Văn học dịch trên Nam Phong

Một phần của tài liệu Sự hình thành và phát triển của một số thể văn xuôi quốc ngữ trên Nam Phong tạp chí (Trang 59)

B. PHẦN NỘI DUNG

2.2.3.Văn học dịch trên Nam Phong

Song song với sự phát triểm của văn biên khảo thì dịch thuật là mảng văn chương có đời sống rất sôi động, phong phú trên Nam Phong. Nhằm thực hiện mục đích "thổ nạp Á - Âu", "đề cao văn minh phương Tây" mà đặc biệt là văn học Pháp, Nam Phong tạp chí đã giới thiệu rất nhiều tác phẩm văn học dịch của nước ngoài, chủ yếu là Pháp và Trung Quốc.

Ở đây chúng tôi hình dung đời sống và sự phát triển của bộ phận văn học này dưới góc độ thể loại, như là sự tích tụ của những thể văn xuôi nghệ thuật có nguồn gốc khác nhau vào văn học quốc ngữ buổi sơ khai.

Theo một truyền thống văn hoá vốn chịu ảnh hưởng và gần gũi Trung Hoa, những năm đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh việc phổ biến tiếng Pháp và văn học Pháp còn hạn chế, văn học Trung Quốc tiếp tục được dịch sang tiếng Việt với một đội ngũ tác giả là những nhà cựu học như: Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Mạnh Bổng, Nguyễn Đôn Phục... Văn thể của các dịch phẩm dịch từ Trung Hoa rất phức tạp: chuyện ngụ ngôn, tạp văn trích từ các sách Bách gia chư tử, Chiến quốc sách, Kim cổ kì quan, Liêu Trai chí dị... Tuy nhiên nhiều nhất vẫn là các loại tiểu

thuyết, truyện ngắn. Có tới 24 truyện ngắn và tiểu thuyết dịch từ Trung Quốc đã được Nam Phong đăng trong suốt 17 năm tồn tại của mình, trong đó đáng chú ý là tiểu thuyết Tuyết Hồng lệ sử của Từ Trẩm Á, khởi đăng từ số 77 năm 1923. Đây

là cuốn tiểu thuyết viết bằng thứ văn tứ lục, nhiều đoạn xen lẫn thơ (một hình thức rất đặc trưng của tiểu thuyết Đông Á), được trình bày dưới dạng những bức thư tâm tình, nhật ký của các nhân vật chính kể lại mối tình bi thảm, kết thúc bằng cái chết của họ. Ngoài Tuyết Hồng lệ sử, trên Nam Phong còn xuất hiện các bản dịch

Ngọc lệ hồn, Gương tự do cũng của Từ Trẩm Á, hoặc những truyện ngắn, tiểu

loại truyện diễm tình và bi tình của văn học Trung Hoa cận đại. Ở Trung Hoa, Từ Trẩm Á và những truyện ngắn, tiểu thuyết loại này không có vị trí gì đáng kể, nhưng ở Việt Nam những cuốn sách này lại được người đọc, nhất là thanh niên đón nhận nồng nhiệt và để lại ảnh hưởng nơi sáng tác của nhiều nhà văn Việt Nam, từ cách xây dựng hình tượng nhân vật, hình thức thể loại cho đến câu văn xuôi nghệ thuật mà Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách là một minh chứng điển hình. Song song với các tác phẩm dịch từ văn học Trung Quốc, đời sống của văn học dịch ở Việt Nam lúc này còn có sự góp mặt của các tác phẩm văn học Pháp. Bối cảnh lịch sử mới của thời đại với cuộc giao lưu văn hoá Đông - Tây đã mở đường cho sự xâm nhập của văn hoá và văn học Pháp vào Việt Nam. Những thể loại văn học Pháp được dịch sang tiếng Việt cũng rất phong phú và đa dạng. Từ tản văn triết học, truyện kể triết lý (của Voltaire) đến các loại thư từ (trích từ tác phẩm của Motesquieu, J.J.Rousseau...), các trích đoạn văn học...và đặc biệt là sự du nhập của truyện ngắn, tiểu thuyết Pháp hiện đại, nó thực sự có ý nghĩa đối với toàn bộ tiến trình văn học Việt.

Trên Nam Phong các tác phẩm dịch từ Pháp văn rất nhiều và dịch giả đóng góp nhiều công sức nhất là chủ bút Phạm Quỳnh. Trong tổng số 26 truyện ngắn dịch từ Pháp văn có tới một nửa là của Phạm Quỳnh (Truyện người lính bằng tuyết - số2/1917, Ôi thiếu niên - số 52/1921,...). "Ông Phạm là một học giả uyên thâm về văn hoá Đông - Tây và có tham vọng trở thành người kiến thiết của nền văn học mới" [ 27, 214 ]. Cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh là một dịch giả lớn giai đoạn giao thời, nhưng không chỉ giới hạn ở dịch thuật, Hồng Nhân còn là tác giả của ba bài viết đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của văn học: Thơ là gì?

Nghệ thuật viết tiểu thuyết; Nghệ thuật viết kịch. Đây là những bài viết đầu tiên

giới thiệu các khái niệm sơ đẳng nhất về những thể loại nòng cốt của văn học hiện đại. Các bài viết này, trên một phương diện nhất định có thể coi là một "hình thức nghệ thuật đặc thù" (Trần Ngọc Vương - Phạm Xuân Thạch), bởi lẽ trong những bài này, mô thức chung mà ông Phạm sử dụng là tổng thuật những ý kiến liên quan đến vấn đề cần bàn, có và phổ biến trongvăn học Pháp, sau đó kết hợp với những nhận xét, kiến giải riêng của mình để rút ra bài học cho văn học Việt Nam. Để minh họa cho những bài viết này, ông chủ bút Nam Phong còn viết nhiều bài giới thiệu các tác phẩm văn học Pháp mà ông cho là có giá trị như: Đông phương với Tây phương của René Gillouin; Lịch sử nghề diễn kịch ở Pháp, bàn về hí kịch của

ông Molie; Lối tả chân trong văn chương: Bàn về nhà văn Pháp Guy de Maupassant...

Có thể nói, bằng việc giới thiệu các tác phẩm văn học dịch từ văn học Trung Quốc và Pháp, Nam Phong tạp chí cùng với các tờ báo đương thời đã góp phần to lớn vào việc hiện đại hoá nền văn học. Cụ thể, bộ phận văn học dịch đã giúp "hình thành nên một bộ phận công chúng mới thưởng thức văn học viết bằng quốc ngữ" [ 27, 225 ]. Trước sự say mê của đọc giả đối với những tác phẩm văn học ngoại lai, các nhà văn đã nhận thấy nhu cầu cần phải có một thứ văn học mới mang tính dân tộc, thay thế cho văn học dịch. Như vậy, văn học dịch đã đóng vai trò làm chất xúc tác, kích thích hứng thú sáng tạo văn học mới ở các nhà văn đương thời. Từ việc dịch, giới thiệu các tác phẩm văn học phương Tây mà nhiều tác giả của Nam Phong, tiêu biểu là Phạm Quỳnh đã sáng tác nên hàng loạt những thiên "du ký",

"đoản thiên tiểu thuyết" - những thể loại văn học đầu tiên được sáng tác bằng chữ quốc ngữ.

Một phần của tài liệu Sự hình thành và phát triển của một số thể văn xuôi quốc ngữ trên Nam Phong tạp chí (Trang 59)