B. PHẦN NỘI DUNG
3.1.1- Vài nét về nguồn gốc và các quan niệm của nhà văn giai đoạn giao thời (1900-1930) về
(1900 - 1930) về truyện ngắn.
Nhà nghiên cứu văn học Nga M.Bakhtin từng viết rằng:"Thể loại sống bằng hiện tại nhưng luôn luôn nhớ đến quá khứ của mình, khởi nguyên của mình. Thể loại là kẻ đại diện của ký ức sáng tạo trong quá trình phát triển của văn học. Chính vì vậy, thể loại có năng lực đảm bảo tính thống nhất và tính liên tục của sự phát triển ấy. Bởi thế, để hiểu đúng thể loại cần phải lần lên ngọn nguồn của nó" [8, 115]. Như vậy, về mặt phương pháp luận, việc tìm hiểu nguồn gốc của "truyện ngắn" sẽ giúp ta hiểu được đặc trưng của "thể loại nhỏ" này trong dòng chảy văn học dân tộc và từ đó có thể so sánh với tiến trình phát triển của nó trong giai đoạn hiện đại.
Trong các nền văn học châu Âu, truyện ngắn xuất hiện với tư cách là một thể loại văn học độc lập, gắn liền với thời đại Phục hưng. A.N.Vexelôpxki - nhà nghiên cứu văn học Nga - một chuyên gia về văn học Phục hưng đã nhận xét: "truyện ngắn xuất hiện với xu hướng giải phóng cá nhân về mặt tinh thần trong văn học". Và ông nhấn mạnh "từ đầu thế kỷ XIV truyện ngắn bắt đầu xuất hiện và nó là trực thể của tiểu thuyết ở thời đại chúng ta" (theo Bùi Việt Thắng [27, 268]). Nhà văn Nga A.Tônxtôi cũng cho rằng: "Truyện ngắn ra đời vào thời trung thế kỷ. Bị giam mình giữa nhà thờ Cơ đốc và lãnh địa của các chúa phong kiến, tầng lớp thị dân sống lèo tèo tại các khu phố chật hẹp bắt đầu ngồi đan dệt ra các câu chuyện chống lại nhà thờ và lãnh chúa. Đó là những truyện đầu tiên của thời đại Phục Hưng. Về sau các nhà viết truyện ngắn thời Phục hưng đã mang lại cho câu chuyện trên một hình thức văn học". (theo Vương Trí Nhàn [ 32, 100 ])
Tập truyện Mười ngày (La Decameron của nhà văn Italia Bôcaxio (1314 -
1375) được xem là một trong những truyện ngắn xuất sắc xuất hiện vào đầu thời kỳ Phục hưng. "Bôcaxiô có công làm cho truyện ngắn có một hình thức nghệ thuật mới với tư cách là một thể loại văn học độc lập. Tác phẩm của ông chú ý tới con người trong thế giới tự do của nó và trong ý thức cá nhân về số phận" [27, 269]. Người ta nói có một "hội chứng Bôcaxiô" trong văn học châu Âu thế kỷ XIV-XVI. Mười ngày (La Decameron) của ông đã lan truyền sang văn học Anh, Pháp, Đức như một hiện tượng "giao thoa". Tuy nhiên, nhà nghiên cứu N.Vexelôpxki đã chỉ ra rằng sự ảnh hưởng, tác động này chỉ là dấu hiệu bề ngoài, bởi vì xét đến cùng thì sự ra đời của thể loại truyện ngắn trong các nền văn học châu Âu chịu sự quy định của "những điều kiện phát triển tinh thần - xã hội khác nhau của các dân tộc". Theo E.Subin, trong văn học Anh, truyện ngắn xuất hiện
vào khoảng thế kỷ XIV với các tác phẩm tiêu biểu của Sôxev. Còn ở Tây Ban Nha, truyện ngắn liền với tên tuổi của Xecvante - tác giả của tập "truyện giáo lý" (dẫn theo Bùi Việt Thắng [27, 270]). Với nền văn học Nga những thể nghiệm truyện ngắn đầu tiên có thể là vào cuối thế kỷ XVIII. Quá trình phát triển thể loại này trở nên hoàn thiện vào cuối thế kỷ XIX với sự đóng góp của các văn hào Puskin, Tuôcghênhiép, A.Shêkhốp.
Trên đây là một vài khái quát về nguồn gốc ra đời của truyện ngắn trong các nền văn học châu Âu. Còn ở phương Đông,với trung tâm văn hoá, văn học lớn nhất là Trung Quốc, thể loại truyện ngắn đã hình thành như thế nào? Theo nhà nghiên cứu Nga I.Galưghina thì trong văn học Trung Quốc, truyện ngắn với tư cách một thể loại văn học xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ VIII-IX (đời Tống - dưới hình thức truyền kỳ). Truyện ngắn ban sơ trong văn học Trung Quốc thế kỷ VIII-IX xuất hiện không phải trên nền tiếu lâm như trong văn học châu Âu mà trên cơ sở thần thoại - nền tảng cho lối kể chuyện có cốt truyện của truyền kỳ.
Trên cơ sở ảnh hưởng nền văn hóa chung là văn hóa Hán, việc xuất hiện thể loại truyền kỳ trong văn học Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam là kết quả của sự tương giao giữa truyện ngắn thế kỷ VIII-IX ở Trung Quốc với nền văn học dân tộc của các nước này. I.Galưghina cho rằng: Cù Hựu (1341-1427) với tập truyện
Tiễn Đăng Tân Thoại đóng vai trò quan trọng trong quá trình tác động, ảnh hưởng
tới Nguyễn Dữ của Việt Nam thế kỷ XVIII, Kim Thời Tập (Triều Tiên, thế kỷ XV) và Axarôi (Nhật Bản, thế kỷ XVI).
Về quá trình hình thành và phát triển của truyện ngắn Việt Nam, từ lâu nay trong giới nghiên cứu văn học vẫn tồn tại 2 loại ý kiến: một cho rằng truyện ngắn Việt Nam chỉ định hình khi văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ đã phát triển vào đầu thế kỷ XX; ý kiến khác cho rằng, truyện ngắn đã hình thành sớm từ trong văn học Việt Nam thời trung đại, ít nhất là từ thế kỷ XVI. Cho đến nay, thì loại ý kiến thứ hai có sức thuyết phục hơn.
Truyện ngắn Việt Nam bắt nguồn từ những "thần tích", "chí quái", "truyền kỳ" ghi chép lại những truyện cổ tích, thần thoại, những truyền thuyết dân gian và những câu chuyện lịch sử... Quá trình hình thành của truyện cũng là quá trình tách rời giữa lịch sử và văn học (tính chất lịch sử giảm xuống, tính chất văn học gia tăng bằng sự hư cấu và sáng tạo), và cũng là quá trình đi từ những truyện kỳ lạ, hoang đường đến những truyện bình thường trong cuộc sống con người.Văn học
tự sự thế kỷ XIV-XVI khẳng định thành tựu của thể loại truyện ngắn dân tộc. Thế kỷ XIV có Thiền uyển tập anh và Tam tổ thực lục ghép chuyện về các nhà sư và
Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên) bao gồm các truyện về thần thánh và các nhân vật
lịch sử. Đến thế kỷ XV, Lĩnh nam chích quái (Vũ Quỳnh - Kiều Phú) đã mở rộng phạm vi tìm tòi đến các truyện sinh hoạt của dân gian như các tích về trầu cau, dưa hấu... Đến Thánh Tông di thảo thì phần lớn các truyện là sáng tác, điều này
thể hiện bước chuyển biến đáng mừng của văn xuôi Việt Nam thời trung đại. Trong Thánh Tông di thảo có một số truyện có thể xem là mầm mống đầu tiên
của truyện ngắn, như các truyện: Con chuột tinh, Hoa quốc kỳ duyên, Hai ông phật cãi nhau" (Xem - Hà Minh Đức - Cơ sở lý luận văn học, tập 2 - Tủ sách
ĐHSP, H.1976). Cùng với "Thánh Tông di thảo", "Truyền kỳ mạn lục" (Nguyễn Dữ) - tác phẩm được mệnh danh là "thiên cổ kỳ bút" (Thế kỷ XVI) - đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc trong việc sử dụng hình thức văn xuôi.
Có thể nói, với 2 tác phẩm này, Lê Thánh Tông và Nguyễn Dữ "đã phóng thành công con tàu văn xuôi tự sự vào quĩ đạo nghệ thuật: văn học lấy con người làm đối tượng và trung tâm phản ánh" [ 29, 24 ].
Đến thế kỷ XVIII-XIX, cả 3 hình thức văn xuôi tự sự trung đại là: ký, truyện ngắn, tiểu thuyết chương hồi, đều đã đạt đến mức hoàn chỉnh. Tuy nhiên trong giai đoạn này truyện ngắn ít xuất hiện, có phần thưa vắng trên văn đàn - đây là thời kỳ của ký, tiểu thuyết chương hồi... Dẫu vậy, truyện ngắn vẫn có con đường đi riêng của mình. Do tác động của hoàn cảnh lịch sử, xã hội - một thời kỳ đầy bão táp và biến động - văn xuôi tự sự nói chung và thể loại truyện ngắn nói riêng đã có bước chuyển biến mới: đó là phản ánh trực tiếp, tức thời những điều mắt thấy, tai nghe ... Các tác gia, tiêu biểu như Đoàn Thị Điểm, Phạm Quí Thích ... muốn "canh tân" loại truyện ngắn gọi là truyền kỳ và để cho người đọc thấy họ đã thêm chữ "tân" vào nhan đề tác phẩm của mình, như: Truyền kỳ tân phả, Tân truyền kỳ lục... Họ cũng đã thể hiện sự cố gắng viết về "người thật, việc thật",
"bám sát" các sự kiện đương thời.
Nói tóm lại, đến hết thế kỷ XIX, truyện ngắn Việt Nam đã có một tuổi đời "già dặn" và thể hiện tính dân tộc đậm nét. Các tác phẩm này đều được viết bằng chữ Hán, mang nội dung dân gian và chịu ảnh hưởng của lối kể chuyện dân gian, đồng thời pha trộn ảnh hưởng của lối văn tự sự trong các bộ sử với cốt truyện hấp
dẫn, giàu tính ước lệ, đó là phẩm chất của sự sáng tạo văn học nghệ thuật, những phẩm chất ấy có ảnh hưởng lớn tới việc sáng tác giai đoạn đầu thế kỷ XX.
3.1.1.2. Quan niệm của các tác giả văn học giai đoạn giao thời về "truyện ngắn".
Vào những năm đầu thế kỷ XX, lý luận về thể loại còn hết sức mơ hồ, thậm chí đến những tên gọi thể loại còn chưa có sự nhất quán. Thời kỳ này, "truyện ngắn" (dưới tên gọi khác là "đoản thiên tiểu thuyết") được giới thiệu khá nhiều nhưng người ta không hề thấy một định nghĩa nào về "truyện ngắn" được nêu ra, chỉ có một số ý kiến bàn luận chung về "tiểu thuyết" (trong đó có bao hàm cả "truyện ngắn").
Theo Phạm Quỳnh khái niệm "tiểu thuyết" được hiểu với nghĩa rất rộng: "Tiểu thuyết là những tác phẩm kể chuyện bằng văn xuôi dài ngắn khác nhau", "là một truyện đặt ra và là một truyện có hứng thú, thường thường viết bằng văn xuôi theo lối tự sự như nói thường, nhưng có một đôi khi viết bằng lối vận văn" (Bàn
về tiểu thuyết - Nam Phong số 43, năm 1921). Như vậy, ở đây "tiểu thuyết" được
hiểu là một "truyện đặt ra" tức là có tính chất hư cấu, hơn nữa lại phải là "truyện hứng thú" nghĩa là nhấn mạnh đến yêu cầu hấp dẫn của tiểu thuyết. Đồng thời, "truyện" trong tiểu thuyết thường là "truyện người ta quyết đấu với vận mệnh", "đối phó với những sự bất kỳ". Theo quan niệm đó, tiểu thuyết thường tái hiện lại một cuộc đời, một số phận, ít nhiều sóng gió, thăng trầm... và trong quan niệm này hoàn toàn không có sự phân biệt nào giữa "tiểu thuyết" và "truyện ngắn". Chính vì vậy nên "truyện ngắn" trong giai đoạn này thường được gọi là "đoản thiên tiểu thuyết" - một thứ "tiểu thuyết ngắn, thể thức cũng như thường, chỉ có ngắn hơn mà thôi" [31, 153].
Trong Bàn về tiểu thuyết - Phạm Quỳnh cũng cho rằng: "phàm sách gì không phải là sách dạy học, sách lý luận, sách khảo cứu, sách thơ ca thì đều là tiểu thuyết cả, mà tiểu thuyết có khi gồm được cả những lối kia, trong một bộ tiểu thuyết cũng có chỗ nghị luận, chỗ ngâm vịnh, chỗ khảo cứu, chỗ khuyên răn ...". Hiển nhiên, trong lý luận về thi pháp hiện đại, các nhà nghiên cứu đề cập vấn đề tiểu thuyết thu nhận, tổng hợp những thể loại khác - "Tiểu thuyết hóa" những thể loại đó bằng cách giễu nhại, làm cho chúng đối thoại với nhau (xin xem M.Bakhtin - Lý luận & thi pháp tiểu thuyết". Tuy nhiên, trong cách hiểu của các nhà văn Việt Nam ở giai đoạn văn học giao thời vấn đề lại hoàn toàn không phải là sự giễu nhại, "tiểu thuyết hóa" các thể loại khác theo kiểu tiểu thuyết hiện đại phương Tây mà là
một tàn dư của quan niệm văn học truyền thống có nguồn gốc từ Trung Quốc, coi tất cả những gì không phải là "chính thư" đều là "tiểu thuyết". Đây cũng là ánh xạ của tư tưởng cận đại Trung Quốc, đặc biệt là Lương Khải Siêu về tiểu thuyết, đồng thời là sự phản ánh của một quan niệm giáo điều về văn chương, chủ yếu nhìn thấy ở tiểu thuyết khả năng làm công cụ tốt cho luân lý. Đương thời, "tiểu thuyết" được đề cao cũng là vì vậy.
Có thể nói, một quan niệm chung của các nhà văn thời kỳ này về "tiểu thuyết", "đoản thiên tiểu thuyết" (truyện ngắn) là chép những sự thực có ý nghĩa để răn người đời. Vì vậy mà ta bắt gặp rất nhiều "truyện ngắn" có nội dung giáo huấn đạo đức trên báo chí đương thời, đặc biệt là trên tạp chí Nam Phong. Trong các
"truyện ngắn" Nam Phong thường hay có câu: "Tác giả nói việc trong truyện này chính là tác giả đã được mục kích" hoặc "đây là câu chuyện của chính tác giả".... để chứng thực cho việc phản ánh hiện thực đời sống, xã hội. Nhưng đồng thời cũng hay có những đoạn kết với những câu: "Câu chuyện này là một bài học...".
Nhìn chung, ở giai đoạn văn học 1900-1930 quan niệm về truyện ngắn còn hết sức giản đơn. Các nhà văn chưa nhìn thấy đặc trưng của thể loại truyện ngắn mà chỉ có một khái niệm chung về nó. Dẫu sao đây cũng là thời kỳ phôi thai của thể loại truyện ngắn hiện đại. Hơn nữa, truyện ngắn phương Tây tuy đã được giới thiệu nhưng chưa phổ biến sâu rộng, sách lý luận, sách khảo cứu hầu như chưa có, do sự hiểu biết của người làm văn học về thể loại văn học mới còn hời hợt.