Thủ pháp lý tưởng hóa, phi thường hóa nhân vật

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong văn xuôi Nguyễn Tuân trước cách mạng (Trang 90)

6. Bố cục của luận văn

3.2.2.Thủ pháp lý tưởng hóa, phi thường hóa nhân vật

Nguyễn Tuân là nhà văn của những vẻ đẹp tuyệt mỹ, phi thường bời lẽ ông không thích những cái gì mờ mờ, nhạt nhạt, bằng phẳng. Ông gọi đó là thứ công chức trong văn chương. Vì vậy, các nhân vật được ông ca ngợi thường có một vẻ đẹp lý tưởng, phi thường: Huấn Cao, Cai Xanh, Bát Lê,…

Các đặc điểm của nhân vật thường được Nguyễn Tuân đẩy lên đến đỉnh điểm tuyệt đối. Trong truyện Ngôi mả cũ, Nguyễn Tuân đã tô đậm chân dung và hành động của lão tướng Cờ Đen, con người siêu phàm với cả một huyền sử bao bọc xung quanh. Cụ Hồ Viễn nguyên là tướng quân Cờ Đen oai phong lẫm liệt “bên thắt lưng điều, cụ giắt hai khẩu súng. Phía bên trái là khẩu đoản mã và phía bên phải là một khẩu súng thập bát hưởng bắn một lúc được mười tám phát liền”. Cụ đã từng vẫy vùng ngang dọc trên chiến trường với những chiến công lừng lẫy “tiếng kèn tàu và loa đồng và trống trận nổi lên nhiều, là chính vào lúc quân Cờ Đen tế cờ ăn mừng được trận”. Song thời thế đã thay đổi, thời oanh liệt đã không còn. Mất không gian sống của chính mình, trong hiện tại người tướng quân Cờ Đen năm xưa chí khí đã hết, đành sống nốt những tháng ngày héo úa hắt hiu của một người “đã mệt với cuộc sống chỉ còn nên uống rượu chơi thôi” hoặc “đi phân phát hạnh phúc bằng cách tìm

89

đất để mả cho những kẻ thất thế” [36, tr. 543]. Nhưng ngay cả lúc sa cơ thất thế, con người một thời vang bóng ấy vẫn viết thêm một huyền sử với sự tài hoa trong nghệ thuật đánh cờ tướng. “Ông cụ Hồ và cậu Chiêu đã đánh với nhau mấy ván cờ không có quân đi, không có bàn tay. Họ đánh cờ bằng miệng chứ không phải bằng tay đụng quân. Khi mỗi người đi một nước thêm cho ván cờ tướng, họ lại vén cái rèm cáng, nghển cổ ra ngoài nói chõ sang cái cáng đồng hành đi ngang hàng” [36, tr. 549]. Con người tài hoa đã đem cái tài ra để khẳng định mình trước đám thế nhân phàm tục.

Chữ người tử tù đã xây dựng được nhân vật Huấn Cao với vẻ đẹp phi thường, khác thường, siêu phàm trong cảm hứng lãng mạn bay bổng. Huấn Cao trở thành huyền thoại trong nghệ thuật thư pháp. Nghệ thuật viết chữ đã đạt đến mức hoàn mỹ: vừa là sự thể hiện cái đẹp, vừa là sự thể hiện khí phách con người “những nét chữ vuông vắn, tươi tắn nó nói lên hoài bão tung hoành của một đời người” [36, tr. 575]. Tài hoa ấy đã đạt đến mức khác thường, nổi tiếng khắp vùng tỉnh Sơn. Có được chữ Huấn Cao được coi như một báu vật ở đời. Nguyễn Tuân đã tô đậm hơn tài hoa khác thường của Huấn Cao qua việc miêu tả thái độ sùng kính của quản ngục như một phép đòn bẩy. Mới nghe tiếng Huấn Cao, quản ngục đã quên chức trách của một nhà hành pháp, chỉ đau đáu khát vọng xin chữ, thậm chí sẵn sàng chịu nhục, chịu chết chém để đạt được khát vọng. Quản ngục đã dám coi cái đẹp hơn cả danh dự, tính mạng của mình. Thái độ của quản ngục tạo ra hai cái khác thường: Huấn Cao tài hoa khác thường, còn quản ngục đam mê cái đẹp khác thường. Cái khác thường sau tôn cao cái khác thường trước khiến tài hoa của Huấn Cao càng nổi lên rực rỡ. Huấn Cao đã viết một huyền tích về người anh hùng tài hoa.

Chị Hoài trong Tóc chị Hoài “một người đàn bà đẹp yếu như lá non thùy dương”, vẻ đẹp của chị không phải của con người trần tục mà là của một nữ

90

Thánh đã vượt trên cuộc đời phàm tục. “Cả người chị Hoài là Đức Hạnh hiện thân. Hạnh kiểm chị lại còn phảng phất chút hương trần tôn giáo nữa. Người tinh lắm, đạt lắm, mới nhận rõ” [37, tr. 649]. Vẻ đẹp của chị không phải để cho những người “mà lòng chưa gội hết cấn sạn của một thứ luân lý hèn hẹp, chưa ra được cái đường chia ngăn Thiện và Ác” có thể cảm nhận được. Nhưng chị Hoài không phải là người mang tâm hồn của một nữ thánh thuần khiết, lánh xa cuộc đời. Chị là “một thảm kịch trường thiên”. Bởi chị là “một nguồn sống bồng bột tắc lối thoát, là dòng dũ tháng bảy và ghê kiếp thay! Chị lại nín lặng tự đem cái thân mình ra làm một con đê, một con đê dài dằng dặc chạy song song bên con sông ầm ì sóng vỗ vô khối con sóng tình cảm phiền phức, một con đê đắp bằng những năm tháng âm thầm của một tuổi hoa niên thiếu ánh sáng, thiếu khí lành – để giữ vững nguồn tâm đừng tràn ra”. [37, tr. 651].

Nguyễn Tuân còn phi thường hóa nhân vật bằng cách tạo ra các yếu tố huyền thoại, kỳ ảo xung quanh nhân vật: Cô Dó chính là cây cổ thụ hóa tinh, Chiêu Hiện gắn với những hiểu biết về cõi âm, Bố Ô kỳ dị mang dáng dấp của một ông tiên với hình dáng, hành động, cái chết kỳ lạ, huyền bí.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong văn xuôi Nguyễn Tuân trước cách mạng (Trang 90)