Là một ngành công nghiệp đặc biệt, công nghiệp dầu khí có những đặc điểm công nghệ - kỹ thuật đặc thù, không những đòi hỏi vốn đầu tư lớn, ngành còn cần những kỹ thuật công nghệ cao, thường xuyên thay đổi cũng như phương thức và kinh nghiệm quản lý độc đáo.
Không chỉ giai đoạn tìm kiếm thăm dò mà các giai đoạn khác cũng cần đến một trình độ công nghệ kỹ thuật tiên tiến và hiện đại mà trong nước chưa có đủ. Việc khoan những giếng sâu hàng nghìn mét cần có những giàn khoan hiện đại, kỹ thuật và độ chính xác cao, cùng với nó là những phương tiện máy móc tối tân khác như bơm điện ly tâm... Thêm vào đó, kiến thức chuyên môn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật cũng như trình độ tổ chức của đội ngũ cán bộ quản lý cũng phải đạt được ở mức độ cao. Chỉ có vậy mới đảm bảo tiến hành và giám sát được các hoạt động một cách hợp lý và trôi chảy. Tuy vậy, như đã đề cập ở trên, ngành dầu khí còn quá mới mẻ, do đó việc quản lý giám sát, điều hành các hoạt động dầu khí còn thiếu kinh nghiệm, mặt khác các phương tiện máy móc hiện đại chúng ta hầu như chưa có do thiếu vốn. Tất cả những yêu cầu và khả năng hiện có cho thấy cần phải có sự đầu tư trợ giúp từ bên ngoài về kỹ thuật công nghệ, đào tạo cán bộ... các thiết bị máy móc
cho giai đoạn tìm kiếm thăm dò, hệ thống ống dẫn và máy móc phục vụ cho giai đoạn khai thác, dây chuyền sản xuất và thiết bị kiểm tra sản phẩm của giai đoạn chế biến...
Trong lĩnh vực dịch vụ cũng đặt ra yêu cầu tương tự: Một hệ thống dịch vụ hoàn hảo với đội ngũ cán bộ lành nghề, các phương tiện kỹ thuật hiện đại phải được trang bị đầy đủ mới cạnh tranh được với các quốc gia lân cận mới tạo thế mạnh cho mình và tạo đà cho các lĩnh vực khác.
Những nhu cầu đó vượt quá khả năng sẵn có có thể huy động được của ngành dầu khí Việt Nam. Vì vậy, cần phải tạo nên những thế mạnh cho ngành thông qua thu hút đầu tư nước ngoài. Việc nhập khẩu kỹ thuật cho phát triển ngành dầu khí đáp ứng nhu cầu cho các bên liên quan một cách hợp lý. Về phía Việt Nam sẽ có kỹ thuật hiện đại, công nghệ mới cũng như các phương tiện cần thiết cho hoạt động của ngành. Bên đầu tư nước ngoài sẽ có cơ hội tham gia vào ngành dầu khí Việt Nam và tìm thấy lợi nhuận qua các hoạt động này. Cũng do đặc điểm của ngành đòi hỏi trình độ và kinh nghiệm tổ chức quản lý cao mà Việt Nam không thể có ngay được nên tất yếu phải học tập kinh nghiệm của nước ngoài.
Để đạt được mục tiêu phát triển ở mức cao như hiện nay trở lên ngành dầu khí Việt Nam cần phải đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ nhiều hơn nữa. Nếu những dự án đầu tư trong những năm đầu thập kỷ 90, mặc dù đang đem lại những hiệu quả cao, thì ngay bây giờ và những năm tới, Tổng công ty dầu khí Việt Nam cần đầu tư chiều sâu nhiều hơn cho tất cả các lĩnh vực từ thăm dò, tìm kiếm đến khai thác và nhanh chóng mở rộng đầu tư vào công nghệ chế biến sản phẩm dầu và khí. Đây cũng là một trong những nhân tố có tính chất quan trọng để phát triển ngành dầu khí.