện ở ngôi thứ nhất, tác giả có thể khai thác tỉ mỉ đời sống nội tâm của các nhân vật thì kể chuyện ngôi thứ ba khiến nội dung phản ánh trở nên khách quan, toàn diện hơn. Tuy nhiên hiện nay một số nhà văn có xu hướng kết hợp hài hòa hai cách kể chuyện trên.
Như vậy người kể chuyện trả lời cho câu hỏi: Ai nói? Ai kể? Người kể chuyện là một công cụ do nhà văn hư cấu nên để kể chuyện, là một hình tượng trong tác phẩm và thay mặt nhà văn trình bày quan điểm về con người và thế giới, nhưng không đồng nhất với tác giả.
4.1.2 Điểm nhìn trần thuật
Để kể lại một hay nhiều câu chuyện, nhà văn phải lựa chọn vị trí thích hợp để quan sát, miêu tả, tham gia vào sự kiện hoặc đứng ngoài sự kiện. Vị trí được lựa chọn đó sẽ xác lập cho nhà văn một điểm nhìn trần thuật. Người đầu tiên đưa ra quan niệm điểm nhìn trong văn xuôi là Henry Jemes. Trong tiểu luận Nghệ thuật văn xuôi (1884)
ông cho rằng điểm nhìn là vị trí xác định, từ đó nhà văn dẫn dắt người đọc đi vào thế giới nghệ thuật của mình bằng phương thức tái tạo, phản ánh hiện thực; là việc lựa chọn cự ly trần thuật để kể lại câu chuyện.
“Điểm nhìn (point de vue) là tọa độ thời gian được lựa chọn cho hành động kể
truyện, phát triển nội dung, sắp xếp bố cục, hư cấu thành truyện” <Nguyễn Thái Hòa>.
Trong “Dẫn luận thi pháp học”, Gs Trần Đình Sử khẳng định: “Cái nhìn là một
năng lực đặc biệt của loài người, nó có thể thâm nhập vào sự vật, phát hiện đặc điểm của nó mà vẫn ở ngoài sự vật, bảo lưu toàn vẹn thẩm mĩ của sự vật”. Trong Tự sự học- Một số vấn đề thi pháp học hiện đại- Hà Nội-1993, ông cũng khẳng định: “Điểm
mỹ phải được người đọc tiếp nhận bằng thao tác suy ý thông qua các mối quan hệ giữa người kể và cốt truyện, người kể và nhân vật, người kể và lời kể, người kể chuyện và người đọc hàm ẩn”.
Người kể có một điểm nhìn bao quát để lựa chọn, điều khiển các nhân vật hành động. Đó có thể là điểm nhìn khách quan hoặc chủ quan, bên trong hay bên ngoài. Điểm nhìn khách quan là cái nhìn bên ngoài không được nhân vật hóa mà ẩn đằng sau hình bóng tác giả, giúp tạo khoảng cách giữa tác giả đối với nhân vật, sự kiện được miêu tả, đồng thời giảm sự can thiệp của tác giả vào tác phẩm. Trái lại điểm nhìn chủ quan (điểm nhìn bên trong) khoảng cách nhân vật, sự kiện và tác giả sẽ lớn hơn, độ tin cậy thấp hơn. Trong quá trình hoạt động, nhân vật lại có điểm nhìn riêng.
Trả lời cho câu hỏi “Ai thấy?”, điểm nhìn là một trong những yếu tố hàng đầu trong sáng tạo nghệ thuật. G.N.Pospelop cho rằng: “Trong tác phẩm tự sự, điều quan
trọng là tương quan giữa các nhân vật với chủ thể trần thuật hoặc nói cách khác là điểm nhìn của người trần thuật đối với những gì mà anh ta miêu tả” (Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1985).
G.Genett trong Các phương thức tu từ đã chia điểm nhìn thành hai loại. Thứ nhất là điểm nhìn số không: điểm nhìn toàn tri, người kể toàn tri, biết tuốt. Đó là điểm nhìn đặt ở bên trong: câu chuyện được kể lại qua sự hiểu biết, nhìn nhận của chính nhân vật trong tác phẩm (chứng nhân). Theo tác giả Trần Đình Sử, điểm nhìn bên trong biểu hiện bằng hình thức tự quan sát của nhân vật “tôi”, bằng tự thú nhận, hoặc bằng hình thức người trần thuật tựa vào giác quan, tâm hồn nhân vật để biểu hiện cảm nhận về thế giới”.
Thứ hai là điểm nhìn bên ngoài: sự việc được kể lại bởi một nhân chứng ở bên ngoài với thái độ trung lập, khách quan (sử quan). Sử quan: không phải là một nhân vật trong truyện kể, cũng không phải chính xác là bản thân tác giả, mà là một vai, một sự hiện hữu của những ưu điểm mang tính kinh nghiệm của tác giả. Đó là một con người được quyền không chỉ miêu tả sự việc như anh ta thiết lập mà còn có thể bình
luận về chúng để rút ra sự tương đồng, để răn dạy, để khái quát hóa…- một vị quan tòa đúng mực và công bằng. Hiểu một cách đơn giản nhất, điểm nhìn chính là một “mánh khóe” thuộc về kỹ thật, một phương tiện để chúng ta có thể tiến đến cái đích tham vọng nhất: sức quyến rũ của truyện kể.
4.1.3 Mối quan hệ giữa người kể chuyện và điểm nhìn
Người kể chuyện đóng vai kể cho người khác nghe (đọc) bằng ngôn ngữ của mình, có quan hệ với họ trong cuộc kể chuyện (cuộc thoại), còn người kể hàm ẩn chỉ có một quan hệ với sự kiện trong chuyện. Sự kiện chấm dứt, người kể hàm ẩn cũng không còn nữa. Sang chuyện khác lại có một người kể hàm ẩn khác, vì người kể hàm ẩn là nhân vật vô hình chứng kiến tất cả, hiểu biết tất cả các nhân vật, sự kiện trong chuyện. Giữa người kể và tác giả không đồng nhất nhưng cũng không hoàn toàn tách rời, đối lập. Truyện thường có bóng dáng của người kể cũng như dấu ấn cuộc đời tác giả.
Người kể chuyện có thể có kể ở các ngôi kể khác nhau: ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, ngôi thứ ba. Khi kể chuyện từ ngôi thứ nhất tức là người kể lộ diện, xưng Tôi- chứng nhân của câu chuyện. Cũng có khi người kể chuyện có vai trò dẫn truyện, có khi người kể chuyện là nhân vật trực tiếp tham gia vào diễn tiến truyện. Một số nhà văn chọn cách kể chuyện từ ngôi thứ ba (người kể chuyện ẩn tàng- sử quan). Trong trường hợp này người kể chuyện đứng trên điểm nhìn của chính mình, trở thành người mang tiêu điểu. Bên cạnh đó người kể chuyện cũng có thể đứng trên điểm nhìn nhân vật, tức là bộc lộ cái nhìn của nhân vật. Việc lựa chọn ngôi kể sẽ tạo nên và chi phối điểm nhìn của người kể.
Điểm nhìn trần thuật là vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự việc trong tác phẩm, “là sự lựa chọn cự li trần thuật nào đó loại trừ được sự can thiệp của
tác giả vào các sự kiện được miêu tả” nên nó chi phối ngôi kể và giọng kể người trần
thuật. Việc phối kết hợp sử dụng nhiều điểm nhìn cũng như di chuyển linh hoạt sẽ tạo ra cái nhìn đa diện, sâu sắc, đồng thời mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực. Chính vì
vậy tác giả Andrew H. Plask cho rằng vấn đề người trần thuật là vấn đề trung tâm, còn giọng điệu trần thuật lại là vấn đề trung tâm của trung tâm. Còn G.A Giucopxki thì nhận định: “Người ta không thể miêu tả nếu không có người miêu tả và không bắt đầu
từ một điểm nhìn nào”.
4.2 Người kể chuyện trong truyện kể của An-đec-xen và Nhêm-xô-va 4.2.1 Người kể chuyện ngôi thứ ba
Là điểm nhìn đặc biệt phổ biến trong văn học, đặc biệt văn học dân gian. Nó xuất hiện khá sớm từ sử thi cổ đại đến sáng tác hiện đại. Với cách thức người trần thuật là người “biết hết mọi người, mọi việc, giữ vai trò chính trong miêu tả, kể chuyện, dẫn
chuyện”.
Nhà văn chủ yếu tái hiện lại câu chuyện ở ngôi thứ ba, tạo tính khách quan cho câu chuyện. Người kể chuyện đóng vai trò dẫn dắt, kể lại nội dung một cách đơn giản, dễ hiểu theo trình tự nhất định. Vai trò trần thuật ngôi thứ ba thể hiện rõ trong những đoạn văn mang tính trải nghiệm và triết lí. Người kể ngôi thứ ba không hề che giấu thân phận, cũng không xưng Tôi như ở ngôi thứ nhất nhưng độc giả vẫn cảm nhận sự tồn tại của tác giả. Hệ quả của cách kể chuyện dân gian này là giọng điệu kể chuyện quán xuyến theo diễn biến cốt truyện đơn giản. Tuy nhiên trong truyện kể truyền thống thì người kể chuyện lớn hơn nhân vật. Ở truyện kể An-đec-xen lại khác.
Khảo sát truyện của An-đec-xen thì có 44 truyện tác giả đứng ở ngôi thứ ba, tạo nên tính khách quan cho câu chuyện. Kháo sát 18 truyện của Nhêm-xô-va thì cả 18 truyện đề được kể ở ngôi thứ ba. Có khi là sự xuất hiện của nhân vật Tôi- người dẫn truyện đan xen với câu chuyện của các nhân vật, tạo nên giọng điệu chủ quan (kết cấu truyện kể trong truyện kể). Người kể chuyện không can thiệp vào tiến trình câu chuyện mà đứng bên ngoài lắng nghe, quan sát và thuật lại. Những bình luận, thẩm định, phán xét được đan cài khéo léo và khách quan, không hề áp đặt.
4.2.2 Ngôi thứ nhất
Ở hình thức này người đọc được “nhân vật hóa” dưới hình thức một cái Tôi nào đó hoặc tự kể chuyện của mình theo ngôi thứ nhất, hoặc thực hiện vai trò của một người dẫn chuyện hướng điểm nhìn trần thuật tới nhân vật khác ở ngôi kể thứ ba.
Một số ít truyện của An-đec-xen được kể ở ngôi thứ nhất, tác giả trực tiếp tham gia vào câu chuyện như một nhân vật- nhân chứng (5 truyện). Theo M.Jahn: “trần
thuật ngôi thứ nhất được kể bởi một người kể chuyện hiện diện trong tác phẩm với tư cách một nhân vật; đó là một câu chuyện về những sự kiện mà bản thân nhân vật ấy trải nghiệm, một câu chuyện về sự trải nghiệm của cá nhân”.
4.2.3 Kết hợp nhiều ngôi kể
Có khi trong một truyện kể có nhiều người kể chuyện. Chẳng hạn truyện Món cháo que xiên thịt có năm người kể chuyện: tác giả- nhân vật người kể chuyện chính, bốn nhân vật- bốn cô chuột.
Mặt khác tác giả cũng di chuyển điểm nhìn linh hoạt. Đó có thể là dịch chuyển không gian từ xa đến gần; chuyển ngôi từ gián tiếp (anh ta, cô ấy) sang trực tiếp (tôi, anh-em); từ ngôi số ít (tôi, ta) sang ngôi số nhiều (chúng ta, chúng tôi, chúng nó…); từ chủ quan đến khách quan tạo sự sinh động, uyển chuyển cho truyện. Nhưng quan trọng nhất là thay đổi điểm nhìn linh hoạt, đa dạng trong việc sử dụng một hay nhiều điểm nhìn. Sư thay đổi này tạo tình chất đa thanh, phức điệu. Ngoài ra thay đổi linh hoạt điểm nhìn từ chủ quan sang khách quan tạo nên tính tự nhiên, trung thực, đáng tin cậy của câu chuyện. Nhờ dịch chuyển điểm nhìn theo hướng mở rộng không gian và kéo giãn thời gian mà phạm vi hoạt động của nhân vật trải dài từ năm này qua năm khác, từ thế giới này sang thế giới khác.
Chẳng hạn ở một số truyện như: Cô bé chăn cừu và chú thợ nạo ống khói,
Chuyện của gió, Bà chúa băng tuyết, Xúp làm từ xiên xúc xích, Một chuyện có thật…người kể chuyện di chuyển linh hoạt điểm nhìn bằng việc khéo léo thay đổi ngôi kể.
4.3. Giọng điệu trần thuật 4.3.1 Khái niệm 4.3.1 Khái niệm
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện thực được miêu tả. Giọng điệu có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho gười đọc. Giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học, nó đa dạng, nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu chủ đạo. “Giọng điệu là một yếu tố đặc trưng của hình tượng
tác giả trong tác phẩm…”, được xây dựng trên cơ sở cảm hứng chủ đạo của nhà văn.
<Trần Đình Sử, Giáo trình dẫn luận thi pháp học>.
Giọng điệu nghệ thuật không chỉ là yếu tố hàng đầu của phong cách nhà văn, là phương tiện biểu hiện quan trọng của tác phẩm văn học mà còn có vai trò thồng nhất các yếu tố khác của hình thức vào một chỉnh thể. Ở các tác phẩm xuất sắc thường có sự kết hợp nhiều giọng điệu. Tuy có sự xuất hiện các giọng điệu khác nhau song bản thân mỗi tác phẩm luôn có một giọng điệu chủ đạo chi phối. Tác giả M.B.Kharapchenko trong cuốn Cá tính sáng tạo của nhà văn có viết: “Giọng điệu chủ đạo không những
không loại trừ mà còn cho phép tồn tại trong tác phẩm những sắc điệu khác nhau. Những sắc điệu này diễn đạt sự phong phú của những bối cảnh cảm xúc trong việc lý giải những hiện tượng, những khía cạnh khác nhau và giống nhau của đối tượng sáng tác…Hiệu suất cảm xúc của lối kể chuyện được biểu hiện trước hết ở trong giọng điệu chủ yếu vốn là đặc trưng của tác phẩm văn học với tư cách là một thể thống nhất hoàn chỉnh”.
Như vậy giọng điệu là một trong những phương tiện nghệ thuật quan trọng để nhà văn thể hiện tiếng nói cá nhân mình. Nó “vừa liên kết các yếu tố hình thức khác
nhau, làm cho chúng cùng mang một âm hưởng, cùng một khuynh hướng, vừa là chỗ dựa chính để các yếu tố của tác phẩm quy tụ lại và định hình, thống nhất với nhau theo một kiểu nào đó” <Theo Lê Ngọc Trà>. Do đó mỗi nhà văn có một giọng điệu riêng.
Trong truyện cổ dân gian, cá tính sáng tạo của người kể chưa rõ nét, vì chưa có giọng điệu riêng. Với truyện kể hiện đại, giọng kể là một trong những nhân tố quan trọng làm nên phong cách tác giả cũng như đặc sắc của tác phẩm. Theo tác giả Nguyễn Thái Hòa, giọng kể gồm có các nhân tố như: điểm nhìn của người kể, thời gian kể, luồng hơi tình cảm làm nên giọng văn.
4.3.2 Giọng điệu trần thuật của An-đec-xen và Nhêm-xô-va
Hai nhà văn đã tạo cho mình một giọng điệu riêng, mới lạ: một An-đec-xen rất đỗi u hoài mà hóm hỉnh, nhân hậu; một Nhêm-xô-va dung dị, đằm thắm mà sắc sảo.