B. PHẦN NỘI DUNG
2.2.2. Văn biên khảo trên Nam Phong tạp chí
Bên cạnh các "tiểu thuyết" và "đoản thiên tiểu thuyết", một thể loại văn học khác cũng phát triển khá mạnh mẽ trên Nam Phong đó là bộ phận văn biên khảo.
Trong quá khứ, với ảnh hưởng của thực học, văn biên khảo đã đặc biệt phát triển từ các thế kỷ XVII, XVIII với các loại sách chú giải kinh điển Nho giáo, khảo chứng và khảo cứu sử học, điển chương chế độ, sưu tầm, tuyển bình thơ văn... Sang thế kỷ XX, ở miền Bắc, công việc viết các tác phẩm biên khảo đã được nhen lên trước hết từ Đông Dương tạp chí. Sau thiên biên khảo Nam Hải dị dân, trên tờ tạp chí này đã đăng làm nhiều kỳ tác phẩm biên khảo Việt Nam phong tục và sau
đó là Hán Việt văn khảo của Phan Kế Bính.
Từ năm 1917, với sự ra đời của Nam Phong tạp chí - tờ báo với chủ trương dung hoà văn hoá Đông - Tây, bảo tồn văn hoá truyền thống, văn biên khảo phát triển rất thịnh đạt. Các tác giả tham gia viết văn biên khảo chủ yếu là những nhà cựu học như: Phan Kế Bính, Nguyễn Hữu Tiến, Bùi Kỷ, An Khê... cũng có những tác giả chuyển hướng từ cựu học sang tân học như: Trần Trọng Kim, Phan Khôi..., hoặc xuất thân Tây học nhưng có một vốn kiến thức uyên thâm về cổ học như Phạm Quỳnh. Phạm vi đề tài của thể biên khảo rất phong phú từ triết học, tư tưởng, tôn giáo, chính trị, luật pháp, xã hội, sử học cho đến văn học phương Đông cũng như phương Tây, Việt Nam cũng như nước ngoài. Về phương pháp biên khảo, mặc dù phạm vi đề tài rộng lớn nhưng phương pháp làm việc của các nhà biên khảo cũng không đi ngoài những gì đã được tiến hành trong quá khứ: dịch thuật, chú giải, hiệu đính, diễn dịch hoặc ghi chép, mô tả xen lẫn những câu bình luận. Sự hạn chế trong việc tiếp xúc văn hoá phương Tây chưa cho phép xuất hiện những công trình nghiên cứu hiện đại.
Từ năm 1917 - 1925, trong địa hạt văn chương của Nam Phong diễn ra một cuộc
"tổng kiểm kê" di sản văn học quá khứ. Thơ văn truyền thống được sưu tầm, dịch thuật, phiên âm, chú giải và phê bình, giới thiệu liên tục trên Nam Phong. Đáng
chú ý là các thể loại văn chương truyền thống được sưu tầm và khảo tả chi tiết lịch sử hình thành, phát triển... Chẳng hạn bài: Thơ ca Việt Nam; Bàn về thơ Nôm;
Hát ả đào... của Phạm Quỳnh, Hán Việt văn khảo của Phan Kế Bính, Nam âm thi văn khảo biện của Nguyễn Hữu Tiến..., có thể coi những thiên biên khảo kiểu này
là sự tiếp nối những thiên "văn nghệ chí", "thư tịch chí" thời trung đại cả về nội dung tư tưởng cũng như hình thức thể loại. Một dạng biến tướng của thể văn biên khảo là dạng ghi chép tiểu sử các nhà văn, nhà thơ quá khứ cũng rất phổ biến trên
Nam Phong: Nguyễn Đình Chiểu - một nhà chí sĩ trứ danh nước ta (Nguyễn Ngọc
Chỉ - số 76), Nguyễn Trãi, Ức Trai thi tập (Thiện Đình - số 144)... Trong thể loại này, người viết kết hợp ghi chép thơ văn với những giai thoại, những chi tiết về cuộc và văn nghiệp của nhà văn và những phẩm bình, nhận xét riêng của mình để dựng thành một bức chân dung văn học. Đây là thể văn vừa mang tính biên khảo, vừa mang tính sáng tạo nghệ thuật, xét về mặt hình thức không khác gì loại truyện ký ghi chép hành trạng nhân vật, sưu tầm "di văn dật sử" thời trung đại. Điển hình cho thể văn này là cuốn Giai nhân di mặc (Nguyễn Hữu Tiến). Cùng với việc khai thác các di sản văn học Hán Nôm truyền thống, Nam Phong tạp chí còn có một hoạt động đặc biệt khác, ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của văn xuôi nghệ thuật giai đoạn giao thời, đó là những bài khảo luận về văn học phương Tây, mà chủ yếu là của chủ bút họ Phạm như: Lược khảo về văn học sử nước Pháp (số
92,96, 103,110,142), Bàn về văn minh châu Âu (số 21 và 26)...
Nếu Nguyễn Văn Vĩnh là một chuyên gia lớn trong việc dịch các tác phẩm văn học Pháp sang tiếng Việt, thì Phạm Quỳnh lại là một "đạo sư của văn nghệ mới" (Phạm Thế Ngũ). Ngay khi Nam Phong vừa ra đời, Phạm Quỳnh đã cho mở mục "Bình luận tiểu thuyết" do đích thân ông phục trách. Ông thường xuyên tiến hành
lược thuật tiểu thuyết Pháp đương thời, phân tích, giảng giải về nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây cho người Việt Nam. Bên cạnh đó Phạm Quỳnh còn làm công việc theo dõi, giới thiệu, phê bình, khuyến khích những tác phẩm văn xuôi nghệ thuật mới. Trong số những thiên khảo luận của ông đăng trên Nam Phong thì Khảo về tiểu thuyết là một tác phẩm đặc biệt, đã ghi lại dấu ấn sâu sắc lên sự phát
triển của văn xuôi nghệ thuật giao thời. Có thể nói, thông qua mục "Bình luận tiểu
thuyết", Phạm Quỳnh không chỉ làm công việc đỡ đầu cho văn xuôi nghệ thuật buổi giao thời mà còn là người đầu tiên đặt nền móng cho thể văn phê bình hiện đại. Không phải đã hết những câu giáo huấn, những lời lẽ sáo rỗng nhưng rõ ràng, với óc phân tích, tinh thần phê phán, hệ thống khái niệm thu được từ phương
Tây..., ông Phạm đã đưa vào thể văn này những gì rất khác với văn phê bình, biên khảo của những nhà cựu học đương thời.
Bên cạnh Phạm Quỳnh - mũi tên tiên phong trên nhiều lĩnh vực sáng tác, khảo cứu, Nam Phong còn có những tác giả khác, với những bài khảo kuận về văn học phương Tây và Việt Nam đương thời rất đáng chú ý như các bài: Về sự tiến hoá của Quốc văn trong lối tiểu thuyết của Trúc Hà (số 175,176), Sách "Bình yên" của ông Dufresne của Nguyễn Văn Ngọc, Văn học Hy Lạp của Mân Châu (số 4)...