B. PHẦN NỘI DUNG
3.2.2- Vài nét về nội dung và nghệ thuật của "ký" Nam Phong
Dựa trên quan niệm của tác giả giai đoạn giao thời và cả trên quan niệm phổ biến ngày nay về thể ký, chúng tôi đã tập hợp được khoảng 120 bài viết thuộc thể "ký" trên Nam Phong (có giới thiệu danh mục tên bài, số báo, tháng năm ở phần phụ lục) bao gồm những bài du ký, du hành trên mục Tạp trở và các bài "tản văn",
"văn chương"... trên mục Văn uyển. Cũng giống như truyện ngắn, "ký" trên Nam Phong là một "hiện thực ngổn ngang", hầu hết các tác giả đều viết một cách tuỳ
hứng không có phương châm hay nguyên tắc nào. Để thuận lợi cho việc phân tích, đánh giá, chúng tôi chia 120 bài ký thành 4 phần nhỏ dựa cơ bản trên những tiêu chí về nội dung, bao gồm:
+ Ký du lịch (du ký, du hành, ký phong thổ) + Lệ ký và mộng ký.
+ Tản văn triết lý giáo huấn. + Tản văn tả cảnh ngụ tình.
3.2.2.1- Ký du lịch (gồm những bài ký phong thổ, những bài du ký, du hành).
Với gần 50 sáng tác, mảng ký viết về những chuyến công du, những cuộc đi chơi danh thắng hay những lần đi công cán thực thi nhiệm vụ "quan phòng"... là
mảng tiêu biểu nhất của "ký" Nam Phong. Tham gia viết về đề tài này có nhiều
tên tuổi quen thuộc của Nam Phong như Phạm Quỳnh, Nguyễn Mạnh Bổng,
Nguyễn Đôn Phục, Đông Hồ... và cả những gương mặt rất mới như Trần nữ Tuyết Mai, Thái nữ Mộng Tuyết... Tác giả viết nhiều và có những bài ký giá trị hơn cả là Phạm Quỳnh. Sở trường của ông chủ bút Nam Phong không phải là "ký" mà là dịch
thuật và phê bình, khảo cứu, nhưng ở mảnh đất này, ông cũng lại là một trong những tác giả đi tiên phong khai phá và có nhiều đóng góp nhất (14 bài). Phần lớn những bài ký của Hồng Nhân được viết giữa những chuyến công du, vừa là đi tham quan, thăm thú, vừa là vì công việc, đi tới đâu, làm việc gì, chứng kiến chuyện gì hoặc thấy điều lạ, điều hay ông đều ghi chép lại. Chính vì thế mà khi đọc những bài ký của Phạm Quỳnh như: Một tháng ở Nam Kỳ (đăng từ tháng
11/1918); Mười ngày ở Huế (số 10/1918); Pháp du hành trình nhật ký (từ số
58/1922-1925)..., ta có thể thấy những nét sống động của cuộc sống đang trôi chảy, những phong tục, tập quán lưu truyền từ bao đời, những vẻ đẹp tươi nguyên của thiên nhiên, cảnh vật. Và ta cũng bắt gặp qua các tác phẩm này một Phạm Quỳnh trẻ trung đầy hăm hở, ham hiểu biết, yêu mến thiên nhiên, trân trọng những phong tục, tập quán và các di sản văn hoá của dân tộc.
Với một khoảng thời gian không dài, tác phẩm Mười ngày ở Huế đã phản
ánh được khá rõ nét tình hình đời sống dân tình Huế thời ấy. Tác giả có những nhận xét sắc sảo khi viết về người dân xứ Huế: "Ở Huế, bọn phu xe cũng có lễ phép không hề nói tục, nói láo bao giờ. Cái nhân phẩm của phu xe Huế, còn cao hơn phu xe Hà Nội gấp mấy lần". Bên cạnh những trang viết về dân tình là những đoạn ký miêu tả vẻ đẹp kỳ ảo của núi non sông nước, các công trình kiến túc tôn nghiêm chốn cố đô. Toàn cảnh xứ Huế được Phạm Quỳnh thu nhỏ trong hai câu văn, thể hiện khả năng quan sát và khái quát của tác giả: "Chung quanh núi, giữa con sông, nhà cửa tụ họp hai bên bờ, trên bến dưới thuyền, trông xa một toà thành cổ bao la, thâm nghiêm kín cổng". Trong bài ký, Phạm Quỳnh dành nhiều trang viết để miêu tả một cách tỉ mỉ các công trình kiến trúc nổi tiếng như Thiên Thụ Lăng (lăng thờ Vua Gia Long), Hiếu lăng (thờ vua Minh Mạng), Khiêm lăng (thờ Vua Tự Đức)... Ở mỗi lăng ấy mang một vẻ đẹp, một phong cách khác nhau, thể hiện tính chất, lối sống của từng vị vua nhà Nguyễn. Đây là một đoạn văn tả Thiên Thụ lăng: "...Lăng đây là cả một toà thành... Lăng đây là cả mầu giời, sắc nước, núi cao, rừng rậm (...) chứ không phải một nấm con con của tay người xây dựng. Lăng đây
là bức cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ghép thêm một bức cảnh nhân tạo tuyệt khéo...". Điểm đặc biệt nhất của thiên bút ký Mười ngày ở Huế là những trang tác giả thuật lại lễ tế Nam Giao - một nghi lễ mang tính truyền thống của cung đình mà ông may mắn được chứng kiến trực tiếp: "Mấy ngày ấy thành Huế tấp nập những người đi, kẻ lại. Hai bên đường Hoàng thượng sắp ngự qua, là Nội thành đến Giao đàn đèn thắp như sao sa..." "Ba năm một lần tế giao, tức là ba năm lại một lần vua trịnh trọng ra tuyên cáo với trời đất, với tổ tiên, với sông núi rằng cái hồn trong nước vẫn còn mạnh, vẫn còn bền, vẫn còn tỉnh táo vậy". Những ghi chép rất tỉ mỉ, chi tiết của Phạm Quỳnh về lễ tế Nam Giao trong Mười ngày ở Huế rất có giá trị cho các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá để tìm hiểu về phong tục cung đình thời nhà Nguyễn.
Cùng một cách quan sát, ghi chép, miêu tả như Mười ngày ở Huế nhưng
thiên bút ký Một tháng ở Nam Kỳ có dung lượng phản ánh lớn hơn và mở rộng ra nhiều lĩnh vực. Không chỉ đơn thuần là cảnh đẹp, đời sống dân tình và phong tục nữa mà bao quát cả địa lý, kinh tế của Nam Kỳ lục tỉnh. Chính Phạm Quỳnh cũng đã nói rõ trong phần mở đầu của Một tháng ở Nam Kỳ: "Lần trước là đi vãn cảnh một nơi đất cũ, còn đầy những dấu tích đời xưa, mỗi bước như động đến tấm lòng hoài cổ (...) bao nhiêu những giọng ngậm ngùi, ai oán thuở bình sinh không ngờ mà lâm li trên tờ giấy khiến người đọc cũng phải lạnh lẽo trong lòng (...) lần này thì thật khác: cái khí vị lạnh lẽo kia đã đổi ra cái khí vị nồng nàn rồi".
Đọc Một tháng ở Nam Kỳ ta bắt gặp một bức tranh toàn cảnh về Nam Kỳ lục tỉnh với địa thế, khí hậu, đất đai, sông ngòi, những đồng bằng phì nhiêu và tính tình, lối sống của người dân. "Ở Sài Gòn thật có cái cảm giác một nơi đô hội mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối Tây", "không những dân Nam Kỳ có ít người mà cũng không có tính chăm làm, nhưng hiện nay dã thừa đủ ăn rồi, không cần phải làm nữa..." bởi vì "đất Nam Kỳ không phải là đất lam chướng gì, toàn là đồng bằng bát ngát, chỉ vì chưa khai khẩn hết nên phải bỏ hoang mà thôi". Đọc những trang văn này ta mới thấy sự dụng công của người viết ký, không chỉ đi đến tận nơi, quan sát, tìm hiểu cặn kẽ mà còn phải có một kiến thức sâu rộng, một sự hiểu biết chắc chắn về nơi mình đến. Phạm Quỳnh trong chuyến công du Nam Kỳ lục tỉnh có lẽ đã phải đọc, nghe, quan sát và tìm hiểu rất nhiều: "Cần Thơ có cái vẻ mĩ miều, xinh xắn, sạch sẽ phong quang, thật xứng tên làm tỉnh đầu về miền Tây", còn "Vĩnh Long là một tỉnh cũ nên sánh với các tỉnh khác còn có một vài nơi cổ tích.
Cái khí vị trong tỉnh thành cũng ra cái khí vị cũ, hơi giống như các tỉnh ngoài ta...". Tác giả tập ký còn giành khá nhiều thời gian để bàn bạc về vấn đề kinh tế như việc khẩn hoang những đồng bằng phì nhiêu ở Nam Kỳ, ông đưa ra lời khuyên: "Nay Nhà nước đã quyết chí giúp cho người các xứ vào Nam Kỳ mà sinh cơ lập nghiệp, mở mang cái kho vô tận là mấy trăm ngàn mẫu đất còn đương bỏ hoang đó, người Bắc Kỳ ta nên hăm hở mà vào thực dân trong ấy cho đông". Ông cũng viết về báo chí, việc xuất bản sách ở Nam Kỳ đương thời và tình hình của các hội khuyến học... Với Một tháng ở Nam Kỳ Phạm Quỳnh đã mang đến
cho người đọc những kiến thức, hiểu biết khá đầy đủ về một vùng đất dù chưa từng đặt chân tới.
Pháp du hành trình nhật ký (1922-1925) có thể coi là tác phẩm thành công
nhất của Phạm Quỳnh trong tổng số hơn 10 bài ký của ông giới thiệu trên Nam Phong. Là thiên du ký dài, tác phẩm không đề cập đến những vấn đề chính trị - xã
hội to tát hay những vấn đề mang tính triết lý, giáo huấn mà là những trang viết thuật các truyện diễn ra hàng ngày, những điều tác giả đã trải qua hoặc được chứng kiến, kể từ khi ông lên tàu bắt đầu chuyến công du đến Pháp. Phạm Quỳnh đã thuật từ chuyện đi tàu say sóng như thế nào, chuyện chia tay bạn bè ở Nam Kỳ ra sao và tiếp đó là những trang viết hấp dẫn thuật chuyện ở Pari, Mác-xây... Mỗi chặng đường, mỗi nơi dừng chân đều được Hồng Nhân ghi lại một cách chi tiết đến từng giờ, từng phút: "8 giờ sáng ngày 17/3 Mars, tàu tới Singapore... Mặt trời mọc, trông vào bến Singapore không cảnh gì đẹp bằng, như một bức tranh sơn thuỷ vậy (...). Bến liền nhau với bể chạy dài đến mấy nghìn thước, tàu đỗ không biết cơ man nào mà kể". Phần hay nhất của tập nhật ký có lẽ là những trang viết về Mác-xây và Pari. Qua những trang viết của Phạm Quỳnh, người đọc có thể dễ dàng hình dung được một thành phố cảng Mác-xây đông đúc với những biệt thự lớn bằng đá trắng, những bến lớn với hàng ngàn tàu thuyền ngày đêm neo đậu, những đại lộ cổ xưa như Cannebièré...". Và một Pari tráng lệ với những bảo tàng, cung điện nổi tiếng như: Louvre, Guinet..., với tháp Eiffel - niềm tự hào của người Pháp. Xen giữa những trang viết thuật truyện hàng ngày, miêu tả cảnh vật, cuộc sống, đôi khi Phạm Quỳnh đưa vào những đoạn ngắn thể hiện tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ của mình về quê hương, đất nước và những trăn trở của người trí thức trước những biến động của thời cuộc. "Buổi tối này là buổi tối cuối cùng của anh em chúng tôi còn để chân trên đất nước nhà, trước khi dời mình sang những phương
xa, cõi lạ (...) cho nên trước khi từ biệt các bạn Nam Kỳ để xuống tàu, ai nấy cũng thấy có chút cảm động trong lòng, cảm động vì cái thịnh tình của các bạn, cảm động vì cái tư tưởng cố quốc, tha hương...". Trong thiên du ký, cũng có lúc thấy Phạm Quỳnh trăn trở. "Hôm nay ở trọ, viết nốt bài diễn thuyết cho trường thuộc địa (...) muốn nói rõ về cái tình cảnh nước Nam ta về đường tinh thần thế nào! (...). Trị cái đề tài này cho cứng và cho ổn cũng khó thật ! Khó là muốn cho vừa cứng, vừa ổn. Nếu ổn quá thì thành ra nịnh rồi mà nịnh thì mình không mặt mũi nào mà nếu cứng quá tất sẵng, mà sẵng cũng không xong. Thật là một sự khổ tâm !".
Đây không chỉ đơn giản là chuyện trăn trở về một bài diễn thuyết đọc trước vài trăm người mà là những trăn trở của một trí thức có lòng tự hào dân tộc, không muốn xu nịnh nhưng vẫn phải chịu sức ép của người Pháp. Đó là tình trạng "khó xử" của Phạm Quỳnh, cũng là tình trạng "đứng giữa đôi dòng" của tạp chí
Nam Phong. Làm thế nào để không mất lòng thực dân Pháp mà cũng không hạ
mình, tổn hại đến danh dự dân tộc? Đó là câu hỏi mà Phạm Quỳnh và nhiều trí thức đương thời trăn trở...
Nhìn chung, về mặt nội dung những bài ký du lịch của Phạm Quỳnh đã ghi lại được nhiều vẻ đẹp khác nhau của thiên nhiên, cảnh vật, phong tục tập quán ở nhiều vùng khác nhau, đồng thời cũng phản ánh một cách rõ nét và sinh động đời sống xã hội đương thời. Các bài ký cũng thể hiện được những suy tư phong phú, sâu sắc, gây được tình cảm tốt cho người đọc, gợi nên một niềm tự hào dân tộc, gợi nên ý thức về nghĩa vụ của người công dân đối với quốc gia, với truyền thống văn hoá của tiền nhân.
Trên phương diện nghệ thuật, có thể coi những bài ký của Phạm Quỳnh là đại diện tiêu biểu cho ký Nam Phong. Với lối viết sắc sảo, linh hoạt và hấp dẫn,
tránh dùng những câu cổ văn khó hiểu, không dùng nhiều ngôn từ sáo điệu, không có những đoạn văn biền ngẫu..., ngôn ngữ trong các bài ký là thứ ngôn ngữ đời thường giản dị... tất cả những ưu điểm này đã mang đến sức cuốn hút mạnh mẽ cho những bài ký của Phạm Quỳnh.
Một điều dễ nhận thấy nhất qua những trang viết của Hồng Nhân là sự chân thực, tác giả của những thiên bút ký, nhật ký đặc sắc nhất thời ấy đã tuân thủ một cách nghiêm túc nguyên tắc đầu tiên, cơ bản nhất của thể loại ký hiện đại (mà chính ông cũng chưa ý thức được rõ ràng) đó là phản ánh chân thực đời sống. Trong Pháp du hành trình nhật ký, ông đã nói rõ tinh thần của tập ký là "ghi chép
những việc hằng ngày một cách bình thường, giản dị để nhớ lấy về sau. Cho nên không có nghị luận, không có văn chương gì cả". Tuy "không có nghị luận, không có văn chương" và chỉ là những chuyện bình thường hàng ngày được ghi lại bằng những ngôn từ giản dị nhưng tác phẩm vẫn tạo được sự hấp dẫn với người đọc. Hàng loạt những hình ảnh sống động, mới lạ về những địa danh, những vùng đất khác nhau và đời sống dân tình ở đó được tác giả vẽ lên một cách chân thực, gợi trí tò mò cho người đọc.
Có khi chỉ một vài chi tiết rất nhỏ bé, tầm thường như chuyện đi xin thiệp mời để vào Hạ nghị viện Pháp nghe Thủ tướng Pháp (Poincaré) diễn thuyết mà Phạm Quỳnh thuật tới một trang tạp chí, nhưng điều thú vị là nó không gây cho người đọc cảm giác nhàm chán. Trái lại, lối thuật chuyện thật thà, trung thực pha chút hài hước của ông đã biến những chuyện tưởng chừng khô khan, tầm thường thành hấp dẫn: "Mỗi lần quan Thủ tướng diễn thuyết xin được vé vào nghe là khó lắm. Mà mình thì lâu nay mong mỏi được nghe quan Poincaré, không có lẽ để lỡ mất dịp này. Nhưng làm thế nào để xin được vé bây giờ? (...). Chỉ còn một cách là đến thăm quan thuộc địa Bộ Thượng thư Sarraut mà cố xin, hoạ may được chăng". (Pháp du hành trình nhật ký số, 61/1922).
Với các tác giả giai đoạn giao thời, việc tự trang bị một hệ thống lý luận về thể loại là chưa thể thực hiện, bởi vào thời kỳ ấy lý luận phê bình văn học mới chập chững những bước đầu tiên. Vì vậy, hiểu và nắm vững được nghệ thuật viết ký theo quan niệm ngày nay là điều không thể. Các nhà văn chỉ tiếp thu những biểu hiện cơ bản của thể loại này qua việc đọc và tìm hiểu các tác phẩm văn học phương Tây và chắt lọc, kế thừa những tinh hoa từ nghệ thuật viết ký truyền thống. Phạm Quỳnh là một trí thức Tây học, ông sớm tiếp xúc với văn hoá phương Tây và có sự trau dồi thường xuyên nên lối viết của ông có ảnh hưởng nhiều của lối viết ký phương Tây. Những bài ký của ông mang dáng dấp hiện đại với ngôn ngữ giản dị, cô đọng, linh hoạt, hình ảnh sống động và các chi tiết được chọn lọc từ hiện thực cuộc sống... Phạm Quỳnh có thể được coi là người đi tiên phong trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc một cách mới mẻ, hiện đại với lối ví von đầy hình ảnh và những nhận xét sắc sảo. Đây là cách so sánh rất có duyên của tác giả: "Hà Nội cũng có sông Nhị Hà mà sông Nhị với sông Hương khác nhau biết chừng nào! Một đằng ví như cô gái tươi, cười, một đằng ví như là lão cay nghiệt..." (Mười ngày ở Huế).
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan trong cuốn Nhà văn hiện đại từng nhận xét về văn phong của Phạm Quỳnh như sau: "Người ta thường nói lối văn biên tập và cả lối văn dịch thuật của Phạm Quỳnh thường có những câu văn nặng nề, nhưng nếu người ta đọc văn trước thuật của ông, người ta sẽ phải thừa nhận là đủ giọng: nhẹ nhàng vào chỗ nhẹ nhàng, có duyên vào chỗ cần có duyên, chua chát vào chỗ cần