6. Bố cục của luận văn
3.4.2. Ngôn ngữ người kể chuyện
Người kể chuyện và điểm nhìn của người kể chuyện giữ vai trò quan trọng. Người kể chuyện là người tham gia vào câu chuyện như một nhân vật,
100
chứng kiến mọi chuyện và kể lại, đánh giá, xem xét các nhân vật và sự việc trong tác phẩm. Ngôn ngữ của người kể chuyện chiếm số lượng nhiều nhất trong toàn bộ sự phân bố các lớp ngôn ngữ trong tác phẩm. Đó là phương tiện để nhà văn miêu tả đặc điểm, phẩm chất nhân vật.
Ngôn ngữ người kể chuyện của Nguyễn Tuân độc đáo. Nhà văn ít kể ở ngôi thứ nhất, chỉ thấy có hai truyện viết theo lối này là Chiếc dĩa sứ Giang Tây và Giá đồng quan giám sát. Nhân vật người kể chuyện xưng tôi đóng vai trò trung tâm, kể từ đầu đến cuối truyện.
Cách kể chuyện của Nguyễn Tuân thường đứng ở ngôi thứ ba, kể theo quan điểm của nhân vật, người kể ẩn kín, đứng sau nhân vật, câu chuyện như được tự kể. Tuy không xuất hiện, cũng không tham dự vào quá trình diễn biến câu chuyện nhưng người kể chuyện biết hết mọi chuyện, khi thì trực tiếp, khi thì gián tiếp, khi lại lùi ra xa đối thoại với độc giả.
Đôi khi tác giả lùi ra xa để đối thoại với độc giả: “thế là xong một buổi tập chém chuối treo ngành, và Bát Lê cũng vui vẻ trong lòng đợi ngày nhận tù”. Cũng có lúc ông kể chuyện với giọng chủ quan để người đọc cùng chia sẻ những hứng thú của tác giả khi quan sát viên quản ngục: “Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng của mình một đôi câu đối do ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh trừ chỗ tri kỷ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời. Viên quản ngục khổ tâm nhất là có ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào để xin được chữ”.
101
Cách kể chuyện của Nguyễn Tuân rất linh hoạt, ông hay có những liên tưởng, khám phá bất ngờ, thú vị tạo nên một chất giọng riêng. Nguyễn Tuân có vốn từ phong phú, đặc biệt là các từ cổ được ông sử dụng chính xác và đắc dụng trong việc tạo ra không khí truyện của một thời đã xa nay chỉ còn vang bóng.
Theo GS. Trần Đình Sử trong Giáo trình thi pháp học thì cách xưng hô, gọi tên nhân vật đã thể hiện quan niệm chung. Xét về tính dân tộc thì gọi tên riêng là kiểu Việt Nam, gọi bằng họ như ông Trương, ông Vương là kiểu Trung Quốc. Gọi nhân vật bằng “anh, tôi, nó” một cách trung tính là kiểu Trung Quốc và phương Tây, mà gọi bằng kiểu quan hệ thân thuộc như “chú, cháu, mẹ, con, anh, em” đối với người không thân thuộc là kiểu Việt Nam. Các tác giả Khái Hưng, Nhất Linh gọi nhân vật bằng “chàng, nàng” thể hiện một quan niệm khác với cách gọi “hắn, y, va” của Nam Cao, và gọi “anh, chị, ông” trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, mà người ta không thể tùy tiện thay đổi nếu không thay đổi luôn cách cảm thụ cuộc sống tương ứng với cách xưng hô trong văn học. Cách gọi tên nhân vật bằng chữ viết tắt như AQ của Lỗ Tấn, K. của Kafka, H.C.E của Joyce đều có một dụng ý khái quát [32, tr. 61-62]
Các ngôn từ nhà văn sử dụng cũng có những trường nghĩa bao trùm, làm thành tính quan niệm của nhà văn. Chẳng hạn hình ảnh trong thơ Tố Hữu thể hiện một thế giới đang bừng sáng, bốc cháy, nóng bỏng. Ông thích các hình ảnh mặt trời, sao, nắng, hình ảnh sáng. Cảnh vật được miêu tả trong độ nảy nở tột cùng. Phẩm chất con người được miêu tả trong trạng thái thuần khiết, tuyệt đối, bất biến… Chính hệ thống từ vựng đó làm cho tiếng thơ Tố Hữu mê say, sáng ngời, bay bổng, nhiệt huyết [32, tr. 209]
Các từ ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương thì lại khác. Nó mang những động tác mạnh có tính phá cách, khiêu khích hoặc bản năng: đâm toạc, xiên ngang,
102
gió giật, chân xọc, ngứa gan, đạp xuống, nảy, đẩm, đâm ngang, cọ mãi, chành ra, khép lại,… những động tác khiếm nhã: móc, khua, quệt, thốc, cọ, xoạc,… với cường độ mạnh, thể hiện hành động của xúc cảm. [32, tr. 210]
Cấu trúc câu văn: câu văn của Tônxtôi có nhiều câu phụ, phép đặt đảo trang, nặng tính phân tích, đó là văn viết. Câu văn của Đôxtôiepxki trái lại là câu văn nói với những rằng, thì, là, mà, là thể hiện trạng thái xúc động, căng thẳng của người trần thuật và nhân vật. M. Proust câu văn phức hợp dài thể hiện dòng ý thức. Ngô Tất Tố thích đưa trạng ngữ lên trước: “Thơ thẩn, chị đón lấy con bé con và ngồi ghé vào bên mép chõng”, “Buồn rầu, chị kéo chéo yếm, cài trong dải lưng,…”, “Giống như con cọp trong chuồng bách thú vớ miếng thịt bò tươi, đứa nào đứa nấy nhai nuốt một cách ngon lành” (Tắt đèn). Đó là hành văn của sự quan sát tĩnh tại. Nam Cao thích lối diễn đạt trùng điệp: “Vào Sài Gòn, y đã làm một kẻ lông bông. Tuy vậy, mấy năm ở Sài Gòn cũng còn là một quãng đời đẹp của y. Ít ra y đã hăm hở, y đã náo nức, y đã mong chờ. Y đã ghét và đã yêu. Y đã say mê,…”, “Về Hà Nội, y sống rụt rè hơn, sẻn so hơn, sống còm rom. Y chỉ còn dám nghĩ đến chuyện để dành, chuyện mua vườn, chuyện làm nhà, chuyện nuôi sống y và vợ con y,…” (Sống mòn). Đó là hành văn của một tâm hồn cuộn sôi lên trước o ép của cuộc đời. Câu văn Nguyễn Tuân thể hiện một cái nhìn nhẩn nha, mạch lạc, khúc chiết, một sự vận động, lưu chuyển chậm rãi: “Nước con suối loanh quanh ở tỉnh lỵ Sơn La chảy qua bản Giàng, chảy qua bản Cọ, chảy qua Mường La, đến chỗ chân đèo Khan Phạ thì rút vào bí mật, nó chui vào lòng đá núi rồi lại xuất hiện ở phía bên kia chân đèo liên tiếp năm cái dốc ngoặt chữ chi gấp góc, và rồi nước suối Nậm Bú trên sông Đà”. Câu văn Vũ Trọng Phụng trong Giông tố thường gấp gáp, vội vàng.[32, tr. 211-212]
103
Nguyễn Tuân thể hiện cá tính sáng tạo của mình ngay ở cách đặt tên nhân vật mang màu vẻ của thời xưa cũ: cô Chiêu Tần, Quan án Trần, ông Khóa Liêm, cụ Hồ Viễn, cụ Sáu, cụ Kép, cụ Nghè Móm, cụ Ấm, cô Tú, cậu Chiêu,… Có những cái tên nghe lạ tai: Nhiêu Tỉn, Mộng Liên, Bát Lê, Phó Kình, Lý Văn, Huấn Cao,… hay Phọng Bớp –cái tên mà như chính nhân vật của Nguyễn Tuân “liên tưởng nghĩ đến cái dáng điệu cục cằn và ngôn ngữ thô bỉ của bác Đạm gái và đoán già rằng một cái làng có cái tên như thế hẳn phải sản xuất ra những người như thế” [32, tr. 193].
Một khái niệm được Nguyễn Tuân diễn đạt bằng nhiều từ khác nhau. Khi viết về nhân vật giang hồ, ông dùng từ: “phiêu lưu”, “trôi dạt”, “lông bông”, “bồng bềnh”, “đổi chỗ”, “đổi gió”, “du lịch”, “gió đã lên”,… Những môn đồ của chủ nghĩa xê dịch Nguyễn Tuân gọi là những “lãng nhân” [36, tr. 239], “lữ hành” [36, tr. 235], “tên giang hồ” [36, tr. 747], “quân lãng du” [36, tr. 768], “bệnh nhân của không gian” [36, tr. 793], “kẻ du sĩ” [36, tr. 860]. Nguyễn Tuân còn gọi họ là những “bộ mặt muối bể” [1, tr. 235], những “hòn đá lăn mãi không bao giờ dính rêu” [36, tr. 845], “đời phiêu lưu” [36, tr. 845], với “chất lang thang nặng trong lòng” [36, tr. 793], là “đời lữ khách hẹn sống với trôi nổi” [36, tr. 844], “đời bồng bềnh” “lăn mình trên cái vỏ lục địa” [36, tr. 841], người “khách hàng quen của đêm mưa gió” [36, tr. 843], người của “đầu sông ngọn nguồn” [36, tr. 855] với “tế bào dạ dày (…) quen mùi quán trọ dọc đường” nên không chịu nổi cái thực đơn của gia đình đã thiếu hẳn “gia vị của lữ thứ” [36, tr. 857]; là “đứa con phiêu lãng” [36, tr. 845], là “con chim trời” [36, tr. 846]. Lăn mình trên dặm dài thiên lý, “người du tử vạn thiên cổ” [36, tr. 848] “lấy cái thú gió sớm mưa chiều nơi dọc đường làm cái định thức của cõi đời nay” [36, tr. 860], người “khách đi trên mặt nước hay sống trên mặt nước định lấy cái bể rộng làm ý trung nhân muôn năm của mình” [36, tr. 847]. Và không ít lần người giang hồ lữ thứ ấy đã tự nhận mình
104
là “tội nhân bị chung thân phát vãng”, “bệnh nhân của không gian” đang sống một cuộc đời lang bạt “phóng túng hình hài” [36, tr. 372].
Nguyễn Tuân còn có một hệ thống các từ ngữ mới mẻ, hiện đại, hóm hỉnh: “tình tri kỷ vụn” [36, tr. 305], “những cái bắt tay sốt dẻo” [36, tr. 185], “đen tàn nhẫn và béo ngậy” [37, tr. 531],… Ông gọi ba người đẹp Mộng Liên, Mộng Huyền, Mộng Thu là “ba cái Mộng”, trong Một chuyến đi ông đặt tên cho thuốc phiện là “ả Phiền, bà Chúa Nâu, nàng Tiên Nâu”. Ông có cách diễn đạt hiện đại, mới lạ: “Hòa đẹp lắm, dại lắm và mảnh dẻ lắm, tưởng đụng mạnh một cái là có thể xô lệch hết những nét điều hòa ở trên cái công trình thịt tươi ấy” [37, tr. 941].
Nguyễn Tuân sử dụng một hệ thống từ ngữ cổ một cách độc đáo: nhà văn dùng từ “phiến trát” chứ không dùng “công văn”, dùng “kiểng” không dùng “kẻng”, dùng “bổng lộc” không dùng “lương”.
Tác phẩm trước Cách mạng của Nguyễn Tuân, đặc biệt là tập Vang bóng một thời có sử dụng một số lượng lớn các từ Hán Việt, tạo ý nghĩa trang trọng và không khí cổ kính cho tác phẩm: “chủ nhân, độc ẩm, cổ nhân” (Những chiếc ấm đất), “thập bát, đao phủ, khí phách, tri kỷ, thiên lương, lương thiện, ngục quan, từ biệt, vũ trụ, biệt đãi, tâm điền, tiểu nhân, mãn nguyện, tri kỷ, quản ngục, nhất sinh, hoài bão, bái lĩnh,…” (Chữ người tử tù), “khai đao, án trảm, pháp trường, hành hình, hạ thủ, tử tù, thủ cấp,…” (Bữa rượu máu), “thiên binh, vạn mã, thủy quốc, bất tử, gia quyến, thất lạc, đoạn tuyệt, cố hương, nhập ngôn, bất hạnh, tứ quý, tứ linh, tận thế…” (Trên đỉnh non Tản), “u hoài, giai nhân, thiên hạ, tư thất, truy hoan, cổ phong”… (Đánh thơ).
Trong Vườn xuân lan tạ chủ có 62 từ Hán Việt: du khách, hữu ngạn, kiến trúc, hải đảo, chữ thảo, bát hiền đại thủ, biệt thự, thếp vàng, túy lan trang,
105
bạch thạch, cẩn, chủ nhân, hưu quan, triều đình, ấn vàng, huê viên, sơn, nhất đán, túy lam, tri kỷ, vương giả, duyên giang, Chiêu Tần, thủy mặc, thiên thanh, lãng tử, bạch tuấn, lỏng buông tay khấu, thi lễ, giang đầu, công tử, tiện nữ, cố hữu, hải hoạn, hôn thê, thiên lệ sử, …
Theo sự thống kê của Nguyễn Thị Ninh trong luận án tiến sĩ tìm hiểu
Ngôn từ nghệ thuật trong sáng tác của Nguyễn Tuân, số lượng từ Hán Việt trong một số truyện tiêu biểu như sau:
Trên đỉnh non Tản: 57 từ Hán Việt như “trung du, thiên binh, vạn mã, thủy quốc, thủy quái, u linh, hương án, bất tử, tàng hình, thiên tình sử, thoát phàm, thủy cung, sinh linh, muôn trượng, kinh niên,…”
Đánh thơ: 29 từ như “u hoài, tiểu xảo, giai nhân, thiên hạ, tư thất, cổ thi, lãng tử, bảo hiểm, truy hoan,...”
Chữ người tử tù: có 42 lần và 30 – 40 từ tiêu biểu như “đốc bộ đường, phản nghịch, đao phủ, ngục quan, ngục tốt, thanh âm, biệt nhỡn, phạm nhân, sinh bình, thị oai, sở nguyện, nhất sinh, thiên lương, bái lĩnh…”
Vốn ngôn từ phong phú và sử dụng nó chính xác, độc đáo của Nguyễn Tuân không chỉ thể hiện thành công nhân vật của ông mà còn tạo nên phong cách riêng không thể lẫn với ai khác.