6. Bố cục của luận văn
1.2.2. Sau Cách mạng
Các tác phẩm chính sau Cách mạng của Nguyễn Tuân gồm:
Chùa Đàn (Truyện, Quốc văn, Hà Nội, 1946)
Đường vui (Tập tùy bút, Hội văn nghệ Việt Nam, 1949)
Tình chiến dịch (Tập tùy bút, Hội văn nghệ Việt Nam, 1950)
Thắng càn (Truyện, Văn nghệ, 1953)
Chú Giao làng Seo (Sách Kim Đồng, 1953)
Bút ký đi thăm Trung Hoa (Văn nghệ, Hà Nội, 1955)
Tùy bút kháng chiến và hòa bình (tập I, Văn nghệ Hà Nội, 1955)
Tùy bút kháng chiến và hòa bình (tập II, Văn nghệ, 1956)
Truyện một cái thuyền đất (Sách Kim Đồng, 1958)
27
Tôi đọc (Văn học, 1963)
Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (Hội văn nghệ Hà Nội, 1972)
Ký (Văn học, Hà Nội, 1976)
Tuyển tập Nguyễn Tuân (Văn học, Hà Nội, 1981, 1982)
Cảnh sắc và hương vị đất nước (Tác phẩm mới, Hà Nội, 1988)
Sau Cách mạng, Nguyễn Tuân đã tham gia Cách mạng và kháng chiến, đem ngòi bút phục vụ chiến đấu. Ông đã đóng góp cho nền văn học mới nhiều trang viết sắc sảo, tài hoa, ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi nhân dân trong chiến đấu và lao động sản xuất. Hình tượng nhân vật chính của Nguyễn Tuân sau Cách mạng là nhân dân lao động và người chiến sĩ trên mặt trận vũ trang. Họ không chỉ dũng cảm mà còn là những con người tài hoa, nghệ sỹ. Sự sáng tạo của Nguyễn Tuân làm sang cho dân tộc: một dân tộc không chỉ kiên cường mà còn có tầm văn hóa cao.
Cả trước và sau Cách mạng, Nguyễn Tuân đều thể hiện một phong cách văn chương tài hoa, uyên bác. Ông đặc biệt thành công ở thể loại tùy bút và được coi là “ông vua tùy bút”. Nguyễn Tuân có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam. Ông có một kho từ vựng phong phú, khả năng sử dụng ngôn từ độc đáo, tổ chức các câu văn xuôi giàu giá trị tạo hình, lại có nhạc điệu trầm bổng, câu văn “co duỗi nhịp nhàng”. Với những đóng góp đó, Nguyễn Tuân xứng đáng được coi là một trong những nhà văn hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
1.3. Quan niệm nghệ thuật về con ngƣời của Nguyễn Tuân:
28
Con người là đối tượng phản ánh trung tâm và chủ yếu của văn học. Trong văn chương, dù nhà văn miêu tả thế giới nhân vật không phải là con người (thần linh, ma quỷ, đồ vật, con vật) nhưng vẫn phản ánh gián tiếp tâm tư, suy nghĩ của con người. Văn chương chân chính phải phục vụ cho cuộc sống của con người. Tác phẩm nghệ thuật ngôn từ xét cho cùng không phải là trò chơi chữ nghĩa cho các nhà văn, nhà thơ khoe tài. Đó là tiếng nói thẳm sâu trong tâm hồn con người, vì con người mà sáng tạo. Đúng như M. Gorki từng quan niệm, nghệ thuật bắt đầu ở nơi mà người đọc quên mất tác giả, chỉ còn trông thấy và nghe thấy những con người do tác giả trình bày trước người đọc.
Đứng từ góc độ thi pháp học, giáo sư Trần Đình Sử định nghĩa: “Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp hình thức thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật đó” [32, tr.55]. Hình tượng nhân vật trong văn học chính là sự hóa thân của những quan niệm, cảm nghĩ chủ quan của nhà văn về con người, cuộc đời. Các đặc điểm mang tính khách thể của nhân vật như phẩm chất, tính cách, ngoại hình, ngôn ngữ chưa phải là tiêu chuẩn đầy đủ về nghệ thuật. Quan niệm nghệ thuật về con người quan tâm đến cách cảm thụ chủ quan, cách khám phá, sáng tạo riêng của nhà văn về con người và biểu hiện ra một cách hoàn chỉnh qua hình tượng nhân vật chứ không quan tâm nhiều đến tính chân thực hay không của những đặc điểm khách quan mà nhân vật có. Như vậy, khi xét đến quan niệm nghệ thuật về con người, cái mà chúng ta quan tâm không phải chỉ ở đặc điểm của chính nhân vật mà sâu xa hơn là cách cảm nhận, lý giải của tác giả - người “đẻ” ra nhân vật đó.
29
Quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn chịu sự chi phối của điều kiện xã hội, văn hóa, tư tưởng, thời đại mà nhà văn sống. Ngoài ra, cá tính của người nghệ sỹ, thể loại văn học khác nhau cũng tạo ra những quan niệm nghệ thuật khác nhau về con người. Sự lý giải, cắt nghĩa về con người của nhà văn phải mang tính phổ quát (lặp đi lặp lại ở nhiều nhân vật, có ý nghĩa khái quát về triết học) thì mới được coi là quan niệm nghệ thuật.
“Nhân vật văn học chính là mô hình về con người của tác giả” [30, tr.61]. Quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn được biểu hiện ở nhiều khía cạnh: cách xưng hô, gọi tên nhân vật, cách miêu tả chân dung nhân vật, hành động, tâm lý, ngôn ngữ của nhân vật…
Quan niệm nghệ thuật của nhà văn có ảnh hưởng lớn đến cách miêu tả của nhà văn về nhân vật, cách nhà văn lựa chọn đến đối tượng để miêu tả, cảm nhận. Chính vì vậy mà trải qua nhiều thời đại khác nhau, với hoàn cảnh khác nhau, quan niệm nghệ thuật về con người cũng có sự vận động phát triển. Riêng văn học dân gian, mặc dù không có tác giả cụ thể, nhưng tác giả tập thể là nhân dân lao động cũng đã thể hiện một cách vô thức quan niệm nghệ thuật về con người. Đại đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng thần thoại là sản phẩm của người nguyên thủy và chưa phải là nghệ thuật. Trong các sáng tác thần thoại, con người đã tạo ra các vị thần là nhân vật chính. Mỗi vị thần mang một quyền thế tối cao khác nhau, mang sức mạnh thần bí của thiên nhiên, vũ trụ, vì thế con người thần thoại là con người chức năng, con người biến hóa. Con người sử thi là những anh hùng, là kết tinh sức mạnh và lý trí, quan niệm của cả cộng đồng, dân tộc, đất nước. Do đó đặc trưng nổi bật của con người sử thi là con người cộng đồng. “Khác với con người trong thần thoại, là biểu hiện của thiên nhiên, vũ trụ, con người sử thi qua tâm tới bộ tộc, nghĩa vụ, danh dự… con người cổ tích lại quan tâm tới số phận cá nhân”
30
[24, tr.264]. Con người cổ tích là con người của chính nghĩa, “sống bằng lẽ công bằng phổ quát chứ chủ yếu không phải bằng tài trí, tâm lý cá nhân” [32, tr. 68].
Con người trong văn học trung đại phương Đông là con người “đấng”, “bậc”, thuộc tầng lớp trên của xã hội và mang tầm vóc vũ trụ. Thiên nhiên, vũ trụ là chuẩn mực cho mọi cái đẹp của con người. Đó là con người đạo đức, con người trách nhiệm. Văn học Việt Nam đến thời đại của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã xuất hiện “con người muốn sống cho riêng mình, tự giải phóng khỏi mọi trách nhiệm về xã hội, quân thần theo quan niệm nho giáo” [32, tr.71]. Đến thế kỷ XIX xuất hiện con người tài tử cả trong thực tế và trong văn học. Người tài tử đề cao tài tình, không còn coi trọng đạo đức, trực tiếp bày tỏ nhu cầu hưởng lạc, vui thú thanh sắc của mình (Nguyễn Công Trứ, Dương Lâm,…).
Theo Iu. Lốtman, con người trong văn học Phục hưng, Khai sáng phương Tây là con người tự nhiên, trần thế, sống vui vẻ với đời sống bản năng của mình. Trong chủ nghĩa lãng mạn có con người đóng vai ác quỷ, tên cướp để phá vỡ trật tự cũ, chống lại cái cũ.
Theo giáo sư Trần Đình Sử, văn học Việt Nam cận hiện đại (trước năm 1945) có ba hiện tượng văn học lớn với những quan niệm nghệ thuật về con người đáng lưu ý. Trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, xuất hiện con người cá nhân xung đột với gia đình truyền thống, muốn thoát ly khỏi mọi quan hệ xã hội để thỏa mãn tự do bản năng. Thơ Mới là sự xuất hiện của rất nhiều cái tôi cá nhân, thể hiện một cách thành thực những cảm xúc thầm kín, khát vọng riêng tư của mình. Văn xuôi hiện thực Việt Nam 1930 – 1945 “xem con người là sản phẩm của hoàn cảnh, là tiêu bản của hoàn cảnh. Mổ xẻ con người, khám phá tác động của hoàn cảnh lên con người. Đó là quan niệm mới về con
31
người, khác với quan niệm con người là kẻ mang đạo lý chống lại kẻ vô đạo, là anh hùng thay trời hành đạo trong văn học trung đại” [32, tr. 74]. Xung quanh hình ảnh con người của hoàn cảnh này, thể hiện ra ở các nhà văn cũng rất khác nhau. Với Nguyễn Công Hoan, con người bị tha hóa, vật hóa, là diễn viên làm trò trên sân khấu hài kịch cuộc đời. Ngô Tất Tố, với tiểu thuyết Tắt đèn, con người hiện lên lại không hề bị tha hóa trước hoàn cảnh. Đến Nam Cao, con người bị tha hóa, dị dạng nhưng vẫn giữ được bản tính người tốt đẹp ở bên trong.
Ở Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975, do yêu cầu của hoàn cảnh lịch sử, tất cả “tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” đều được ưu tiên cho tiền tuyến. Văn học giai đoạn này vì vậy chủ yếu phản ánh con người hiện thực, con người hành động, con người xã hội, con người giai cấp, con người cộng đồng và con người phi thường. Sau năm 1975, đất nước được độc lập thống nhất, nhiều điều kiện thuận lợi mới mở ra sự phát triển cho văn học. Các nhà văn cũng có thời gian để nhìn nhận lại, trau chuốt hơn cho nghệ thuật và thấy cần thiết phải chấm dứt một quan niệm đơn giản, một chiều về con người, chấm dứt một nền văn học “minh họa”. Bên cạnh con người công dân, con người cộng đồng, ở giai đoạn này các nhà văn cho người đọc thấy tính đa diện của con người với những góc cạnh trước đây không được khai thác hoặc bị né tránh. Đó là con người đời tư, con người với những bản năng tự nhiên, con người tâm linh, con người nhân loại, con người đa diện “cuộc đời đa sự, con người đa đoan” (Nguyễn Minh Châu). Con người trong văn chương vì thế thật hơn, gần gũi, hấp dẫn hơn với người đọc.
Trong dòng chảy trôi liên tục của lịch sử văn học dân tộc kể trên, Nguyễn Tuân nằm ở vị trí nào, khúc nào của dòng sông văn học? Người ta vẫn nói đến Nguyễn Tuân với hai chữ “độc đáo”, vậy nét độc đáo của Nguyễn
32
Tuân tạo nên bởi điều gì? Nghiên cứu thế giới nhân vật trong văn xuôi Nguyễn Tuân và quan niệm nghệ thuật về con người của ông sẽ giúp chúng ta có được câu trả lời thỏa đáng.
1.3.2. Quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Tuân:
1.3.2.1. Nguyễn Tuân có quan niệm nghệ thuật về con người độc đáo. Nhà văn tiếp cận thế giới thiên về phương diện văn hóa, nghệ thuật, tiếp cận con người thiên về phương diện tài hoa, nghệ sỹ. Ông đánh giá, nhìn nhận con người dựa trên tiêu chí thẩm mĩ và văn hóa. Theo đó, thế giới người trong cảm quan của Nguyễn Tuân trước Cách mạng có hai loại chính: Một là những người ở lớp trên tài hoa, uyên bác; đối lập lại là lớp người hạ đẳng, “ngồi xổm lên cái đẹp, nghệ thuật”.
Nhìn nhận con người nghiêng về phương diện thẩm mỹ là một nét độc đáo của Nguyễn Tuân so với các tác giả văn học hiện đại khác. Con người trong văn Nguyễn Tuân là con người mang vẻ đẹp tài hoa, nghệ sỹ chứ không phải là con người cá nhân chống lại phong kiến như trong Tự lực văn đoàn, hay con người cá nhân tự bộc lộ với những cảm xúc thành thực trong Thơ mới, con người bị tha hóa bởi hoàn cảnh trong văn Nguyễn Công Hoan, con người nạn nhân của hoàn cảnh nhưng không hề tha hóa trước hoàn cảnh trong văn Ngô Tất Tố, con người tha hóa những vẫn không nguôi khát vọng và mất đi bản tính người tốt đẹp trong văn Nam Cao. So với các tác giả cùng thời và sau đó, cách nhìn nhận con người của Nguyễn Tuân vẫn là “có một không hai”, đúng như Vũ Ngọc Phan từng đánh giá ông là nhà văn “đứng hẳn ra một phái riêng” cả về lối văn và về tư tưởng.
Song nét độc đáo của Nguyễn Tuân còn ở ngay chính quan niệm của ông về cái đẹp. Theo quan niệm truyền thống của phương Đông, cái đẹp là cái hài
33
hòa, gắn với cái trẻ trung và đặc biệt là cái đẹp thường gắn với cái thiện, cái có ích. Là một nhà văn luôn ý thức rất rõ phải tạo ra sự độc đáo cho riêng mình, Nguyễn Tuân không bằng lòng với quan niệm thông thường đó. Cái đẹp trong văn xuôi Nguyễn Tuân, đặc biệt là ở thể loại truyện ngắn thường không phải là cái trẻ trung mà là cái già dặn, không phải ở cái hài hòa mà là những cái dị thường, phi thường, không chỉ ở cái thiện mà còn ở những hành vi bất thiện. Nhân vật tài hoa, nghệ sỹ trong Vang bóng một thời mà Nguyễn Tuân ca ngợi phần lớn là những người già (cụ Sáu (Những chiếc ấm đất), cụ Ấm (Chén trà trong sương sớm), Cụ Kép (Huơng cuội), ông cử Hai (Đèn đêm thu),…). Đó là những con người có cốt cách và vẻ đẹp vững chãi chứ không hề yểu mệnh. Nguyễn Tuân có phần thiên ưu với những vẻ đẹp già dặn. Ngay với hình ảnh một người phụ nữ đẹp, trong con mắt Nguyễn Tuân cũng phải là người đàn bà đứng tuổi, “sâu sắc nước đời”, giỏi ngón ăn chơi, có học (Mộng Liên – Đánh thơ, bồ phu Nhân, chị Hoài) và có sức cuốn hút riêng “ nũng nịu mà không hớ hênh, (…) làm dáng, làm đỏm mà vẫn không ra ngoài nết đoan trang, buồn mà không tẻ, vui mà không ồn, và lúc phải thô thì không tục” [36, tr.657]. Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân thường coi “cái gì đẹp quá thì chóng tàn”. Sau Cách mạng, trong văn ông cái đẹp không còn gắn với cái yểu mệnh nữa mà hiện hữu vững chãi trong cuộc đời.
Cái đẹp với Nguyễn Tuân phải luôn gắn liền với cái dị thường, phi thường, cái chất đậm, gắt, nóng, mạnh vượt ra khuôn khổ của cái bình thường. Tất cả phải vượt lên trên cái “lèm đèm, lẹt đẹt, lờ mờ, luộm thuộm và bằng lòng với tất cả chung quanh”. Nguyễn Tuân luôn thích cảm giác mới lạ. Ông là nhà văn của những tính cách phi thường, những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, những phong cảnh tuyệt mỹ, của gió bão, núi cao rừng sâu, thác ghềnh dữ dội,… Nguyễn Tuân không thích những cái gì bằng phẳng, nhợt nhạt, yên ổn. Nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù chính là kiểu nhân
34
vật như thế với “cốt cách phi phàm, những “con người khổng lồ” nhưng có khi phải ngụp lặn “dưới đáy” xã hội (…) đó là đặc trưng của bút pháp lãng mạn”, là “những mảnh hồn say đắm của tác giả hóa thân” [23, tr.252]. Ở Huấn Cao chính là một hình mẫu lý tưởng có sự kết hợp cái tài, cái tâm, thiên lương trong sáng, khí phách hiên ngang. Đây cũng là nhân vật thể hiện mâu thuẫn và sự phức tạp trong chính quan niệm của Nguyễn Tuân. Ông chủ trương cái đẹp hình thức, không khuynh hướng, vượt lên mọi thứ thiện ác ở đời nhưng nhân vật của ông có đôi khi vẫn thể hiện lòng yêu nước, tinh thần dân tộc kín đáo mà sâu sắc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã có những lý giải thỏa đáng về tính phức tạp trong quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân: “Cái tính chất không nhất quán, không dứt khoát giữa hai mặt tích cực và tiêu cực trong ý thức nghệ thuật của Nguyễn Tuân, ngay cả ở trong thời kỳ bế tắc nhất, xét đến cùng là do cái thế giằng co giữa chủ nghĩa cá nhân và lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Nó khiến ông không quay lưng hẳn được với hiện thực, muốn thoát ly đấy nhưng không thât đành lòng” [36, tr.98].
Thạch Lam quan niệm “văn chương phải tìm ra những vẻ đẹp ở những chỗ không ai ngờ tới”. Ca ngợi vẻ đẹp tản mát của cuộc sống, về điểm này Thạch Lam và Nguyễn Tuân có sự gặp gỡ. Tuy nhiên Thạch Lam thiên về miêu tả vẻ đẹp thuần hậu, vẻ đẹp của tình người nhẹ nhàng, trong trẻo còn Nguyễn Tuân lại thiên ưu với những vẻ đẹp cầu kỳ, khác lạ, gắn với một thời đã xa nay chỉ còn “vang bóng”.
Với Nguyễn Tuân “cái đẹp vượt lên mọi luân lý thời đại”, mọi điều thiện