Nam Phong tạp chí và các tác giả tiêu biểu của nó

Một phần của tài liệu Sự hình thành và phát triển của một số thể văn xuôi quốc ngữ trên Nam Phong tạp chí (Trang 47)

B. PHẦN NỘI DUNG

2.1.2.Nam Phong tạp chí và các tác giả tiêu biểu của nó

Nghiên cứu tiến trình lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn giao thời không thể bỏ qua Nam Phong tạp chí, bởi dù nó đã được kết luận là “tờ báo nô dịch”,

mang tính chất “xu phụ”, “nịnh Tây” thì trong một chừng mực khách quan nó vẫn cùng với các tờ báo khác “tác động đến sự phát triển văn học dân tộc trên toàn bộ quá trình văn học” [ 46 ]. Để minh chứng cho công việc “tác động đến sự phát triển của văn học dân tộc” mà Nam Phong đã làm được trong suốt thời gian tồn

tại và phát triển của mình, chúng tôi tiến hành trình bày một cách khái quát về hình thức, nội dung cũng như mục đích của tờ tạp chí này.

Nam Phong là loại báo bách khoa, ban đầu là nguyệt san, đến giai đoạn

cuối chuyển sang bán nguyệt san. Khổ của tạp chí là 19 x 27.5 cm, mỗi số là một cuốn dày khoảng 100 đến 150 trang, gồm ba phần, viết bằng Hán văn, Pháp văn và quốc văn. Trong đó, phần quan trọng nhất (chiếm số lượng trang nhiều nhất) được viết bằng quốc văn, bao gồm các mục sau:

Luận thuyết: Mục này bàn về những vấn đề có liên quan trực tiếp đến tình

hình thời sự trong và ngoài nước, quan tâm đến những vấn đề có quan hệ với người dân, nhằm mục đích giúp đọc giả hiểu và có được hình dung rõ ràng về vấn đề đó. Xu hướng chung của những bài trong mục Luận thuyết là phục vụ mục đích tuyên truyền của thực dân Pháp và ca tụng “nước mẹ” đại Pháp.  Văn học bình luận: Khái niệm “văn học” ở đây bao gồm nhiều nội dung: văn

chương, lịch sử, văn minh... Trong mục này, Nam Phong bàn về các sách cũ và mới, thâu nhặt những tư tưởng mới của phương Tây, giới thiệu nhiều tác phẩm lý luận, phê bình và tiểu sử của các nhà văn nổi tiếng nước ngoài cũng như văn nghiệp của họ, đặc biệt là văn học Pháp.

Triết học bình luận: Tập trung nghiên cứu các lý thuyết, tư tưởng xưa nay, so

sánh tư tưởng Á Đông và Tây Âu với mục đích đề ra một trào lưu riêng, tạo điều kiện cho quốc dân phát triển về tri thức và đạo đức.

Khoa học bình luận: Mục này tạp chí nêu những vấn đề đại cương, những

nguyên lý, lịch sử của khoa học. Ngoài ra còn giải thích về những phát minh mới, những bài phổ biến khoa học thường thức.

Văn uyển: Đây là phần sưu tầm thơ ca cổ bằng chữ Hán, chữ Nôm, bên cạnh

đó có cả những sáng tác theo lối mới, thể hiện tư tưởng mới (thơ, truyện, ca trù, tuỳ bút, các bài văn cảm xúc...).

Tạp trở: Trên mục này đăng những bài ký (du ký, du hành), trình bày các câu

chuyện “tai nghe, mắt thấy” dọc đường của một chuyến tham quan, một chuyến công tác, một cuộc hành trình...Có cả những bài tựa, bài giới thiệu sách mới và những danh ngôn, trích lục các sách.

Thời đàm: Gồm các bài bàn về tình hình thời sự trong và ngoài nước. Những

bài viết này thể hiện một thái độ khá bình tĩnh khi trình bày các sự việc khác nhau, song ý thức ca ngợi Pháp vẫn bộc lộ.

Tiểu thuyết: Phần này, Nam Phong tạp chí tập trung dịch các cuốn tiểu thuyết

cận, hiện đại của Trung Quốc và Pháp ra quốc văn. Tạp chí đã chú ý chọn những cuốn có văn từ hay, kết cấu khéo làm chuẩn mực chỉ lối, dẫn đường cho thể loại “tiểu thuyết” và “đoản thiên tiểu thuyết” do chính các tác giả Việt Nam sáng tác bằng chữ quốc ngữ.

Từ vựng:(gồm 3 phần) chữ quốc ngữ, chữ Nho và chữ Pháp. Mục đích của

mục Từ vựng là giải thích những chữ mới, giúp cho việc dùng từ dễ dàng hơn và tránh sai sót.

Tuy có 9 mục khác nhau, song các mục này thường không được trình bày một cách cố định mà luôn thay đổi. Ngay từ số 7 (tháng 12 năm 1917) trở đi sự thay đổi đã xuất hiện và ngày càng rõ rệt. Có khi chỉ vì một vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách cai trị của Pháp tại Việt Nam mà tờ báo phải dừng các bài còn tiếp nối của các mục văn học, triết học, khoa học... để tuyên truyền, phổ biến sự kiện thời sự vừa xảy ra.

Một năm, Nam Phong tạp chí chia thành hai quyển, mỗi quyển gồm 6 số với tổng số trang khoảng 600-700 trang. Mỗi quyển đều có bảng tổng mục lục của các số từng tháng giúp đọc giả tra cứu thuận tiện. Tổng 210 số báo của Nam Phong được

đóng thành 35 quyển, mỗi quyển chia thành hai phần chữ quốc ngữ và chữ Nho, sau này có thêm phần Pháp ngữ (từ số 66, tháng 12, năm 1922). Trong 17 năm tồn tại (từ 1917-1934), Nam Phong tạp chí có hai giai đoạn, với hai tính chất:

- Giai đoạn I, từ số 1 (1917) đến số 193 (1934) là giai đoạn nguyệt san - Giai đoạn II, từ số 194 đến số 210 (1934) là giai đoạn bán nguyệt san. Qua hai giai đoạn, bìa báo phần chữ quốc ngữ có sự thay đổi khác nhau, giai đoạn sau bìa báo được đưa ra sinh động hơn, thường ảnh ngoài bìa có liên quan đến vấn đề thời sự của báo. Phần bài bằng chữ Nho được giữ cố định suốt các số báo. Ở thời kỳ nguyệt san, mỗi tập Nam Phong có khoảng 100 trang với hai phần quốc

ngữ và chữ Nho, sau đó còn có phần phụ trương Pháp ngữ (khoảng 20 trang), chữ Nho giảm dần về số trang. Đến giai đoạn cuối của nguyệt san, phần chữ Nho chỉ còn khoảng 10 trang. Khi chuyển sang hình thức bán nguyệt san thì phần chữ Nho bỏ hẳn và mỗi tờ Nam Phong chỉ còn khoảng 60-70 trang.

Với thời gian 17 năm tồn tại, Nam Phong đã cho xuất bản nhiều số báo đặc biệt

như: số 8, tết Mậu ngọ (tháng 2, năm 1918); số 189 (tháng 10 năm 1933) - số đặc biệt về việc Bảo Đại hồi loan; số 201, 202 (tháng 8 năm 1934) - số đặc biệt về Toàn quyền René Robin. Ngoài ra, có một vài năm, Nam Phong hai tháng mới ra

một số.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy mục đích của Nam Phong qua một số bài viết (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

tiêu biểu sau được giới thiệu trên tạp chí.

+ Bài Mấy nhời nói đầu của Phạm Quỳnh (số 1, tháng 7 năm 1917).

+ Bài Mục đích của báo Nam Phong của Phạm Quỳnh (số 192 tháng 1 năm

1934).

+ Bài Nam Phong ngày trước, Nam Phong bây giờ – Hán thư Nam Phong (số

199, tháng 7 năm 1934).

+ Bài Tổng thuật sự nghiệp Nam Phong của Nguyễn Hữu Tiến (số 210 tháng7

năm 1934).

Trong số báo thứ nhất, ra ngày 01/07/1917 với bài Mấy nhời nói đầu, Phạm

Quỳnh đã sơ lược tóm tắt tôn chỉ của tờ báo: "Trong nước ta ngày nay, không những là người thuần cựu học mà không thích dụng thời thế, những người thuần tân học cũng không ứng thuần với quốc dân. Người nọ thiếu cái gốc và người kia thiếu cái ngọn vậy. Chi bằng ta tiếp cái ngọn nọ vào cái gốc kia mà gây lấy một

cái giống cây riêng cho cái vườn Việt Nam ta...". Từ tôn chỉ này, chủ bút Phạm Quỳnh đã cụ thể hoá mục đích của tờ báo:

- "Cái mục đích của bản báo là muốn gây lấy một nền văn học mới để thay vào cái Nho học cũ, cùng đề xướng lên một cái tư trào mới hợp thời thế cùng trình độ dân ta. Cái tính cách của sự học vấn mới cùng cái tư trào mới ấy là tổ thuật cái học vấn tư tưởng của Thái Tây, nhất là của nước Đại Pháp mà không quên cái quốc tuý trong nước".

- "Bản báo không chủ sự phổ thông mà muốn làm cái cơ quan riêng cho bọn cao đẳng học giới nước ta, gồm cả những bậc cựu học và tân học dung hoà làm một"

- "Cái phạm vi của bản báo là bao gồm những sự học thuật tư tưởng đời xưa, đời nay cùng những vấn đề quan trọng trong thế giới bây giờ. Nhưng trong cách diễn thuật, bình phẩm những học thuật, tư tưởng cùng những vấn đề ấy, bản báo vụ theo, lấy cái phương tiện giản dị hơn nhất cho phù hợp với trình độ người nước ta".

Tóm lại, mục đích của tạp chí Nam Phong là: 1. "Điều hoà tân - cựu", "thổ nạp Á - Âu"

2. Cổ xuý cho việc xây dựng văn quốc ngữ và nền quốc văn, coi đây là "vấn đề quan trọng bậc nhất trong nước ta ngày nay".

3. Ca ngợi nước Đại Pháp, đề cao nền văn hoá, văn minh phương Tây mà chủ yếu là văn hoá Pháp.

Trong suốt 17 năm tồn tại và phát triển, Nam Phong tạp chí đã tập hợp cho mình một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo, giàu tài năng và hết sức đa dạng: tân học cũng có, cựu học cũng nhiều. Đại diện tiêu biểu của phái tân học bao gồm: Phạm Quỳnh, Đông Hồ (Lâm Tấn Phác), Phạm Duy Tốn, và phái cựu học là: Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Trọng Thuật... Họ là những tác giả nhiệt tình, tích cực nhất của Nam Phong, phần lớn trong số họ làm

công việc biên tập tạp chí.

Có lẽ tác giả cần phải nhắc đến đầu tiên là Phạm Quỳnh - chủ bút của Nam Phong. Người sáng lập Nam Phong là Louis Marty nhưng Phạm Quỳnh mới là người đóng vai trò quan trọng nhất. Ông chủ bút họ Phạm vừa là “con mắt”, vừa là “linh hồn” của tờ tạp chí này. Phạm Quỳnh lấy hiệu là Thượng Chi và Hồng Nhân, là người viết nhiều nhất trên Nam Phong, Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử

yếu từng viết: “Cả cái văn nghiệp của ông Phạm Quỳnh xuất hiện chủ yếu trên Nam Phong. Tạp chí ấy, trong một thời kỳ, đã thành được một cơ quan chung cho các học giả cùng theo đuổi một mục đích với ông” [16, 408]. Ông là người chủ trương cái học thuyết: “đọc sách Tây để thâu thái lấy cái tư tưởng, lấy tinh thần văn hoá Âu Tây, để bồi bổ cho nền Quốc văn còn khiếm khuyết, để chọn lấy cái hay của người mà dung hoà cái hay của mình, ngõ hầu gìn giữ cho cái học của mình không mất bản sắc mà vẫn có cơ tiến hoá được ” (theo Vũ Ngọc Phan [11, 10]). Phạm Quỳnh là người có kiến thức uyên thâm trên nhiều lĩnh vực, xuất thân Tây học nhưng ông rất am hiểu văn hoá, văn học truyền thống, vì vậy các bài viết của ông cũng hết sức phong phú, đa dạng, từ dịch thuật, sáng tác đến khảo cứu, lý luận phê bình... Ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp đáng kể, không chỉ cho văn học đương thời mà cho cả quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam. “Ông Vĩnh (Nguyễn Văn Vĩnh, chủ bút Đông Dương tạp chí) có công diễn dịch những tiểu thuyết và kịch bản của Âu Tây và phát biểu những cái hay trong tiếng Nam ra; ông Quỳnh có công dịch thuật các học thuyết, tư tưởng của Thái Tây và luyện cho tiếng Nam có thể diễn đạt được các ý tưởng mới...Văn ông Vĩnh có tính cách giản dị của một nhà văn bình dân, văn ông Quỳnh có tính cách trang nghiêm của một học giả” [16, 411].

Một tác giả khác cùng phái tân học với Phạm Quỳnh mà chúng tôi muốn đề cập đến ở đây là nhà văn Đông Hồ (tên thật là Lâm Tấn Phác). Ông là nhà thơ của xứ Nam Kỳ nhưng lại viết những bài rất có giá trị cho tạp chí Nam Phong, một tờ báo của xứ Bắc. Các bài viết của ông đăng trên Nam Phong chủ yếu là “ký” và “văn

cảm xúc”, trong đó tiêu biểu nhất là tác phẩm Linh Phượng lệ ký (Nam Phong số

128, năm 1928), một bài văn khóc vợ rất bi thiết mà Phạm Quỳnh đã có mấy lời giới thiệu: “Nước Tàu kia có bài văn khóc cháu của Hàn Thoái Chi, nước Nam ta há lại không có tập văn khóc vợ của Lâm Trác Chi đó rư ?”.

Phạm Duy Tốn, một nhà văn - trí thức tân học khác của Nam Phong mà tên tuổi

luôn được nhiều người nhắc tới như một người tiên phong trong việc sáng tác các “đoản thiên tiểu thuyết”, được coi là những tác phẩm đầu tiên của thể loại truyện ngắn Việt Nam hiện đại. Ông có một lối văn hết sức linh hoạt, nhiều “đoản thiên” của ông đăng trên Nam Phong như: Sống chết mặc bay (số 18/1918); Con người sở khanh (số 20/1919) là những truyện tả chân hết sức khéo léo, sinh động và ngày nay vẫn được bạn đọc quan tâm, được đưa vào học trong trường phổ thông. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan từng nhận xét: “Phạm Duy Tốn là một nhà tiểu thuyết đi vào đường

mới trước nhất và những truyện ngắn của ông là thứ văn chương đã đánh dấu một quãng đường văn học của nước nhà” [ 36, 121] .

Trên Nam Phong, những văn sĩ thuộc phái cựu học đóng một vai trò khá quan

trọng, họ là những người bắc chiếc cầu nối liền quá khứ với hiện tại, bảo tồn văn hoá truyền thống. Đại diện tiêu biểu nhất của phái này là Nguyễn Hữu Tiến (biệt hiệu Đông Châu). Ông làm biên tập cho tạp chí Nam Phong, là người chuyên về dịch thuật các sách chữ Hán ra Việt văn và là người ở lại với Nam Phong đến tận giờ phút cuối cùng, chứng kiến toàn bộ đời sống, sự phát triển và lụi tàn của tờ tạp chí này. Đông Châu cũng đồng thời “là một nhà lý luận phê bình sắc sảo", nhiều tác phẩm mà ông biên soạn, đăng trên Nam Phong có giá trị đến tận ngày nay như:

Nam âm thi văn khảo biện (số 14,18,19/1920), Thơ mới và thơ cũ (số 193/1934)... (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Bên cạnh Nguyễn Hữu Tiến phái cựu học còn có sự góp mặt của Nguyễn Trọng Thuật (biệt hiệu Đồ Nam Tử) - “nhà bỉnh bút của tạp chí Nam Phong”, tác giả của tiểu thuyết Quả dưa đỏ đã từng gây xôn xao dư luận một thời. Nguyễn Bá Học -

“nhà văn đi tiên phong về truyện ngắn lối mới ở nước ta” (Vũ Ngọc Phan), là nhà “cách tân” đại tài thể truyện ngắn của văn học truyền thống, xây dựng lên những “đoản thiên tiểu thuyết” hấp dẫn, mang màu sắc hiện đại như: Có gan làm giàu

(số 23/1919), Câu chuyện gia tình (số 10/1918)...

Khi các văn sĩ tài danh như: Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Hữu Tiến, Đỗ Thị Đàm (Tương Phố), Nguyễn Đôn Phục, Lâm Tấn Phác...đã tập hợp đông đủ nơi Nam Phong, cũng là lúc lối sống, lối làm việc,

nghiên cứu, sáng tạo, học tập của phương Tây đã du nhập vào Việt Nam làm thay đổi hẳn cách làm việc, cách tư duy, cách sinh hoạt ở các đô thị lớn. Những tư tưởng hết sức mới mẻ cũng hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng, các công trình nghiên cứu khoa học từ Tây Âu qua nhiều con đường đã tràn vào đất Việt, làm thay đổi hẳn quan niệm sống, quan niệm sáng tác, tư duy do dự, thủ cựu của đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức nho học. Có thể nói, Nam Phong tạp chí là nơi để các trí thức tạm vừa lòng hoạt động văn hoá, văn học, đồng thời cũng là nơi mà những người sáng lập ra nó tạm thời “tập hợp” đội ngũ trí thức nhằm thực hiện mục đích “khai thác văn hoá” của mình. Một đội ngũ trí thức đông đảo và đa dạng như vậy đã tập trung trên Nam Phong tạp chí.

Văn học Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX có sự chuyển mình mạnh mẽ do sự tác động của thực tế xã hội. Song song với quá trình đấu tranh giữa hai thế lực cách mạng và phong kiến thực dân là quá trình tranh chấp của văn học , giữa cái cũ và cái mới, giữa hai luồng tư tưởng Á - Âu. Văn học truyền thống của các nhà Nho với thơ, phú, ca, từ..., của người nông dânvới hò, vè, ca dao, tục ngữ...vẫn còn sức sống trong lòng dân tộc, nhưng một nền văn học khác mới mẻ hơn trước đã xuất hiện và được đông đảo công chúng đọc giả tiếp nhận - nền văn học viết bằng chữ quốc ngữ. Được sự hỗ trợ từ phong trào Duy tân và sự hỗ trợ của hàng loạt những tờ báo có uy tín đương thời như: Đông Dương tạp chí, Nam

Phong tạp chí, Hữu Thanh tạp chí, Tiếng dân, An Nam tạp chí, Phụ nữ tân văn...

Văn học quốc ngữ bắt đầu "định hình" và trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng mạnh trong thập niên hai mươi. Người ta hoàn toàn có thể nói đến một nền

Một phần của tài liệu Sự hình thành và phát triển của một số thể văn xuôi quốc ngữ trên Nam Phong tạp chí (Trang 47)