Tuy hiện nay Công ty chưa có bộ phận Marketing chuyên biệt và là một doanh nghiệp chủ yếu sản xuất và xuất khẩu, nhưng mới mục tiêu chiến lược trong tương lai như đã đề cập, Công ty cần thực hiện một số giải pháp liên quan đến Marketing. Công ty có thể giao cho bộ phận kinh doanh thực hiện các giải pháp này tại thời điểm ban đầu.
Khi quy mô đã phát triển hơn, thị trường và sản phẩm đa dạng hơn Công ty nên xem xét đến việc thành lập một bộ phận Marketing chuyên trách. Các giải pháp như sau:
a. Giải pháp về sản phẩm:
Với chiến lược của mình, doanh nghiệp thực hiện quyết định dãn rộng và bổ sung loại sản phẩm bằng cách cung cấp cho thị trường thêm nhiều sản phẩm mới để đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm. Các sản phẩm mới này là kết quả nghiên cứu của nhóm R&D đã đề cập ở phần trên. Bộ phận kinh doanh cần có sự gắn kết với hoạt động với nhóm R&D theo hai hướng:
- Khảo sát nhu cầu của khách hàng về những mong đợi ở sản phẩm, từ đó phân tích và tổng hợp chuyển giao cho bộ phận R&D tiến hành nghiên cứu.
- Tiếp nhận những sản phẩm mới từ bộ phận R&D, tìm kiếm khách hàng và chào bán sản phẩm.
Cần thường xuyên khảo sát ý kiến phản hồi của khách hàng về những sản phẩm mới, từ đó tổng hợp đánh giá hiệu quả kinh doanh của các loại sản phẩm mới và đề xuất các chính sách để khuyến khích tiếp tục sản xuất hay giảm sản xuất do kém hiệu quả.
Đồng thời đối với các sản phẩm hiện có, doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất cho phần thị trường hiện có, đặc biệt là thị trường Nhật Bản với các khách hàng truyền thống của doanh nghiệp.
Thực hiện việc sàng lọc danh mục sản phẩm hiện tại, xác định chu kỳ sống của sản phẩm để tập trung vào các sản phẩm có hiệu quả kinh doanh cao và khả năng tiêu thụ tốt, giảm và tiến đến cắt giảm sản xuất các loại sản phẩm trong giai đoạn suy thoái, nhu cầu trên thị trường giảm để tối ưu hóa danh mục sản xuất, đưa vào các sản phẩm thay thế thông qua công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm căn cứ trên nhu cầu của khách hàng và thị trường như đã đề cập. Việc này cần được thực hiện cả ở sản phẩm đông lạnh lẫn sản phẩm bột cá.
b. Giải pháp về giá:
Như đã phân tích ở phần trên, giá các sản phẩm của Công ty là khó thay đổi do thị trường quyết định, năng lực của một Công ty xuất khẩu khó có thể tác động được đến giá tại thị trường xuất khẩu. Giá đầu vào cũng phụ thuộc vào thị trường. Do vậy hiện nay và trong tương lai, phương thức định giá bán dựa trên chi phí là khó thay đổi.
Đối với các sản phẩm mới, Công ty có thể sử dụng chiến lược định giá thâm nhập thị trường với lợi nhuận thấp hơn dựa trên phương thức định giá bán theo chi phí nhằm đưa ra giá bán thấp để thăm dò thị trường. Sau khi đánh giá được hiệu quả kinh doanh
của sản phẩm, doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá bán khi sản phẩm mới đã thâm nhập được vào thị trường.
c. Giải pháp về phân phối:
Đối với sản phẩm đông lạnh và bột cá xuất khẩu, kênh phân phối sản phẩm của Công ty là kênh phân phối cấp hai, thông qua Người bán sĩ Người bán lẻ khách hàng. Các khách hàng truyền thống hiện nay của Công ty cũng là Người bán sĩ, sẽ phân phối sản phẩm đến Người bán lẻ rồi đến tay khách hàng.
Hiện nay việc tự xây dựng kênh phân phối ở thị trường xuất khẩu là quá sức đối với doanh nghiệp, do vậy giải pháp cho doanh nghiệp là tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống trên thị trường truyền thống nhằm giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. Doanh nghiệp cần cẩn trọng trong việc tìm kiếm đối tác kinh doanh khi thực hiện các mục tiêu phát triển thị trường.
Về dài hạn, trong định hướng của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp phát triển Nông thôn đối với quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2020 có nội dung: hình thành một số trung tâm phân phối, các đại lý, văn phòng đại diện nhằm phát triển hình thức xuất khẩu trực tiếp, không qua trung gian, trực tiếp cung ứng thực phẩm đến các trung tâm phân phối, siêu thị của các thị trường lớn, trước hết tại các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp bước đầu giảm dần sự phụ thuộc vào Nhà bán sĩ tại nước sở tại và có thể tiếp nhận được nhiều thông tin hơn về thị trường và sản phẩm, giảm thiểu các rủi ro thiếu kiểm soát do kênh phân phối có nhiều cấp. Do vậy Công ty cần cập nhật các thông tin có liên quan để kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác kinh doanh khi các trung tâm này được hình thành trong tương lai.
Đối với sản phẩm bột cá bán nội địa, Công ty trực tiếp tìm kiếm khách hàng và bán sản phẩm, một phần là do đặc thù sản phẩm nên giải pháp về kênh phân phối đối với mặt hàng bột cá bán nội địa có thể tiếp tục thực hiện như hiện nay.
d. Giải pháp về xúc tiến:
Căn cứ vào mục tiêu chiến lược trong tương lai về phát triển thị trường, như đã phân tích ở phần trên doanh nghiệp nên thận trọng khi tìm kiếm đối tác kinh doanh và do đặc thù của doanh nghiệp xuất khẩu, các giải pháp về xúc tiến được đề xuất như sau:
-Tham gia các hội chợ thương mại quốc tế để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của Kihusea đến các thị trường mới.
-Thiết kế các Brochure, Profile thông tin của Công ty nhằm chuyển đến các khách hàng tiềm năng thông điệp về Công ty trong các Hội chợ thương mại quốc tế và trong nước.
-Xây dựng kênh thông tin Công ty thông qua website điện tử và các cổng thương mại trực tuyến.