"Ký" Nam Phong những biểu hiện nội dung và hình thức

Một phần của tài liệu Sự hình thành và phát triển của một số thể văn xuôi quốc ngữ trên Nam Phong tạp chí (Trang 100)

B. PHẦN NỘI DUNG

3.2- "Ký" Nam Phong những biểu hiện nội dung và hình thức

3.2.1- Vài nét về nguồn gốc và những quan điểm của các tác giả đương thời về thể "ký".

3.2.1.1- Nguồn gốc và sự "định hình" thể "ký".

Nếu nói đến nguồn gốc hình thành thể "ký" thì có lẽ đã từ khá lâu trong lịch sử văn học nhân loại, những hình thức ghi chép có tính chất ký xuất hiện sớm, gắn liền với sự xuất hiện của chữ viết. Ban đầu, do ảnh hưởng của tình trạng "văn - sử - triết" bất phân nên việc ghi chép những điều mắt thấy, tai nghe thường lẫn với truyền thuyết, huyền thoại, vì vậy việc xác định rõ thể loại là điều khó thực hiện... Tuy cho đến nay, vẫn chưa có một tài liệu nào khẳng định những tác phẩm ký đầu tiên đã ra đời ở đâu. Nhưng nếu xét từ thực tế hiển nhiên là những ghi chép đầu tiên phải gắn liền với sự ra đời của chữ viết thì có lẽ, ở khu vực Đông Á, đó là những tác phẩm của Trung Quốc cổ đại như Xuân Thu, Tả truyện, Chiến Quốc sách... Ở phương Tây, ký xuất hiện muộn hơn nhưng lại phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. GS.Phương Lựu khẳng định, ở phương Tây tác phẩm ký văn học được hình thành từ chủ nghĩa Khai Sáng với Những bức tranh Pari của Mecxiê, Tự thú của Rútxô: "Đến chủ nghĩa lãng mạn, tuy ký không thật phát triển những cũng để lại một số tác phẩm nổi tiếng như Những hồi ức chỉ công bố sau ngày đã mất (Satôbiriăng). Những nhà văn hiện thực kiệt xuất như Đíchken và

Tháccơrây đều viết ký" [37, 274]. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thì cho rằng các tác phẩm ký ở phương Tây thường thịnh hành ở các thời kỳ xã hội có sự khủng hoảng của các quan hệ cũ, nảy sinh một nếp sống mới, làm tăng cường sự mô tả về các thói tục. Ông lấy ví dụ: "Ở nước Anh đầu thế kỷ XVIII khi các tạp chí châm biếm của R.Steel và J.Addisơn đăng những bài phác họa chân dung và cảnh sinh hoạt” [5, 180]. Ở nước Nga, thể loại truyện ký đã được thừa nhận về phương diện lý luận từ những năm bốn mươi của thế kỷ XIX, khi nó được hình thành như một thể loại "thế sự" điển hình có tên gọi là "sinh lý học". Các nhà văn thuộc trường phái Tự nhiên của Nga khi đó đã thực hiện việc dân chủ hoá nền văn học và nghiên cứu kỹ đám đông bằng con đường "chính luận nghệ thuật". Nhiều tác phẩm ký khá nổi tiếng của Nga đã ra đời vào thời gian này như: Những xó

xỉnh ở Pêtécbua của Nhêcraxốp; Những người chơi kèn Sacmansica lang thang ở

Pêtécbua của D.Grigrôvich Người Côdắc vùng URan của V.Dal....

Ở Việt Nam, thể loại ký đã xuất hiện từ thế kỷ XIV - XVI, tiêu biểu là các tác phẩm ký sự lịch sử và truyện ký như: Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên), Ô

Châu cận lục (Dương Văn An), Hoan Châu phong thổ ký (Hồ Sĩ Dương). Tuy

nhiên, ở giai đoạn này thể ký không phát triển nổi bật bằng truyện chí quái và truyền kỳ. Phải đến thế kỷ XVIII - XIX thể ký mới thực sự phát triển: "Nói đến văn xuôi chữ Hán giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX thì tiêu biểu hơn cả là loại văn xuôi tự sự, chủ yếu là văn ký sự" [ 28, 25 ]. Mở đầu cho thể ký ở giai đoạn này là Vũ Phương Đề với Công dư tiệp ký, tiếp theo là Trần Tiến với Cát Xuyên tiệp bút. Sau đó, hàng loạt tác phẩm ký ra đời, tiêu biểu là Thượng kinh ký sự của Lê Hữu

Trác, Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục (Tùng Niên)...

Xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng đô thị hoá, quan hệ buôn bán tấp nập, giao tiếp mở rộng làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Sống trong lòng Thăng Long, tiếp xúc và tham gia trực tiếp vào cuộc sống nhanh, gấp đó, các nhà Nho không thể bàng quan trước thực trạng đầy ắp của xã hội. Để phản ánh kịp thời và bao quát toàn bộ thực tại, văn học cần phải thiết thực và hiệu quả hơn trong phương thức thể hiện. Ký xuất hiện với nhiều hình thức phong phú: ghi nhanh (tiệp ký), tuỳ bút, ngẫu lục, tạp thuật, ký sự... và nội dung cực kỳ đa dạng, đáp ứng nhu cầu phản ánh kịp thời hiện thực sôi động của xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII- XIX.

Mặc dầu phát triển mạnh mẽ với hàng loạt tác phẩm rất giá trị trong thời kỳ trung đại, đặc biệt ở thế kỷ XVIII - XIX, nhưng chỉ đến khi có sự xuất hiện của báo chí thì thể loại ký mới thực sự khẳng định được mình như là một thể tài độc lập bên cạnh thơ, kịch, tiểu thuyết... Việc xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các tờ báo, tạp chí đầu thế kỷ XX đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống văn học, đặc biệt là với thể ký. Có thể khẳng định rằng báo chí đã tạo ra những điều kiện rất quan trọng cho ký phát triển ngày càng mạnh mẽ.

3.2.1.2- Quan niệm của các tác giả giai đoạn giao thời (1900-1930) về thể "ký".

Theo quan niệm phổ biến ngày nay thì ký là một loại hình văn học bên cạnh thơ, tiểu thuyết và kịch, gồm nhiều thể, chủ yếu và văn xuôi như: bút kí, hồi kí, du kí, nhật kí, phóng sự, kí sự, tuỳ bút, truyện, tạp văn, bút kí chính luận... Ký phản ánh sự việc và con người có thật trong cuộc sống, tính chính xác tối đa là đặc trưng cơ bản của ký. Do đó, sức hấp dẫn, sức thuyết phục của ký một phần lớn do chính sự việc được phản ánh trong tác phẩm. So với truyện ngắn và tiểu thuyết, ký phản ánh nhanh chóng và linh hoạt cuộc sống. Thế nhưng, trong quan niệm của các nhà văn giai đoạn giao thời thì ký được hiểu hết sức đơn giản, chỉ là sự ghi chép lại với điều kiện phải tôn trọng sự thực, lấy gốc rễ từ hiện thực.

Trong lời tựa cuốn Giấc mộng lớn, Tản Đà viết: "Vậy thời Giấc mộng lớn là một tập ký thực chăng? Hoặc có người hỏi như thế, tác giả thật khó trả lời. Đã gọi là mộng thời sao gọi được là ký thực". Ngay trong sự phân vân về việc định tính cho tác phẩm của Tản Đà ta đã thấy những tiêu chí về thể "ký", đó là sự thực, ký phải là "ký thực". Ở mục Tân học văn tập của Đông Dương tạp chí, phần văn

quốc ngữ do các ông Trần Trọng Kim và Phạm Văn Hưu đảm nhiệm, khi trình bày về những lối văn chương cho nhà trường, các ông đã định nghĩa rõ về văn ký sự là 'làm việc gì thì chắc chắn lại" vừa kể việc, vừa tả cảnh, "vừa kể việc, vừa thuật lời". Phạm Quỳnh trong Pháp du hành trình nhật ký đã nói rõ tinh thần của

tập ký này, đồng thời cũng là một cách nhìn nhận của ông về "ký": "Tập nhật ký này chẳng qua là nghi chép những việc hàng ngày một cách bình thường, giản dị để nhớ lấy về sau". Như vậy, với Phạm Quỳnh, viết ký trước hết phải tôn trọng sự thực, "những việc hàng ngày", bình thường được ghi chép lại.

Có thể nói, nguyên tắc lấy gốc rễ từ hiện thực, ghi chép cái có thực của thể ký đã được xác định ngay từ thời kỳ này và trở thành một đặc trưng quan trọng

của ký hiện đại. Trên Nam Phong tạp chí, hầu hết các bài ký được giới thiệu trong mục Tạp trở và được định danh cụ thể như: du ký, du hành, nhật ký, lệ ký... Cũng trên tạp chí này, trong mục Văn uyển còn giới thiệu nhiều bài viết ngắn với tên gọi "tản văn" hoặc "văn chương", thậm chí có những tập văn gồm bài "tản văn" ngắn lại được xếp vào phần Tập làm văn... Điều này cho thấy một sự "bất qui tắc" trong tên gọi và sự xác định thể loại, không chỉ riêng trên Nam Phong mà chung cho cả

giai đoạn văn học giao thời.

Vì vậy, để đơn giản hoá những rắc rối trong tên gọi (do các tác giả thời kỳ này chưa được làm quen với lý luận về thể loại, còn mơ hồ về cách phân chia thể loại theo văn học phương Tây) và để tiện cho việc khảo sát, phân tích thể loại, chúng tôi đã gộp chung những bài viết đã được định danh hay không được định danh nhưng mang dáng dấp của bài ký (lấy gốc rễ từ hiện thực, được ghi chép lại, có gửi gắm tâm sự của tác giả...) thành một thể loại - thể "ký".

3.2.2- Vài nét về nội dung và nghệ thuật của "ký" Nam Phong.

Dựa trên quan niệm của tác giả giai đoạn giao thời và cả trên quan niệm phổ biến ngày nay về thể ký, chúng tôi đã tập hợp được khoảng 120 bài viết thuộc thể "ký" trên Nam Phong (có giới thiệu danh mục tên bài, số báo, tháng năm ở phần phụ lục) bao gồm những bài du ký, du hành trên mục Tạp trở và các bài "tản văn",

"văn chương"... trên mục Văn uyển. Cũng giống như truyện ngắn, "ký" trên Nam Phong là một "hiện thực ngổn ngang", hầu hết các tác giả đều viết một cách tuỳ

hứng không có phương châm hay nguyên tắc nào. Để thuận lợi cho việc phân tích, đánh giá, chúng tôi chia 120 bài ký thành 4 phần nhỏ dựa cơ bản trên những tiêu chí về nội dung, bao gồm:

+ Ký du lịch (du ký, du hành, ký phong thổ) + Lệ ký và mộng ký.

+ Tản văn triết lý giáo huấn. + Tản văn tả cảnh ngụ tình.

3.2.2.1- Ký du lịch (gồm những bài ký phong thổ, những bài du ký, du hành).

Với gần 50 sáng tác, mảng ký viết về những chuyến công du, những cuộc đi chơi danh thắng hay những lần đi công cán thực thi nhiệm vụ "quan phòng"... là

mảng tiêu biểu nhất của "ký" Nam Phong. Tham gia viết về đề tài này có nhiều

tên tuổi quen thuộc của Nam Phong như Phạm Quỳnh, Nguyễn Mạnh Bổng,

Nguyễn Đôn Phục, Đông Hồ... và cả những gương mặt rất mới như Trần nữ Tuyết Mai, Thái nữ Mộng Tuyết... Tác giả viết nhiều và có những bài ký giá trị hơn cả là Phạm Quỳnh. Sở trường của ông chủ bút Nam Phong không phải là "ký" mà là dịch

thuật và phê bình, khảo cứu, nhưng ở mảnh đất này, ông cũng lại là một trong những tác giả đi tiên phong khai phá và có nhiều đóng góp nhất (14 bài). Phần lớn những bài ký của Hồng Nhân được viết giữa những chuyến công du, vừa là đi tham quan, thăm thú, vừa là vì công việc, đi tới đâu, làm việc gì, chứng kiến chuyện gì hoặc thấy điều lạ, điều hay ông đều ghi chép lại. Chính vì thế mà khi đọc những bài ký của Phạm Quỳnh như: Một tháng ở Nam Kỳ (đăng từ tháng

11/1918); Mười ngày ở Huế (số 10/1918); Pháp du hành trình nhật ký (từ số

58/1922-1925)..., ta có thể thấy những nét sống động của cuộc sống đang trôi chảy, những phong tục, tập quán lưu truyền từ bao đời, những vẻ đẹp tươi nguyên của thiên nhiên, cảnh vật. Và ta cũng bắt gặp qua các tác phẩm này một Phạm Quỳnh trẻ trung đầy hăm hở, ham hiểu biết, yêu mến thiên nhiên, trân trọng những phong tục, tập quán và các di sản văn hoá của dân tộc.

Với một khoảng thời gian không dài, tác phẩm Mười ngày ở Huế đã phản

ánh được khá rõ nét tình hình đời sống dân tình Huế thời ấy. Tác giả có những nhận xét sắc sảo khi viết về người dân xứ Huế: "Ở Huế, bọn phu xe cũng có lễ phép không hề nói tục, nói láo bao giờ. Cái nhân phẩm của phu xe Huế, còn cao hơn phu xe Hà Nội gấp mấy lần". Bên cạnh những trang viết về dân tình là những đoạn ký miêu tả vẻ đẹp kỳ ảo của núi non sông nước, các công trình kiến túc tôn nghiêm chốn cố đô. Toàn cảnh xứ Huế được Phạm Quỳnh thu nhỏ trong hai câu văn, thể hiện khả năng quan sát và khái quát của tác giả: "Chung quanh núi, giữa con sông, nhà cửa tụ họp hai bên bờ, trên bến dưới thuyền, trông xa một toà thành cổ bao la, thâm nghiêm kín cổng". Trong bài ký, Phạm Quỳnh dành nhiều trang viết để miêu tả một cách tỉ mỉ các công trình kiến trúc nổi tiếng như Thiên Thụ Lăng (lăng thờ Vua Gia Long), Hiếu lăng (thờ vua Minh Mạng), Khiêm lăng (thờ Vua Tự Đức)... Ở mỗi lăng ấy mang một vẻ đẹp, một phong cách khác nhau, thể hiện tính chất, lối sống của từng vị vua nhà Nguyễn. Đây là một đoạn văn tả Thiên Thụ lăng: "...Lăng đây là cả một toà thành... Lăng đây là cả mầu giời, sắc nước, núi cao, rừng rậm (...) chứ không phải một nấm con con của tay người xây dựng. Lăng đây

là bức cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ghép thêm một bức cảnh nhân tạo tuyệt khéo...". Điểm đặc biệt nhất của thiên bút ký Mười ngày ở Huế là những trang tác giả thuật lại lễ tế Nam Giao - một nghi lễ mang tính truyền thống của cung đình mà ông may mắn được chứng kiến trực tiếp: "Mấy ngày ấy thành Huế tấp nập những người đi, kẻ lại. Hai bên đường Hoàng thượng sắp ngự qua, là Nội thành đến Giao đàn đèn thắp như sao sa..." "Ba năm một lần tế giao, tức là ba năm lại một lần vua trịnh trọng ra tuyên cáo với trời đất, với tổ tiên, với sông núi rằng cái hồn trong nước vẫn còn mạnh, vẫn còn bền, vẫn còn tỉnh táo vậy". Những ghi chép rất tỉ mỉ, chi tiết của Phạm Quỳnh về lễ tế Nam Giao trong Mười ngày ở Huế rất có giá trị cho các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá để tìm hiểu về phong tục cung đình thời nhà Nguyễn.

Cùng một cách quan sát, ghi chép, miêu tả như Mười ngày ở Huế nhưng

thiên bút ký Một tháng ở Nam Kỳ có dung lượng phản ánh lớn hơn và mở rộng ra nhiều lĩnh vực. Không chỉ đơn thuần là cảnh đẹp, đời sống dân tình và phong tục nữa mà bao quát cả địa lý, kinh tế của Nam Kỳ lục tỉnh. Chính Phạm Quỳnh cũng đã nói rõ trong phần mở đầu của Một tháng ở Nam Kỳ: "Lần trước là đi vãn cảnh một nơi đất cũ, còn đầy những dấu tích đời xưa, mỗi bước như động đến tấm lòng hoài cổ (...) bao nhiêu những giọng ngậm ngùi, ai oán thuở bình sinh không ngờ mà lâm li trên tờ giấy khiến người đọc cũng phải lạnh lẽo trong lòng (...) lần này thì thật khác: cái khí vị lạnh lẽo kia đã đổi ra cái khí vị nồng nàn rồi".

Đọc Một tháng ở Nam Kỳ ta bắt gặp một bức tranh toàn cảnh về Nam Kỳ lục tỉnh với địa thế, khí hậu, đất đai, sông ngòi, những đồng bằng phì nhiêu và tính tình, lối sống của người dân. "Ở Sài Gòn thật có cái cảm giác một nơi đô hội mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối Tây", "không những dân Nam Kỳ có ít người mà cũng không có tính chăm làm, nhưng hiện nay dã thừa đủ ăn rồi, không cần phải làm nữa..." bởi vì "đất Nam Kỳ không phải là đất lam chướng gì, toàn là đồng bằng bát ngát, chỉ vì chưa khai khẩn hết nên phải bỏ hoang mà thôi". Đọc những trang văn này ta mới thấy sự dụng công của người viết ký, không chỉ đi đến tận nơi, quan sát, tìm hiểu cặn kẽ mà còn phải có một kiến thức sâu rộng, một sự hiểu biết chắc chắn về nơi mình đến. Phạm Quỳnh trong chuyến công du Nam Kỳ lục tỉnh có lẽ đã phải đọc, nghe, quan sát và tìm hiểu rất nhiều: "Cần Thơ có cái vẻ mĩ miều, xinh xắn, sạch sẽ phong quang, thật xứng tên làm tỉnh đầu về miền Tây", còn "Vĩnh Long là một tỉnh cũ nên sánh với các tỉnh khác còn có một vài nơi cổ tích.

Cái khí vị trong tỉnh thành cũng ra cái khí vị cũ, hơi giống như các tỉnh ngoài ta...". Tác giả tập ký còn giành khá nhiều thời gian để bàn bạc về vấn đề kinh tế như việc khẩn hoang những đồng bằng phì nhiêu ở Nam Kỳ, ông đưa ra lời khuyên: "Nay Nhà nước đã quyết chí giúp cho người các xứ vào Nam Kỳ mà sinh cơ lập nghiệp, mở mang cái kho vô tận là mấy trăm ngàn mẫu đất còn đương bỏ hoang đó, người Bắc Kỳ ta nên hăm hở mà vào thực dân trong ấy cho đông".

Một phần của tài liệu Sự hình thành và phát triển của một số thể văn xuôi quốc ngữ trên Nam Phong tạp chí (Trang 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)