Bối cảnh tồn tại của Nam Phong

Một phần của tài liệu Sự hình thành và phát triển của một số thể văn xuôi quốc ngữ trên Nam Phong tạp chí (Trang 43)

B. PHẦN NỘI DUNG

2.1.1. Bối cảnh tồn tại của Nam Phong

Sang đầu thế kỷ XX, về cơ bản thực dân Pháp đã bình định xong xứ Đông Dương về mặt quân sự. Cùng với sự tan rã của nghĩa quân Phan Đình Phùng (1896), phong trào chống Pháp dưới lá cờ Cần Vương, kéo dài hàng chục năm của nhân dân Việt Nam đã chấm dứt. Thực dân Pháp đã biến nước ta trở thành một bộ phận của thế giới trong tình thế hoàn toàn mất chủ quyền.

Chính sách vơ vét sức người, sức của để phục vụ cho cuộc chiến tranh đế quốc đã được thực dân Pháp áp dụng ở tất cả các nước thuộc địa. Tại Việt Nam, được sự tiếp tay của Nam triều, thực dân Pháp thi hành chính sách cai trị thời chiến, tăng cường bòn rút tiền và máu nhân dân, đồng thời đẩy mạnh chính sách văn hoá tư tưởng nô dịch. Mong muốn của Pháp là phải “thống trị tinh thần”, “thống trị văn hoá”. Vì vậy, chúng ra sức đào tạo từ trong lớp người “đã sống nhờ vào chúng ta và ở bên cạnh chúng ta (thực dân) nhưng mù tịt về truyền thống của giống nòi và xa lạ với môi trường sống của mình” (Bài diễn văn của quan Toàn quyền Roume, tháng 2 năm 1915 khi mới tới Sài Gòn), một đội ngũ những tên tay sai trợ lực cho công cuộc cai trị thuộc địa và phục vụ cho chiến thắng của Mẫu quốc. Mọi hình thức văn học nghệ thuật đều được bọn thực dân lợi dụng cho mưu đồ “thống trị

tinh thần” của chúng. Các tác phẩm như: Vè lính tập, Thơ đi Tây, Dân mộ đi Tây, Tuồng lính tập đi Tây... được phổ biến rộng rãi.

Nằm trong toàn bộ chính sách văn hoá tư tưởng, báo chí luôn được bọn thực dân tận dụng như một thứ vũ khí lợi hại. Tờ Đông Dương tạp chí vốn là một thứ công cụ mà thực dân Pháp lợi dụng ngay từ ban đầu, khi tiến hành chính sách “đồng hoá”. Đến đầu năm 1915, tạp chí này được “phân thân” thành Trung Bắc tân văn

(xuất bản bằng chữ quốc ngữ) và Công thị báo (xuất bản bằng chữ Hán) cho phù

hợp với sự thay đổi chính sách cai trị của Pháp, từ “đồng hoá” sang “hợp tác” trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo. Đây là những tờ báo với nội dung thiên về chính trị, kinh tế, chủ yếu phục vụ cho mục đích của thực dân, nhằm tuyên truyền, cổ động những tư tưởng của chúng. Tuy nhiên, Đông Dương tạp chí dù có thay đổi hình thức thì cùng với thời gian cũng trở nên “lỗi mốt”, kém tác dụng. Phủ toàn quyền muốn có một tờ báo “tầm cỡ” hơn và Nam Phong tạp chí ra đời, với tư cách là “công cụ văn hoá”, thực hiện chính sách “lỗ thoát hơi cần thiết” (soupape nécessaire) của Pháp ở Việt Nam. Thế nhưng, thực dân Pháp không thể ngờ rằng, tờ tạp chí với dung lượng khá lớn mỗi kỳ đó đã trở thành nơi tập hợp một đội ngũ sáng tác đông đảo, gồm các văn sĩ Nho học và Tây học ưu tú, để ở đó họ hoạt động văn hoá, văn học tuỳ theo mục đích, khả năng riêng của mình. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động, phục vụ mục đích chính trị của Pháp, ngoài chức năng làm “công cụ xâm lược, khai hoá” cho Phủ toàn quyền, Nam Phong còn là một tờ tạp

chí văn học nghệ thuật và khoa học có tiếng đương thời. Hàng loạt các tác phẩm văn chương có giá trị đã được tờ tạp chí này giới thiệu cũ có, mới có, từ dịch thuật, tiểu thuyết, khảo cứu đến lý luận phê bình, tản văn, ký...tất cả được viết bằng thứ chữ viết mới của dân tộc - chữ quốc ngữ.

Như vậy, bên cạnh chức năng “công cụ xâm lược, khai hoá”, Nam Phong tạp chí

đã trở thành địa bàn hoạt động văn chương sôi nổi của các văn nghệ sĩ. Họ sáng tác dưới nhiều hình thức khác nhau, thể hiện những tư tưởng, quan điểm khác nhau... làm hình thành nên một hệ thống thể loại phong phú, với nhiều nét mới theo hướng hiện đại, làm thay đổi bộ mặt của văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX.

Khi thực dân Pháp chưa xâm lược Việt Nam, khi xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội phong kiến với nền nông nghiệp lúa nước đã tồn tại từ ngàn năm trước, thì đội ngũ trí thức chủ yếu là lớp nhà nho nguyên hợp với một tư tưởng gần như

đồng nhất từ trên xuống dưới, hoặc là “hành đạo”, hoặc là “ẩn dật”. Đến tận thế kỷ XIX, trong văn học Việt Nam mới xuất hiện thêm một mẫu nhà nho mới - Nhà Nho tài tử. Họ vừa là nhân vật trong tác phẩm văn học, vừa là những văn sĩ tài hoa, tiêu biểu là Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ và người đại diện cuối cùng là Tản Đà.

Việc quân Pháp tiến đánh và dần độc chiếm Việt Nam cùng với những chính sách cai trị thâm độc của chúng đã làm cho xã hội phong kiến Việt Nam bị lung lay tới tận gốc rễ. Một ý thức hệ nho giáo tồn tại hàng ngàn năm tưởng chừng sẽ vững bền mãi nay đột ngột sụp đổ, nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của người Việt đổi thay theo chiều hướng có cả tích cực lẫn tiêu cực. Lớp người “nhạy cảm” nhất với những biến động của xã hội là giới trí thức, việc “hiện đại hoá”, “chuyên nghiệp hoá” đội ngũ trí thức đã diễn ra. Nếu trước đây, nhà Nho sáng tác để phục vụ công việc, phục vụ mục đích chính trị hoặc để mua vui, để gửi gắm tâm sự...thì hôm nay, đã có những nhà Nho từ nông thôn ra thành thị, dùng ngòi bút để kiếm sống. Sự phân công lao động nội tại của tầng lớp trí thức đã diễn ra, xuất hiện thêm những loại trí thức mới chưa từng có trước đây như: ký giả, văn sĩ chuyên nghiệp, nhà khoa học, nhà tư tưởng...Hơn thế, ngay trong bản thân mỗi văn nghệ sĩ cũng có sự phân công khác trước, các yếu tố: nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà thơ...trước kia thường tồn tại trong một người thì nay được phân công rành mạch.

Một khi nếp sống thay đổi thì tư tưởng sống, nếp nghĩ cũng thay đổi. Phần lớn giới trí thức những năm đầu thế kỷ XX đã sống thu mình lại, không dám đấu tranh trực diện với kẻ thù như trước (ngoại trừ một số nhà chí sĩ yêu nước nhà Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh). Họ vẫn yêu nước, vẫn đau xót trước cảnh đất nước rơi vào vòng nô lệ xơ xác, tiêu điều nhưng chỉ dám dùng hình thức sáng tác văn chương để bóng gió gởi gắm tâm sự hoặc gìn giữ những tài sản tinh thần mà ông cha để lại. Dùng bạo lực để đấu tranh là điều mà phần lớn giới trí thức thời kỳ này đều không muốn, họ do dự, một mặt đau đớn trước tình trạng “vong quốc nô”, nhưng mặt khác muốn giữ cho cuộc sống của mình được bình yên. Tóm lại, giới trí thức muốn “yêu nước ôn hoà”, họ giữ một tư tưởng cải lương và tư tưởng của họ có ảnh hưởng rộng khắp trong xã hội thời kỳ này, khi mà lực lượng chính trị mới về chất còn chưa có.

Những đổi thay trong cách sống, cách nghĩ đã có tác động sâu sắc tới quan niệm sáng tác của đội ngũ trí thức - văn nghệ sĩ. “Họ đưa vào văn học cũ những xúc cảm

cá nhân, những cảnh vật, không khí thành thị và vì nghiệp viết văn bán cho công chúng, họ đã ra công khai thác tất cả những kinh nghiệm sáng tác trong ca dao, dân ca và những truyện Nôm của nhà Nho các thế kỷ trước, tìm những cái gì thích hợp để nói về cuộc sống mới, con người mới ở thành thị. Họ cũng mang vào lịch sử văn học dân tộc những cách tân đáng kể về nội dung, nghệ thuật, về quan niệm văn học” [ 25,30 ].

Trước những biến động của xã hội, sự thay đổi của đội ngũ trí thức, đầu thế kỷ XX văn học Việt Nam cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ, không chỉ về mặt nội dung mà cả về mặt hình thức thể loại.

Văn chương cử tử, ngay từ đầu thế kỷ XX đã bị kết án và khai tử bởi chính đại diện xuất sắc của nó, những vị Giải nguyên, Phó bảng, Hoàng giáp - những nhà chí sĩ. Tuy nhiên, văn học bằng chữ Nôm không vì thế mà bị loại khỏi đời sống văn học. Trái lại, gắn với hoạt động cách mạng của lớp nhà nho yêu nước, bộ phận văn học này vẫn là một trong những dòng chủ lưu của văn chương đương thời, bên cạnh văn chương quốc ngữ. Thực tế lịch sử đó mở ra hai ngả đường cho việc xây dựng nền văn học mới, đó là từng bước cách tân văn học truyền thống hoặc mô phỏng, bản địa hoá, du nhập mô hình văn học phương Tây.

Những nhà cựu học như Tản Đà, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục... đã tiến hành công việc cách tân văn học truyền thống bằng cách chuyển dịch một số thể loại từ văn học Hán Nôm sang văn học quốc ngữ. Nhiều hình thức thể loại văn học đặc thù, mang tính trung gian của giai đoạn văn học giao thời đã xuất hiện như: "mộng ký " của Tản Đà, "đoản thiên tiểu thuyết" của Nguyễn Bá Học, văn biên khảo của Nguyễn Hữu Tiến...

Bên cạnh con đường cách tân những gì vốn có trong quá khứ mà nhiệm vụ chủ yếu thuộc về các nhà nho với hai đại diện tiêu biểu là Phan Bội Châu và Tản Đà, là con đường du nhập, mô phỏng, bản địa hoá các mô hình thể loại của văn học phương Tây của các trí thức tân học. Họ là những người có kiến thức, được đào tạo từ nhà trường Pháp - Việt, cộng với kiến thức truyền thống bồi bổ bằng con đường tự học, những tri thức mà họ tiếp nhận ít bị phụ thuộc hoặc không giống tri thức mà lớp nhà nho cựu học tu luyện để ra làm quan, do đó họ có nhu cầu đổi mới, hiện đại hoá nền văn học.

Lớp trí thức tân học này đã có công chuyển đổi nền văn học Việt Nam từ phạm trù trung đại với các dạng thức: văn, thơ, phú, lục, với quan điểm “văn sử triết bất

phân”, “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí” sang phạm trù hiện đại với các dạng thức:tự sự, trữ tình, kịch, được xây dựng từ một cơ sở lý luận về thể loại tương đối có hệ thống, từ những cơ sở lý thuyết sáng tác và cảm thụ thẩm mĩ hiện đại vốn có nguồn gốc từ truyền thống văn học châu Âu.

Xuất hiện đúng vào thời điểm mà hoạt động văn hoá, văn học đang hết sức sôi động và có những đổi thay không ngờ, Nam Phong - tờ tạp chí bách khoa nhưng

luôn giành vị trí trang trọng cho văn chương đã có những đóng góp đáng kể. Nó giúp cho việc lưu hành một lượng lớn tác phẩm văn học, đồng thời là địa bàn hoạt động khá tự do của nhiều văn nghệ sĩ.

Một phần của tài liệu Sự hình thành và phát triển của một số thể văn xuôi quốc ngữ trên Nam Phong tạp chí (Trang 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)