Phân tích trƣờng hợp công ty Sony Việt Nam

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản ở thành phố Hồ Chí Minh đầu thế kỷ XXI (Trang 48)

Công ty Sony Việt Nam là đại diện điển hình cho một công ty Nhật Bản ở Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong suốt một thời gian dài với nhiều thay đổi cho thấy xu hướng đầu tư đang đổi thay ở các nhà đầu tư Nhật Bản.

Là một tập đoàn điện tử của Nhật Bản được thành lập vào những năm đầu sau Chiến tranh thế giới II, Sony phát triển mạnh mẽ cùng với sự tăng trưởng kinh

tế nhanh chóng của Nhật Bản trong suốt thập niên 50 và 60 để trở thành một trong những tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất máy thu hình, máy nghe nhạc và trò chơi điện tử với nhiều phát minh quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đến mặt bằng công nghệ truyền thông trên thế giới.

So với nhiều tập đoàn Nhật Bản khác đầu tư vào Việt Nam, Sony có mặt khá sớm khi tập đoàn nhận giấy phép đầu tư vào năm 1994 với hình thức liên doanh cùng một nhà sản xuất bản địa là công ty VTB – Vietronic Tân Bình với tổng số vốn đầu tư lên đến 16.6 triệu USD theo tỷ lệ Sony Nhật Bản 70% và VTB 30%. Công ty Sony Việt Nam có trụ sở tại 248A Nơ Trang Long, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử tiêu dùng như TV, đầu máy băng từ, đầu đĩa DVD…

Tốc độ tăng trưởng bình quân của liên doanh ổn định trong khoảng từ 6% đến 8% mỗi năm từ khi được thành lập cho đến năm 2005. Trong quá trình hợp tác sản xuất và kinh doanh với tập đoàn Sony Nhật Bản, VTB đã tiếp nhận được nhiều công nghệ hiện đại trong việc sản sản xuất và bảo hành các TV đèn hình CRT cũng như tiến sang lắp ráp, sản xuất các TV LCD màn hình phẳng tiên tiến. Kết quả là kể từ khi tách riêng ra khỏi lĩnh vực sản xuất của Sony Việt Nam để đeo đuổi, xây dựng thương hiệu riêng của mình, VTB đã đạt được nhiều phát triển vượt bậc trong cả mặt kỹ thuật lẫn quá trình kinh doanh. Theo báo cáo tài chính quý 3/2010 VTB công bố, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý 3/2010 đạt 55,417 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng năm 2010 đạt 186,477 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2010 đạt 5,001 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng năm 2010 đạt 19,040 tỷ đồng.

Trong khi đó, tập đoàn Sony Nhật Bản đã cắt giảm hoạt động sản xuất ở trong nước, tiến tới đóng cửa dây chuyền sản xuất vào tháng 9 năm 2008 và tiến hành rút vốn, giải thể công ty Sony Việt Nam vào ngày 26/10/2010 vừa qua. Sony sắp tới sẽ xây dựng một công ty hoàn toàn mới có tên gọi Sony Electronics với 100% vốn từ tập đoàn Sony Nhật Bản chuyên nhập khẩu và phân phối các sản phẩm thế mạnh của Sony như TV, đầu đĩa, máy ảnh, máy quay kỹ thuật số…

Sự rút lui của Sony không phải chỉ đơn thuần bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra mà bắt nguồn từ một chuỗi dài những vấn đề cả từ nền kinh tế Nhật Bản lẫn những nguyên do từ phía Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Về phía Nhật Bản, nền kinh tế Nhật trong những năm đầu thế kỷ XXI phát triển trở lại sau thời kỳ suy thoái kinh tế vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ những tập đoàn mới nổi của Hàn Quốc trong tất cả các lĩnh vực sản xuất như điện tử, điện gia dụng, viễn thông, ô tô…. Điển hình như tập đòan LG, Samsung, Dae Woo… đòi hỏi các tập đoàn Nhật Bản phải có những thay đổi nhất định để thích nghi với tình hình mới.

Các hãng từ Hàn Quốc phát triển muộn hơn, khó cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn Nhật Bản về mức độ phát triển công nghệ lẫn tiếng tăm thị trường nên các hãng này tập trung tăng cường cạnh tranh về giá cả, mẫu mã lẫn đẩy nhanh tốc độ thay đổi vòng đời sản phẩm (product cycle). Biện pháp cạnh tranh này tỏ ra có hiệu quả khá mạnh mẽ khi các sản phẩm công nghệ không còn có nhiều đột phá rõ rệt về chất lượng, buộc các hãng Nhật Bản phải tìm cách cắt giảm giá thành cũng như thay đổi về mẫu mã trong khi vẫn phải duy trì chất lượng làm lợi thế cạnh tranh.

Chính vì thế nhu cầu tập trung vốn và khoa học kỹ thuật vào một vài địa điểm sản xuất có tiềm năng để có thể cho ra số lượng lớn sản phẩm với mức giá thành hạ đã trở thành lựa chọn hàng đầu của Sony, thay vì chính sách đầu tư dàn trải ở nhiều nơi như trước. Hãng đã đóng cửa nhiều nhà máy của mình ở các nước trên thế giới, đặc biệt là các nhà máy có trình độ phát triển thấp, chỉ đơn thuần lắp ráp các linh kiện nhập khẩu mà trong đó có nhà máy ở quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Bên cạnh đó, một số vấn đề trong nước cũng có tác động đến sự giải thể của Sony Việt Nam. Chẳng hạn như việc đến Việt Nam và đầu tư sản xuất từ sớm khiến cho trong vòng 10 năm trở lại đây, khi tốc độ đô thị hóa ở TP.HCM diễn ra nhanh chóng, nhà máy lắp ráp của Sony Việt Nam ban đầu nằm ở khu vực ven thành phố nhanh chóng lọt thỏm trong khu vực dân cư đông đúc, gây khó khăn cho việc mở rộng quy mô sản xuất về nhà xưởng. Mặt khác, cũng chính vì tốc độ đô thị hóa nhanh nên các công trình cơ sở hạ tầng trước đây phục vụ riêng cho sản xuất trở nên quá tải. Nạn kẹt xe xảy ra thường xuyên do con đường Nơ Trang Long trở nên nhỏ

hẹp với lưu lượng xe ngày càng tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, việc bê tông hóa các khu đất nông nghiệp, san lấp các con lạch thoát nước chằng chịt khiến cho hệ thống thoát nước khó khăn hơn, biến nhiều khu vực thấp của quận Bình Thạnh trở thành các điểm ngập nặng khi xảy ra mưa lớn kết hợp với triều cường.

Tuy vậy, vấn đề quan trọng nhất vẫn nằm ở các chính sách điều khiển kinh tế vĩ mô của chính phủ chưa thực sự hợp lý và đồng bộ. Từ năm 2003 trở về trước, với chính sách khuyến khích các hãng công nghệ đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam, nhà nước đã thi hành chính sách bảo hộ nền sản xuất với mức thuế suất nhập khẩu của các mặt hàng điện tử ở mức cao, đạt mức 50% nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến xây dựng các nhà máy sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, sau một thời gian dài mà nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam không được đầu tư tương xứng, tỷ lệ nội địa hóa thấp, mức giá cao nên khó tiêu thụ, tạo nên một thị trường nhỏ bé so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Kết quả là trong suốt một thời gian dài, công ty Sony Việt Nam vẫn chỉ hoạt động cầm chừng phục vụ cho lượng khách hàng ít ỏi trong nước, không thể tiến hành tăng vốn đầu tư sản xuất cũng như chuyển giao những công nghệ tiên tiến cho Việt Nam mà vẫn tiến hành lắp ráp thủ công, dựa trên nguồn lao động giá rẻ trong nước.

Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu linh kiện vẫn giữ ở mức cao khiến cho việc cắt giảm thuế nhập khẩu với mặt hàng điện tử thành phẩm theo lộ trình cam kết với WTO đã có tác động mạnh vào hoạt động sản xuất trong nước của các liên doanh sản xuất các mặt hàng điện tử.

Sự cắt giảm nhanh chóng của thuế suất các mặt hàng điện tử trong những năm tiếp theo, tiến đến chỉ còn mức 0% đến 5% khiến cho việc nhập khẩu từ các công xưởng khác trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia trở nên hiệu quả hơn việc sản xuất trực tiếp trong nước khiến cho không chỉ Sony mà còn nhiều nhà sản xuất khác lựa chọn phương án này để tăng lợi nhuận. Việc giải thể công ty Sony Việt Nam để thành lập công ty Sony Electronics Vietnam chỉ là một hành động cụ thể thể hiện cho xu hướng này trong thời gian gần đây và trong tương lai của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản khác.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản ở thành phố Hồ Chí Minh đầu thế kỷ XXI (Trang 48)