2.2.1. Phân tích môi trường vĩ mô
2.2.1.1. Môi trường kinh tế:
Công ty Cổ phần Kiên Hùng là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản, mọi sự biến động về kinh tế vĩ mô đều tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm: tình hình kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước: tốc độ tăng trưởng kinh tế; lãi suất ngân hàng; lạm phát; tỷ giá hối đoái; ngoài ra là các nhân tố khác như sự thay đổi chính sách của các ngành then chốt… cũng có tác động đối với doanh nghiệp.
a. Tình hình kinh tế thế giới:
Kinh tế thế giới trong những năm gần đây vẫn còn nhiều bất ổn. Tuy những năm 2012, 2013 có những cải thiện đáng kể về tăng trưởng và việc làm nhưng vẫn chưa bền vững và thiếu ổn định. Bên cạnh đó,tình hình bất ổn chính trị xảy ra ở một số quốc gia vẫn kéo dài nhiều năm qua khiến cho nhu cầu hàng hóa không ổn định cũng như rủi ro khi xuất khẩu vào các thị trường này là khá lớn, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản nói chung.
Có thể nói các nền kinh tế chính ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt nam đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản bao gồm : Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản.
Hoa Kỳ đã dần thoát khỏi suy thoái, bước sang thời kỳ tăng trưởng chậm nên phần nào đã ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế nước ta.
So với Hoa Kỳ, khối Châu Âu nói chung vẫn còn mờ nhạt do vừa thoát khỏi suy thoái. Chính sách thắt lưng buộc bụng của nhiều quốc gia đã làm tổng cầu Châu Âu giảm, trực tiếp ảnh hưởng đến đầu ra của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó thuỷ sản bị ảnh hưởng rất lớn – đặc biệt là công nghiệp sản xuất cá Tra và Tôm. Cùng với Hoa Kỳ và Châu Âu, Nhật Bản cũng là 1 trong 3 thị trường thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là Tôm và Nhuyễn thể. Năm 2013, Nhật Bản có dấu hiệu thoát khỏi suy thoái nhờ chính sách “Abenomic” nhưng chính sách phá giá đồng Yên đã làm ảnh hưởng xấu đến các đối tác xuất khẩu vào Nhật, nhu cầu thủy sản giảm và thay đổi đáng kể về chủng loại. Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn cùng kỳ do bối cảnh và xu hướng chung về thực trạng nền kinh tế nước này do vậy tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thấp hơn những năm qua.
Năm 2013, xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU chiếm tỷ lệ cao nhất của Việt Nam, đạt 44,35%, tăng trưởng 20,4%, Hoa Kỳ tăng trưởng 20,3%, Nhật tăng trưởng 3,8% và xuất khẩu vào Trung Quốc tăng trưởng chỉ 2,1% so với năm 2012.
Các nền kinh tế chủ lực khác hầu hết đều tăng trưởng chậm lại và gặp nhiều khó khăn khách quan cũng như nội tại của nền kinh tế.
Với tình hình thế giới như trên, các quốc gia đã ra sức tiết kiệm chi tiêu, kiểm soát cán cân thương mại, đưa ra các chính sách ngắn hạn nhằm kích thích xuất khẩu và tăng trưởng nên đã tác động trực tiếp đến thị trường xuất nhập khẩu của các quốc gia đối tác.
Trong khi sức cầu đang giảm thì áp lực cạnh tranh lại ngày càng tăng trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó là xu hướng tăng cường các rào cản phi thuế quan từ các nước nhập khẩu thủy sản, ví dụ rào cản Ethoxyquin tại Nhật Bản đối với mặt hàng Tôm, viễn cảnh chính phủ Hoa Kỳ có thể đánh thuế Tôm nhập khẩu của Việt Nam,…
Đối với mặt hàng bột cá và nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi cũng có nhiều biến động. Nhu cầu trên thế giới phụ thuộc rất lớn vào Peru và Chile,2 quốc gia xuất khẩu bột cá lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, năng suất bắp tại Mỹ và giá một số nguyên liệu khác tại Nam Mỹ và Ấn Độ để chế biến thức ăn chăn nuôi cũng tác động đến nhu cầu và mặt bằng giá bột cá.
b. Tình hình kinh tế Việt Nam:
Tình hình kinh tế trong nước năm 2013 gặp rất nhiều khó khăn, hàng tồn kho cao, sức mua yếu trong khi đó các doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn hơn trong bối cảnh Chính phủ vẫn chủ trương chính sách kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Sự khó khăn này đã kéo dài từ những năm trước của phần lớn các doanh nghiệp nên đã làm cho nhiều doanh nghiệp đuối sức.
Nhìn chung các thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước bị thu hẹp, giá nhiều loại sản phẩm, nhất là sản phẩm chăn nuôi, thủy sản ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng cao gây nhiều khó khăn cho phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Tốc độ phát triển kinh tế:
Trong bối cảnh khó khăn của nhiều quốc gia trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định: GDP của Việt Nam từ năm 2008 đến năm
2013 luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, cụ thể là: 6,18%; 5,32%; 6.87%; 6.30%; 5.03% và 5,42% cho thấy sự phát triển tương đối ổn định của nền kinh tế. Tuy nhiên GDP đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại từ những năm 2012. Điều này cho thấy rằng, tuy vẫn duy trì được sựổn định nhưng môi trường kinh tế vĩ mô cũng đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định.
Năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam vẫn còn rất thấp. Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong mấy năm gần đây Việt Nam liên tiếp tụt hạng.Xếp hạng của Việt Nam năm 2013 tăng năm bậc (lên vị trí 70/148 quốc gia và lãnh thổ) chủ yếu nhờ cải thiện về các chỉ số môi trường kinh tế vĩ mô (xếp thứ 87, tăng 19 bậc) khi lạm phát trở về mức một con số trong năm 2012, chất lượng cơ sở hạ tầng (xếp thứ 82, tăng 13 bậc), hiệu quả thị trường hàng hóa (xếp thứ 74, tăng 17 bậc) do các rào cản thương mại, thuế quan cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp giảm. Mặc dù các chỉ số này tăng bậc, song vẫn chỉ được xếp ở mức thấp, kém cạnh tranh.
Kinh tế Việt Nam đã ra khỏi tình trạng tình trạng kém phát triển và kể từ năm 2010 đã bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp, năm 2013 mức thu nhập bình quân đầu người đạt 1960 USD. Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế đang hết sức lo ngại nguy cơ VN sẽ bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp trong thời gian dài với nền kinh tế vẫn còn nặng ở khai thác tài nguyên, gia công dệt may và lắp ráp.
Như vậy có thể thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại chứng tỏ việc thu hút đầu tư và môi trường kinh tế đang gặp những khó khăn trong thời gian gần đây. Điều này sẽ tác động đến khả năng phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.
Lãi suất
So với giai đoạn 2008 – 2012, lãi suất của năm 2013 đã giảm khá mạnh, lãi suất cho vay bình quân trong năm này còn khoảng 11%/năm, trong khi con số này lần lượt là 20,25% và 15,7% trong 2 năm 2011, 2012. Đến cuối năm 2013, lãi suất cho vay bằng VNĐ phổ biến đối với những lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) chỉ còn ở mức 7 -9%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9 - 10,5%/năm ở khối ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước; 9,5 - 11,5%/năm ở khối NHTM cổ phần. Mức lãi suất thấp hơn còn được áp dụng đối với
những doanh nghiệp đáp ứng điều kiện có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả với mức 6,5 - 7%/năm. Lãi suất cho vay USD bằng phổ biến ở mức 4 - 7%/năm; trong đó, các NHTM Nhà nước là 4 - 5%/năm đối với ngắn hạn, 6 - 7%/năm đối với trung và dài hạn; các NHTM cổ phần khoảng 5 - 6%/năm đối với ngắn hạn, 6,5 - 7%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay và huy động hiện nay đang ở mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Bước sang năm 2014, nhiều dự báo cho rằng lãi suất có thể tiếp tục giảm thêm 1-2 phần trăm/năm. Nếu lãi suất cho vay giảm như kỳ vọng, nhiều doanh nghiệp sẽ có cơ hội phục hồi hoạt động kinh doanh và mở rộng đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Tuy mức lãi suất giảm nhưng việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn khó khăn. Trong bối cảnh Chính phủ vẫn chủ trương chính sách kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã tạo áp lực lên doanh nghiệp buộc phải khẳng định hiệu quả sản xuất kinh doanh khi chuyển từ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng quá dễ dàng với lãi suất thấp sang tuân thủ các điều kiện về chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu với lãi suất cao hơn.
Tỷ lệ lạm phát
Lạm phát trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí cho tất cả các hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí đầu vào. Trong thời gian từ năm 2008 đến 2010, lạm phát diễn biến tương đối phức tạp và đỉnh điểm vào năm 2011 với tỷ lệ 18,58%. Mức tăng lạm phát đã đẩy chi phí cho các yếu tố đầu vào tăng cao. Điều này đã dẫn đến thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp khi hàng loạt chi phí đầu vào tăng đột biến.
Bước sang năm 2012, với các chính sách của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, tỷ lệ lạm phát của năm 2012 đã giảm còn 6,81% và giảm còn 6,04% trong năm 2013 – mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên lạm phát vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro với những diễn biến khó lường, đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn dự phòng phương án đối phó với những rủi ro do lạm phát cho kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tỷ giá hối đoái
Sau khi tỷ giá USD/VNĐ được điều chỉnh tăng tới 9,3% đầu năm 2011, đến nay NHNN đã duy trì tỷ giá hối đoái khá ổn định và thậm chí là không thay đổi tỷ giá trong suốt cả năm 2012. Và cho đến giữa năm 2013 mới có sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái chính thức ở mức 1% đồng thời duy trì biên độ dao động của tỷ giá giao dịch tại các NHTM là +/-1%. Điều này đã góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì
được sức mua đối ngoại của đồng Việt Nam, trong bối cảnh sức mua đối nội cũng đã được khôi phục.
Tỷ giá hối đoái ổn định không chỉ hỗ trợ tích cực kiềm chế lạm phát thông qua hạn chế tăng giá hàng hóa nhập khẩu, từ các loại máy móc thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu đến hàng hóa tiêu dùng mà còn góp phần cải thiện cán cân thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng dự trữ ngoại hối.
Với những kỳ vọng thông qua kết quả đạt được từ chính sách tỷ giá hối đoái đã được định hình từ những năm 2012, 2013, dự báo trong tương lai sự ổn định của tỷ giá hối đoái sẽ được tiếp tục duy trì.
Là một doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tỷ giá hối đoái ổn định giúp cho doanh nghiệp hoạch định các kế hoạch kinh doanh một cách chính xác hơn, giảm rủi ro cho doanh nghiệp.
Thông qua phân tích trên, các yếu tố thuộc môi trường kinh tế có tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là:
- Kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.
- Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại.
- Lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.
- Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn do những tiêu chuẩn mới về điều kiện tín dụng.
- Tỷ lệ lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn diễn biến khó lường.
- Chính sách tỷ giá hối đoái ổn định.
2.2.1.2. Môi trường chính trị pháp luật
Là một doanh nghiệp Việt Nam, Công ty kinh doanh trong một môi trường chính trị ổn định, đây được xem là một cơ hội mà doanh nghiệp có thể nhận được.
Doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp 2005 và các pháp luật về ngành nghề hoạt động, bao gồm các chính sách về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các chính sách về chất lượng sản phẩm, các chính sách về thủ tục hải quan, chính sách thuế… Sự thắt chặt hay nới lỏng của các chính sách này sẽ làm gia tăng chi phí hoặc tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cụ thể khi tăng cường các hoạt động kiểm soát chất lượng nhập khẩu, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu do thủ tục phức tạp, kéo theo nhiều chi phí do các rủi ro kéo dài thời gian vì thủ tục nhập khẩu.
Ngoài ra hoạt động xuất khẩu của Doanh nghiệp chịu tác động bởi sự thỏa thuận và các Hiệp định song và đa phương của Chính phủ đối với quốc gia mà Doanh nghiệp có đối tác kinh doanh. Mọi sự thay đổi trong hợp tác giữa Việt Nam và quốc gia khác trực tiếp trở thành cơ hội hoặc thách thức cho doanh nghiệp.
Với đặc thù ngành nghề hoạt động là ngành thủy sản, hoạt động của doanh nghiệp cũng chịu sự tác động với các chính sách dài hạn của Chính phủ, cụ thể là Quy hoạch phát triển ngành thủy sản trong dài hạn. Các chính sách về ngành trong thời điểm hiện tại có thể kể đến 3 văn bản lớn:
1. Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/09/2010 của Thủ tướng Chính phủ).
2. Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/08/2013 của Thủ tướng Chính phủ).
3. Đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11/2013 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn)
Những nét chính của các văn bản này là cơ hội cho doanh nghiệp trong tương lai, đó là những quy hoạch và định hướng phát triển của Chính phủ đối với ngành thủy sản, cụ thể:
- Mục tiêu đến năm 2020, tổng sản lượng thủy sản đạt 7 triệu tấn/ năm, trong đó 35% sản lượng khai thác và 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản.
- Giảm sản phẩm chế biến thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, được cụ thể hóa bằng chính sách ngừng cấp phép thành lập các cơ sở sản xuất sản phẩm thô, sản phẩm sơ chế, bán thành phẩm, khuyến khích ưu đãi các cơ sở chế biến đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đổi mới dây chuyền thiết bị, áp dụng công nghệ mới tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng.
- Hiện đại hóa tàu thuyền khai thác, giảm lượng tàu thuyền đánh bắt ven bờ từ 82% xuống 70% và tăng cường tàu thuyền đánh bắt xa bờ từ 18% lên 30% đến năm 2020.
- Hình thành các Trung tâm nghề cá tại các ngư trường chủ lực, trong đó có tỉnh Kiên Giang.
- Hình thành một số trung tâm phân phối, các đại lý, văn phòng đại diện nhằm phát triển hình thức xuất khẩu trực tiếp, không qua trung gian, trực tiếp cung ứng thực
phẩm đến các trung tâm phân phối, siêu thị của các thị trường lớn, trước hết tại các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản.
- Tăng cường hợp tác kinh tế với các thị trường chủ lực, phát triển thị trường tiềm năng nhằm tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tranh chấp thương mại.
Thông qua những nét chính trên, hoàn toàn sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp nếu mục tiêu chiến lược của ngành đạt được trong tương lai. Đây là yếu tố cần xem xét đến