B. PHẦN NỘI DUNG
3.2.3. Những đóng góp của "ký" trên Nam Phong cho quá trình hiện đại hoá văn học
Mặc dù còn nhiều hạn chế (như chúng tôi đã trình bày ở phần trên) những thể loại "ký" của Nam Phong tạp chí cũng đã thể hiện được nhiều nét mới, tiến
bộ góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hoá văn học dân tộc.
Đóng góp lớn nhất, quan trọng nhất của thể "ký" viết bằng chữ quốc ngữ trên
Nam Phong là góp phần đắc lực vào quá trình "định hình" và "ổn định" thể ký
trong văn học Việt Nam hiện đại. Cũng giống như truyện ngắn, thể loại ký viết bằng chữ quốc ngữ phải đến Nam Phong mới chính thức "định hình", mang
những đặc trưng riêng của thể loại.
Trước năm 1917, trong văn học quốc ngữ đã xuất hiện một số tác phẩm mặc dù không được định danh cụ thể nhưng cũng có thể coi thuộc loại hành ký đó là:
Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Dậu của Trương Vĩnh Ký và Hương Sơn hành trình
của Nguyễn Văn Vĩnh. Hương Sơn hành trình (đăng trên Đông Dương tạp chí số 41/1914) là một thiên ký sự thuật lại chuyến "hành trình" của ông Vĩnh tại chùa Hương vào dịp lễ hội trong đó ông cố gắng miêu tả lại những cảnh nhếch nhác, mê tín dị đoan phản văn minh tại thắng cảnh này bằng những câu văn ngắn gọn, trong sáng... Thế nhưng, sự xuất hiện của một vài tác phẩm thuộc loại hình ký cùng những cố gắng của ông Vĩnh vẫn chưa tạo được sự chú ý trong giới sáng tác. Phải đến khi Nam Phong ra đời và phát triển thì thể "ký" viết bằng chữ quốc ngữ mới xuất hiện nhiều và có được tiếng nói riêng, mảnh đất riêng cho mình. Trên thực tế, cũng phải tới cuối năm 1920, khi Nam Phong (số 38) khởi đăng Hạn mạn
du ký của Nguyễn Bá Trác, cái tên thể "ký" mới chính thức xuất hiện trong văn
học quốc ngữ. Trong suốt 17 năm tồn tại và phát triển Nam Phong đã đăng tải trên 100 bài ký với nhiều dạng thức khác nhau, du ký, nhật ký, hồi ký, tản văn, lệ ký, mộng ký ... Nhiều bài "ký" của Nam Phong không chỉ tạo sức cuốn hút với người đọc mà còn kích thích khả năng sáng tác văn xuôi của nhiều cây bút, đồng thời là một thứ khuôn mẫu để những người viết ký đương thời học tập, tiêu biểu là Pháp
Những thiên "du ký" của Phạm Quỳnh cùng với bài ký của Nguyễn Bá Trác, đăng trên Nam Phong thời kỳ đầu (1918- 1920) được coi như "những bước khởi đầu còn mò mẫm của thể ký theo nghĩa hiện đại" (Vương Trí Nhàn).
Với quan niệm tôn trọng sự thực, lấy gốc rễ từ hiện thực, "ký" trên Nam Phong đã phản ánh được khá đầy đủ cuộc sống hiện thực vốn vô cùng đa dạng và
phức tạp. Nhiều bài ký đi sâu khắc họa những chi tiết hết sức bình dị, đời thường, diễn tả những xúc cảm chân thực và thuật lại những sự việc đã xảy ra trong đời thường giản dị. Đây là một trong những nét cách tân, sáng tạo của "ký" Nam Phong nhằm vượt thoát khỏi những ràng buộc của thể loại văn học truyền thống
và cũng là đóng góp của "ký" Nam Phong vào tiến trình phát triển của hệ thống
thể loại văn học dân tộc. Ngay từ bài ký đầu tiên mà Nam Phong giới thiệu: Bài
ký ngày kỷ niệm quan toàn quyền Sarraut đến Hà Nội (số 1/1917), chất thực đã
được thể hiện rất rõ. Từng giờ, từng phút, từng diễn biến của buổi lễ, hoạt động của mọi người chuẩn bị cho buổi đón tiếp và những cảm xúc khác nhau của những người chứng kiến buổi lễ... đã được tác giả thuật lại một cách chi tiết và hết sức chân thực.
Sau bài viết tên đầu tiên này, hàng loạt các tác phẩm của Phạm Quỳnh đã cho thấy sự tiến bộ đến không ngờ của thể "ký" trong việc phản ánh đời sống, viết về "người thật", "việc thật". Những bài ký của ông chủ bút Nam Phong đầy ắp sự kiện, các thông tin về đủ mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, lịch sử, địa lý... Ta có thể thấy được trong một bài ký bất kỳ của Phạm Quỳnh và tất cả các thông tin ấy đều là thực, không một chút hư cấu hay tưởng tượng. Chính Phạm Quỳnh cũng đã bộc lộ quan điểm về cách viết ký "chẳng qua là ghi chép những việc hàng ngày một cách bình thường, giản dị để nhớ lấy về sau" (Pháp du
hành trình nhật ký). Ở Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác, dù là tập "hồi ký"
nhưng những câu chuyện mà tác giả kể lại, những cảnh, những người ... trong bài ký đều có thật.
Bài ký Thăm đảo Phú Quốc của Đông Hồ đã chứng tỏ tác giả quan tâm đến việc phản ánh hiện thực đến từng chi tiết nhỏ nhất: "Nói đến cách đãi khách của người Phú Quốc lại phải nói đến cái tính dùng rượu của người ở đây (...) một người kha khá trong nhà thế nào cũng sắm sẵn vài bốn thứ rượu tây, rượu nam. Người khách đến, nếu uống được thì chủ nhà có thể đãi rượu làm nước".
Viết về "người thật", "việc thật" phản ánh cuộc sống hiện thực, những vấn đề của đất nước, thời đại một cách nhanh nhạy, chính xác bằng một chuỗi các sự kiện là một đặc trưng quan trọng của ký hiện đại. Mặc dù, còn ở buổi sơ khai của thể loại, còn đang trong thời kỳ "mò mẫm tìm đường " nhưng các bài ký trên Nam
Phong đã thể hiện rõ nét đặc trưng này. Ngay đến những bài mộng ký, lệ ký hay
các bài tản văn nghệ thuật ngắn mang tính chất hư cấu nhiều, chú ý đến cảm xúc là chính, cũng vẫn đảm bảo được tính chân thực, nhanh nhạy trong nội dung phản ánh và sự linh hoạt trong câu từ...
Đóng góp lớn nhất của ký viết bằng chữ quốc ngữ trên Nam Phong là góp
phần "truyền bá" chữ quốc ngữ và nâng cao trình độ ngôn ngữ dân tộc còn non trẻ. Cùng với truỵên ngắn, tiểu thuyết, văn phê bình... viết bằng chữ quốc ngữ trên
Nam Phong, thể ký đã đóng một vai trò tích cực trong việc "truyền bá chữ quốc
ngữ", đồng thời nó cũng góp phần làm giàu thêm, đẹp thêm ngôn ngữ văn học dân tộc. Trên Nam Phong, Phạm Quỳnh là người có lối viết ký đa dạng, nhiều giọng điệu nhất, khi thì trang nghiêm, cổ kính, khi thì mềm mại thiết tha, lúc hài hước dí dỏm, lúc châm biếm sâu cay, đoạn này đẽo gọt cầu kì, ví von kiểu cách, đoạn khác lại buông lơi cho những câu chữ sắc, gọn, giản dị, trong sáng mặc sức tung hoành... Đây là những câu văn duyên dáng với ngôn từ giản dị, trong sáng và lối so sánh tuyệt khéo: "Hà Nội cũng có sông Nhị Hà mà sông Nhị với sông Hương khác nhau biết chừng nào ! Một đằng ví như cô gái tươi cười, một đằng ví như bà lão cay nghiệt. Nhị Hà là cái thiên tai của xứ Bắc, Hương Giang là cái châu báu của xứ Kinh" (Mười ngày ở Huế). Pháp du hành trình nhật ký là tác phẩm có lối văn linh hoạt, sắc sảo và mang dáng dấp của một bài ký hiện đại nhất. Hãy xem Phạm Quỳnh miêu tả quang cảnh trên một bến cảng cũ của thành phố Marseille: ".... Trong bến thời lố nhố những cột buồm như một cái rừng cây trụi lá (..) trên bến thời nhà cửa san sát, nhất là hàng cơm, hàng rượu, xe điện chạy như mắc cửi, kẻ đi người lại tấp nập như ngày hội, đủ các giống người, đủ các thứ tiếng, từ bác phu tàu, chú "bắt - tê" chửi nhau như ăn gỏi, cho đến ông phú thương tất tả, chị hàng cá đong đưa, khách du lịch ngẩn ngơ, gái giang hồ nhắm nháy...". (Pháp du
hành trình nhật ký, số 64/1922). Ngôn từ sử dụng hết sức linh hoạt pha chút châm
biếm, lối ví von ngộ nghĩnh, cách miêu tả độc đáo... tất cả tạo nên một vẻ rất riêng và sức hấp dẫn cho đoạn văn.
Đọc những trang văn này ta có thể thấy chúng đã khác xa lối văn khuôn sáo, đầy tính ước lệ với nhiều điển tích, điển cố của văn học truyền thống, tiến đến thật gần với văn học hiện đại.
Không chỉ có Phạm Quỳnh và những bài ký của ông tạo nên nét mới lạ, hiện đại cho "ký" trên Nam Phong mà nhiều bài ký khác, đặc biệt là những bài tản văn "tả cảnh ngụ tình" đã thực sự là những áng văn đẹp, tràn đầy xúc cảm làm giàu đẹp, phong phú thêm cho ngôn ngữ văn học dân tộc. Những câu văn trong sáng, mộc mạc trong Bông hoa đầu mùa của Tuyết Mai, thứ ngôn ngữ đẽo gọt cầu kỳ
nhưng vẫn dễ cảm, dễ hiểu của Đông Hồ, Tương Phố đã góp phần nâng cao trình độ của chữ quốc ngữ. Đoạn văn dưới đây trích trong bài tản văn Đi học của Trúc Hà tiêu biểu cho lối văn tả cảnh ngụ tình mềm mại, tràn đầy cảm xúc với cách dùng từ tinh tế, có sự chọn lọc kỹ càng: "Cùng một ngày về tháng tám như đã từng thấy những chục ngoài năm về trước, sau cơn mưa gió, giọt nước hãy còn đọng lại trong tàu dừa và trên lá xoài trồng theo hai bên vệ đường, thỉnh thoảng một làn gió thổi đến thì rung động mà gieo nặng xuống đất, xói thành những lỗ thủng nho nhỏ. Hạt mưa như sợi tơ bay phấp phới trên mái nhà lá và ngoài trời bao khắp những mây trắng mờ mờ. Bên đường có cậu bé đang cắp sách đi học, vì ngày ấy là ngày tựu trường". Những ngôn từ đẹp, giàu hình ảnh và khả năng biểu cảm trong đoạn văn trên khiến ta liên tưởng đến những trang văn trong các truyện ngắn, tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam.
Có thể nói, từ khi Nam Phong ra đời và giới thiệu hàng loạt các bài viết với nhiều dạng thức khác nhau (du ký, tản văn, lệ ký...) phản ánh một cách nhanh nhạy và chân thực đến từng chi tiết mọi diễn biến của cuộc sống - những chuyện đời thường, giản dị, thì thể "ký" viết bằng chữ quốc ngữ mới chính thức "định hình", bước đầu có được tiếng nói riêng. Sự đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung của "ký" trên Nam Phong đã chứng tỏ khả năng tiềm tàng của thể "ký"
và sự phát triển của nó trong giai đoạn sau của nền văn học. Những trang du ký được ghi chép bằng lối văn giản dị, linh hoạt, câu từ mộc mạc, cùng với những bài tản văn nghệ thuật giàu cảm xúc, suy tư thể hiện qua thứ ngôn ngữ chau chuốt, mượt mà nhưng hết sức trong sáng và tinh tế đã góp phần làm giàu thêm, đẹp thêm thứ ngôn ngữ còn rất non trẻ của dân tộc.
Cùng với các thể tài khác của tạp chí Nam Phong, thể "ký" với một lực
cuốn giáo trình đầu tiên của trường "học làm văn" Nam Phong, giúp cho những
người viết ký giai đoạn sau học tập để sáng tạo nên những bài ký vừa thể hiện được nét hiện đại phương Tây, vừa mang nét truyền thống dân tộc.
3.3- Tiểu kết.
Bằng việc đi sâu tìm hiểu, phân tích, đánh giá hai thể "truyện ngắn" và "ký" trên tạp chí Nam Phong ở cả hai bình diện nội dung và nghệ thuật, chúng tôi đã tái hiện lại không chỉ đời sống phong phú của những "thể loại nhỏ" này trong một giai đoạn văn học có nhiều biến động, mà còn hình dung được sự vận động và phát triển của chúng trên con đường tiến tới nền văn học hiện đại. Đồng thời, trên cơ sở so sánh với sáng tác của các tác giả trước và cùng thời với Nam Phong,
chúng tôi đã chỉ ra được những đóng góp đáng kể của "truyện ngắn" và "ký" trên tạp chí này cho quá trình hiện đại hoá văn học. Bộ phận sáng tác này đã góp phần đắc lực vào quá trình "định hình" và ổn định thể loại truyện ngắn và ký trong nền văn học hiện đại. Mặt khác, chúng cũng đã giúp Nam Phong thực hiện mục tiêu
truyền bá và nâng cao trình độ của chữ quốc ngữ, tạo đà cho văn xuôi quốc ngữ phát triển. Hơn thế, một số "truyện ngắn" và "ký" trên Nam Phong, với biểu hiện
nội dung và nghệ thuật, là những dấu hiệu đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của khuynh hướng hiện thực và lãng mạn, dự báo sự phát triển mạnh mẽ của chúng trong tương lai.