B. PHẦN NỘI DUNG
3.1.2. Những biểu hiện về nội dung và nghệ thuật của "truyện ngắn" Nam Phong
Không đơn giản như một tập hay một tuyển tập truyện ngắn, cũng không nằm trong một dòng hay một trào lưu văn học nào, gần 60 "truyện ngắn" viết bằng chữ quốc ngữ được in rải rác trên Nam Phong trong 17 năm là một hiện thực "ngổn ngang" rất khó xử lý. Khi tiến hành khảo sát, chúng tôi tạm thời chia "truyện ngắn" Nam Phong làm hai thời kỳ:
+ Thời kỳ thứ nhất từ Câu chuyện gia tình của Nguyễn Bá Học (Nam Phong số 10/1918) đến Người điên của Song Mai (Nam Phong số 153/1930).
+ Thời kỳ thứ hai, từ Vì đâu nên nỗi dở dang của Phạm Vọng Chi (Nam Phong số 159/1930) đến Từ hôn của Lê Đức Nhượng (Nam Phong số 210/1934).
Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng sự phân chia này chỉ là tương đối để giúp cho việc khảo sát được dễ dàng hơn. Sở dĩ có sự phân chia như vậy là chúng tôi dựa vào những nguyên nhân sau đây:
Trước hết, ở hai thời kỳ này, tuy thời gian không tương xứng (thời kỳ đầu 13 năm, thời kỳ sau chỉ có 4 năm) nhưng số lượng truyện được giới thiệu gần bằng nhau. Hơn nữa, ở thời kỳ đầu, tuy số lượng tác giả khá đông song hầu hết các "truyện ngắn" đều có nét gần gũi với nhau về cả mặt nội dung phản ánh và hình thức biểu hiện. Cũng ở thời kỳ này, xuất hiện một số truyện là tiền đề, báo hiệu cho sự ra đời của khuynh hướng văn học lãng mạn giai đoạn sau. Đến thời kỳ thứ hai, "truyện ngắn" trên Nam Phong tuy không bước hẳn sang một quỹ đạo
khác nhưng đã có rất nhiều nét mới so với thời kỳ thứ nhất. Vì vậy, khi khảo sát, chúng tôi sẽ phân tích nội dung và nghệ thuật ở "truyện ngắn" thời kỳ đầu như là đặc trưng của truyện ngắn Nam Phong. Còn với thời kỳ thứ hai, chúng tôi chỉ tìm hiểu những nét mới về nội dung và những cách tân về nghệ thuật so với thời kỳ đầu.
3.1.2.1. Thời kỳ thứ nhất (tháng 4/1918 - tháng 3/1930).
Ở thời kỳ này, trên Nam Phong giới thiệu 30 truyện ngắn của 17 tác giả.
Người viết nhiều nhất là Nguyễn Bá Học (9 truyện), sau đến Phạm Duy Tốn (3 truyện), Nguyễn Mạnh Bổng (3 truyện). Các tác giả khác như Hoàng Ngọc Phách, Đoàn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Thiều... có tham gia viết nhưng số lượng không nhiều (từ 1 đến 2 truyện).
Về mặt nội dung
Vấn đề được các tác giả quan tâm hàng đầu trong thời kỳ này là vấn đề luân lý, đạo đức xã hội và các tác phẩm của họ thể hiện rất rõ điều đó. Hầu hết các truyện đều lấy cảm hứng từ đạo đức, chỉ có một số ít truyện lấy cảm hứng từ hiện thực (Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn; Giấc chiêm bao dữ của HĐH),
nhưng ít nhiều vẫn thể hiện chủ đề đạo đức. Điều này dễ hiểu, bởi trước những biến động dữ dội của lịch sử xã hội, văn hóa, lối sống phương Tây tràn vào Việt Nam, làm cho nếp sống, cách nghĩ của người Việt đổi thay, mọi trật tự khuôn phép cũ bị đảo lộn... Các tác giả văn học thời kỳ này (phần lớn xuất thân từ nho học) vốn quen với nếp sống truyền thống, vốn là những trí thức nhạy cảm họ đã sớm nhận thấy sự đổi thay này. HĐH trong Giấc chiêm bao dữ (số 46/1921) đã để cho nhân vật chính phát biểu hộ mình những cảm nhận về xã hội: "ở chốn hương thôn thì phong tục nặng nề, kẻ cường hào ức hiếp đàn em, quanh năm chỉ khư khư chốn đình chung mà rượu chè xôi thịt, lũ trẻ con chơi bời lêu lổng, học hành chẳng có.
Đến nơi thành thị thì lắm chuyện phiền lòng. Cái vẻ văn minh đã thấy hầu khắp các hạng người trong xã hội, nhưng cái tinh thần văn minh đã có mấy người hưởng thụ. Những người có quyền thế, giàu có phần nhiều chỉ biết lợi lấy mình, ai chết mặc ai...". Một bức tranh toàn cảnh về cái xã hội hỗn loạn, nhố nhăng, phong hoá suy đồi đã được HĐH vẽ lên qua cảm nhận của mình. Cùng một cảm nhận về xã hội với Giấc chiêm bao dữ, truyện Trằn trọc đêm xuân (số 34/1920) của Mân
Châu kể về một kẻ bạc tình, bạc nghĩa từ đó tác giả đưa ra những nhận xét chua chát: "Mọi giá trị bây giờ đều phải đưa lên bàn cân mà cân nhắc nặng nhẹ". Phần cuối câu chuyện Mân Châu đã kết lại bằng những câu đau đớn thể hiện tất cả bản chất xã hội, sự suy đồi của đạo đức phong hoá: "Phong hoá suy đồi đồi rồi, nhân tâm bại hoại rồi, bùn dưới đáy ao đã lên cả mặt ao rồi. Danh nghĩa bây giờ họ coi là một đồ vứt bỏ, bạc vàng ngày nay chúng lấy làm một thứ thánh thần. Buổi giao thời nghĩ lắm nỗi thương tâm".
Phần lớn các tác giả văn học giai đoạn này đều có cách nhận xét, nhìn nhận chung chung như vậy về xã hội, họ chưa chú ý đến việc làm thế nào để thể hiện nó một cách sâu sắc nhất, đầy đủ nhất. Cái mà họ chú trọng hàng đầu là vấn đề luân lý đạo đức, họ nhận thấy sự đổi thay của xã hội - điều mà họ khó có thể chấp nhận và họ ra sức chê bai, phê phán sự đồi bại nghiêm trọng về đạo đức. Tác phẩm Có mới nới cũ (Nam Phong số 105/1926) của Đoàn Nhữ Nam phê phán nhân vật Bán Tân chạy theo lối sống tư sản, bỏ người vợ xinh đẹp, hiền hậu ở quê nhà đi theo một cô gái Hà Thành tân thời khiến người vợ khổ đau cắt tóc đi tu, còn anh ta thì nhởn nhơ hưởng thụ cuộc sống mới một cách thoả mãn. Sự thoả mãn đó, trong cách nhìn và dưới ngòi bút của tác giả trở thành cái "hài", thành cái lố bịch. Cũng lên án thói "có mới nới cũ" (mà theo các nhà văn thời ấy là vô cùng xấu xa), có hàng loạt các truyện được giới thiệu trên Nam Phong vào thời điểm
đó: Nước đời lắm nỗi (số 23/1919) của Phạm Duy Tốn, Câu chuyện nhà sư (số
26/1919) của Nguyễn Bá Học, Thần thiên lương (số 36/1920) của Nguyễn Mạnh Bổng... Trong những truyện ngắn này, các tác giả đã tỏ rõ thái độ bất bình gay gắt, chỉ trích những người chồng bạc tình, phụ nghĩa, ruồng rẫy vợ con để chạy theo một thứ phù hoa giả dối. Và hầu hết trong số họ đều nhận được những kết cục đáng buồn cho cuộc đời. Có người khi nhận ra những lỗi lầm của mình thì đã quá muộn (vợ chết, tiền của chui hết vào túi nhân tình), liền bỏ đi tu, ngày ngày
ân hận, dằn vặt và chết cô độc trong một ngôi chùa (Câu chuyện nhà sư). Có người thì nghe tiếng gọi của "thần thiên lương" mà tự sát vì quá xấu hổ với mình.
Thái độ bất bình với xã hội, bất bình trước những chuyện "phi luân bại nghĩa" của các tác giả văn học không chỉ thể hiện qua việc phê phán, lên án những ông chồng bạc nghĩa, phụ tình mà cả những cô gái để mất đi "công, dung, ngôn, hạnh" cũng được các tác giả dành cho một vị trí "xứng đáng" trong các tác phẩm của mình. Những "truyện ngắn" tiêu biểu cho nội dung này là: Truyện cô Phụng
(số 67/1923) của Đoàn Ngọc Bích; Chuyện cô Chiêu Nhì (số 43/1921) của
Nguyễn Bá Học, Trằn trọc đêm xuân (số 34/1920) của Mân Châu...
Truyện cô Phụng của Đoàn Ngọc Bích lên án cô Phụng, đồng thời cũng là
tiếng nói lên án các bậc tiểu thư phá nếp nhà gia giáo vì sự đua đòi, ăn chơi của mình. Đưa ra một kết thúc bi kịch cho cuộc đời cô Phụng, tác giả muốn cảnh tỉnh tầng lớp thanh niên, nhất là những cô gái mới lớn hãy tránh xa con đường ăn chơi xa hoa, phù phiếm mà giữ lấy nếp nhà. Còn Trằn trọc đêm xuân (Mân Châu) lên
án Bảo Tuệ, con gái quan Án đã hứa hôn với Trần Quốc Cán sau vì chàng hỏng thi nên đã bỏ chàng chạy theo con trai một nhà cự phú. Và Trần Quốc Cán hiểu ra rằng đã hết cái thời thiếp nuôi chàng ăn học, giàu và nghèo, sang và hèn, đỗ thi và hỏng thi đã thành những cặp đối lập.
Song song với việc lên án những thói tật xấu xa, truyện ngắn trên Nam Phong thời kỳ đầu còn nêu lên những tấm gương đạo đức, ca ngợi những mô hình
lý tưởng theo con mắt nhà Nho. Chuyện ông Lý Chắm (số 13/1918) của Nguyễn
Bá Học ca ngợi một người dám quên thân mình vì nhân dân. Kể ra ở cái thời buổi loạn lạc, luân thường đảo lộn ấy một ông Lý trưởng dám hành động theo câu nói "Nếu việc có lợi cho làng và con cháu về sau thì tính mệnh tôi cũng không từ huống chi là đòn vọt", cũng không phải là nhiều. Cùng một mục đích nêu gương tốt, Ai giết người (số 28/1919) của Mân Châu ẩn dưới câu chuyện một vụ án mạng để ca ngợi người phụ nữ có đủ cả nhân, nghĩa, trí, tín. Tác giả cho nhân vật của mình phát biểu những lời thuyết lý đạo đức: "Làm người cốt lấy cương thường làm trọng, nay bỏ cả nhân, cả nghĩa, cả tín đi thời còn định làm mẹ người mà sống trên đời sao được".
Không chỉ phê phán những tiểu thư, phá đi nếp nhà, chạy theo phù hoa, đua đòi ăn chơi... "truyện ngắn" trên Nam Phong thời kỳ đầu còn thể hiện mối thương cảm của nhà văn với những người phụ nữ bị phụ bạc, bị đẩy vào hoàn cảnh bi
kịch và những kiếp người nghèo khổ, cơ cực đang chìm nổi trong một xã hội bát nháo. Lý Cô trong Câu chuyện nhà sư (Nguyễn Bá Học), nhân vật người phụ nữ
trong Nước đời lắm nỗi (Phạm Duy Tốn) cũng rất khổ sở trong sự bạc bẽo, nhẫn
tâm đến mức tàn ác của người chồng mà mình hết lòng yêu thương.
Cô gái trong Con người sở khanh (số 20/1919) của Phạm Duy Tốn thì vì nhẹ dạ, cả tin mà bị anh chàng họ Sở lừa gạt làm lỡ dở một đời. Nhân vật người phụ nữ trong Câu chuyện một tối của người tân hôn (số 46/1921) của Nguyễn Bá Học kể về số phận người phụ nữ với biết bao đau đớn, vất vả, nhục nhã: "từ khi tôi vào làm trong nhà máy không còn được thấy mặt trời". Bị bọn đốc công trêu ghẹo, lại bị máy nghiến mất nửa bàn tay mà "vì mấy đồng xu" chị đã "bán rẻ cái mệnh" của mình. Nhưng chị không thể làm khác bởi chị là con cả trong một gia đình đông con lại quá nghèo, bố mất sớm, mẹ già đau yếu, mọi việc đều đổ lên đôi vai gầy của chị...
Có thể nói, qua những "truyện ngắn" của mình, các tác giả của Nam Phong
đã "cố gắng hình dung một xã hội tư sản mà họ coi là lý tưởng - xã hội tư sản với đạo đức cũ". Nhưng chính sự hình dung đó khiến họ không thể chấp nhận và khẳng định được cái xã hội tư sản hiện thực ở thành thị lúc ấy. Ý thức "không tô điểm sai cảnh thực", ý thức "mô tả chân tình chân cảnh" khiến người ta "nghe câu văn như trông thấy cảnh, tai nghe thấy người mà sinh ra các lòng quan cảm", giúp các nhà văn viết về xã hội tư sản hoá với những con người, tình huống, cảnh ngộ, sự việc cụ thể. Trong văn của họ, xã hội đó được miêu tả náo nhiệt, xô bồ mà đồng tiền tư sản, lối sống, đạo đức tư sản đang dần chiếm ưu thế ở thành thị. Còn ở nông thôn, bên cạnh những quan hệ cũ: bọn cường hào áp bức dân nghèo, những người phụ nữ sống lặng lẽ cam chịu theo lề thói xưa..., là những hiện tượng mới của cuộc biến thiên xã hội. Những cô thôn nữ bị bọn "con nhà giàu" lừa gạt làm cho thất tiết, những ông đồ sống lay lắt trước sự sụp đổ của nho học, những nông dân phá sản, cùng đường phải ra thành thị làm thuê... Tất cả những bức tranh ấy với các nét vẽ dẫu còn sơ sài về xã hội thuộc địa nửa phong kiến đầu thế kỷ XX nhưng cũng đủ để nói lên thắng lợi của một quan niệm văn học mới, khác trước: quan niệm văn học miêu tả con người trong cuộc sống bình thường. Các truyện ngắn trên Nam Phong thời kỳ thứ nhất đã thể hiện được quan niệm văn học mới đó và chúng cũng đã phơi bày trước mắt người đọc những quan hệ xã hội, đặc biệt là những quan hệ tư sản với rất nhiều nét thực.
Tuy nhiên, sự hình dung xã hội lý tưởng là xã hội tư sản với đạo đức cũ của các tác giả văn học giai đoạn này đã khiến các tác phẩm của họ chủ yếu phản ánh, đánh giá các quan hệ đó trên góc độ đạo đức, luân lý. Điều này dẫn tới lập trường bảo thủ, khúc xạ vào trong văn học thành kết thúc "có hậu" hoặc "treo gương" tốt, hoặc "treo gương" xấu nhằm "chỉnh đốn nhân luân", "tái hồi đạo đức" dẫn tới ảo tưởng về "lương tâm" con người, về cải lương xã hội.
Ngoài vấn đề đạo đức được đặt lên hàng đầu, trong thời kỳ này một số truyện ngắn Nam Phong còn cổ động cho cái gọi là "thực nghiệp" mà tờ tạp chí
đưa ra, đồng thời cũng kêu gọi "thực học", bỏ việc học hành khoa cử theo lối từ chương... mà Nguyễn Bá Học là một đại diện tiêu biểu. Ngay từ truyện ngắn đầu tiên đăng trên Nam Phong (số 10/1918) - Câu chuyện gia tình, ông đã lên tiếng cổ động: "...học mới là học về thực nghiệp cho mở mang trí thức, học cho rộng đường làm ăn chính là việc rất cần trong nước ta". Một số truyện ngắn khác của ông cũng thuyết minh cho quan điểm này. Trong Dư sinh lịch hiển ký (số
35/1920), mượn lời người cha mắng đuổi con: "Cựu học đã dở, tân học cũng không nên thân", Nguyễn Bá Học phát biểu: "Xưa tao đã biết học khoa cử là đi vào con đường nguy hiểm mà xoay ngay về thực nghiệp như người gò cương ngựa mà lên núi dốc, thiên tân vạn khổ mới có ngày nay, nếu không cũng dở ông, dở thằng mà thành ra một người ăn hại, làm xằng trong xã hội". Trong Có gan làm giàu Nguyễn Bá Học ca ngợi cái chí làm giàu của một người trong thời buổi
loạn lạc và ông cho rằng "làm giàu thật là đạo sinh tồn của loài người, là gốc của văn minh thế giới". Cổ vũ cho "thực nghiệp", "thực học" nhưng do không hiểu rõ bản chất nên Nguyễn Bá Học đã có ảo tưởng: "Người ta học về mà làm ruộng, học về mà buôn, học về mà làm nghề này, nghiệp khác, trăm nghề đều có học, trăm việc đều cải lương, bấy giờ quốc dân mới văn minh, xã hội mới tiến hoá". Thực tế cho thấy Nguyễn Bá Học đã lầm, thực dân Pháp không để cho kinh tế, xã hội Việt Nam phát triển, chúng chỉ muốn bòn rút được thật nhiều của cải, tài nguyên, làm cho kinh tế, xã hội nước ta chìm trong vòng cổ hủ, lạc hậu. Không phải chỉ Nguyễn Bá Học mà nhiều tác giả khác trên Nam Phong cũng đề cập đến
sự suy tàn của nho học và khuyên người ta đi vào con đường làm ăn kinh tế. Trong Gái đẹp với anh đồ, sau khi đã dẫn ra sự bế tắc của nền khoa cử cũ, tác giả khuyên "Anh đồ nay cũng phải liệu mà thay nghề, tìm nghiệp mau đi".
Qua tất cả những vấn đề đã trình bày trên đây, một điều dễ nhận thấy là nội dung phản ánh của truyện ngắn trên Nam Phong ở thời kỳ thứ nhất (1918 - 1930) còn sơ giản và hạn hẹp. Các tác giả thường chỉ khai thác đề tài xung quanh những biến cố gia đình xảy ra chốn thị thành (sự đổ vỡ trong quan hệ vợ chồng, một vài tình huống bi kịch) và nhìn nó dưới góc độ đạo đức chứ không lý giải được căn nguyên. Những mối quan hệ xã hội như: thày - trò, bạn bè, quan - dân ít được đề cập tới. Trong số gần 30 truyện ngắn thời kỳ này chỉ có một vài truyện đề cập tới mối quan hệ ngoài phạm vi gia đình như: Sống chết mặc bay (Phạm Duy Tốn); Chuyện ông Lý Chắm (Nguyễn Bá Học)... Ngoài ra, cũng có một số truyện "diễm
tình", "bi tình", truyện kỳ án mang hơi hướng truyện hình sự phương Tây, nhưng phần này cũng rất hiếm hoi: Giọt lệ hồng lâu (Hoàng Ngọc Phách - Nam Phong
số 51); Truyện một người du học sinh An Nam (Vũ Đình Chí - Nam Phong số
90/1924). Phải chăng vì sự kiềm chế của thực dân Pháp với tờ tạp chí mà ngòi bút