Những phân tích và đánh giá về nội bộ của doanh nghiệp rất quan trọng nhằm nhận diện chính xác các điểm mạnh và điểm yếu bên trong cùng với việc xác định đúng các cơ hội và thách thức bên ngoài là cơ sở cho doanh nghiệp hoạch định sứ mạng, mục tiêu cũng như xây dựng các chiến lược để phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu nhằm tận dụng cơ hội và né tránh nguy cơ từ bên ngoài.
Không thể nào đánh giá được hết tất cả các yếu tố nội bộ của doanh nghiệp do vậy cần chỉ ra các yếu tố chính mà sự hiện diện của chúng có thể là đại diện cho tình hình hoạt động bên trong của doanh nghiệp. Khi nghiên cứu về môi trường nội bộ của doanh nghiệp thì các hoạt động có thể được xem xét là:
1.2.2.1. Hoạt động Marketing:
Marketing có thể được hiểu là các hoạt động liên quan đến nghiên cứu, dự báo, xác định các nhu cầu và mong muốn của khách hàng mục tiêu và đáp ứng tốt nhất các nhu cầu đó bằng cách kết hợp các chiến lược sản phẩm, giá, phân phối, xúc tiến hơn hẳn đối thủ cạnh tranh ở những thị trường trong những giai đoạn khác nhau. Như vậy, hoạt động Marketing ở doanh nghiệp bao gồm hoạt động nghiên cứu thị trường, phân khúc thị trường, lựa chọn thị trường mục tiêu, phân tích khách hàng tiến đến việc hoạch định các chiến lược marketing.
1.2.2.2. Hoạt động sản xuất:
Là hoạt động của doanh nghiệp gắn liền với việc tạo ra sản phẩm, thực hiện việc biến đổi các yếu tố đầu vào thành các yếu tố đầu ra có giá trị lớn hơn. Đây là hoạt động chính yếu của các doanh nghiệp sản xuất, do vậy điểm mạnh và điểm yếu của hoạt động này có ảnh hưởng lớn đến tình hình nội bộ của doanh nghiệp. Các hoạt động chủ yếu của hoạt động sản xuất bao gồm: hoạt động đầu vào, sản xuất, công tác thiết kế hệ thống sản xuất, công suất, năng suất, chi phí trong các quy trình hoạt động, hàng tồn kho, chất lượng sản phẩm, lực lượng lao động trên các dây chuyền sản xuất.
1.2.2.3. Hoạt động nghiên cứu và phát triển:
Hoạt động nghiên cứu phát triển giúp cho doanh nghiệp có thể vươn tới những vị trí cao hơn trong ngành thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào việc tạo ra những sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất và giảm chi phí. Ngược lại một doanh nghiệp yếu về nghiên cứu phát triển sẽ bị tụt hậu năng lực cạnh tranh trong ngành. Phân tích điểm mạnh điểm yếu của hoạt động này cần xem xét trong mối tương quan với các đối thủ cạnh tranh trong ngành tại thời điểm hiện tại và cả xu hướng trong tương lai.
1.2.2.4. Hoạt động tài chính - kế toán:
Tài chính - kế toán là mặt rất quan trọng, được xem xét trong việc đánh giá sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Một doanh nghiêp có các chỉ số tài chính tốt sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư. Hoạt động tài chính - kế toán quyết định tính khả thi và hiệu quả của nhiều chiến lược và chính sách khác nhau trong doanh nghiệp.
Việc phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp được thực hiện thông qua việc phân tích 5 nhóm chỉ tiêu cơ bản bao gồm nhóm chỉ tiêu đánh giá khả năng thanh toán, nhóm chỉ tiêu đánh giá tình hình hoạt động, nhóm chỉ tiêu đánh giá hiệu quả, nhóm chỉ tiêu đánh giá giá trị thị trường và các chỉ tiêu về tăng trưởng.
1.2.2.5. Hoạt động nhân sự:
Nguồn nhân lực được coi là vấn đề quan trọng đối với mọi tổ chức cả hiện tại và tương lai. Những hoạt động của quản trị nhân sự nằm trong quy trình: xác định nhu cầu lao động trong các bộ phận, hình thành các chiến lược và chính sách về nhân sự, tổ chức thực hiện các chương trình hành động, huấn luyện và đào tạo nhân viên, bố trí lao động và kiểm tra, đánh giá các hoạt động liên quan đến các thành viên của doanh nghiệp. Việc phân tích điểm mạnh điểm yếu khi nghiên cứu, phân tích hoạt động quản trị nhân sự trong doanh nghiệp là rất quan trọng.
1.2.2.6. Hoạt động quản trị:
Quản trị bao gồm các chức năng cơ bản như hoạch định, tổ chức, lãnh đạo - điều khiển, và kiểm soát. Phân tích các yếu tố này giúp doanh nghiệp nắm rõ các nhà quản trị cần thực hiện chức năng nào ở mỗi giai đoạn của quá trình quản trị chiến lược.