B. PHẦN NỘI DUNG
2.2.4. "Ký" trên Nam Phong
Với những biến chuyển, đổi thay của nền văn học nói chung, của hệ thống thể loại nói riêng, từ phạm trù trung đại sang hiện đại, từ chữ Hán, chữ Nôm sang chữ quốc ngữ... trong khoảng ba thập niên đầu thế kỷ XX, thì việc xuất hiện trên
Nam Phong tạp chí một “thể loại nhỏ” như “ký”) là một “sự kiện đáng quan tâm”.
Bởi lẽ, “ký” có một nguồn gốc khá xa xưa, so với “tiểu thuyết” hay “văn học dịch”(những thể loại cũng xuất hiện khá phổ biến trong giai đoạn này) thì thể loại này “già dặn” hơn nhiều dẫu có những yếu tố về cả nội dung và hình thức chúng tiếp thu từ phương Tây.
Chúng tôi dùng thuật ngữ “ký” một cách cẩn trọng, bởi lẽ ở giai đoạn giao thời giữa hai nền văn học, nhiều thể loại còn chưa thực sự định hình và tên gọi của chúng cũng chưa có được sự thống nhất. Thường thì không có một tên gọi chung cho các tác phẩm mang nội dung và hình thức của thể “ký” (như ngày nay chúng ta vẫn dùng) mà mỗi bài viết lại được các tác giả “định danh” bằng một cái tên cụ thể như: “nhật ký”, “du ký”, “lệ ký” hay “mộng ký”...Trong cuốn Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong, tác giả Nguyễn Khắc Xuyên đã gọi tên "thể loại nhỏ'" này bằng nhiều tên gọi khác nhau: "tản văn", “du ký” và “du hành”, thực chất chúng chính là những "tiểu thể" nằm trong thể loại“ký” (theo quan niệm ngày nay). Cũng theo thống kê của ông, chúng tôi tổng hợp được 110 bài văn cảm
xúc, tuỳ bút, ghi chép... và 56 bài du ký, du hành mà Nam Phong đã giới thiệu
trong suốt 17 năm tồn tại của mình. Tổng cộng số bài văn cảm xúc, tuỳ bút, tổng thuật, du ký, du hành...là 116 bài, chiếm khoảng 25% (trong tổng số gần 500 bài viết của phần Văn học và Tạp trở), một tỉ lệ không phải là nhỏ so với đời sống thể loại hết sức phong phú trên Nam Phong.
Trước năm 1917, trong văn học quốc ngữ đã xuất hiện một số tác phẩm, mặc dù không được định danh cụ thể nhưng cũng có thể coi là thuộc thể “ký”, là
Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Ký và Hương sơn hành trình của
Nguyễn Văn Vĩnh. Tuy nhiên, phải đến khi Nam Phong ra đời và phát triển thì thể "ký" với rất nhiều “tiểu thể” nằm trong nó mới thực sự có chỗ đứng trên văn đàn. Sự đa dạng về mặt nội dung cũng như hình thức của thể “ký” được minh chứng rõ ràng và đầy đủ trên Nam Phong. Ngay bản thân từ “ký” mà các tác giả sử dụng
trong bài viết của mình cũng không đơn thuần chỉ là một thể “du ký” mà còn kèm theo những tính từ khác nhằm cụ thể hoá thêm mặt nội dung của tác phẩm (Pháp
du hành trình nhật ký - Phạm Quỳnh; Linh Phượng lệ ký - Đông Hồ...). Theo
đúng tên gọi thể loại, “ký” nghĩa là ghi chép lại. Đối tượng được ghi chép rất đa dạng, thường là một chuyến du lịch, du khảo đến những nơi danh lam cổ tích (du ký, du hành), hoặc một kỷ niệm đau buồn (lệ ký), thậm chí là những trang ghi chép lại những sự việc diễn ra hàng ngày, dọc đường đi trong một chuyến công du (nhật ký)... Tuy nhiên, tất cả những điều tác giả kể lại đó đều phải là những sự việc có thật, đã diễn ra trong đời thực mà tác giả được nghe thuật lại hoặc chính họ đã trải qua, đang trải qua. Đó chính là tiêu chí để phân biệt “ký” với “tiểu thuyết” - một thể văn gần như dựa hoàn toàn trên hư cấu.
Mặc dù tôn trọng hiện thực, lấy gốc rễ ở hiện thực nhưng những bài ký trên Nam Phong lại không thể hiện một cách tiếp cận cuộc sống thông qua điều tra, khám
phá, nhận thức hiện thực (như loại “phóng sự” báo chí trong những giai đoạn tiếp theo) mà lại trở thành một thể văn xuôi mang tính trữ tình, chủ yếu là mô tả cảnh vật, sự việc, con người (Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang, Cuộc đi chơi ở Sài
Sơn, Du tử Trầm Sơn ký...). Hoặc ghi lại những xung năng tâm lý (xúc cảm, suy
tư) khi tiếp xúc với ngoại giới, hay trước những biến cố của cuộc đời (Ba Bể du
ký, Một tháng ở Nam Kỳ, Giọt lệ thu...). Chính vì vậy, trong một thiên “du ký”
trên Nam Phong thường có sự tổng hợp của nhiều loại văn, lấy trục chính là thuật sự việc nhưng kết hợp cả văn tả cảnh và nhiều đoạn cảm thán. Những thiên “du
ký” này thường được viết bằng lối văn xuôi trang nghiêm, cổ kính, vần điệu nhịp nhàng, gợi hứng cho người đọc từ sự phóng khoáng của cảm xúc, đến sự thâm trầm, uyên bác trong những suy nghĩ về tôn giáo, xã hội,văn hiến dân tộc. Sở dĩ có điều này, bởi các tác giả viết “du ký” thường là những nhà cựu học như: Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Bá Trác, Đặng Xuân Viện... Họ am hiểu cổ văn và vẫn ít nhiều luyến tiếc lối viết văn truyền thống bằng chữ Hán. Bên cạnh đó, cũng có những tác phẩm “du ký” văn chương rất giản dị, linh hoạt, thuật chuyện sinh động, mộc mạc, tự nhiên mà tiêu biểu là các trang viết của Phạm Quỳnh (Mười
ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ, Pháp du hành trình nhật ký...)
Sự phát triển mạnh mẽ của các thể "ký" trên Nam Phong tạp chí, không chỉ được chứng tỏ bởi việc xuất hiện thường xuyên các bài “du ký”, “du hành”... mà còn là sự góp mặt của rất nhiều bài “tản văn". Ngay từ những số đầu tiên, Nam Phong đã giới thiệu những bài “tản văn" viết bằng chữ quốc ngữ thật nhuần nhị: Bài tự tình với sông Hương (Nam Phong số 2/1917); Nghe đàn (Nam Phong số
4/1917); Cái sầu, Thưởng sen Hồ Tây (Nam Phong số 12/1918)... Giai đoạn từ giữa năm 1918 – 1928 là giai đoạn mà các bài “tản văn", “tuỳ bút” đặc biệt phát triển trên Nam Phong, hầu như số nào cũng có bài, thậm chí có số đăng tới 4 đến 5 bài. Nếu các bài “du ký” được đăng trong mục Tạp trở thì các bài “tản văn" lại
nằm trong mục Văn uyển, điều này cho thấy phần nào chất văn chương, nghệ thuật đậm đà hơn của các bài “tản văn". Những bài văn giàu tính nghệ thuật này chủ yếu thể hiện các xúc cảm, suy tư của người viết trước một cảnh thiên nhiên đẹp, trước một sự kiện nào đó gây xúc động, thậm chí có khi chỉ là một nỗi buồn, cái sầu bâng quơ khi nghe một bản đàn, nhìn cảnh mưa dầm hay lúc thưởng thức một ngọn gió mát... Cũng có khi nó lại là một bài bàn về văn chương, về “chữ Tài”, bài khuyên người ta cách xem báo, hay bài tựa cho cuốn sách nào đó được xuất bản... mang tính triết lý, lý luận, giáo dục cao. Tất cả đã góp phần tạo cho
Nam Phong một sắc thái riêng, đậm chất nghệ thuật nhưng cũng không thiếu tính
lý luận.
Nói tóm lại, cùng với các thể loại văn xuôi khác, thể “ký” với sự đa dạng về mặt hình thức, phong phú về mặt nội dung đã tạo nên một nét riêng cho tạp chí
Nam Phong. Cũng từ đây, văn xuôi quốc ngữ “định hình” thêm một thể loại có
nguồn gốc từ quá khứ, chịu ảnh hưởng phương Tây. “Ký”đã thực sự phát triển theo một con đường riêng, hình thành một khuynh hướng thể loại song song với
“tiểu thuyết”, “truyện ngắn”. Nó sẽ đặc biệt phát triển trong văn học hiện đại với nhiều tên tuổi nổi tiếng mà Nguyễn Tuân và Vũ Bằng là những đại diện xuất sắc.
2.3. Tiểu kết.
Tóm lại, trong 17 năm tồn tại, mặc dù Nam Phong là tờ tạp chí ra đời do
chủ trương của Nhà nước bảo hộ, nhằm phục vụ cho chính sách xâm lược thuộc địa của chúng. Song do quy tụ được các nhà văn hoá tài danh ở giai đoạn đầu thế kỷ XX (gồm cả tân học và cựu học), nêu ra mục đích mà họ có thể lợi dụng để bày tỏ tâm lý, sở trường, mong muốn của mình. Nên dẫu cho những kết quả mà tờ tạp chí này đạt được trong lĩnh vực văn học xuất phát "ngoài ý muốn", hoặc là "công cụ không tự giác của lịch sử" khi thực thi cho chính sách "lỗ thoát hơi", thì khách quan mà nói, Nam Phong đã có rất nhiều đóng góp cho quá trình hiện đại hoá văn học. Chính
Nam Phong đã góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển của các "thể loại nhỏ",
đưa các thể loại này tiến dần tới vị trí trung tâm trong nền văn học hiện đại. Nhận định này đã được minh chứng một phần qua những trang viết khái quát về các thể văn xuôi nghệ thuật trên Nam Phong và sẽ được khẳng định lại một cách chắc
chắn ở chương sau của luận văn khi chúng tôi đi sâu tìm hiểu, phân tích, đánh giá đời sống của hai "thể loại nhỏ" truyện ngắn và ký trên tờ tạp chí này.
Chƣơng III
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA "KÝ " VÀ "TRUYỆN NGẮN" VIẾT BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ TRÊN NAM PHONG TẠP CHÍ - NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA
HAI THỂ LOẠI NÀY CHO QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HOÁ VĂN HỌC.
Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời (1900 - 1930) từ góc nhìn vận động của thể loại là một giai đoạn văn học đặc biệt với rất nhiều đổi thay biến chuyển. Hiếm thấy một giai đoạn nào của lịch sử văn học dân tộc mà những tên gọi về thể loại tồn tại một cách "bất qui tắc" như trong giai đoạn này. (Chúng tôi đã trình bày khá kỹ hiện tượng này ở chương I của luận văn - phần Quan niệm về văn xuôi
nghệ thuật và các thể loại văn xuôi nghệ thuật).
Tuy nhiên, trong toàn bộ khối nguyên hợp vẫn còn "chưa có định thể, chưa có phương châm" ấy của văn xuôi nghệ thuật không phải là không có tiêu chí đã được thừa nhận và nhất trí phổ biến, trong đó có sự phân biệt giữa "ký thực" và "tiểu thuyết". Mặc dù vậy, sự phân biệt ấy còn hết sức mơ hồ, không có căn cứ rõ ràng và lý luận chặt chẽ. Việc khảo sát quá trình hình thành và phát triển của hai
"thể loại nhỏ" "truyện ngắn" và "ký" trên tạp chí Nam Phong sẽ giúp chúng ta
phân biệt rõ ràng "ký" và "tiểu thuyết", từ đó thấy được quá trình "định hình" của một số thể loại mới và những đóng góp của chúng cho văn học dân tộc. Để tiện cho việc khảo sát và cũng là để tách biệt rõ hai thể loại này, chúng tôi tiến hành tìm hiểu, phân tích lần lượt từng thể loại.
3.1- "Truyện ngắn" viết bằng chữ quốc ngữ trên Nam Phong tạp chí - những biểu hiện nội dung và nghệ thuật.
Chúng tôi dùng thuật ngữ "truyện ngắn" với sự dè dặt tối đa, bởi lẽ trong giai đoạn giao thời của văn học Việt Nam những tên gọi thể loại còn chưa thực sự thống nhất, thậm chí lý luận về thể loại cũng rất mơ hồ.
Ở phương Tây, thuật ngữ "truyện ngắn" được sử dụng từ khá lâu trước đó và được coi là tên gọi của một thể loại độc lập với tiểu thuyết, ký... Nhưng ở phương Đông, đặc biệt là Việt Nam thì thuật ngữ này, cho đến tận đầu thế kỷ XX vẫn còn chưa xuất hiện trên văn đàn, cũng như trong các công trình lý luận, khảo cứu. Người sáng tác chỉ có những hình dung nhất định về "tiểu thuyết" (khác với loại tiểu thuyết chương hồi của văn học cổ, trung đại mà là dạng thức mới, du nhập từ phương Tây), sau khi những tác phẩm dịch từ nước ngoài được đăng trên báo chí đương thời và nhất là sau khi Phạm Quỳnh viết Khảo về tiểu thuyết. Cái tên "tiểu thuyết" thường ít khi đứng một mình để chỉ một sáng tác cụ thể mà đi kèm với hình dung từ khác như: bi tình tiểu thuyết, luân lý tiểu thuyết, trường thiên tiểu thuyết, trung thiên tiểu thuyết, đoản thiên tiểu thuyết... "Truyện ngắn" trong giai đoạn 1900 - 1930, trên các báo, tạp chí công khai thường được gọi là "đoản thiên tiểu thuyết" (dịch khái niệm nouvelle của văn học Pháp). Như vậy, theo cách hiểu đương thời thì "truyện ngắn" là một dạng thức tiểu thuyết, là một thứ "tiểu thuyết ngắn, thể thức cũng như thường, chỉ có ngắn hơn mà thôi" [31, 153]. Để việc phân tích, đánh giá và tìm ra quá trình hình thành và phát triển của các "truyện ngắn" (đoản thiên tiểu thuyết) trên Nam Phong, trước hết, chúng tôi xin điểm qua vài nét về nguồn gốc thể loại "truyện ngắn" và quan niệm của các tác giả giai đoạn giao thời về "truyện ngắn".