GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TẠI CÔNG TY CHỨNG KHOÁN AN THÀNH
3.1.1. Định hướng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam
Tại hội thảo khoa học “Định hướng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2010-2020”, tổ chức tại Hà Nội ngày 18/11/2009, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường (Ủy ban chứng khoán Nhà nước ) cho biết: Mục tiêu chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020 là phát triển về quy mô, chất lượng hoạt động cho thị trường chứng khoán, duy trì trật tự an toàn cho thị trường.
Về định hướng chiến lược, dự kiến năm 2015, quy mô vốn hoá thị trường đạt 65-70% GDP và đến năm 2020 quy mô vốn hoá thị trường đạt 90- 100% GDP.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính): cần tăng quy mô, chất lượng công ty chứng khoán theo hướng tái cấu trúc (phá sản, thâu tóm, sáp nhập); giảm số lượng công ty chứng khoán từ trên 100 như hiện nay xuống khoảng 50 công ty (bình quân thị phần mỗi công ty chứng khoán là 4 tỷ USD).
Trong dự thảo về chiến lược phát triển TTCK từ 2011 đến 2010, có nêu rõ các mục tiêu cần được trong giai đoạn từ 2011 đến 2020 như sau:
Mục tiêu thứ nhất: Tăng quy mô, củng cố tính thanh khoản cho thị
trường chứng khoán, cụ thể:
a) Phấn đấu đưa tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt từ 80% đến 110% GDP vào năm 2020.
b) Phát triển thị trường trái phiếu trở thành một kênh huy động và phân bổ vốn quan trọng cho phát triển kinh tế. Chú trọng đặc biệt phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ để huy động vốn cho Ngân sách nhà nước và đầu tư xây dựng cơ bản.
c) Củng cố một cách căn bản cầu đầu tư chứng khoán; phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư nhằm kích cầu bền vững, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dài hạn, tiếp tục phát triển hệ thống nhà đầu tư cá nhân
Mục tiêu thứ hai: Tăng tính hiệu quả của thị trường trên cơ sở tái cấu
trúc TTCK, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, chuyên nghiệp hóa việc tổ chức và vận hành hạ tầng công nghệ thông tin
a) Từng bước hiện đại hóa các SGDCK với các hệ thống giao dịch, giám sát và công bố thông tin hiện đại và có khả năng kết nối với các SGDCK quốc tế; đa dạng hóa phương thức giao dịch và sản phẩm thị trường đáp ứng nhu cầu của thị trường;
b) Kiện toàn và phát triển hệ thống lưu ký, đăng ký, thanh toán, bù trừ theo chuẩn mực quốc tế; hiện đại hóa hoạt động của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán bảo đảm khả năng cung cấp các dịch vụ đăng ký, lưu ký các loại chứng khoán trên thị trường, từng bước tham gia và kết nối với TTLKCK quốc tế và trong khu vực.
c) Trên cơ sở hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin tại các SGDCK, TTLKCK, thúc đẩy việc hiện đại hóa công nghệ thông tin của các công ty chứng khoán và các tổ chức khác có liên quan, nhằm bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, thống nhất, tương thích và an toàn. Hạ tầng công nghệ thông tin này phải được tổ chức vận hành, bảo hành, bảo trì, nâng cấp định kỳ một cách chuyên nghiệp, theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt nhất.
Mục tiêu thứ ba: Nâng cao sức cạnh tranh của các định chế trung gian
thị trường và các tổ chức phụ trợ
- Hướng tới hoạt động theo mô hình đa năng;
- Mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài và cung cấp các dịch vụ ít rủi ro;
- Củng cố hệ thống và khả năng quản trị rủi ro.
Mục tiêu thứ tư: Tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, xử
lý vi phạm và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán
a) Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về TTCK theo hướng tăng cường vai trò quản lý, giám sát độc lập; cơ quan quản lý nhà nước về TTCK phải có chức năng lập quy, thanh tra, điều tra và cưỡng chế thực thi.
b) Củng cố năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán trên cơ sở phân định rõ chức năng giám sát giữa Bộ Tài chính/UBCKNN với các bộ ngành, giữa các cấp giám sát khác nhau theo hướng chuyên biệt hóa; tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức tự quản và tổ chức hiệp hội; thiết lập cơ chế chính thức phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong và ngoài nước trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động giám sát, cưỡng chế thực thi, bảo đảm an toàn cho hoạt động chứng khoán trên TTCK Việt Nam.
c) Hoàn thiện hệ thống công nghệ, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động giám sát giữa các cấp giám sát khác nhau.
d) Nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ giám sát trên cơ sở các chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động giám sát, cưỡng chế thực thi.
Mục tiêu thứ năm: Chủ động hội nhập quốc tế, có lộ trình và phù hợp với trình độ phát triển của thị trường trên cơ sở:
a) Hoàn thiện khung pháp lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ cho quá trình hội nhập TTCK quốc tế mà trước mắt là trong khu vực ASEAN.
b) Xây dựng lộ trình tham gia kết nối với các SGDCK trong khu vực ASEAN.
Xây dựng cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin hiệu quả và cơ chế giám sát giao dịch xuyên biên giới với cơ quan quản lý thị trường nước đối tác.
Đặc biệt, trong phần về các nhóm giải pháp phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 đến 2020, đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, dự thảo có nêu:
Trích “Giải pháp về hoàn thiện khung pháp lý giai đoạn 2015 – 2017:
“Quy định về các tổ chức kinh doanh chứng khoán: chuyển từ Mô hình hoạt động chuyên biệt (công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ) sang Mô hình hoạt động đa năng, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán trở thành những tập đoàn tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, hoạt động đa ngành nghề; hoàn thiện các quy định về quản trị rủi ro và an toàn tài chính theo thông lệ tốt nhất”
Trích “Giải pháp nhằm phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường, phát triển các Hiệp hội, tổ chức phụ trợ TTCK”
Đối với công ty chứng khoán:
“-Củng cố năng lực tài chính, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, quản trị doanh nghiệp, chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa các hoạt động kinh doanh chứng khoán, tập trung phát triển các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, môi giới cho công ty chứng khoán; Tạo điều kiện khuyến khích việc tái cơ cấu hệ
thống các công ty chứng khoán theo hướng tinh giản số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động, tăng tính cạnh tranh của các công ty chứng khoán.
- Áp dụng các quy định bảo đảm an toàn tài chính và vốn khả dụng theo các chuẩn mực Basel II đối với hoạt động của các công ty chứng khoán; khuyến khích áp dụng các phương pháp quản trị rủi ro tốt nhất theo thông lệ quốc tế; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính theo các nguyên tắc và chuẩn mực về quản trị rủi ro tốt nhất theo thông lệ quốc tế.
- Từng bước phát triển mô hình tổ chức kinh doanh chứng khoán đa năng, đăng ký các hoạt động kinh doanh chứng khoán theo nhu cầu, và mở rộng phạm vi hoạt động, cung cấp dịch vụ chứng khoán ra thị trường quốc tế. - Tăng số lượng và nâng cao chất lượng nhân viên hành nghề thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán; Chuẩn hóa các chương trình đào tạo cấp phép hành nghề kinh doanh chứng khoán và các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp theo các chuẩn mực cao nhất; Cho phép các tổ chức đào tạo chứng khoán nước ngoài có uy tín thực hiện dịch vụ đào tạo chứng khoán tại Việt Nam. Công nhận các chứng chỉ quốc tế trong lĩnh vực chứng khoán (CFA, CIIA)”